50 năm xây dựng lộ trình bá chủ biển Đông
Giàn khoan 981 của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam là một nước cờ trên bàn cờ rất lớn mà Trung Quốc đã dựng sẵn từ hơn nửa thế kỷ trước.Giàn khoan 981 nằm trong bàn cờ lớn
. Phóng viên: Thưa ông, biển Đông nằm ở đâu trong sách lược phát triển quốc gia của TQ?
+ PGS-TS Alexander L. Vuving: Từ khi mới ra đời, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã để mắt tới biển Đông. Trên các bản đồ chính thức của TQ, muộn nhất là từ những năm 1970 luôn có đường lưỡi bò. Trong kế hoạch “thoát ra biển lớn” của TQ, ngay từ những năm 1980 đã nhắc đến hai chuỗi đảo ngoài khơi Tây Thái Bình Dương che chắn con đường vươn ra biển lớn của TQ. Biển Đông nằm trong chuỗi đảo thứ nhất, chạy dài từ quần đảo Nhật Bản, qua Đài Loan, Philippines cho đến Indonesia. Hơn thế nữa, đây còn là con đường hàng hải huyết mạch của châu Á và thế giới chạy từ Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca và biển Đông.
Hiện nay, khoảng một nửa lượng vận tải biển của thế giới, 1/3 lượng dầu mỏ chuyển qua đường biển trên toàn cầu đi qua khu vực eo Malacca và biển Đông. Trong tương lai, với sự dịch chuyển của trục kinh tế thế giới sang châu Á, lượng hàng hóa thông qua biển Đông càng có tỉ trọng lớn hơn. Nhìn vào dòng thông thương của châu Á có thể thấy ai muốn làm bá chủ châu Á trước hết phải giành quyền bá chủ biển Đông.
. Để làm bá chủ trên biển, TQ sử dụng những yếu tố nào để xây dựng chiến lược hành động của mình?
+ Trong nhiều thập niên qua, Mỹ gần như giữ vai trò lãnh đạo ở châu Á. Một trong những điều kiện giúp Mỹ giữ được vai trò này là nhờ sự thống trị của hải quân Mỹ trên các vùng biển Tây Thái Bình Dương, trong đó có biển Đông. Nay TQ muốn vươn lên hất cẳng Mỹ thì trước hết phải giành được quyền bá chủ biển Đông và biển Hoa Đông. Tuy nhiên, nếu trực diện hất cẳng Mỹ thì TQ chưa đủ sức.
Vì thế TQ phải tận dụng điểm yếu của Mỹ và điểm mạnh của bản thân. TQ cho rằng điểm mạnh của mình là có yêu sách lãnh thổ, đó cũng là điểm yếu của Mỹ vì về nguyên tắc Mỹ phải đứng trung lập trong các tranh chấp lãnh thổ giữa các nước khác. Đây là lý do khiến TQ “dở chiêu trò” bằng cách sử dụng tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng để thực hiện tham vọng độc chiếm biển Đông và biển Hoa Đông.
Tận dụng “khoảng trống” để đi từng bước một
. Nhìn một cách tổng thể, đâu là lộ trình của chiến lược bá chủ trên biển của TQ?
+ Chiến lược của TQ có những nấc thang khác nhau. Tuy nhiên, không thể sắp xếp lộ trình này theo thứ tự thời gian, không gian được. Mức độ cao thấp, ưu tiên của các nấc thang phải dựa vào thời cơ cùng các điều kiện cụ thể. Khi có thời cơ và điều kiện, TQ sẽ tiến hành các hành động mấu chốt.
Cụ thể, TQ ra sức chiếm giữ các đảo nổi và chìm; thiết lập tổ chức chính quyền, đưa dân ra sinh sống, tăng cường hoạt động kinh tế địa phương; hạ đặt các cấu trúc, vật thể cố định để chiếm giữ các vùng biển không có đảo; xây dựng các vị trí chiếm giữ thành những căn cứ phục vụ quân sự và kinh tế; ban hành các lệnh cấm (ví dụ cấm đánh bắt cá), các quy định (như vùng nhận dạng phòng không, vùng đánh bắt cá…) để khẳng định kiểm soát chủ quyền; đưa ra các loại tàu thuyền, đặc biệt là tàu chấp pháp, kể cả tàu cá của dân ra chiếm lĩnh mặt nước; tăng cường các hoạt động nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên trong khu vực đường lưỡi bò.
. Từ trước đến nay, TQ đã tận dụng những thời cơ, điều kiện cụ thể nào?
+ Điều kiện quan trọng chính là hải quân. Khi TQ bước vào giai đoạn hiện đại hóa từ cuối những năm 1970, hiện đại hóa hải quân là một ưu tiên trong tổng thể kế hoạch của TQ.
TQ còn tận dụng thời cơ để thay đổi thế trận trên biển bằng cách chiếm giữ thêm các vị trí trên biển Đông mỗi khi thời thế tạo ra những khoảng trống quyền lực trong khu vực. Điển hình như vào năm 1956, khi Pháp rút khỏi Đông Dương, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, TQ đã lợi dụng lúc chính quyền Việt Nam chưa ra tiếp quản chủ quyền của mình được đã đưa quân vào chiếm đóng trái phép cụm đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa. Suốt từ đó đến nay, TQ luôn ý thức được tầm quan trọng của việc khẳng định chủ quyền và bất kể khi nào có thời cơ là ra tay chiếm hữu các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm 1974, khi Ngoại trưởng Mỹ Kissinger “đi đêm” với TQ, nhất là sau khi Quốc hội Mỹ ra luật cấm Mỹ can thiệp quân sự vào Đông Dương, TQ ngay lập tức chớp thời cơ chiếm tiếp cụm đảo phía tây của quần đảo Hoàng Sa Việt Nam từ tay chính quyền Sài Gòn.
Năm 1988, sau khi Liên Xô cắt giảm viện trợ cho Việt Nam và Gorbachov chuyển sang chính sách hòa giải với TQ, TQ liền đưa quân ra chiếm một lúc sáu đảo có vị trí quan trọng ở quần đảo Trường Sa.
. Hiện kế hoạch thực hiện mưu đồ bá chủ của TQ đang đi đến đâu?
+ Thời gian qua, lợi dụng tình hình Mỹ khó khăn về kinh tế, phải cắt giảm dữ dội ngân sách quốc phòng, đồng thời chính quyền Obama chủ trương “mềm mại” với TQ, TQ liền tăng cường lấn lướt nhiều quốc gia láng giềng.
Một mũi tiến công của TQ ở biển Đông trong giai đoạn này là chiếm các bãi đá ngầm trong vùng kiểm soát của Philippines. Tuy TQ chưa thành công trong việc đặt chân lên bãi Cỏ Rong và đẩy Philippines ra khỏi bãi Cỏ Mây nhưng TQ đã giành quyền kiểm soát bãi Scarborough trên thực tế.
Một mũi tiến công khác là giành quyền kiểm soát trong vùng đặc quyền kinh tế ven biển miền Trung Việt Nam. Các sự kiện lớn trong quá trình này là vụ TQ cắt cáp thăm dò dầu khí của Việt Nam năm 2011; TQ mời thầu chín lô dầu khí ngoài khơi miền Trung Việt Nam 2012; mới nhất là giàn khoan 981 trái phép.
Cần nhấn mạnh rằng, 981 là một nấc thang quan trọng. TQ gọi giàn khoan 981 là lãnh thổ quốc gia di động. Họ sử dụng nó như một vũ khí chiến lược có tầm quan trọng không khác gì các loại tàu chiến, máy bay hay tên lửa nhằm hiện thực hóa tham vọng của mình. Việc này tạo ra tiền lệ nguy hiểm giúp TQ leo lên các nấc thang mới để chiếm lĩnh các vùng biển khác trên biển Đông.
ĐỖ THIỆN
TS Đỗ Sơn Hải, Học viện Ngoại giao Việt Nam: Tận dụng 981 làm chất “kết dính” ASEAN
Trong thời gian qua, TQ ứng xử theo kiểu ASEAN nói cứ nói, TQ làm cứ làm. Việt Nam cũng đã ra sức đấu tranh ngoại giao, trong đó tận dụng sức mạnh chung ASEAN. Tuy nhiên để hiệu quả hơn, tôi nghĩ ngoài những gì đã làm trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cần chủ động tổ chức hoặc thông qua tài trợ quốc tế để tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế về vấn đề xâm phạm lãnh thổ của TQ. Hội nghị Bộ trưởng ASEAN 2014 lần đầu tiên trong hơn hai thập niên qua thành công trong việc đưa ra tuyên bố về biển Đông. Bởi lẽ đa phần các nước ASEAN quan ngại về hành động có tính khiêu khích của TQ. Ngoài ra cũng cần phải kể đến nỗ lực ngoại giao của Việt Nam (bài diễn văn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng). Sự thống nhất của ASEAN trong vấn đề hết sức gai góc này đang mở ra một giai đoạn mới, có thể là động lực giúp ASEAN xây dựng thành công ba cộng đồng theo đúng thời hạn vào năm 2015.
ThS Trương Minh Huy Vũ, Đại học KHXH&NV, NCS tại CHLB Đức: Thuyết phục Mỹ cùng đồng minh của Mỹ
Quan điểm của Mỹ tại biển Đông là nhất quyết bảo vệ tự do hàng hải tại khu vực. Vì lẽ đó, lá bài “giàn khoan” của TQ nếu có những tác động tiêu cực đến tự do hàng hải của khu vực thì Mỹ sẽ phản ứng để chống lại. Và có thể thấy những phản ứng này qua tuyên bố của các quan chức Mỹ từ Phó Tổng thống Joe Biden đến Ngoại trưởng John Kerry.
Tuy nhiên, Mỹ sẽ không có thêm nhiều hành động trên thực địa cho đến khi tình hình còn chưa leo thang đến mức xung đột vũ trang.
Như trường hợp bãi đá ngầm Scarborough với Philippines, một đồng minh của Mỹ tại Đông Nam Á năm 2012. Việc TQ sử dụng những tàu cá với chiêu bài dân sự đã hạn chế Mỹ tham gia trực tiếp bảo vệ lợi ích Philippines. Nhưng nhìn kỹ vấn đề, cái Mỹ muốn đứng trên lợi ích của nước họ là một khu vực biển Đông hòa bình và ổn định được quản lý bằng luật pháp quốc tế chứ không ưu tiên hỗ trợ hay ủng hộ nước nào (dù có là đồng minh) bằng các biện pháp quân sự.
Để tận dụng sức mạnh Mỹ trong trường hợp này, hợp tác quốc phòng có thể thực hiện qua “những bước đi nhỏ”. Một là Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam trong kỹ thuật quốc phòng, đặc biệt ngay cả trong lĩnh vực chia sẻ tình báo và hình ảnh vệ tinh.Hai là nếu Việt Nam thúc đẩy liên kết chặt chẽ hơn với các đồng minh quân sự của Mỹ tại khu vực, những nước cũng đang bị TQ đe dọa chủ quyền, một kiểu “liên minh mềm mang đặc tính đa phương” sẽ xuất hiện. Trong cơ chế này, Mỹ có thể cung cấp các hỗ trợ quân sự thông qua trung gian là hai nước Đông Bắc Á (Nhật Bản) và Đông Nam Á (Philippines) đang có xu hướng đứng cùng chiến tuyến với Việt Nam.
PLO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét