Học để làm gì?
Trọng tâm của giáo dục là việc học, chứ không phải là việc dạy hay nội dung chương trình. Vì thế, mọi hoạt động của giáo dục theo tôi đều phải xoay quanh việc học.Hệ thống giáo dục hiện thời đang đặt trọng tâm vào “Học cái gì?”, vì thế sách giáo khoa sẽ chiếm vị trí là trung tâm. Đó là lý do vì sao những cuộc cải cách giáo dục trong suốt mấy chục năm qua chỉ loay hoay vào sách giáo khoa. Ngay cả đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đang được triển khai cũng tập trung vào sách giáo khoa với lượng kinh phí lớn.
Sách giáo khoa là chân lý. Ông thầy với cuốn sách giáo khoa trong tay chính là hiện thân của chân lý. Học sinh sẽ không được nói những điều khác sách, không được phản biện, chất vấn thầy cô. Việc học sẽ tiến hành theo kiểu đọc - chép, học thuộc, luyện tập nhuần nhuyễn các dạng bài, theo mẫu hoặc sách tham khảo.
Việc lấy “Học cái gì?” làm trọng tâm cũng dẫn đến một hệ quả tất yếu là học để thi vì đó là cách dễ nhất để kiểm tra xem học sinh đã học được cái gì. Mà khi đã học để thi thì bệnh thành tích cũng là hệ quả hiển nhiên, không cách nào khắc phục được.
“Học cái gì?” và “Học để thi” cũng là cách tốt nhất để thể hiện quyền uy của người thầy, vì chỉ cần kiểm tra học sinh xem có thuộc như sách hay không là nắm trọn quyền sinh, quyền sát trong tay. Đây là cách tiếp cận yêu thích của các nhà quản lý vì dễ dàng kiểm soát. Chỉ cần nắm chặt sách giáo khoa là kiểm soát được cả hệ thống.
Muốn thoát khỏi cách tiếp cận này thì hệ thống giáo dục cần phải thay đổi từ “Học cái gì?” sang “Học thế nào?” và lý tưởng nhất là chuyển hẳn sang “Học để làm gì?”.
Càng lên cao thì “Học để làm gì?” càng trở nên quan trọng. Với bậc đại học thì “Học để làm gì?” là câu hỏi chủ chốt mà mỗi sinh viên, và rộng hơn là nhà trường, cần phải trả lời. Với một cá nhân, muốn việc học có hiệu quả thì phải trả lời bằng được câu hỏi “Học để làm gì?”. Với một hệ thống giáo dục, muốn cải cách thành công thì câu hỏi này cũng phải được bàn thảo một cách thấu đáo.
Vậy nên, trong hơn một năm qua, tôi thường làm các khảo sát bỏ túi xung quanh câu hỏi “Học để làm gì?” với những bạn học sinh, sinh viên hoặc phụ huynh mà tôi gặp. Câu trả lời thường rơi vào các nhóm như sau: Học để thi; học vì bố mẹ bảo học; học vì không biết làm gì khác; học mà không biết học để làm gì; học vì tất cả mọi người đều như vậy; học như một quán tính, hết cấp 1 thì lên cấp 2, lên cấp 3, rồi vào đại học.
80% học sinh trung học cơ sở và phổ thông trung học, 50% sinh viên trả lời: học để kiếm tiền hoặc học để sau này có công ăn việc làm. Khoảng 40-50% sinh viên đại học và 20-25% học sinh phổ thông trung học nói rằng: học để có thể tự lo cho cuộc sống của mình, kiếm được công việc phù hợp, sau này đỡ khổ và giúp đỡ gia đình.
80-90% bậc phụ huynh trong kỳ thi đại học vừa rồi trả lời: học để mở mang hiểu biết hoặc học để có địa vị trong xã hội.
Câu trả lời chung trong các nhóm khác nhau, chiếm tỷ lên khoảng 5-10%, tùy theo nhóm là học để tự hoàn thiện mình. Với một số người có tuổi, hoặc giáo viên, thì có thêm câu trả lời: Học để làm người.
Như vậy có thể thấy, phần lớn các bậc phụ huynh đặt mục tiêu cho việc học của con để sau này có một công ăn việc làm tốt, kiếm được tiền lo cho bản thân và gia đình. Một số khác ít hơn cho rằng học để mở mang hiểu biết, để có địa vị trong xã hội. Với sinh viên thì mục tiêu học để kiếm tiền, để có công ăn việc làm chiếm khoảng một nửa, còn lại là học mà không có bất cứ mục tiêu nào.
Điều ngạc nhiên là trong số những người được hỏi, có đến >95% cho biết họ chưa từng tự đặt câu hỏi này cho bản thân mình.
Xét về logic thì đây là một sự bất hợp lý. Trung bình một người đang đọc bài viết này chắc hẳn đã đầu tư khoảng 10-20 năm để đi học. Một đầu tư rất lớn về thời gian và tiền bạc như vậy mà mục đích lại không rõ ràng thì thật là kỳ lạ.
Tất cả đều quay cuồng dạy và học, đua nhau nhồi nhét kiến thức, mà rất ít khi dừng lại tự hỏi: Học để làm gì?
Xét rộng hơn cho cả hệ thống thì kết luận cũng tương tự. Khi câu hỏi “Học để làm gì?” không được trả lời thì tính hướng đích của hệ thống sẽ không rõ ràng. Hoạt động của hệ thống sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn. Cải tiến, cải lùi, rồi lại cải tiến, rồi chạy lại vòng vòng, như mấy chục năm qua, là kết quả có thể dự đoán trước.
Trong mớ bòng bong đó, rất may, UNESCO đã đưa ra câu trả lời giúp chúng ta nhân dịp bước sang thiên niên kỷ mới, rằng: Học để biết, Học để làm, Học khẳng định mình và Học để chung sống với người khác (learning to know, learning to do, learning to be and learning to live together). Đây là một nhận định sáng suốt của UNESCO và cần được phổ biến. Nhưng đây không phải là câu trả lời duy nhất.
Trong số các câu trả lời mà tôi nhận được thì cá nhân tôi cho rằng, học để làm người là một nhận định xác đáng và sẽ vẫn còn chỗ đứng trong giáo dục. Vấn đề là người như thế nào?
Điều đó cho thấy câu trả lời này có nội hàm mập mờ, thậm chí hàm chứa cạm bẫy áp đặt quan niệm, nên cần làm rõ. Chẳng hạn, chỉ cần dấn thêm một bước bằng câu hỏi người là gì, hay làm người theo tiêu chí nào, thì câu trả lời này sẽ rơi vào thế tắc hoặc hỗn loạn vì có quá nhiều đáp án.
Thử tự trả lời: Trong ba câu hỏi của việc học, thì đâu là câu hỏi quan trọng nhất? Bạn đã từng đặt câu hỏi “Học để làm gì?” chưa? Nếu có thì câu trả lời của bạn là gì? Bạn hiểu thế nào về học để làm người?
Bạn sẽ có đáp án cho việc học của mình.
Giáp Văn Dương
http://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/hoc-de-lam-gi-2984045.html
nói thật, trong suốt quá trình 12 năm học + 4 năm học đại học tôi luôn tự hỏi mình học để làm gì, nhưng chẳng ai có thể trả lời câu hỏi này cho tôi cả. Việc tôi phải làm chính là cố gắng bằng mọi cách để đạt điểm cao trong các kỳ thi để mong có cái bằng đại học khá giỏi, như vậy sau này đi xin việc cũng dễ dàng hơn. Tôi cũng muốn làm được những việc có ích cho xã hội nhưng tôi không biết làm cách nào. nhà trường, thầy cô và sách giáo khoa chẳng thể giúp gì được cho tôi...
Liễu Phong - 11:47 5/5
3 câu hỏi này là bạn phải hỏi chính mình và trả lời, chứ không phải để người khác trả lời. Như các tấm gương thành công và đầy nghị lực mới đạt được (như Bill Gate, Bầu Đức,...), là những người đã trả lời được 3 câu hỏi đó và nhiều câu hỏi khác cho cuộc đời họ nên họ "không học" ở trường (đại học, cao học) như chúng ta, mà họ tự học những gì cần thiết cho cuộc đời, công việc của họ. Và họ học liên tục, cần những kiến thức mới cho dự án hay kế hoạch mới thì họ phải biết thì mới dám đầu tư. Dĩ nhiên là cách họ học khác với cách sinh viên, học sinh học ở trường. Có rất nhiều phương pháp để đạt được điều mình muốn, quan trọng là phải biết mình muốn gì. Đó cũng là ý của tác giả bài viết.
theo tôi thì chính xác nhất sẽ là đáp án " HỌC ĐỂ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SỐNG CHO MÌNH VÀ MỌI NGƯỜI" , để hiểu rõ câu này thì cần một bài viết nêu rõ chi tiết hơn
Học để có tri thức. Từ tri thức kết hợp kinh nghiệm thực tiễn sẽ có trí tuệ. Có Trí tuệ đánh bại Vô minh (Phật Giáo), có Trí tuệ để làm ra của cải. Có Trí tuệ thì Tiền-Quyền tự đến. Mình đã nghĩ như thế nên thời SV chỉ tập trung những môn mình thấy hữu ích thôi. Giờ đi làm mới thấy may nhờ suy nghĩ như vậy nên đường đời mình khá suôn sẻ và sự nghiệp cũng nhiều phát triển. P/S: Mình mong các em học sinh cấp 3 nên ra đời sớm, tìm việc part-time để làm thay vì tụm năm tụm bảy như bây giờ. Khi đó các em sẽ định hướng được khả năng bản thân, công việc yêu thích thì phấn đấu lên đại học học đúng ngành thì sẽ đỡ lãng phí cho cha mẹ và xã hội rất nhiều. Năm nào cũng nghe các em hỏi Nên học ngành nào? Thi trường nào? Nghe ai hướng nghiệp.. mà thấy đau lòng. Chuyện hệ trọng ảnh hưởng cả đời mà cứ mông lung thì chết chắc!
Học để làm chủ . ( làm chủ bản thân , làm chủ tiền bạc , làm chủ cuộc sống và làm chủ vũ trụ....) Nhưng xã hội bây giờ đa số là học để đi làm thuê , làm giàu cho người khác. hi hi
Học để cải cách giáo dục
Saigon Sale - 12:46 5/5
Học để "giữ ghế" và thăng quan tiến chức.
nguyenquangtrung.ou - 14:32 5/5
Sai, các quan chẳng cần học vẫn có ghế và giữ được ghế. Các quan chức mà tôi biết chỉ đến ngồi ở lớp và rồi đi nhậu với thầy và kết quả rất khả quan: Có bằng, có quyền và có tiền.
Miền Trung - 23:58 5/5
Bài viết hay và phản ánh đúng thực tế hiện trạng tình hình giáo dục của nước ta hiện nay. Đọc bài này xong, người đọc sẽ có 1 định hướng hợp lý tốt hơn trong việc học cũng như có thể áp dụng với các vấn đề khác trong cuộc sống. Cám ơn tác giả!
Cải cách =))) từ mà nghe rất nhàn tai ở GDVN. Cả hệ thống GD trả lời câu " học để làm gì " đi !
Học để trở thành một người có khả năng tự lập (độc lập), sống tư do và hạnh phúc. Học để trở thành người có năng lực để đóng góp và phục vụ cho xã hội.
Trần Hiệp Thành - 13:05 5/5
Từ hồi nhỏ tôi đã có câu trả lời này đó là học để biết, vì vậy xuyên suốt quá trình học thì những cái gì chưa biết, những cái gì còn nảy sinh trong cái đầu non nớt của học sinh là tôi đem ra đi hỏi và học, kết quả về mặt tích cực đó là đến khi ra khỏi trường đại học, những kiến thức và công nghệ nó ăn sâu đến mức hầu như tất cả các vấn đề do nhà phỏng vấn tôi đều có rất nhiều đáp án cho họ, giải quyết đến mức "bản chất" của vấn đề, và sau này khi đi làm mỗi một vấn đề nảy sinh về công nghệ cũng như cách giải quyết vấn đề tôi đều bật ra được câu trả lời góc cạnh nhất cho bản thân cũng như đồng nghiệp. Mặt trái của nó đó là có quá nhiều câu hỏi cần giải quyết "nó là cái gì" và tôi bị lan man trong câu hỏi cũng như câu trả lời đó, một sự định hướng lan man đã khiến cho kết quả điểm số của tôi không bao giờ đáp ứng mong mỏi của bản thân vì đã sa đà vào việc tự giải quyết vấn đề trong khi kiến thức của xã hội là biển cả. Do vậy nền giáo dục cần phải định hướng thay cho cái đầu non nớt của tôi, phải biết tôi có năng khiếu và thiên hướng về cái gì để làm người hướng dẫn, hướng sự chú ý của tôi vào nó thì tôi mới có đủ sinh lực cũng như năng lực để thực hiện. Với tình hình học hành như hiện nay, tôi nghĩ đó là một sự thất bại của nền giáo dục, những thành công nếu có đó chẳng qua là thành công của một nhóm người có năng lực đã được tập hợp lại và trương biển quảng cáo " chúng tôi thành công là nhờ nền giáo dục Việt Nam".
không phải bàn nhiều, các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Châu Âu... họ làm như thế nào thì bắt chước mà làm!
Trong công cuộc đổi mới giáo dục lần này đề nghị Bộ Giáo Dục phải lấy trọng tâm định nghĩa của UNESCO " HỌC ĐỂ BIẾT, HỌC ĐỂ LÀM VIỆC, HỌC ĐỂ KHẲNG ĐỊNH MÌNH, HỌC ĐỂ CHUNG SỐNG VỚI NGƯỜI KHÁC" để làm mục đích để thay đổi giáo dục cho đất nước mình. Giáo dục lấy mục tiêu định nghĩa của UNESCO để làm chuẩn để đổi mới toàn diện nền giáo dục của đất nước ta chỉ có như vậy “ ...non sông Việt Nam mới sánh vai với các cường quốc trên thế giới...”
Theo cá nhân tôi đánh giá rất cao về vấn đề HỌC ĐỂ LÀM NGƯỜI,có thể nói các môn chính đối với học sinh và giáo viên điều rất quan trọng,đó là cái đích mà mọi người cùng nổ lực hướng đến. Nhưng giáo dục về đạo đức,giáo dục công dân lại là những môn phụ. Song song với vấn đề đó ra trường thất nghiệp,ý thức về cuộc sống và đạo đức kém,đã làm không ít người phải vào tù vì những lý do về đạo đức và nhận thức mà giáo dục chưa đủ sức để truyền đạt hết. Thử hỏi mấy ai đã từng hiểu và sống đúng nghĩa theo các câu tục ngữ ngày xưa như câu TIÊN HỌC LỄ,HẬU HỌC VĂN. Học sinh bây giờ còn đánh lại cả thầy cô và cha mẹ thử hỏi ra xã hội còn làm nên những chuyện gì nữa? Ngày càng trộm cướp,móc túi,lừa đảo v.v..... Họ cũng đã không thể hiểu hết câu NGHÈO CHO SẠCH,RÁCH PHẢI CHO THƠM,để rồi xãy ra nhiều hệ lụy không đáng có. Tôi hy vọng ngành giáo dục sẽ phát triển và hướng con em của chúng tôi sau này theo con đường : TUY CÁC EM CÁC CHÁU KHÔNG PHẢI LÀ NHÂN TÀI,NHƯNG ÍT RA CÁC EM,CÁC CHÁU SẼ LÀ NHỮNG NGƯỜI CÓ ÍCH CHO XÃ HỘI. Để đúng với câu KHÔNG THÀNH TÀI,CŨNG THÀNH NHÂN,đó là sự mong mỏi của cá nhân tôi về nền giáo dục của Việt Nam mình
Trang Châu - 14:29 5/5
Mục đích của việc học : " HỌC ĐỂ BIẾT, HỌC ĐỂ LÀM VIỆC, HỌC ĐỂ KHẲNG ĐỊNH MÌNH, HỌC ĐỂ CHUNG SỐNG VỚI NGƯỜI KHÁC" theo định nghĩa của UNESCO là chính xác.
Phạm Quang Vinh - 12:06 5/5
Học là để đỗ đạt, để có bằng cấp mà ra oai với người khác, đó là truyền thống dân tộc VN từ xa xưa. Trong các câu chuyện cha ông kể lại về những tấm gương học hành đều kết thúc việc đỗ đạt, cưỡi ngựa về làng vinh quy bái tổ, vợ nuôi chồng ăn học cũng chỉ mong chờ ngày ngày áo gấm về làng. Ngày nay truyền thống đó càng được phát huy, khi mà trình độ quản lý yếu kém không có khả năng đánh giá năng lực của con người thì bằng cấp trở thành thước đo duy nhất. Do vậy, anh nào dù trượt đại học thì cũng phải qua học Tại chức, sau đó rửa tại chức bằng cái bằng Thạc sĩ, rồi làm bừa tiếp lên Tiến sĩ.
Em cũng là sv, thực sự lên đại học thì rất là chán chường, ko những học mà còn là sống ko có mục đích, ko có động lực. Nhiều lúc cũng đặt câu hỏi này, rồi cũng dần ngộ ra cái mình muốn là gì. Nhưng những người xung quanh luôn cố hướng mình đến một cuộc sống cầu an, như kiểu "học đi, học để có tiền", môt khuôn phép gò bó từ cách nghĩ tới cách giáo dục. Tuổi trẻ luôn có những khát khao, mong muốn nhưng cứ thế này thì ngay cả "sống để làm gì" còn ko trả lời được huống chi là "học để làm gì". Học sinh nước ngoài khi tốt nghiệp họ hỏi nhau "có dự định gì trong tương lai", "muốn trở thành người như thế nào", "có định đi đâu đó để trải nghiệm hay ko?",v.v....Còn ở VN là "định thi khối gì, ngành gì", "quyết định thi trường nào chưa", "mấy nguyện vọng khác chọn ngành gì thế",...
Ho Ky Quan - 13:40 5/5
HỌC ĐỂ KIẾM CÔNG ĂN VIỆC LÀM, KIẾM CÔNG ĂN VIỆC LÀM ĐỂ KIẾM THẬT NHIỀU TIỀN, KIẾM THẬT NHIỀU TIỀN ĐỂ THỰC HIỆN NHỮNG ƯỚC MƠ TRONG CUỘC ĐỜI MỖI NGƯỜI: ƯỚC MƠ CÓ SỨC KHỎE, CÓ NHÀ ĐẸP, CÓ XE ĐẸP, ĐI DU LỊCH VÒNG QUANH THẾ GIỚI VÀ XA HƠN, CHO CON MÌNH MỘT NỀN GIÁO DỤC TỐT NHẤT ĐẶC BIỆT ƯỚC MƠ CÓ THỂ BÁO ĐÁP XÃ HỘI.
ĐỖ XUÂN QUẾ - 14:27 5/5
tôi cũng như bạn, trong suốt thời gian học tập đến khi ra trường tôi ko biết mình học để làm gì??? chỉ khi bắt đầu đi làm thì tôi mới biết được rằng: học để: biết tại sao mình ko biết những thứ mình chưa biết và để phục vụ cho tương lai sau này của chính bản thân. Học để làm người: thật sự chưa bao giờ tôi có 1 đáp án (người: thật sự tiếng việt quá lớn để định nghĩa được)
Học để thỏa mãn những tò mò, thắc mắc về những sự vật, sự việc đang diễn ra xung quanh cuộc sống.
Học để thành người biết làm một việc nào đó đem đến lợi ích cho mình cho người thông qua giá trị thật của công việc đó.
Học để trở thành một người thật sự hạnh phúc!!! Hạnh phúc trong công việc, trong tình yêu, trong các mối quan hệ..bởi vì hạnh phúc là đích đến cuối cùng trong cuộc đời mỗi người...
Việt Nam có rất nhiều những con người trăn trở với nền GIÁO DỤC, Y TẾ, GIAO THÔNG, NÔNG NGHIỆP... nước nhà. Họ có tầm nhìn sâu rộng, có sáng kiến vượt bậc nhưng họ không làm được chức BỘ TRƯỞNG nên cũng chỉ biết viết bài, phát biểu ý kiến rồi chờ đợi trong vô vọng. Hy vọng Việt Nam sẽ có ngày những con người có tâm huyết này đứng vào vị trí lãnh đạo.
Phạm Thạch Rin - 16 giờ trước
“Học để làm gì?” là câu hỏi thứ yếu, phát sinh sau câu hỏi “Sống để làm gì?”.
Lâm Thái Sơn - 18:05 5/5
Chuẩn! Học để làm người. Còn làm người như thế nào thì mỗi người sẽ tự trả lời, và như thế mới thành xã hội. Chứ cả xã hội cùng có một câu trả lời thì không còn là xã hội nữa
hoanglam1110 - 12:18 5/5
Bản thân tôi thì hơi khác một chút! Khi còn học cao đẳng, tôi học rất tốt và có học bổng suốt cả khóa học. Tôi luôn mơ đến mức lương mà sau này sẽ đảm bảo cuộc sống ổn định cho mình. Tuy nhiên, một điều làm tôi luôn ...
Nguyen Khoa - 18 giờ trước
Tôi học để thực hiện những ước muốn của mình. Hiện tại tôi vẫn đang học.
Câu hỏi này phải do chính bản thân các em trả lời. Mà để các em tự trả lời được thì các em phải được giáo dục, được trang bị kiến thức đến một mức độ nào đó, bằng một cách nào đó mà các em phải được tự cọ ...
nhancochoem - 14:00 5/5
Bài viết học để làm gì ? quá hay dành cho hệ thống giáo dục có khả năng trả lời thôi ..Cảm ơn T/G
Theo tôi, học để mình hiểu biết các kiến thức mà loài người cần trong cuộc sống. Có thể nói, học ở trường không hề liên quan đến công việc của bạn, nhưng trong từng hành động của bạn đều được mọi người đánh giá là bạn là người có học đấy!
Luong Phuc Quang - 13:27 5/5
đơn giản nhất và khái quát nhất là học để biết, còn vấn đề cần biết là gì thì mới là mục tiêu cụ thể mỗi nguoi khac nhau. Có nhung van đe can biet thi khong đuoc nha truong day thi phai hoc o ngoai truong, ma hoc o ngoai nha truong thi co khi lech
Học để làm người là nhằm để làm chủ được bản thân mình trong mọi tình huống và xây dựng một cuộc sống đẹp .
Đi học để mọi người không nói mình (hoặc con mình) là Thất học !
Vì cốt lõi các vị sai ở một điều cơ bản. Người ta bảo rằng "học tập"; "học hành", nhưng từ trước đến nay các vị chỉ mệ muội trong chữ "học" mà quên mất chữ "tập" với chữ "hành".
Giang Đinh - 17 giờ trước
Rất nhiều kiến thức khi học ở cấp PTTH là chả bao giờ dùng đến trong cuộc sống. Mà phải học khổ học sở, đến ong cả thủ. Việc phân ban ở cấp này nên được tiến hành triệt để, để mỗi học sinh được hướng nghiệp chọn nghề sớm ...
Vũ Thị Tuyết Nhung - 21 giờ trước
học để có bằng cấp với người ta
Nguyen Thanh Sang - 00:28 6/5
Dạ ! Theo em học để giúp ..... Bộ Học tiêu tiền ạ.
Nguyễn Sơn - 23:24 5/5
Cám ơn Ts. Mong TS tích cực lên tiếng để con cháu chúng ta đỡ phải quay cuồng với việc học để thi như hiện nay. Ai có con đi học mới thấy bất mãn và thương cho các cháu. Lãng phí cả về thời gian, công sức và tiền của mà không hiệu quả.
nguyen mai - 14:02 5/5
Học để làm việc! Học để làm người! Học để làm cán bộ! Kết nhất là vế cuối :)
NamPT - 13:28 5/5
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét