Vụ bầu Kiên: Tạm đình chỉ đối với ông Trần Xuân Giá
- Phiên tòa xét xử sơ thẩm Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là bầu Kiên) và các đồng phạm được diễn ra vào sáng nay (20/5). Dự kiến phiên tòa sẽ kéo dài đến ngày 6/6.
Bầu Kiên trong phiên xử sáng 20/5 - Ảnh: Nam Phong |
11h15: Tòa chấm dứt phần thủ tục và tạm nghỉ.
Chiều nay phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi lúc 14h.
11h07: Tòa phổ biến quyền và nghĩa vụ đối với các bị cáo.
11h00: Tòa tiếp tục làm việc.
Những người không đến, tòa sẽ tiếp tục triệu tập trong những ngày sắp tới.
Đối với những người mà luật sư và bị cáo Kiên yêu cầu, Tòa sẽ xem xét triệu tập sau nếu cần.
Luật sư đề nghị xem xét nguyên đơn dân sự là Cty cổ phần Thép Hòa Phát và ngân hàng ACB. Đối với Cty Thép Hòa Phát, có 2 đơn yêu cầu bồi thường dân sự nên Cty này là nguyên đơn dân sự là đúng.
Đối với ACB, Tòa xác định ngân hàng này là nguyên đơn dân sự. Trong quá trình xét xử, nếu xác định ngân hàng này không phải nguyên đơn dân sự thì sẽ điều chỉnh sau.
Thẩm quyền được tiếp xúc với người nhà của bị cáo Kiên, là trách nhiệm của phía công an, đề nghị thực hiện đúng.
Bị cáo đề nghị được nhận văn bản pháp luật, đây là yêu cầu chính đáng.
Việc vắng mặt của bị cáo Giá, căn cứ vào đơn của ông Giá và thông báo của bệnh viện, HĐXX thấy rằng, ông Giá đang bị bệnh hiểm nghèo nên quyết định tạm đình chỉ đối với ông Giá.
10h30: Tòa nghỉ hội ý.
10h25: Đại diện VKS có ý kiến: Đối với đề nghị triệu tập thêm những người khác ngoài danh sách mà tòa đã triệu tập là không cần thiết.
10h10:Bị cáo Kiên ý kiến: Đề nghị triệu tập bà Phạm Chi Lan, đại diện VCCI vì vụ án này không chỉ liên quan đến các doanh nghiệp của tôi, mà còn ảnh hưởng đến hàng trăm doanh nghiệp khác tại VN.
Bầu Kiên cho rằng, đã gửi đơn đề nghị thay điều tra viên vì thấy không khách quan đối với mình nhưng không được đáp ứng.
Bầu Kiên cho rằng có một số tài liệu quan trọng đã bị bỏ ngoài hồ sơ. Đề nghị mời bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, nguyên phó chủ tịch VCCI, người tham gia soạn thảo luật doanh nghiệp, với vai trò như một nhân chứng.
Tôi không vi phạm pháp luật, đề nghị được tạo điều kiện trình bày toàn diện vấn đề, cho phép được nhận các văn bản pháp luật của luật sư, như thế rất khó trình bầy. Hết phiên tòa tôi sẽ trả lại.
Tôi chịu toàn bộ trách nhiệm việc tôi làm, không trốn trách nhiệm nên đề nghị xác định từng hành vi của tôi, căn cứ vào quyết định nào của pháp luật.
Đề nghị HĐXX tạo điều kiện được trình bầy. Hồ sơ thiếu nhiều văn bản liên quan đến việc buộc tội tôi. Xin được luật sư đưa luôn các văn bản pháp luật cho tôi ngay bây giờ.
Các nhân chứng tôi thấy thiếu rất nhiều, cố gắng giúp tôi triệu tập những người này.
Tôi bị bắt 21 tháng nay chưa được gặp gia đình dù lãnh đạo VKSND Tối cao cho phép tôi gặp gia đình. Đây là quyền tối thiểu của tôi.
Đề nghị HĐXX có ý kiến về việc tôi bị cùm. Việc tôi yêu cầu CQĐT cho phép tôi được mặc thường phục đến tòa và việc tôi mặc thường phục, công an đã tiến hành cùm chân, tôi cho rằng việc này không cần thiết.
Đối với tôi, việc ông Giá có mặt tại tòa là tốt nhất nên đề nghị đề xuất của ông Giá, đến cuối phiên tòa ông Giá dự được thì cho đến dự. Nếu cuối tòa ông Giá không đến được thì mới đình chỉ điều tra đối với ông Giá, chờ thêm 10 ngày nữa, chưa vội đình chỉ điều tra ngay đối với ông Giá.
HĐXX sáng 20/5 - Ảnh: Nam Phong |
9h30:VKS: Việc vắng mặt của bị cáo Trần Xuân Giá không ảnh hưởng đến việc xét xử, đề nghị tòa xem xét ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị cáo Giá.
Đối với những người có quyền và nghĩa vụ liên quan không có mặt tại tòa: Vụ án được kéo dài trong nhiều ngày, một số người đã có lời khai trong hồ sơ. Đối với những người là thành viên HĐQT của ACB cần thiết phải có mặt tại tòa.
- Luật sư Lưu Tiến Dũng, luật sư của ông Giá: Về sự vắng mặt của ông Giá, nên xem xét cân nhắc điều 187, bị cáo vắng mặt vì lý do chính đáng. Thân chủ của tôi mong muốn được có mặt. Tình trạng của ông Giá yếu đi rất nhiều, lại bị kết luận là mắc bệnh hiểm nghèo. Vậy nên phương án tạm đình chỉ vụ án đối với ông Giá là đề xuất hợp lý nhất.
8h40: Tòa tiến hành kiểm tra căn cước.
Huỳnh Thị Huyền Như cũng có mặt tại phiên tòa với vai trò là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. (Ảnh: Tuyết Nhung) |
Một số người có quyền và nghĩa vụ liên quan có đơn xin vắng mặt.
Nhóm 19 nhân viên ngân hàng ACB được ủy quyền gửi tiền sang ngân hàng khác đều có đơn xin vắng mặt và ủy quyền cho một người đại diện.
Luật sư của bị cáo Đỗ Hải Yến xin vắng mặt vào buổi sáng nay vì đang phải dự một phiên tòa khác.
Vợ bầu Kiên: có mặt ở tòa nhưng ủy quyền cho người khác.
Tòa cho rằng đã có mặt ở tòa sao phải ủy quyền cho người khác. Tòa sẽ xác định lại vai trò của bà Lan.
Bầu Kiên tại phiên tòa sáng 20/5 - Ảnh: Nam Phong |
8h30: Phiên tòa bắt đầu.
Bầu Kiên được đưa đến dự tòa với áo sơ mi trắng, gương mặt điềm tĩnh
HĐXX tuyên bố Quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Người giữ quyền điều hành phiên tòa là Thẩm phán Nguyễn Hữu Chính, Phó Chánh án TAND TP Hà Nội.
Thành phần HĐXX - Ảnh: Tuyết Nhung (chụp qua màn hình) |
Thẩm phán dự khuyết có ông Nguyễn Xuân Hùng và bà Phan Thanh Huyền.
Người giữ quyền công tố tại tòa là ông Đào Thịnh Cường và bà Đỗ Thị Thu Yến.
Có KSV dự khuyết là ông Nguyễn Sinh Sáng và bà Nghiêm Ngọc Hương.
Bầu Kiên và vợ tại tòa sáng nay 20/5 - Ảnh: Tuyết Nhung |
Trong phiên sơ thẩm lần này, Tòa đã cho triệu tập 82 đơn vị và các cá nhân là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Trong số các cá nhân được triệu tập đến tòa có Huỳnh Thị Huyền Như, bà Đặng Ngọc Lan, vợ bầu Kiên...
Ngoài ra, TAND TP Hà Nội còn cho mời đại diện Ngân hàng Nhà nước; đại diện Vụ pháp chế và Vụ quản ký Đăng ký kinh doanh, Bộ KH-ĐT; đại diện Vụ pháp chế, Bộ Công thương; Tổng cục Thuế; Sở KH-ĐT Hà Nội, TP.HCM; đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Tòa cho mời ông Cao Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Tổng cục Thuế; ông Tống Quốc Đạt, CVP Bộ KH-ĐT; ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ KH-ĐT; ông Đặng Văn Thảo, Phó Chánh thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước; các bà Nguyễn Thị Phụng và Nguyễn Thị Lý, thanh tra Ngân hàng Nhà nước.
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Đức Kiên (SN 1964) cùng 8 đồng phạm bị VKSND Tối cao truy tố về các tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Trốn thuế và Kinh doanh trái phép.
Trong đó, ông Kiên bị truy tố về cả 4 tội danh nói trên. Bị cáo Trần Ngọc Thanh (Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội), Nguyễn Thị Hải Yến (Kế toán trưởng Công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội) bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Các bị cáo: Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB), Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang (đều nguyên là Phó Chủ tịch Ngân hàng ACB), Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB), Phạm Trung Cang (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB), Huỳnh Quang Tuấn (nguyên thành viên thường trực HĐQT ngân hàng ACB) cùng bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
VKSND Tối cao cho rằng, các bị cáo đã gây ra thiệt hại gần 1.700 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đức Kiên đã lợi dụng vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành ngân hàng ACB, thông qua 6 công ty thực hiện hàng loạt các hành vi phạm tội, trong đó có hành vi kinh doanh vàng, tài chính trái phép và trốn thuế.
Theo VKSND Tối cao, việc thống nhất ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán của các ông: Giá, Quang, Cang, Kỳ, Hải và hành vi tổ chức thực hiện việc đầu tư cổ phiếu ngân hàng ACB của ông Kiên và ông Kỳ là làm trái quy định tại Điều 29, Quyết định của Bộ Tài Chính, gây thiệt hại gần 688 tỷ đồng.
Ngoài ra, các bị cáo: Giá, Cang, Quang, Kỳ, Hải, Kiên còn bị xem xét về hành vi ban hành chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB gửi tiền vào Vietinbank gây thiệt hại gần 719 tỷ đồng...
VietNamNet sẽ cập nhật diễn biến phiên tòa trong những bản tin tiếp theo.
T.Nhung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét