Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

"Tôi không ủng hộ GS Ngô Bảo Châu về viết sách giáo khoa"

Tranh luận với Giáo sư Ngô Bảo Châu về viết sách giáo khoa
TPO - "Tôi không ủng hộ cách làm theo thông lệ là hai ban độc lập như Giáo sư Ngô Bảo Châu nêu: một bên viết SKG; một bên lập chương trình" - độc giả Lê Quốc Chơn (nghiên cứu sinh tại Pháp) nêu quan điểm xoay quanh chủ đề viết sách giáo khoa.

Giáo dục có mục tiêu rõ ràng cần đạt được, và sách giáo khoa (SGK) là phương tiện để đạt được mục đích của giáo dục. Vậy trước tiên phải cụ thể rõ ràng mục tiêu của giáo dục là gì, tùy thuộc vào từng cấp học (tiểu học, trung học…) để từ đó đặt ra các khung kiến thức mà SGK cần đáp ứng.

Vì sao phải xác định khung kiến thức?

Có hai lí do cơ bản:

1 - Ở tại thời điểm viết SGK, kiến thức do con người tạo ra là vô cùng rộng lớn nên chỉ có thể xác định được khung kiến thức cơ bản chứ không thể đi đến các chi tiết sâu hơn.

2 - Nhận thức của con người thay đổi, lượng kiến thức tạo ra càng ngày càng nhiều, nên tại thời điểm viết SGK không thể đáp ứng được nhu cầu cập nhật kiến thức trong tương lai.

Vậy lập khung kiến thức vừa xác định được phạm vi kiến thức cơ bản mà học sinh cần đạt được từ đó sẽ lập chương trình SGK phù hợp. Viết SGK sẽ dựa trên khung chương trình này.

Tôi không ủng hộ cách làm theo thông lệ là hai ban độc lập như Giáo sư Ngô Bảo Châu nêu: một bên viết SKG; một bên lập chương trình. Như vậy, sẽ mất nhiều thời gian và rắc rối hơn so với trường hợp khi đã có một khung chương trình chuẩn rồi viết SGK sau cùng. Vì dù sao, SGK cũng phải chỉnh sửa thường xuyên trong quá trình viết cho hoàn chỉnh.

Tại sao không dựa vào SGK của nước ngoài?

Rõ ràng là nền giáo dục của nhiều nước trên thế giới tiên tiến hơn của Việt Nam. Việc tham khảo chương trình dạy học của các nước khác sẽ có ích rất nhiều và đặc biệt tiết kiệm trong việc viết SGK của Việt Nam.

Đối với các môn học như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin học…, con người trên toàn thế giới có cùng một nền tảng kiến thức. Vậy tại sao ta không học giống người khác để dễ hội nhập thế giới, mà phải tạo ra cái riêng cho tốn kém.

Đối với một số môn khác như văn, sử, địa… do liên quan văn hóa riêng của Việt Nam nên việc học trong các môn này sẽ có khác nhau chút ít. Điều này sẽ được xác định rõ trong khung chương trình kiến thức trước khi viết SGK.

Tại sao thay đổi SGK?

Thực tế phải nhìn nhận rằng, viết SGK rất tốn kém và gây lãng phí rất lớn của cải của xã hội (chi phí viết sách mới và phải bỏ đi sách cũ, chi phí bồi dưỡng Giáo viên để dạy chương trình mới). Trong khi đó, SGK không thể đáp ứng nhu cầu cập nhật kiến thức qua thời gian mà nhiệm vụ cập nhật kiến thức này phải do Giáo viên chịu trách nhiệm cung cấp thường xuyên cho học sinh.

Ví dụ, sách SGK được viết năm 2014 kiến thức chỉ có thể cập nhật đến năm 2014, vậy 10 năm sau 2024 thì SGK này có lạc hậu không? Rõ ràng là không lạc hậu, vì thời gian 10 năm không thể làm lạc hậu lượng kiến thức khổng lồ do lịch sử loài người tạo ra trước đó cả hàng nghìn năm.

Phần cập nhật này phải do giáo viên chịu trách nhiệm, nội dung cập nhật bổ sung có thể được quy định theo thời gian ở cấp quốc gia.

Rõ ràng phương pháp áp dụng thông thường như GS Châu nêu là để đánh giá mức độ lạc hậu của SGK hiện thời, từ đó mới đưa ra các quyết định cuối cùng là chỉnh lý, hay viết mới hoàn toàn.

Viết SGK rất tốn kém và ảnh hưởng lớn đến giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh trên toàn quốc, vì vậy không thể thay đổi sách theo “ngẫu hứng” và một cách “chụp giật” được.

Chỉ viết mới SGK khi sách hiện tại không đáp ứng khung chương trình kiến thức cơ bản. Việc cần làm ngay là nên lập ra khung chương trình kiến thức cơ bản mà SGK cần đáp ứng để từ đó so sánh đối chiếu SGK hiện thời. Rồi đánh giá mức độ lạc hậu hay sai sót của sách, cuối cùng là quyết định có viết SGK mới hay không.

* Bài viết thể hiện quan điểm của bạn đọc.

Lê Quốc Chơn
Nghiên cứu sinh tại Pháp
http://www.tienphong.vn/ban-doc/tranh-luan-voi-giao-su-ngo-bao-chau-ve-viet-sach-giao-khoa-697946.tpo

GS Châu đề xuất có Uỷ ban giáo dục quốc gia độc lập
- “Việc giám sát và kiến nghị thay đổi sách giáo khoa này cần được uỷ thác cho một Uỷ ban giáo dục quốc gia độc lập với các cơ quan hành chính sự nghiệp của Bộ GD-ĐT” - GS Ngô Bảo Châu nêu ý kiến.
Sáng 20/4, thông qua trang web hocthenao.vn, GS Ngô Bảo Châu đã có cuộc trao đổi, chia sẻ quan điểm thẳng thắn cùng những người quan tâm đến đổi mới chương trình-SGK sau 2015.
Bộ Giáo dục, đề án, 34 nghìn tỉ, SGK, đắp chiếu
GS Ngô Bảo Châu (Ảnh: Bùi Tuấn)
Tại sao 10 năm phải đổi sách giáo khoa một lần?
Không có lập luận thực sự thuyết phục cho việc đổi sách giáo khoa định kỳ 10 năm một lần. Tại sao phải đổi sách giáo khoa theo định kỳ? Nếu định kỳ thì tại sao lại là 10 năm, chứ không phải 5 năm, 20 năm hay 50 năm. Việc cần làm định kỳ là đánh giá chất lượng sách giáo khoa thông qua thực tế sử dụng.
Lấy gì làm luận cứ cho việc thay đổi sách giáo khoa?
Để làm lại sách giáo khoa, cần phải chỉ ra những nội dung nào trong sách giáo hiện hành là lạc hậu, hay thiếu chính xác, những phương pháp tiếp cận nào là không phù hợp. Để thay đổi một cái gì đó, cần phải phân tích, đánh giá chính cái mà mình muốn thay đổi. Luận cứ cho việc đổi mới sách giáo khoa chỉ có thể là kết quả của việc đánh giá chất lượng sách giáo khoa thông qua thực tế sử dụng.
Kết quả này có thể cho thấy sách giáo khoa tốt rồi, không cần thay đổi gì cả, hoặc sách giáo khoa cơ bản là tốt, nhưng cần sửa sai, cập nhật ở một số chỗ nhưng không cần thay đổi cấu trúc chung, hoặc là sách giáo khoa hiện hành hỏng cơ bản, phải làm lại từ đầu.
Ai là người rà soát đánh giá chất lượng sách giáo khoa? Ai là người kiến nghị việc thay đổi sách giáo khoa?
Quốc hội, chính phủ là cơ quan quyết định việc thay đổi sách giáo khoa, nhưng những cơ quan này không thể tự kiến nghị việc này. Đánh giá định kỳ chất lượng sách giáo khoa và kiến nghị thay đổi nếu cần thiết cũng không thể giao cho những người làm sách giáo khoa, như Nhà xuất bản hay Viện khoa học giáo dục, vì họ có quyền lợi liên quan. Việc giám sát và kiến nghị thay đổi sách giáo khoa này cần được uỷ thác cho một Uỷ ban giáo dục quốc gia độc lập với các cơ quan hành chính sự nghiệp của Bộ giáo dục và đào tạo.
Theo tôi biết, ở Pháp Uỷ ban giáo dục quốc gia do Tổng thống chỉ định. Uỷ ban này thực hiện nhiệm vụ tư vấn do chính phủ giao phó, có khả năng nghiên cứu, và có thể thẩm vấn những người có liên quan trong ngành giáo dục, để đưa ra những nhận định của mình.
Ví dụ như việc thẩm định sách giáo khoa, Uỷ ban có thể thẩm vấn nhà giáo, học sinh và phụ huynh học sinh và những người khác để đưa ra nhận định của mình về tình trạng của SGK hiện hành. Tất nhiên ý kiến này phải độc lập với những người viết SGK và những người in SGK.
Tại sao không dịch nguyên sách giáo khoa nước ngoài?
Sách giáo khoa nước ngoài rất khác nhau, ở mỗi nước, các bộ sách giáo khoa thường cũng rất khác nhau. Không có luận cứ vững chắc cho việc chọn ra một bộ nào đó, coi nó là tốt nhất, thích hợp nhất với Việt Nam rồi dịch nguyên xi. Khó có thể làm khác với cách chúng ta vẫn làm từ trước đến nay là chọn ra một số bộ sách giáo khoa tốt của nước ngoài, “tích cực” tham khảo để viết ra sách cho mình.
Cần thay đổi gì nhất trong chương trình và sách giáo khoa hiện hành?
Ngoại ngữ: Chất lượng học tiếng Anh là yếu tố bất bình đẳng căn bản trong giáo dục phổ thông ở Việt Nam. Trẻ xuất thân từ các gia đình khá giả được học tiếng Anh tốt hơn nhiều.
Nhân văn: Nếu như sách giáo khoa về toán và khoa học tự nhiên của Việt nam không khác đáng kể so với sách giáo khoa nước ngoài, sách giáo khoa và chương trình về xã hội và nhân văn khác nhiều cả về nội dung và phương pháp. Hiểu biết và khả năng của trẻ Việt Nam về toán và khoa học cũng không khác nhiều so với trẻ em các nước khác, nhưng hiểu biết về nhân văn và khả năng ứng xử xã hội thì lại có một khoảng cách rất lớn. Vì vây, cần có những thay đổi cơ bản trong chương trình và sách giáo khoa nhân văn, cả về nội dung và phương pháp.
Sức khoẻ, lối sống, đạo đức: Xã hội thay đổi nhanh, nhiều gia đình mất phương hướng, nhà trường phải đảm nhiệm một phần vai trò giáo dục của gia đình: trẻ em cần được học những kỹ năng cơ bản để giữ gìn sức khoẻ, những nguyên tắc cụ thể để sống chan hoà với cộng đồng.
Kỹ thuật: Cần mở rộng việc dạy lập trình từ rất sớm.
Tại sao đổi mới căn bản toàn diện lại tập trung vào phổ thông là chính mà không phải là đại học?
Tôi cũng nghĩ rằng sách giáo khoa không phải là vấn đề nổi cộm nhất của giáo dục Việt nam. Chất lượng giáo dục đại học có lẽ là vấn đề nghiêm trọng hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét