Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Nôn nao nhớ Hà Nội xưa của tôi: Mai một hào hoa

Mai một hào hoa

Cửa hiệu Đức Hòa 90 phố Hàng Đào. Trong ảnh có thể thấy phụ nữ Hà Nội ra phố mặc áo dài. 
Trước cửa hiệu có hàng rào sắt để dựng xe đạp và ngăn việc dựng xe vào cửa kính.
Đỗ Phấn
Không có bất cứ thứ gì trên đời không bị mai một dần theo năm tháng. Những giá trị vật chất thường dễ cho ta nhận biết mất mát bằng quan sát. Vài nhịp cầu Long Biên mất đi từ ngày chiến tranh. Những chuyến tàu điện leng keng trong TP đã vắng bóng từ cuối thập kỷ 80. Nhà Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền dỡ bỏ cũng đã gần hai chục năm rồi. Những kỷ niệm về nó chỉ còn mờ nhạt trong tâm trí những thị dân Hà Nội lớn tuổi.
Thế nhưng có những mất mát không dễ gì nhận biết. Những biến đổi của cách ăn mặc. Những món ăn cầu kỳ truyền thống. Những ứng xử làm nên nét thanh lịch hào hoa của người Hà Nội ngày một hư hao hụt hẫng. Thật ngạc nhiên, nó biến mất chính vào giai đoạn phát triển thần tốc nhất của Hà Nội sau chiến tranh, sau thời kỳ bao cấp tem phiếu đói khổ.
Đầu những năm 60 thế kỷ trước, Hà Nội còn nghèo. Rất nghèo. Quán cà phê Bốn Mùa trên đường Lê Thái Tổ bên Hồ Gươm là quán mậu dịch quốc doanh. Trai thanh gái lịch Hà Nội thường hẹn hò nhau ở đấy. Nước si rô nhuộm phẩm hồng là thức uống phổ biến. Cao cấp hơn có bột đậu xanh, nước chanh tươi. Và dĩ nhiên cà phê. Ngày có nước đá, ngày không.

Thanh niên mặc áo sơ mi vải pô pơ lin màu trứng sáo bỏ trong quần. Nhiều chiếc áo cũ lộn cổ dễ nhận thấy bởi cổ áo mới hơn hẳn màu vải quanh đấy. Những chiếc quần dù pích kê hai đầu gối theo địa hình Thành Cổ Loa in trong sách giáo khoa vẫn được là li thẳng tắp. Thiếu nữ áo phin nõn trắng quần lụa đen tết tóc đuôi sam thả xuống hai bên. Thỉnh thoảng có một chiếc nơ lụa màu buộc vào hai bím tóc. Ngồi trong quán trang nghiêm tư lự thì thầm. Nhìn sang bên hồ mướt mát xanh bóng liễu.
Cả năm chỉ có một hai ngày vào dịp Quốc khánh, Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán mới thấy người ta diện com lê, áo dài. Bờ hồ Hoàn Kiếm phát nhạc nhẹ bằng những chiếc loa hình nón úp treo trên cây đa. Những cặp đôi nắn nót bước chân ở ngã tư Bà Triệu - Tràng Thi theo điệu valse dìu dặt.

Nam thanh nữ tú có mặt đông nhất phải kể đến những rạp chiếu phim vào dịp cuối tuần. Từng đôi từng nhóm tay trong tay thong thả xếp hàng chờ đến lượt mình được xé vé. Vào trong rạp tối om có nhân viên phục vụ dẫn đến tận ghế ngồi của mình. Tiếng nhạc tango thì thầm chậm rãi trong lúc chờ đợi màn ảnh lóe sáng. Chuyện trò chỉ bằng những cái nắm tay tình tứ khi theo dõi bộ phim.

Thanh niên Hà Nội vào cái thời mới chỉ vài chục vạn dân ấy hầu hết biết nhau qua những sinh hoạt lành mạnh ở trường, ở công sở nhà máy. Con trai thể nào cũng phải biết bập bùng một chút đàn ghi ta. Con gái đan lát thêu thùa và đặc biệt đứa nào cũng biết nấu những món ăn ngon. Rủ nhau đạp xe đi cắm trại cả vài chục cây số vào mạn chùa Thày, chùa Trầm. Nấu nướng và đàn hát thâu đêm. Vài đứa bạo dạn nhất dẫn bạn khác giới vào những góc khuất cầm tay nhau ngước mắt ngắm sao trời. Chỉ thế thôi.

Giờ thì Hà Nội không còn cái vắng lặng êm đềm như vài mươi năm trước nữa. Người Hà Nội cũ hơn sống khép mình để tránh những xô bồ chụp giật phố phường. Người Hà Nội mới đang tập dần những ứng xử văn minh đô thị. Rồi họ cũng cũ đi và hòa nhập vào những nét thanh lịch nếu còn sót lại.
Nhiều người vội vã hô hoán lên về những suy giảm nét thanh lịch ở thủ đô trong vài thập niên gần đây. Cũng vội vã quy kết cho vài nguyên nhân cụ thể rất dễ gây chia rẽ giữa nông thôn và thành thị. Với một đất nước nông nghiệp như nước mình thì Hà Nội chỉ là một ngôi làng lớn mà thôi. Trong làng dứt khoát phải có dân làng. Là người ở những làng khác tìm đến sinh nhai. Cái quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh hay chậm phải trông chờ vào tất cả các làng trên đất nước.

Căn nhà 90 Phố Hàng Đào ngày nay.

Vội vã quy kết cho những “bún mắng, cháo chửi” vỉa hè làm mất đi hình ảnh người Hà Nội khiêm nhường lịch sự cũng sai nốt. Đã gọi là hàng ăn vỉa hè, xưa cũng thế mà nay vẫn vậy. Nó luôn là một bộ phận dịch vụ không thể thiếu khi mà dân số tăng cơ học mỗi ngày một cao hơn. Chủ quán nào thì phục vụ khách hàng nấy. Không bao giờ có hàng quán nào phục vụ cho tất cả các hạng người.
Nam thanh nữ tú ở Hà Nội luôn nhiều hơn những vùng lân cận. Một phần do Hà Nội là đất học hành lễ nghĩa lâu đời. Phần khác, dù là người ở đâu đến Hà Nội sinh sống đủ lâu cũng đều biết rằng đây không phải là chỗ có thể khoe khoang hợm mình. Ngoài cái Hà Nội bon chen bên ngoài mặt phố vẫn còn những Hà Nội khác trầm lắng thiết tha đằng sau cái vẻ dửng dưng tựa như vị kỷ.
Rồi sẽ có một Hà Nội văn minh ứng xử theo phong cách đô thị hiện đại thay cho những nét hào hoa vừa mai một. Đó là con đường duy nhất đúng cho tất cả những lương tri Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét