Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Không được nghèo vì sợ xấu mặt chính quyền

Không được nghèo vì sợ xấu mặt chính quyền
Bà Lượi là vợ và là mẹ của liệt sĩ ở huyện Phú Tân, Cà Mau. Trong cảnh khốn cùng nghèo túng, bệnh tật, bà gửi một lá đơn xin cứu giúp nhưng đến chết vẫn không hề nhận được hồi âm.Bà Tiêu Hồng Nhanh là con ruột của mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Lượi ở ấp Dân Quân, xã Việt Thắng, huyện Phú Tân, Cà Mau. Bà Nhanh kể vào năm 2011, mẹ bà đã 89 tuổi, bị ung thư; vì hết tiền, hết tài sản nên bà phải đem mẹ về nằm nhà sau hai năm điều trị tại Trung tâm Ung bướu TP.HCM. Vì trị bệnh cho mẹ, bà đã bán đi tất cả những gì có giá trị của gia đình, hết cả vốn liếng.
Căn nhà lá ọp ẹp tệ nhất ấp Dân Quân đang thờ cúng 
hai liệt sĩ, một thương binh (chồng chị Những).
Chờ tới chết vẫn chưa thấy hồi âm
Trong tình cảnh ấy, bà đã thay mặt mẹ viết bức thư với nội dung: Một bà vợ, mẹ liệt sĩ đang vô cùng khó khăn trong cuộc sống nhờ Nhà nước cứu giúp.
Bức thư được gửi đi từ ngày 10-8-2011 cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau khi đoàn này về địa phương tiếp xúc cử tri. Thế nhưng mẹ con bà cứ chờ mãi cho đến lúc bà Lượi qua đời vào ngày 3-10-2011 vẫn không nhận được một sự cứu giúp nào. “Những ngày tháng đó, tôi vừa chăm sóc mẹ vừa chạy xe ôm kiếm tiền thuốc thang. Để có đủ tiền mua thuốc cho mẹ, tôi thường xuyên ăn bánh mì trừ cơm hoặc đi ăn chực ở hàng xóm. Tôi khát khao có được vài triệu đồng đưa mẹ ra bệnh viện để kéo dài thêm cuộc sống nhưng hoàn toàn thất vọng” - bà Nhanh kể.

Ông Nguyễn Anh Bé, nguyên Trưởng ấp Dân Quân, cho biết: “Ngày 21-9-2011, Phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Tân có xuống kết hợp địa phương xác minh trường hợp bà Lượi. Biên bản ghi rõ bà là gia đình chính sách, có hai liệt sĩ là chồng và con bà. Bản thân bà được tặng huân chương Kháng chiến hạng Ba và gia cảnh đang rất khó khăn. Thế nhưng sau đó thì tôi không nghe có hỗ trợ gì cho đến khi bà Lượi qua đời”.

Niềm mơ ước lớn nhất của chị Những là lo được cho bốn đứa 
cháu nội ngoại ngoan hiền hiếu học được học đến nơi, đến chốn.

Trao đổi với PV, ông Lê Dân, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Tân, xác nhận trường hợp bà Lượi thuộc dạng cần hỗ trợ đột xuất. Tuy nhiên, ông nói: “UBND huyện chỉ đạo sao thì chúng tôi làm vậy. Chỉ đạo chúng tôi xác minh và báo cáo thì chúng tôi xác minh và báo cáo đúng như vậy”. Trong khi đó, ông thừa nhận nếu gặp trường hợp này, không có sự chỉ đạo của UBND huyện, ông vẫn có thể đề xuất khẩn cấp hỗ trợ cho bà, chỉ cần Sở LĐ-TB&XH duyệt là ông cho chi hỗ trợ ngay.

Ấp đã xóa nghèo thì không thể cấp sổ hộ nghèo!
Đến căn nhà của bà Nhanh, bà Lượi, chúng tôi chứng kiến một cuộc sống đầy khốn khó, hơn cả những gì mà bà Nhanh đã kể.

Trong căn nhà lá ọp ẹp này có đến hai sổ hộ khẩu. Một là của bà Nhanh và bà Lượi, một của bà Tiêu Thị Những (chị ruột của bà Nhanh) cùng bốn đứa cháu nội ngoại của bà Những từ 7 đến 14 tuổi. Bà Nhanh cho biết trước khi bà Lượi mất khoảng bốn tháng, bà Những đã dọn về ở chung. Hoàn cảnh bà Những còn bi đát hơn cả bà Nhanh và bà Lượi. Bà Nhanh và bà Lượi còn có khoản tiền trợ cấp hương khói cho các liệt sĩ, còn bà Những thì không có khoản nào cả.

Bà Những kể: “Tôi năm nay đã 65 tuổi, bệnh tật hoành hành, chẳng thể làm gì ra tiền. Hai đứa cháu ngoại thì được cha mẹ nó đang làm công nhân ở Bình Dương mỗi tháng gửi về được hơn 1 triệu đồng. Còn hai đứa cháu nội thì cha mẹ nó đã bỏ hẳn cho tôi nuôi, mạnh ai nấy đi có chồng, có vợ khác”.

Mới 14 tuổi, Ngô Huy Tập phải làm trụ cột gia đình, 
nuôi bà nội và em trai. Ảnh trong bài: TRẦN VŨ
Cuộc sống của bà Những cùng hai đứa cháu nội hiện nay chỉ dựa vào công việc bán bánh mì của cậu học trò lớp 8 Ngô Huy Tập. Mỗi ngày, cứ hơn 4 giờ sáng, Huy Tập thức dậy quảy giỏ bánh mì đi bán. Đến 6 giờ, em cắp sách đến trường. Chiều về, em cùng bà nội đi lựa rau cải cho một nhà bán rau trong xóm. Từ công việc này, họ sẽ có được những trái khổ qua chín, những bẹ cải úa về làm thức ăn thỉnh thoảng được cho thêm 5.000 -10.000 đồng. Họ đã sống như vậy gần ba năm qua, với nhiều bận túng thiếu tưởng chừng như phải nhịn đói. “Mới hôm qua, thằng Tập bán bánh mì ế đến 40 ổ, lần nào bị ế nó cũng khóc thấy đứt ruột. Mấy đứa em nó phải chia nhau xách đi năn nỉ bà con mua tiếp để lấy vốn. Cũng nhờ bà con tốt bụng, thương tình bà cháu nghèo chứ không thì bà cháu chết đói lâu rồi” - bà Những sụt sùi kể.

Thế nhưng gia đình bà Những không được cấp sổ hộ nghèo mà chỉ được cấp sổ hộ cận nghèo, vì lý do “xấu mặt chính quyền”.

Ông Nguyễn Anh Bé, Bí thư Chi bộ ấp Dân Quân, cho biết: “Gia đình bà Những đâu có thu nhập gì ổn định, chỉ có thằng nhỏ đi bán bánh mì, lẽ ra đạt chuẩn hộ nghèo. Nhưng ấp Dân Quân được huyện chỉ đạo là ấp điểm trong xây dựng nông thôn mới, đã xóa nghèo từ năm 2012, đâu thể cấp sổ hộ nghèo được!”.
Khi chúng tôi thắc mắc, ông Bé giải thích cặn kẽ hơn rằng nếu cấp sổ hộ nghèo cho bà Những thì coi như ấp Dân Quân bị tái nghèo, báo chí sẽ đưa tin, mất uy tín chính quyền ấp, ảnh hưởng đến thành tích chung của xã, của huyện. Ông Bé nói rõ hơn: “Không cấp sổ hộ nghèo nhưng chúng tôi đang tập trung tìm cách giúp đỡ gia đình này. Tôi tính cho mượn đất rồi vận động cất cho bà căn nhà”.

Trên thực tế, ông Bé là người đã giúp đỡ gia đình bà Những rất nhiều, bằng việc cho sổ sách, cho gạo và mua giùm phần lớn số bánh mỳ ế của cậu bé Huy Tập. Tuy nhiên, việc không cấp sổ hộ nghèo cho bà Những rõ ràng là đã tước đi quyền được thụ hưởng các chính sách bảo trợ của Nhà nước.

Không biết “mặt mũi” chính quyền địa phương sẽ sáng sủa cỡ nào nhưng trước mắt, năm bà cháu của bà Những phải sống những ngày tháng đầy gian khó. Nước mắt của bà cháu gia đình này cứ rơi hằng ngày, khi Huy Tập bán bánh mì bị ế. Hôm chúng tôi đến, bà Những đang kêu Huy Tập từ chối ôn thi học sinh giỏi, vì mỗi ngày đi ôn phải tốn 15.000 đồng tiền ăn, do trường quá xa nhà, trong khi Huy Tập được nhà trường chọn đi thi học sinh giỏi vòng tỉnh ở ba môn Toán, Lý và Tin học.

Qua tìm hiểu của PV, bức thư xin cứu giúp ấy đã được “ngâm nga” ở nhiều cơ quan. Cụ thể, đơn được gửi vào ngày 11-8-2011, ba ngày sau được chuyển đến HĐND tỉnh. Ở đây ngâm nửa tháng, đến 1-9-2011 mới có công văn đề nghị UBND huyện Phú Tân xem xét giải quyết. UBND huyện Phú Tân ngâm thêm 20 ngày, tức đến ngày 20-9-2011 mới có công văn chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện xác minh báo cáo. Phòng làm báo cáo lên UBND huyện. Đến ngày 3-10-2011, bà Lượi qua đời. Ngày 4-10-2011, UBND huyện Phú Tân có công văn trả lời cho HĐND tỉnh Cà Mau rằng đã chỉ đạo cho xã Việt Thắng xem xét vận động cộng đồng giúp đỡ gia đình bà Lượi.
Trần Vũ
( Phapluattp )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét