Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2013

Chăm sóc mộ phạm nhân: Nghĩa tử là nghĩa tận

Sáng thứ 7 lướt qua mấy trang thấy toàn tin xấu, đau xót nhất là vụ tai nạn giao thông ở Hòa Phước. Xem lại bài vừa đọc hôm qua:
Chăm sóc mộ phần phạm nhân giữa rừng: Nghĩa tử là nghĩa tận
Nằm giữa vùng đồi núi u tịch, xung quanh là những rừng cây xà cừ, tràm, khu nghĩa trang phạm nhân của phân trại 3, Trại giam Thủ Đức (Z30D), gần như tách biệt hẳn với phân trại. Hơn 40 ngôi mộ của các phạm nhân chết vì mắc bệnh nặng, bệnh nan y, họ đã không được gia đình đưa về hoặc không có thân nhân nên đành nằm lại lẻ loi, hiu quạnh nơi đây... Dưới lớp cỏ rêu xộc mùi ẩm mục là nỗi buồn cay đắng của những thân phận bị chính gia đình, người thân của mình ruồng bỏ…
Lo phần hậu sự cho phạm nhân
Có lẽ không nhiều người biết về những nghĩa trang ở Trại giam Z30D (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) - nơi chôn cất những phạm nhân lìa đời vì bệnh tật hiểm nghèo, bệnh nan y trong thời gian thụ án. Quả thật, ngay bản thân chúng tôi trước khi tới trại giam này cũng không hình dung được lại có những nghĩa trang như thế tồn tại ở đây.
Theo Thượng tá Nguyễn Thiết Hùng, Phó giám thị Trại giam Z30D, ngoài nghĩa trang phạm nhân của Phân trại 3 (K3) thì tại hai Phân trại 1 (K1) và Phân trại 2 (K2) đều có nghĩa trang dành cho phạm nhân - đây là hai khu nghĩa trang chính của Trại giam Z30D và số lượng mộ tại hai nghĩa trang này cũng nhiều gấp hai, ba lần nghĩa trang phạm nhân của Phân trại 3.

Ai cũng biết trước đây vùng đất Trại giam Z30D đang tọa lạc vốn thuộc về rừng thẳm, nhưng sự khắc nghiệt, hiểm trở của thiên nhiên đã dần dần quy thuận theo bàn tay, khối óc của tập thể cán bộ, chiến sĩ của trại. Đến nay nơi đây đã được quy hoạch, xây dựng thành những phân trại khang trang, những rừng cao su, điều, xoài, tràm, xà cừ, sao, dầu ngút ngàn, với quy mô trại giam lớn nhất cả nước. Cũng trên mảnh đất này, hàng nghìn đối tượng cộm cán, cả nghìn con người lầm lỗi, đang được cải tạo "phục thiện" chờ ngày quay về với cộng đồng.

Nhưng cũng chính trong hành trình tranh đấu giúp những con người lầm lỗi xóa bỏ cái ác, hướng về cái thiện ấy, có không ít cán bộ, chiến sĩ phải trả giá bằng chính sinh mạng, hạnh phúc của riêng mình. Theo Thượng tá Nguyễn Thiết Hùng, trong số phạm nhân trại đang quản lý hiện nay, tỷ lệ phạm nhân có tiền án, tiền sự rất cao, riêng phạm nhân có tiền án chiếm tới gần 40%, số bị nhiễm HIV, AIDS chiếm trên 11%, điều đó đã gây khó khăn rất lớn cho trại trong công tác quản lý, giáo dục và chăm sóc y tế cho phạm nhân cũng như cán bộ của trại.

Điển hình như Đại úy Nguyễn Quang Ánh (bác sĩ Phân trại 3) đã bị nhiễm HIV từ chính phạm nhân (mang bệnh AIDS giai đoạn cuối) mà mình chăm sóc, điều trị, khiến gia đình nhỏ đang hạnh phúc yên ấm của anh bỗng nhiên đổ vỡ, người vợ trong lúc cùng quẫn đã tự vẫn, bỏ lại chồng con với nỗi đau khôn nguôi.

Tuy nhiên, trong suốt thời gian công tác tại trại, Đại úy Nguyễn Quang Ánh cùng nhiều đồng nghiệp của mình cũng đã nhiều lần phải chứng kiến sự đau đớn, tuyệt vọng của các phạm nhân mang bệnh trước lúc lâm chung. Nhưng đau đớn hơn nữa, anh còn nhiều lần chứng kiến cảnh những phạm nhân sắp chết này bị gia đình, người thân ruồng bỏ, từ mặt, không muốn có trách nhiệm lo hậu sự cho con em mình…

"Trước đây gần như mỗi phân trại đều có nghĩa trang, vì ở đây diện tích đất lớn, nhưng sau này theo sự chỉ đạo của Ban Giám thị trại không muốn để đất đai hoang hóa đồng thời cũng cần có quy hoạch lại các phân trại, do đó cho đến nay có thể nói trại có ba nghĩa trang phạm nhân là K1 (trước đây do được hình thành đầu tiên nên nghĩa trang K1 cũng có quy mô khá lớn), K2, K3, trong đó nghĩa trang K2 hiện tại có quy mô lớn nhất vì tại phân trại này số lượng bệnh nhân mang các loại bệnh nặng, truyền nhiễm như lao, HIV, ung thư… chiếm tỷ lệ cao, do đó tỷ lệ tử vong của phạm nhân ở K2 cũng khá lớn. Riêng nghĩa trang tại Phân trại K3 hiện tại có 42 ngôi mộ, trước đó số lượng mộ lớn hơn nhưng do thân nhân có điều kiện đã tiến hành bốc mộ, số còn nằm lại vì hoàn cảnh đơn chiếc, không có thân nhân hoặc bị thân nhân từ bỏ…", Đại úy Nguyễn Quang Ánh cho biết.

Theo quy định chung, nếu một phạm nhân đang thụ án tại trại mà bệnh tình trở nặng rồi tử vong thì trại sẽ thông báo sự việc cho cơ quan chủ quản, cơ quan liên quan như tòa án, chính quyền địa phương, Tổng cục VIII - Bộ Công an… sau đó tiếp tục thông báo về cho gia đình để người thân đến hoàn tất các thủ tục giấy tờ đưa con em mình về. Tuy nhiên, cũng không hiếm trường hợp gia đình, người thân hoàn toàn chối bỏ trách nhiệm, không nhận con em về lo hậu sự. Lúc đó, theo quy định phạm nhân sẽ được trại tổ chức mai táng theo chế độ chung.

Nghĩa trang phạm nhân K3. 
Để những ngôi mộ không còn hiu quạnh

Nằm cách khá xa phân trại chính, nghĩa trang K3 gần như lọt thỏm giữa vùng đồi núi thênh thang, gió thốc lồng lộng. Đa số những phạm nhân được an táng tại đây đều là những trường hợp có hoàn cảnh gia đình trớ trêu như mồ côi, người lang thang, cơ nhỡ, gia đình đổ vỡ; ở ngoài đời là những tay anh chị có số má, ăn chơi nghiện ngập, nhưng khi bị đưa vào trại họ mang các căn bệnh truyền nhiễm, nan y nên sau một thời gian thụ án họ đã không vượt qua được bệnh tật và tử vong tại trại. Được sự quan tâm của Ban Giám thị, Hội đồng cán bộ và các cán bộ chiến sĩ của trại, họ đã được tổ chức hậu sự và chôn cất chu đáo tại nghĩa trang này. Nhưng do không gian xung quanh và điều kiện đất đai ở khu vực nghĩa trang, vùng đất ở khu vực này gần như chỉ là sỏi đá, do đó để đào được một cái huyệt có khi mất cả một buổi sáng.

Cũng theo Đại úy Nguyễn Quang Ánh thì cán bộ chiến sĩ của trại luôn quan tâm chăm lo đến nơi đặc biệt này, mùa khô thì cho phạm nhân ra nghĩa trang làm cỏ chống cháy, mùa mưa cỏ mọc xanh um nên phải phát dọn thường xuyên. Lễ tết, ngày rằm, ngày giỗ, cán bộ chiến sĩ cùng các đội phạm nhân lại đến dọn dẹp, làm cỏ, hương khói cho họ, trong khi đó gia đình các phạm nhân này gần như hoàn toàn không lui tới.

Cho đến giờ cán bộ chiến sĩ của trại vẫn không thể nào quên được nhiều trường hợp phạm nhân mang bệnh nặng, biết không qua khỏi, họ được tạm đình chỉ thi hành án để đưa về địa phương nhưng gia đình nhất quyết không nhận dù chính quyền địa phương hết lòng khuyên nhủ nên họ đành phải quay trở lại trại và ra đi rất thương tâm. Rồi cũng có trường hợp phạm nhân được tạo điều kiện thông báo cho gia đình về tình trạng nguy kịch của mình, nhưng vì nhiều lý do người thân đã không tin chuyện con em mình nói, để đến khi đơn vị báo tin về nhiều gia đình ở xa nên đã không đến kịp, bắt buộc trại phải đứng ra lo hậu sự cho phạm nhân…
Những nén nhang cho linh hồn người chết. 

"Trường hợp gia đình không nhận con em mình về xảy ra không ít, bản thân tôi đã từng đến tận nhà người thân ruột thịt báo tin, rồi chính quyền địa phương cũng ra sức nói điều thiệt hơn, nhưng họ vẫn không nhận vì sự ghét bỏ, oán hận trước những việc làm sai trái trước đó của phạm nhân nên gần như họ chẳng còn chút tình cảm nào - những trường hợp này khiến phạm nhân rất sốc và buồn tủi, nên khi trở lại trại họ ra đi rất nhanh", Đại úy Nguyễn Quang Ánh tỏ ý buồn phiền.

Có thể kể một vài trường hợp cụ thể, như phạm nhân Trương Joan (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) hiện mộ phần vẫn còn ở trại - trước khi mất anh này thi hành án ở trại trong tình trạng bị bệnh AIDS giai đoạn cuối, khoảng đầu năm 2002 khi được Đại úy Ánh đưa về gia đình để chuẩn bị lo hậu sự thì dù được chính quyền địa phương khuyên nhủ, nhưng mẹ ruột, anh trai, em gái của anh này kiên quyết không nhận, bắt buộc cán bộ trại phải đưa phạm nhân này trở lại trại và chỉ một thời gian rất ngắn sau đó anh ta chết trong tâm trạng buồn tủi. Hay trường hợp phạm nhân Dư Quan Hoàng ở Quán Trường, Thái Nguyên, phạm tội do buôn bán ma túy số lượng lớn. Dù còn khá ít tuổi nhưng đối tượng này bị nghiện nặng và nhiễm HIV, đến khi bệnh trở nặng khó qua khỏi, do quê quán ở xa nên Hoàng được trại tạo điều kiện gọi điện về cho gia đình.

"Do phạm nhân này đã rất yếu nên các cán bộ phải xốc nách để đưa ra bàn cho gọi điện thoại về nhà, và dù phạm nhân không muốn gia đình đưa mình về quê mà chỉ muốn người thân vào cho anh này gặp mặt để có lời xin lỗi trước khi chết cho thanh thản, nhưng không ngờ gia đình đã cạn tình cạn nghĩa bảo rằng có chết đâu thì chết đừng làm phiền đến gia đình nữa, khiến phạm nhân này sốc nặng và ra đi nhanh chóng…", Đại úy Nguyễn Quang Ánh kể lại.

Nhắc lại trường hợp phạm nhân Bùi Văn Phú (SN 1958, quê Đà Nẵng, mất và chôn cất tại nghĩa trang K3 từ năm 2001) - kẻ đã trực tiếp lây căn bệnh thế kỷ cho mình trong một lần khám chữa, tên này đã dùng chiếc bô để bông băng thấm đẫm máu của hắn tấn công và hất bô máu đó vào người anh, Đại úy Ánh bày tỏ: "Với Phú, do anh ta bất hợp tác với cán bộ của trại rồi chống đối đến khi yếu quá và chết tại trại. Do xa quê và cũng không có thân nhân nên phạm nhân này đã được Ban Giám thị và Hội đồng cán bộ chỉ đạo chôn cất chu đáo. Thực sự đến giờ tôi chẳng có gì oán trách anh ta, bởi đơn giản anh ta đã ở thế giới bên kia, còn mình may mắn vẫn còn đang sống, đang công tác và cống hiến, khám chữa bệnh cho các phạm nhân khác. Mỗi lần đến đây tôi vẫn tới mộ anh ta và thắp những nén nhang coi như sự chia sẻ, tha thứ cho linh hồn anh ta được thanh thản và siêu thoát".

Đại úy Nguyễn Quang Ánh trước mộ phần phạm nhân Bùi Văn Phú. 

Đúng như lời Đại úy Nguyễn Quang Ánh đã nói, mỗi lần đến nghĩa trang này, anh lại thấy chạnh lòng. Dù hiểu rằng nhiều gia đình đã phải chịu quá nhiều đau thương, khổ sở từ chính những lỗi lầm, sai phạm của con em họ, đến mức những sợi dây tình cảm cuối cùng đều đã mất, chẳng còn gì nên nhiều người đã không màng đến chuyện sống chết của con em mình, khiến nhiều phạm nhân cuối cùng phải ra đi trong nỗi đau khôn nguôi.

Tuy nhiên, "con em mình có những lỗi lầm trong quá khứ và họ đã phải trả giá bằng những bản án, những ngày tháng lao tù, nhưng khi bị bệnh tật họ vẫn rất cần được sự chia sẻ động viên cũng như tha thứ từ phía gia đình, người thân của họ. Trường hợp xấu hơn khi họ không thể vượt qua được bệnh tật rồi tử vong, do đó tôi rất mong các gia đình nên suy nghĩ lại, để người chết ra đi được thanh thản mà người sống cũng không phải nặng lòng.

Đối với những gia đình có phạm nhân phải nằm lại tại nghĩa trang này thì cũng nên có hành động quan tâm hơn đến mộ phần của con em mình để an ủi hương hồn của những người đã chết, mong sao những phạm nhân này sẽ được gia đình mình đón nhận dù đó chỉ là những nấm mồ, nắm xương mang về để họ được yên nghỉ đúng ở nơi cội nguồn mình sinh ra. Thực sự chúng tôi chẳng bao giờ mong muốn sẽ tiếp tục có những ngôi mộ như thế này nữa", Đại úy Nguyễn Quang Ánh chia sẻ
Phú Lữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét