Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Địa chỉ ăn Tết cho người cơ nhỡ

Vâng, hy vọng tất cả những ai ở vào hoàn cảnh không may sẽ đọc được lời nhắn này để đến và có cái Tết bớt lạnh lòng.
GiadinhNet - Chỉ còn gần 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, trên đường phố, từng dòng người hối hả ngược xuôi sắm Tết. Nhiều người cũng đã chuẩn bị hành lý để trở về đoàn tụ với gia đình. Nhưng đâu đó vẫn có những người không có nơi để trở về trong những ngày Tết.
Chị Nguyễn Thị H đã có cuộc sống mới khi về Trung tâm... Ảnh: P.T.
Nơi cưu mang những người bất hạnh
Ẩn trong một ngõ nhỏ trên phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội), ngôi nhà của Trung tâm Dạy nghề nhân đạo và tạo việc làm cho trẻ em tàn tật Việt Nam của thầy Trần Duyên Hải nhiều năm nay đã trở thành địa chỉ đón Tết của nhiều người lang thang cơ nhỡ. Thời điểm này, thầy Hải và các cán bộ của trung tâm đã lên kế hoạch đến các nhà ga, bến tàu đón người lang thang, cơ nhỡ đưa về trung tâm trước thời khắc giao thừa để ai cũng có một cái Tết ấm áp.
Đến Trung tâm những ngày này, ngoài công việc tất bật thường thấy của chuyện học nghề và làm nghề, thầy trò tại Trung tâm đang kê lại bàn ghế, dọn dẹp đồ đạc để chuẩn bị cho ngày Tết. Thầy Hải chia sẻ, không chỉ có các thành viên thường xuyên học tập, ăn ở tại trung tâm, còn có những người tàn tật, có số phận kém may mắn, trẻ bị bỏ rơi được thầy tìm về, những gia đình có con em khuyết tật cũng tìm đến xin cho con ở lại học nghề. Vào mỗi ngày Tết đến xuân về còn có những người vô gia cư hằng ngày đi làm thuê không có chỗ ngủ cũng tìm đến đây để được đón một cái Tết đầm ấm để giúp họ vơi đi nỗi trống vắng trong lòng.
“Dịp xuân Quý Tỵ này, những em nào có quê hương, có gia đình thì sẽ về quê ăn Tết, còn những em không có gia đình, người thân sẽ được đón một cái Tết đầy ấm áp tại Trung tâm. Ngoài số tiền thiện nguyện của các nhà hảo tâm hỗ trợ, Trung tâm còn chi thêm tiền mua sắm các đồ dùng cần thiết để những người cơ nhỡ nương tựa ở Trung tâm có được cái Tết đầm ấm nhất. Trung tâm tổ chức các chương trình văn nghệ, các hoạt động cho mọi người trong đêm giao thừa để mọi người cảm thấy mình đang sống trong một gia đình thật sự…”, thầy Hải cho biết.

Những năm trước, gần đến Tết khoảng 40 người không có người thân thích, sống lang thang ở gầm cầu, ghế đá đến nương nhờ Trung tâm. Năm nay, theo thầy Hải cho biết, đã có gần chục người đăng ký ăn Tết ở trung tâm, con số này có thể tăng vào những ngày tới.

“Hãy về với chúng tôi”Ngoài Trung tâm dạy nghề nhân đạo của ông Trần Duyên Hải ở số 25/48 ngõ Linh Quang, Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội, hiện chùa Bồ Đề ở quận Long Biên (Hà Nội) cũng đang cưu mang, cứu giúp nhiều người cơ nhỡ, không nơi nương tựa đón Tết.
Nhắc đến những người không có nơi để trở về ăn Tết, thầy Hải không quên trường hợp của một cặp vợ chồng ở Hòa Bình, ôm 3 đứa con nhỏ về Trung tâm để trốn nợ. Hai vợ chồng vốn khá chất phác, người chồng ban đầu làm thợ xây, sau đứng ra làm “cai thầu”, tập hợp nhiều người ở địa phương đi xây, nhưng khi xây xong thì nhà chủ không trả tiền. Gần Tết, những người thợ nghèo khó tìm đến tận nhà đòi tiền công, hai vợ chồng đã ôm con chạy xuống Hà Nội tạm lánh thì được mọi người giới thiệu đến Trung tâm. Khi ấy, hai vợ chồng không có một đồng xu nào, thương hoàn cảnh của họ, Trung tâm đã không chỉ tạo điều kiện cho gia đình họ đón Tết mà còn cho cả tiền tàu xe đi về. Một trường hợp khác là anh Hoàng Văn Long ở Mù Cang Chải (Yên Bái) ra Hà Nội vừa kiếm việc làm vừa chữa bệnh. Những ngày giáp Tết, không có tiền về quê, anh Long lang thang khắp phố phường rồi tìm đến Trung tâm.

“Trung tâm cũng chỉ như cái bến đỗ cho những người không chốn về quê những ngày Tết. Phần lớn sau Tết họ đều trở lại với công việc hàng ngày, nhưng cũng có những trường hợp xin ở lại luôn Trung tâm. Những người này cũng được Trung tâm giúp sắp xếp công việc”, thầy Hải chia sẻ.

Như trường hợp của chị Nguyễn Thị H, 47 tuổi quê ở Lào Cai phải bỏ quê, bế con chạy trốn khỏi sự bạo hành tàn bạo của người chồng. Năm 1987 chị H kết hôn, hạnh phúc dần nhân lên khi hai đứa con chào đời. Để cải thiện kinh tế gia đình, chồng chị xin đi làm phụ hồ cho các công trình xây dựng. Nào ngờ, sau khi anh trở về, tiền không có lại còn nhiễm thói bê tha, rượu chè, gây chuyện đánh đập vợ con. Không chịu được, chị H đâm đơn ra tòa ly hôn.

Không có điều kiện nuôi hai con nhỏ, chị đành ngậm ngùi để lại con cho người chồng để xuống Hà Nội làm thuê. Sau 6 năm ly hôn, năm 2006, chị đi bước nữa, có với người chồng thứ hai một đứa con gái. Những tưởng cuộc sống đã sang trang mới, nhưng cuộc đời chị lại phải thêm một lần dang dở. Năm 2010 chị H đã quyết định khăn gói ôm con gái vào trong Nam. Hết đi rửa bát thuê, chị lại xin đi phụ việc gia đình nhưng vẫn khốn khó. Được hơn một năm chị H quay về Hà Nội rồi nương nhờ cửa chùa. Sau đó, chị H may mắn được giới thiệu về Trung tâm của thầy Hải. Đến đây mẹ con chị đã được thầy Hải mở rộng cưu mang, sắp xếp chỗ ăn nghỉ. Chị cũng đã được thầy Hải sắp xếp làm cấp dưỡng, còn cháu nhỏ được học lớp mầm non. Tương lai đã dần mở ra với mẹ con chị tại ngôi nhà nhân đạo này.

Chị H chia sẻ: “Về ngôi nhà này đúng là như tôi được tái sinh lần nữa, mẹ con tôi đã có cuộc đời mới sau bao ngày vất vả, tủi nhục. Mấy năm trước, Tết đến mẹ con không có nơi về, giờ có Trung tâm, mẹ con tôi không còn phải đón Tết ngoài đường nữa”.

Còn nhiều nữa những thân phận bất hạnh, không nơi nương tựa được trung tâm cưu mang, che chở. Mỗi một thành viên là một hoàn cảnh đặc biệt, khi đến đây.

Rời Trung tâm khi trời đã sẩm tối, ngoài đường mọi người tất bật với những lo toan riêng của mình. Tôi chợt nhớ tới lời dặn của thầy Hải: “Nhờ nhà báo chuyển hộ lời nhắn, sắp Tết rồi nếu còn ai không có tiền về quê ăn Tết, không có nơi để trở về hãy tìm đến ngôi nhà chung của chúng tôi: Trung tâm dạy nghề nhân đạo - địa chỉ số 25/48 ngõ Linh Quang, Văn Chương, Đống Đa, Hà Nội”.

Vâng, hy vọng tất cả những ai ở vào hoàn cảnh không may sẽ đọc được lời nhắn này, để có cái Tết bớt lạnh lòng.

Phương Thuận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét