Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Cần lắm bữa cơm có thịt

Cần lắm bữa cơm có thịt


(Dân trí) - Sau hai năm, chúng tôi mới có dịp trở lại thăm các em học sinh trường Dân tộc bán trú Mỏ Vàng. Khung cảnh và con người có khác xưa, nhưng vẫn nghèo và rất khó khăn, khiến những ai đặt chân tới nơi này không khỏi nghẹn ngào.
Trường Dân tộc bán trú THCS Mỏ Vàng thuộc xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. Con đường dẫn chúng tôi đi đến ngôi trường này là con đường rừng gồ ghề sỏi đá và khúc khuỷu rất khó đi. Cách đây hai năm, những con người trong vùng này còn chưa hề biết đến điện, chưa ai trong nhà có cái tivi đen trắng để xem. Mọi thứ dường như rất tách biệt với cuộc sống đang ngày càng phát triển của xã hội. May mắn là điện đã được phổ cập về với họ, để cuộc sống được cải thiện nhiều hơn.
Tỉ mỉ ngồi thêu chiếc quần mới
Tỉ mỉ ngồi thêu chiếc quần mới
Hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp là hai cô bé lớp 7 đang ngồi cặm cụi thêu hình trang trí cho chiếc quần “truyền thống” của dân tộc để chuẩn bị cho mình bộ quần áo mới dịp tết. Các em có thể tự mình sáng tạo họa tiết mà không cần người lớn hướng dẫn, không cần phải vẽ trước hay có bất kỳ một vật nào làm mẫu.

Giờ ăn cơm trưa, may mắn được ngồi trò chuyện, ăn cùng các em bữa cơm “đạm bạc”. Ai một lần đặt chân đến đây có lẽ đều không khỏi động lòng trước cảnh tượng giờ tan học, mấy đứa trẻ rủ nhau lên ăn cơm, không bàn ăn, không đĩa chén bày biện, mà mỗi đứa được chia sẵn một tô cơm và hai con cá khô nhỏ, một nồi canh trơ trọi vài gọng rau. Mỗi em cầm trên tay một tô cơm này nhưng vẫn xúc ăn ngon lành, không một chút đòi hỏi. Bởi đây là bữa cơm “thịnh soạn” so với trước đây mà các em từng ăn, bữa cơm mà chỉ có nước lã và muối ớt.
Mỗi người được chia một tô cơm riêng
Mỗi người được chia một tô cơm riêng
Tôi chợt nghĩ tới bữa cơm đầy đủ thịt cá, rau đậu của những đứa trẻ khác nơi thành thị mà nghẹn lòng. Mỗi tuần những cô cậu học trò chỉ được ăn 1 đến 2 bữa có thịt/24 bữa cơm, nhưng trên đôi môi các em vẫn luôn nở nụ cười hồn nhiên và hạnh phúc như đã hài lòng và rất no đủ.
Cô Trần Thu Thủy, một giáo viên đã gắn bó với các em học sinh nơi đây trong suốt 3 năm vừa qua chia sẻ: “Các em ở đây đa số là khó khăn lắm, may là còn được đến trường đấy. Từ khi được tài trợ thì các em đã được ăn ngon hơn rồi. Khi bố mẹ các em học sinh tới thăm, chúng tôi có hỏi các bậc phụ huynh có yên tâm khi cho con học bán trú ở đây không? Họ cũng thật thà trả lời, ở đây yên tâm lắm, có chỗ học và nghỉ, lại được ăn cơm sướng hơn ở nhà nữa. Nên dù thế này cũng là khó khăn rồi, nhưng cũng đầy đủ hơn trước đây rất nhiêu”.
Tô cơm với mấy con cá khô nhưng vẫn luôn nở nụ cười khi ăn
Tô cơm với mấy con cá khô nhưng vẫn luôn nở nụ cười khi ăn
Ăn xong, rất nhanh nhẹn, các em tới bể nước và tự mình đi rửa, úp chiếc bát của mình thật gọn gàng. Có những em chỉ mới học lớp 3 thôi, nhưng cũng đã phải làm quen với những công việc này. Sau giờ cơm trưa, em nào phải học chiều thì chuẩn bị sách vở rồi lên lớp, em nào không phải học thì tranh thủ rủ nhau lên rừng kiếm măng, lá rong để bán lấy tiền mua quần áo mới.
Ăn xong lại tự mình rửa bát sạch sẽ
Ăn xong lại tự mình rửa bát sạch sẽ
Theo chân các em nhỏ lên rừng mới thấu hiều nỗi cực nhọc vất vả và niềm tin yêu cuộc sống của các em lớn như thế nào. Con đường dốc đá cheo leo, cây cối um tùm, lội suối trèo đèo để bới tìm từng ngọn măng, đào lên rồi gùi về nhà, không quần áo hay dép bảo hộ, mà chỉ là những đôi dép tổ ong, đôi dép nhựa, những bộ trang phục mỏng manh…
Em Đặng Thị Bí, học sinh lớp 8 tâm sự: “Nhà em cách trường xa lắm, cứ cuối tuần em về nhà thăm bố mẹ một lần. Từ nhà em đến trường phải đi bộ từ sáng đến chiều mới tới. Những ngày gần tết, em thường cùng các bạn đi lên rừng lấy măng để bán, tuy vất vả, nhưng vui, lâu cũng quen rồi.”
Cùng nhau lên rừng tìm măng
Cùng nhau lên rừng tìm măng
Đối với các trường dân tộc nội trú, Nhà nước hỗ trợ cho mỗi học sinh là 415.000đ/tháng. Nhưng hiện nay có thêm nguồn tài trợ nên học sinh nơi đâyđược thêm 5.000đ/ngày. Như thế, là một tuần các em đã có thể được ăn thịt 1 lần. Bữa ăn giờ đây cũng đã có lạc, có rau nhiều hơn. Không phải ăn cơm chan nước lã và muối ớt như xưa nữa.
Điều kiện sống dù không được tốt, nhưng ở đây vẫn có một số học sinh rất hiếu học và đạt thành tích rất tốt. Có như vậy mới biết, càng khó khăn thì con người ta càng có ý chí nghị lực vươn lên. Mong cho câu ca “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” sẽ luôn là cảm xúc của các em.
Bài và ảnh: Trần Hằng- Vũ Thúy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét