Về cá nhân, tôi rất ác cảm với ông GS này vì ông suy nghĩ thường trực trong đầu của ông này là chê Việt Nam và khen phương Tây. Bên cạnh một số bài tôi rất không đồng tình, ví dụ bài này (xem ở đây và ở đây), vẫn phải thừa nhận ông có nhiều thông tin quý, dù nhiều khi chẳng biết đúng sai thế nào, cách ông chọn lựa trích dẫn thế nào (để theo định hướng chê Việt Nam và khen phương Tây).
Có thật là buôn bán hy vọng ? (Một phương pháp dự ...Buôn bán hi vọng ?
GS Nguyễn Văn Tuấn, Úc:
Gần đây, vấn đề tụt hậu khoa học đã thu hút sự chú ý của nhiều diễn đàn báo chí. Nhiều ý kiến xoay quanh số ấn phẩm khoa học của Việt Nam trên các tập san khoa học quốc tế còn thấp, trong khi Việt Nam có nhiều giáo sư và tiến sĩ hơn so với các nước trong vùng Đông Nam Á. Một trong những lí do các nhà khoa học Việt Nam ít có công bố quốc tế là vì các công trình của họ bị các tập san khoa học từ chối. Là người bình duyệt và biên tập cho một số tập san khoa học qua nhiều năm, tôi thu thập được một số kinh nghiệm và thông tin về số phận những bài báo khoa học bị từ chối. Trong bài này, tôi sẽ giải thích và phân tích những lí do bài báo khoa học bị từ chối, và hi vọng góp một phần vào việc nâng cao sự hiện diện của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế trong tương lai. Bài này thật ra là viết lại từ bài giảng ở Đại học Y tế Công cộng hôm 10/1/2013 mà các bạn có thể xem qua video.
Cũng như bất cứ hoạt động xã hội nào, nghiên cứu khoa học phải có sản phẩm. Bài báo khoa học là “sản phẩm” của một công trình nghiên cứu khoa học. Để đánh giá sự thành bại của một công trình, người ta thường xem xét đến bài báo khoa học đã được công bố ở đâu. Các cơ quan tài trợ cho nghiên cứu xem việc công bố kết quả là một nghĩa vụ của nhà nghiên cứu, bởi vì họ nhận tài trợ từ tiền thuế của người dân, và do đó phải có trách nhiệm báo cáo cho người dân biết số tiền đó đã dẫn đến kết quả nào.
Xin nói thêm rằng ở nước ngoài, người ta không có “nghiệm thu” công trình khoa học như ở Việt Nam; thay vào đó, các cơ quan tài trợ đánh giá sự thành công của một công trình nghiên cứu khoa học qua những bài báo đã được công bố trên các tập san có uy tín trên thế giới. Tốt hơn nữa, nếu nghiên cứu có ứng dụng, thì sản phẩm thực tế hay bằng sáng chế cũng là một thước đo quan trọng để đánh giá công trình nghiên cứu.
Nhưng trong thực tế, và như là một qui luật, phần lớn những bài báo khoa học bị từ chối công bố. Tỉ lệ từ chối có thể dao động trong khoảng 50% đến 99%, tuỳ theo tập san và thời gian. Tập san có uy tín cao thường có tỉ lệ từ chối cao. Những tập san lâu đời và có ảnh hưởng lớn trong khoa học như Science, Nature,Cell, hay trong y khoa như New England Journal of Medicine, Lancet, JAMA, mỗi năm nhận được khoảng 6000 đến 8000 bài báo khoa học, nhưng tỉ lệ từ chối lên đến 90% hoặc 99%. Ngược lại, những tập san nhỏ và chuyên ngành thường có hệ số ảnh hưởng thấp, thì tỉ lệ từ chối chỉ khoảng 50% đến 60%. Những tập san địa phương có vẻ dễ dải hơn, với tỉ lệ từ chối chỉ 20 hay 30%.
Quyết định từ chối thường xuất phát từ ban biên tập và các chuyên gia bình duyệt. Nhưng rất nhiều trường hợp tác giả không biết tại sao bài báo của mình bị từ chối, vì ban biên tập cũng không giải thích lí do cụ thể. Tuy nhiên, những ai từng phục vụ trong ban biên tập thì biết khá rõ những lí do từ chối, vì mỗi năm tập san đều có tổng kết hoạt động và nhà xuất bản thường báo cáo chi tiết số bài báo nhận được, tỉ lệ từ chối, và lí do từ chối.
Qui trình xuất bản
Để hiểu lí do bài báo bị từ chối, cần phải hiểu về bản chất của tập san và qui trình xuất bản khoa học. Tập san khoa học (scientific journals) khác với tạp chí phổ thông (scientific magazine). Tạp chí phổ thông, như tên gọi, có chức năng chủ yếu là cung cấp những thông tin khoa học cho công chúng, với văn phong đơn giản để đại đa số công chúng có thể hiểu được những nét chính trong công trình nghiên cứu khoa học. Các tập san khoa học là những diễn đàn khoa học có chức năng chính là chuyển tải và chia sẻ thông tin khoa học trong giới làm nghiên cứu khoa học, nên văn phong và cách trình bày rất đặc thù và có khi khó hiểu. Các tạp chí không có cơ chế bình duyệt (peer review), nhưng các tập san khoa học nghiêm túc thì có cơ chế bình duyệt mà theo đó bài báo trước khi được công bố phải qua vài giai đoạn kiểm tra và duyệt xét về ý tưởng, phương pháp, và cách diễn giải.
Qui trình để xuất bản một bài báo khoa học cũng khá phức tạp. Đầu tiên là tác giả soạn bài báo khoa học và đệ trình đến một tập san. Ban biên tập khi nhận được sẽ xem qua một cách nhanh chóng, và nếu thấy chưa đạt yêu cầu sẽ từ chối công bố trong vòng 1 tuần; nếu thấy đạt yêu cầu và có tiềm năng, họ sẽ gửi cho 2 hoặc 3 chuyên gia bình duyệt. Các chuyên gia bình duyệt sẽ đọc và đánh giá bài báo, viết báo cáo gửi cho tổng biên tập của tập san, với một trong những đề nghị như (a) cho công bố không cần sửa; (b) cho công bố những cần sửa chút ít; (c) cho công bố nhưng sửa nhiều hay viết lại; hay (d) từ chối. Chỉ một trong 3 chuyên gia bình duyệt đề nghị từ chối thì khả năng bài báo sẽ bị từ chối lên rất cao. Có nhiều trường hợp bài báo phải trải qua 3 lần bình duyệt, và tốn rất nhiều thời gian (trên 12 tháng) nhưng cuối cùng có khi vẫn bị từ chối!
Nhìn qua qui trình trên, dễ dàng thấy bài báo khoa học bị từ chối ở 3 giai đoạn: ban biên tập, bình duyệt, và tái bình duyệt. “Nguy cơ” bị từ chối rất khác nhau giữa các giai đoạn, và giữa các tập san. Một nghiên cứu trên tập san British Medical Journal (một trong những tập san y khoa hàng đầu thế giới), trong giai đoạn 1 (tức ban biên tập), tỉ lệ từ chối khoảng 50% những bài báo gửi đến, mà không gửi ra ngoài để bình duyệt. Giai đoạn 2, sau khi gửi đi cho các chuyên gia bình duyệt, thì vẫn bị từ chối khoảng 45%. Ngay cả ở giai đoạn 3 là tái bình duyệt, xác suất bị từ chối là khoảng 5%.
Lí do từ chối: ban biên tập
Lí do từ chối bài báo trong giai đoạn 1 có thể liệt kê vào 3 nhóm chính: không thích hợp tập san, thiếu cái mới hay chẳng có ảnh hưởng, và vấn đề trình bày dữ liệu và ngôn ngữ.
Không thích hợp cho tập san là lí do ban biên tập từ chối rất nhanh. Tập san khoa học có đẳng cấp riêng trong chuyên ngành, và đẳng cấp này có thể phân biệt qua hệ số ảnh hưởng (impact factor, viết tắt là IF). Tập san có IF cao cũng có nghĩa là có ảnh hưởng lớn, và những tập san này chỉ công bố những công trình quan trọng. Nếu công trình nghiên cứu không phải thuộc vào loại “đột phá” thì không nên gửi cho các tập san như Science và Nature, mà nên xem xét đến các tập san chuyên ngành.
Mỗi tập san có một thành phần độc giả chủ đạo, và họ phải đáp ứng nhu cầu của độc giả. Tập san y học lâm sàng khác với tập san chuyên về nghiên cứu cơ bản. Cũng là cùng ngành tim mạch, nhưng có tập san ưu tiên công bố những công trình nghiên cứu cơ bản, và có tập san tập trung vào những vấn đề thực hành lâm sàng. Do đó, nếu là nghiên cứu dịch tễ học về bệnh tim mạch thì không nên gửi cho tập san Journal of Molecular and Cellular Cardiology, mà nên xem xét đến tập san [ví dụ như] American Heart Journal.
Thiếu cái mới. Nói chung, ban biên tập ưa chuộng công bố những nghiên cứu có cái mới về phương pháp, cách tiếp cận, kết quả, cách diễn giải, v.v. Những công trình nghiên cứu “me too” (tức lặp lại hay bắt chước nghiên cứu trước đây) sẽ khó có cơ hội công bố trên các tập san có tiếng. Những nghiên cứu mà câu trả lời hay kết quả chẳng có ảnh hưởng gì đến chuyên ngành, chẳng gây tác động gì đến chính sách công hay thực hành lâm sàng cũng khó có cơ hội được công bố.
Vấn đề ngôn ngữ. Có khá nhiều bài báo có nội dung tốt, nhưng vì cách trình bày lượm thượm, thiếu tính logic, vẫn bị từ chối. Một số bài báo bị từ chối vì lí do tiếng Anh quá kém, như sai ngữ pháp, sai văn phạm, thậm chí đánh vần sai. Trong thời đại điện tử và vi tính, mà đánh vần sai tiếng Anh trong một bài báo khoa học là tín hiệu cho thấy tác giả cẩu thả, hoặc thiếu tôn trọng người đọc, nên dễ bị từ chối.
Lí do từ chối: chuyên gia bình duyệt
Nếu bài báo đã qua giai đoạn 1 (ban biên tập), thì bản thảo sẽ được gửi cho 2 hay 3 chuyên gia trong chuyên ngành để phê bình và xét duyệt. Các chuyên gia bình duyệt là những người người bán nặc danh, chỉ có ban biên tập mới biết họ là ai. Chuyên gia bình duyệt biết tác giả là ai, nhưng tác giả không biết các chuyên gia này là ai, chỉ biết rằng họ là những chuyên gia có uy tín trong chuyên ngành. Do đó, trong cuộc "đối phó" các chuyên gia bình duyệt, tác giả ở vị thế tương đối khó khăn. Điều này nói lên rằng tác giả cần phải hết sức cẩn thận và khách quan trong cách trình bày bài báo, hoặc trả lời bình duyệt sao cho lịch sự, không tấn công cá nhân, để không gây ấn tượng xấu với các đồng nghiệp bình duyệt.
Các chuyên gia bình duyệt sẽ có 1-3 tháng để báo cáo cho ban biên tập, và trong báo cáo có phần đề nghị chấp nhận hay bác bỏ bài báo. Trong báo cáo đó, các chuyên gia bình duyệt phải nói lí do tại sao họ đi đến quyết định chấp nhận hay từ chối bài báo.
Xem qua những lí do mà các chuyên gia bình duyệt từ chối bài báo có thể tóm lược trong 4 nhóm chính:
1. Tầm quan trọng và thiếu cái mới của công trình nghiên cứu
2. Phương pháp và thiết kế nghiên cứu
3. Cách trình bày dữ liệu và cách viết
4. Diễn giải kết quả nghiên cứu
Tầm quan trọng và thiếu cái mới trong công trình nghiên cứu là lí do hàng đầu (80% bài báo bị từ chối vì lí do này). Có nhiều nghiên cứu mà đọc xong bài báo, người đọc chỉ chặc lưỡi thầm “chẳng có gì quan trọng”, hay nói một cách dân gian là “không mợ thì chợ vẫn đông”. Đó là những bài báo có kết quả nhưng kết quả chẳng có ảnh hưởng gì đến chính sách công, chẳng tác động gì đến chuyên ngành. Thiếu tính ứng dụng cũng là một lí do để từ chối, nhưng quan trọng hơn là thiếu cái mới. Nghiên cứu không có gì mới rất khó công bố trên các tập san quốc tế.
Phương pháp. Một nghiên cứu về lí do từ chối trên 25 nhà khoa học từng đoạt giải Nobel y sinh học, 67 tổng biên tập và 50 chuyên gia bình duyệt của các tập san y sinh học cho ra nhiều kết quả thú vị. Kết quả phân tích cho thấy 71% bài báo bị từ chối là do thiết kế nghiên cứu có vấn đề. Những khiếm khuyết về cách tiếp cận, thiết kế nghiên cứu, phương pháp đo lường, qui trình thực hiện, phân tích dữ liệu, v.v. thường được nhắc đến như là những lí do từ chối.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy những vấn đề liên quan đến phương pháp nghiên cứu là một trong những lí do bị từ chối nhiều nhất. Bảng 1 dưới đây thống kê những lí do bị từ chối phổ biến nhất. Gần 3/4 bài báo bị từ chối là do khiếm khuyết về phương pháp nghiên cứu và phương pháp luận.
Bảng 1: Lí do bài báo khoa học bị từ chối công bố
Về trình bày dữ liệu, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến bài báo bị từ chối đăng: trình bày dữ liệu không đầy đủ (32%), có mâu thẫn giữa các dữ liệu trình bày (25%) và không cung cấp đầy đủ chi tiết về phương pháp nghiên cứu (25%). Về cách viết, các khoa học không ưa cách viết sử dụng từ ngữ hoa mĩ và sáo rỗng (ít thông tin), hoặc cách viết dùng những từ “đao to búa lớn” mà không có ý nghĩa cụ thể. Khoảng 43% bài báo với những từ ngữ như văn chương chính trị bị từ chối công bố. Ngoài ra, diễn đạt ý tưởng không khúc chiết (21%) và câu văn thừa (11%) cũng là những nguyên nhân bị từ chối.
Địa phương chủ nghĩa?
Phần lớn các tập san khoa học -- dù là trụ sở đặt ở Mĩ hay Âu châu, hay trực thuộc các hiệp hội khoa học của Mĩ hay Âu châu -- mang tính quốc tế, hiểu theo nghĩa ban biên tập nhận bài từ tất cả các nhà khoa học trên thế giới. Câu hỏi đặt ra là có sự khác biệt nào về tỉ lệ từ chối giữa các nước hay không.
Theo thống kê của các tập san y khoa lớn như New England Journal of Medicine, JAMA, không có khác biệt lớn về tỉ lệ từ chối giữa các nước Mĩ (hay nói tiếng Anh) và ngoài Mĩ. Năm 2000, 25% trong tổng số bài báo JAMA nhận được xuất phát từ các nước ngoài Mĩ, và tỉ lệ từ chối là 95%. Tỉ lệ từ chối các bài báo từ Mĩ của JAMA là 93%. Tập san New England Journal of Medicine cho biết trong tổng số bài báo tập san nhận được hàng năm, 1/2 đến từ các nước ngoài Mĩ. Trong tổng số các bài báo được chấp nhận cho đăng trên New England Journal of Medicine, 1/3 có nguồn gốc ngoài Mĩ.
Tuy nhiên, đối với các tập san chuyên ngành thì có sự khác biệt lớn giữa các nước ngoài Mĩ và Mĩ. Chẳng hạn như tập san Circulation Research (chuyên về tim mạch, hệ số ảnh hưởng ~10), mỗi năm họ nhận được khoảng 2000 bài báo từ khắp các nước trên thế giới, nhưng chủ yếu từ Mĩ (44%), Âu châu (31%), Nhật (6%), và Á châu (9%, không kể Nhật). Tỉ lệ từ chối chung là 85%, không khác mấy so với tỉ lệ từ chối các bài báo từ Hàn Quốc (88%), Đài Loan (91%). Riêng Trung Quốc, có đến 99% bài báo gửi cho tập sanCirculation Research bị từ chối vì chất lượng quá kém và tiếng Anh chưa đạt.
Một phân tích thú vị khác của tập san American Journal of Roentgenology (IF ~4) cho thấy một “bức tranh” toàn cục thú vị (Bảng 2). Trong thời gian từ 2003 đến 2005, tập san này nhận được 5242 bài báo khoa học từ khắp nơi trên thế giới, nhưng chủ yếu từ Mĩ (43%), Nhật (11%), Hàn Quốc (9%), Đức (5%), và Canada (4%). Tuy nhiên, tỉ lệ bài báo được chấp nhận cho đăng dao động lớn giữa các nước. Trong số 2252 bài báo từ Mĩ, 72% được chấp nhận cho công bố, và trong tổng số 2990 bài báo ngoài Mĩ, tỉ lệ được chấp nhận là 60%. Nước có tỉ lệ chấp nhận thấp nhất là Ấn Độ, với chỉ 27% bài báo được công bố. Phân tích chi tiết theo ngôn ngữ mẹ đẻ, thì trong số 2684 bài báo từ các nước nói tiếng Anh (Mĩ, Canada, Anh, Úc) tỉ lệ chấp nhận cho công bố là ~71%. Trong số 2558 bài báo xuất phát từ những nước không nói tiếng Anh, tỉ lệ chấp nhận chỉ 60%.
Thứ nhất là khi có ý tưởng làm nghiên cứu, cần phải chú trọng đến cái mới. Cái mới ở đây không chỉ về ý tưởng, mà có thể là cái mới về phương pháp nghiên cứu (dù ý tưởng không mới), cái mới về kết quả và cách trình bày, và cái mới trong cách lí giải kết quả nghiên cứu. Thiếu những cái mới này thì nghiên cứu chỉ là một dạng “me too”, tức chỉ hoàn toàn bắt chước người khác từ A đến Z. Nếu là nghiên cứu “me too” thì rất khó được chấp nhận cho công bố trên các tập san có uy tín cao, hay dù có cơ hội được công bố thì tập san cũng thuộc vào loại làng nhàng, dưới trung bình.
Rất nhiều nghiên cứu y khoa từ VN thiếu cái mới, vì chỉ lặp lại những gì người khác đã làm. Một số người chỉ muốn theo đuổi những đề tài dễ, vì hoặc là thiếu kinh phí, hoặc là không dám mạo hiểm theo đuổi những đề tài gai góc. Tình trạng này khá phổ biến, nhất là ở những nghiên cứu sinh vì thời gian có hạn và cũng chẳng được tài trợ, nên họ chọn những đề tài rất nhỏ và không quan trọng (mà theo tiêu chuẩn học thuật thì chưa chắc xứng đáng văn bằng tiến sĩ). Môt số khác thì không được thầy cô hướng dẫn tốt, nên họ phải “tự bơi” bằng cách làm theo lối mòn, vì họ sợ nếu làm cái gì mới sẽ bị thầy cô trách mắng. Trong nhiều trường hợp, chính thầy cô cũng chỉ làm theo lối mòn cũ, vì hoặc không cập nhật kiến thức, hoặc sợ hội đồng duyệt đề tài bác bỏ. Bản thân các thành viên trong hội đồng duyệt đề tài cũng chỉ làm quen với những ý tưởng nhỏ, chấp vá, hay thậm chí chưa có kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học, nên họ trở nên tủn mủn và … bảo thủ. Trong cái vòng tròn luẩn quẩn như thế, rất khó để các nhà khoa học VN có công trình công bố trên các tập san quốc tế.
Thứ hai là cần chú trọng đến phương pháp nghiên cứu. Trong nghiên cứu thực nghiệm, thiết kế và phương pháp đóng vai trò cực kì quan trọng. Thiết kế nghiên cứu không thích hợp, thì dữ liệu có thể không có giá trị khoa học cao, và không có cơ may công bố trên các tập san có uy tín cao. Chẳng hạn như một công trình nghiên cứu y khoa thiết kế theo mô hình có yếu tố thời gian và có nhóm chứng lúc nào cũng có giá trị khoa học hơn là một công trình không có nhóm chứng. Trong nghiên cứu y học, phương pháp sai thì kết quả cũng sai hay không có giá trị cao. Ví dụ như nếu nghiên cứu về bệnh tiểu đường hay dinh dưỡng mà không có các đo lường về lượng mỡ bằng phương pháp DXA thì dữ liệu khó mà xem là có giá trị khoa học cao.
Trong một phân tích về những công trình nghiên cứu y khoa ở trong nước trước đây, tôi phát hiện rất nhiều sai sót về phương pháp nghiên cứu (research method) và phương pháp luận (methodology). Những sai sót này thường là cách thiết kế nghiên cứu không thích hợp, qui trình sai, phương pháp phân tích còn nhiều sai lầm, vi phạm giả định khoa học, v.v. Ngay cả tài liệu hướng dẫn nghiên cứu khoa học lưu hành trong các đại học cũng còn nhiều điểm cần phải xem xét lại, vì chưa phù hợp chuẩn mực quốc tế và chịu ảnh hưởng bởi một chuyên ngành. Với những sai sót như thế, các nghiên cứu từ Việt Nam rất khó có cơ may được xuất hiện trong các diễn đàn khoa học quốc tế.
Thứ ba là cách trình bày. Bài báo khoa học là một văn bản khó hiểu, bởi văn phong thường được viết rất ngắn và cô đọng. Nhưng nếu tác giả chọn cách viết dài dòng như viết tiểu thuyết thì đó là một cách chuốc lấy thất bại trong khoa học. Điều này có ý nghĩa với chúng ta, người Việt Nam, vì chúng ta hay chịu ảnh hưởng của thơ văn trong cách viết bài báo khoa học.
Nhiều tập san khoa học trong nước có cách trình bày … chẳng giống ai, chẳng theo một thông lệ khoa học nào cả. Tác giả có thể trình bày theo ý mình, và do đó dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở”. Điều này làm cho người đọc cảm thấy những bài báo nghiên cứu trong nước rất hời hợt và thiếu tính khoa học. Còn các tập san khoa học quốc tế có qui định rất chặt chẽ về cách trình bày dữ liệu, cách viết, thậm chí cách trình bày tài liệu tham khảo. Nếu bài báo không tuân thủ theo các qui định của tập san thì chắc chắn sẽ bị từ chối.
Thứ tư là cần thạo tiếng Anh. Phần lớn (90%) các tập san quốc tế, dù là tập san ở các nước Bắc Âu hay châu Á Thái Bình Dương đều sử dụng tiếng Anh. Có thể nói không ngoa rằng tiếng Anh đã trở thành một ngôn ngữ của cộng đồng khoa học. Đối với các nhà khoa học Việt Nam, tiếng Anh là một vấn đề lớn, vì phần lớn các nhà khoa học không thạo tiếng Anh. Rất nhiều nhà khoa học Việt Nam biết tiếng Anh, có thể đọc, nghe, và viết, nhưng phần lớn chưa ở trình độ có thể viết một bài báo khoa học hoàn chỉnh. Ngay cả những nghiên cứu sinh đã theo học các đại học nói tiếng Anh ở nước ngoài cũng chưa đủ khả năng để soạn một bài báo khoa học mà không cần đến sự hỗ trợ về ngôn ngữ.
Rất khó tìm một bài báo y khoa được công bố trên các tập san ở trong nước viết đúng tiếng Anh! Nhưng như chúng ta thấy qua các dữ liệu trên, tiếng Anh là một rào cản đáng kể (nhưng không phải là rào cản duy nhất hay lớn nhất) đối với các nhà khoa học ngoài các nước nói tiếng Anh. Do đó, nhà khoa học cần phải tiếng Anh, và các đại học / viện nghiên cứu nên tổ chức nhiều khóa học về cách viết bài báo khoa học bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, tiếng Anh không phải là nguyên nhân chính để từ chối một công trình nghiên cứu có chất lượng cao. Ngược lại, tiếng Anh “văn hay chữ tốt” cũng không thể bù đấp được những khiếm khuyết về cái mới và phần thiết kế cũng như phương pháp nghiên cứu.
Từ chối là một cơ hội!
Thật ra, bài báo bị từ chối có khi là một cơ hội tốt. Theo một phân tích mới đây, những bài báo bị từ chối sau khi được chỉnh sửa lại thường được công bố trên những tập san có ảnh hưởng cao. Do đó, không nên buồn khi thấy công trình của mình bị từ chối, mà nên xem đó là một cơ hội để làm tốt hơn và hay hơn.
Nói tóm lại, các kết quả phân tích trên đây cho thấy khuyết điểm phổ biến nhất và cũng là nguyên nhân thông thường nhất dẫn đến quyết định từ chối một bài báo khoa học nằm ở phần phương pháp. Điều này có lẽ cũng không khó hiểu, bởi vì nếu phương pháp sai thì kết quả sẽ sai, các bàn luận và kết luận cũng có thể sai. Mà, sai sót về phương pháp thì không sửa được (vì nghiên cứu đã làm rồi). Không có tập san khoa học nào muốn công bố một bài báo khoa học với nhiều sai sót, nên quyết định từ chối những bài báo do khiếm khuyết về phương pháp là điều hoàn toàn có thể đoán được.
Bộ Khoa học và Công nghệ mới ra chính sách mới, mà theo đó công bố quốc tế sẽ được lấy làm một thước đo năng lực nghiên cứu khoa học. Chiến lược khoa học 2011-2020 viết rằng “tăng số lượng công bố quốc tế từ các đề tài sử dụng ngân sách nhà nước trung bình 15-20%/năm. Mục tiêu thứ năm lại ghi rõ đến năm 2020 hình thành 60 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới.” Đây là một thách thức đáng kể cho giới khoa học Việt Nam, bởi càng ngày việc công bố khoa học càng khó khăn vì sự cạnh tranh toàn cầu giữa các nhà khoa học để có tiếng nói.
Trong khi chúng ta có kế hoạch gia tăng số ấn phẩm khoa học, thì các nước trong vùng đã bỏ xa chúng ta. Năm 2012, các nhà khoa học VN công bố được 1630 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Con số này chỉ bằng 30% của Thái Lan, 22% của Mã Lai, và 17% của Singapore. Những con số trên đây cho thấy năng suất khoa học Việt Nam còn rất khiêm tốn, nhất là trong điều kiện 9500 giáo sư và phó giáo sư cùng 24 ngàn tiến sĩ. Nếu mỗi 2 giáo sư công bố 1 bài báo khoa học, và mỗi 4 tiến sĩ công bố 1 bài báo khoa học, thì mỗi năm VN có khoảng 10,000 bài báo khoa học. Do đó, con số công bố quốc tế hiện nay của VN có thể hiểu như là tương đương với 16% tiềm năng khoa học.
Nhưng những con số trên chưa nói đến một thực tế đáng báo động khác: vấn đề lệ thuộc. Phần lớn (70%) những công trình của VN là do hợp tác với nước ngoài. Có lĩnh vực như y khoa, tỉ lệ hợp tác với nước ngoài lên đến 80%. Hợp tác khoa học là điều cần thiết và cần khuyến khích, nhưng nếu 80% công trình nghiên cứu là do hợp tác thì có thể xem đó là một chỉ số về nội lực yếu kém, hay nói thẳng hơn là lệ thuộc. Điều này cho thấy ngay từ bây giờ VN cần phải xây dựng nội lực khoa học tốt hơn để cạnh tranh với các nước trong vùng và trên thế giới.
Để xây dựng nội lực, cần có những chính sách lâu dài hơn và có hệ thống hơn liên quan đến con người. Rất cần lập những quĩ dành cho các nhà khoa học trẻ (mới xong tiến sĩ) để gửi họ ra nước ngoài tiếp tục nghiên cứu trong giai đoạn hậu tiến sĩ. Đối với những nhà khoa học có triển vọng (không khó nhận ra những người này) cần có những tài trợ đặc biệt cho họ. Tài trợ phải để họ đủ lương bổng mà không phải lo đến chuyện “cơm áo gạo tiền” hay phải chạy sô “xoá đói giảm nghèo”. Nói tóm lại, chúng ta cần phải lập ra quĩ dành cho những nhà khoa học tinh hoa (elite) và cho phép họ độc lập trong nghiên cứu và sử dụng ngân sách khoa học. Khoa học bắt đầu từ con người có tài, và không có lí do gì mà xã hội không nuôi dưỡng những nhân tài.
N.V.T
TB: Bản ngắn hơn đã đăng trên sgtt.vn:
Lý do bài báo khoa học bị từ chối & hệ quả
Cơ hội từ thất bại
Và những bình luận chung quanh hai bài đó như sau. Nhân dịp này tôi chân thành cám ơn các bạn đã bỏ thì giờ đóng góp ý kiến. Tất cả những ý kiến của các bạn, dù đồng ý hay không đồng ý, tôi đều trân trọng. Trong tương lai, tôi sẽ cố gắng xem qua tất cả những bình luận của các bạn đọc và rút ra những điểm để bàn thêm. Nhưng bây giờ thì tôi chỉ lưu lại để làm tài liệu tham khảo.
Đoàn Linh Phi
Mọi người trao đổi xôm tụ quá! Xin được phép góp một ý nhỏ: Nhà khoa học ngoài việc nghiên cứu còn phải biết tiếp thị công trình của mình bán công trình để xã hội được hưởng lợi đồng thời làm giàu cho bản thân. Tất nhiên sẽ còn liên quan đến cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách ... nên nếu anh cần gì anh phải chứng minh được hiệu quả của công tác nghiên cứu đem lại thì anh sẽ có được sự đầu tư. Không cần nhà nước đầu tư, doang nghiệp có thể đầu tư cho nhà khoa học nếu họ thấy có lợi. Đầu tư vào nghiên cứu khoa học và công nghệ là lĩnh vực đầu tư hiệu quả nhất. Vậy mà các anh vẫn nghèo, không đủ tiền để đăng bài trên các tạp chí thì phải xem lại có phải các anh đang làm khoa học đúng hướng hay không. Phải thừa nhận những yếu kém về khoa học-công nghệ hiện tại của nước nhà thì mới tiến bộ được. Trong cái yếu kém hiện tại, có cả cái do chính sách và có cả cái do nguồn nhân lực. Quan trọng nhất là người Bộ trưởng và Thủ tướng phải nhận ra điều đó để làm lại hoặc thay đổi chính sách cho khoa học và đào tạo người làm khoa học. Ngược lại, bản thân các nhà khoa học đã xác định theo nghiệp này cũng phải thừa nhận những yếu kém của mình để luôn luôn tìm cách thay đổi và tạo ra những công trình, sản phẩm nghiên cứu có chất lượng được đăng trên các tạp chí uy tín trên thế giới. Trong khi các trường đại học của Trung Quốc và trên thế giới đang giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài chính của Chính phủ bằng cách tạo ra những sản phẩm, những bằng sáng chế, những bài báo (thậm chí có nhiều trường còn mang lại lợi nhuận) thì hầu như toàn bộ các trường đại học ở VN vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhà nước. Mạo muội trao đổi, có gì không đúng, mong mọi người trao đổi thêm. Xin cảm ơn.
An Trân
Có một sự thật mà nhiều người né tránh không nói ra, vì tế nhị, hoặc vì sĩ diện. Đó là trình độ của đội ngũ khoa học nước ta NHÌN CHUNG còn kém so với nước ngoài. Kém về ngoại ngữ nên không đọc được tài liệu nước ngòai và không viết được bài báo bằng tiếng nước ngoài đã đành, mà còn kém về KIẾN THỨC, về PHƯƠNG PHÁP NCKH ! Tôi là người trong cuộc (PGS.TS), tôi biết rõ "nội tình" trong giới nghiên cứu, nhất là khối KHXH-NV. Tôi cũng tự kiểm điểm bản thân tôi cũng còn kém nhiều thứ, cần phải học hỏi nhiều hơn nữa, chứ không phải chỉ biết phê bình người khác mà thôi. Muốn khắc phục tình trạng hiện nay, ngoài những giải pháp mà nhiều người đã đề ra, tôi nghĩ cần phải thêm vào việc NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ cho đội ngũ các nhà khoa học VN nữa !
Quang Vinh
Vấn đề cốt lõi là nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học và chuẩn hóa trình độ nghiên cứu của những nhà nghiên cứu. Đặc biệt là có chế độ đãi ngộ các lưu học sinh về nước làm việc. Thực tế là đa phần các nghiên cứu sinh được đào tạo và cấp bằng trong nước không có khả năng tìm và đọc tài liệu nước ngoài tốt, càng ít người có khả năng viết báo đăng tạp chí chuyên ngành nước ngoài (mà các chính sách trong nước cũng không khuyến khích hay đãi ngộ đặc biệt gì, chưa kể có thể có rắc rối). Việc mua quyền download full cho các viện nghiên cứu nên xem xét tránh lãng phí trong tình hình không có kinh phí để đãi ngộ con người. Những nghiên cứu sinh từ nước ngoài về có thể tự xoay sở được để tìm tài liệu (nếu không phải mất thời gian lo bon chen kiếm sống). Các cơ sở nghiên cứu trong nước có thể xin các nguồn tài liệu miễn phí của các tổ chức quốc tế dùng hỗ trợ các nước nghèo. Trong 7 năm du học nước ngoài tôi có hơn 10 bài báo đăng tạp chí chuyên ngành thế giới trong đó 8 bài là tác giả chính, có bài đăng trong New England Journal of Medicine. Từ khi về nước 4 năm nay tôi mất tích khỏi giới nghiên cứu thế giới, mọi người không cần hỏi tại sao.
Võ Tuấn Phương
Tôi xin phép được có đôi lời trao đổi với GS Nguyễn Văn Tuấn – người mà tôi rất ngưỡng mộ về trí tuệ và tinh thần khoa học. Ở nước ta, việc cập nhật các bài báo khoa học, công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới đang vướng phải khó khăn. Đó chính là vấn đề bản quyền của các bài báo. Hầu hết các bài báo khoa học đều phải trả phí để được tải về. Có một chân lý bất cứ người làm khoa học nào cũng biết, đó là "khoa học luôn có tính kế thừa và phát triển". Thế hệ sau thừa hưởng, phát huy và sáng tạo dựa trên những thành quả nghiên cứu đi trước. Điều này giúp định hướng đúng cho hướng nghiên cứu, đồng thời tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc rất nhiều. Nói một cách nôm na, khi cần tính toán trọng lực, chúng ta không cần phải ra vườn ngắm quả táo của Newton rơi, rồi tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn; thay vào đó, chúng ta chỉ cần áp dụng định luật và tính toán. Nhà khoa học muốn nghiên cứu, sáng tạo cái mới hoặc muốn áp dụng một thành tựu khoa học, ít nhất họ phải được cập nhật đẩy đủ các thông tin khoa học liên quan, biết thế giới đang làm gì và đã giải quyết được gì, còn những khúc mắc gì? Từ đó mới có hướng nghiên cứu cho riêng mình, tránh hiện tượng nghiên cứu "lần mò" gây nhiều tốn kém, rồi đến khi công bố kết quả, có khi vô tình trùng với một nghiên cứu đã có sẵn trước đó trên thế giới. Một bài báo tham khảo có giá trung bình từ vài đến vài chục USD, trong khi một công trình nghiên cứu của nhà khoa học phải tham tham khảo từ rất nhiều bài báo. Nhẩm tính, mỗi nhà khoa học phải trả một khoản phí không nhỏ cho việc nghiên cứu của mình. Trong thời buổi bão giá, tất cả chúng ta đều phải lo chuyện cơm áo, gạo tiền, thì liệu đây có phải là một trong số các lý do làm giảm động lực nghiên cứu. Nên chăng, Nhà nước ta có chính sách hoặc nguồn quỹ hỗ trợ cho các nhà khoa học về vấn đề này. Một số trường đại học trên thế giới đang hỗ trợ rất tốt việc trên. Nhà trường mua bản quyền và bất cứ ai truy cập từ địa chỉ IP của trường đều được miễn phí tải báo. Khi kết quả khoa học được công bố, đối tượng hưởng lợi thứ hai (sau nhà khoa học) chính là nhà trường. Bằng chứng là một trong các chỉ tiêu xếp hạng trường đại học trên thế giới là có các công trình khoa học được công bố.
Nguyễn Thị Hà
Cám ơn tòa soạn đã đăng bài viết rất thẳng thắn này. Ở Việt Nam chúng ta, đa số thạc sỹ, tiến sỹ khi học phải bỏ ra rất nhiều tiền để lấy cái bằng, rồi về bỏ tủ, hoặc lấy cái đó để đưa vào hồ sơ đề bạt chức vụ, chứ rất ít rất ít người có đề tài khoa học phục vụ đời sống. Đây chính là cái nút thắt cho sự phát triển của VN....biết rồi khổ lắm nói hoài?
Đỗ Diệu An
Đúng vậy, bài viết của anh Tuấn rất hay, Ở nước ta rất nhiều tiến sĩ, thạc sĩ nhưng chẳng hiểu họ nghiên cứu gì, có chăng bằng cấp ở ta để dễ thăng tiến và kiếm tiền vì lương đi đôi với bằng cấp mà.
Nguyễn Văn Giáp
Sao các ông lại cứ thắc mắc là tiến sĩ ở Việt Nam mình là giấy là... này nọ là không có công trình... rồi tổng thống người ta thì chỉ cần tốt nghiệp cỡ trung cấp trở lên là được không cần xa xỉ tới mấy cái bằng với học hàm học vị tiến sĩ? Các ông không hiểu ngay một điều rằng quốc gia nào lãnh thổ nào cũng có văn hóa của lãnh thổ và quốc gia đó nếu các ông muốn làm tổng thống hay tiến sĩ hay giáo sư hay công trình khoa học thì các ông đến nước người ta mà làm còn các ông đang sống ở Việt Nam nên các ông nhớ đó là văn hóa Việt Nam vì đơn giản đất nước người ta có tổng thống còn mình có tổng bí thư nó khác xa nhau các ông ơi sao mà cứ đi mà phàn nàn cái điều sao mình không giống người ta và phải đòi hỏi mình như người ta thì vô lý quá! Xin các ông đấy!
Võ Lập Quốc
Tôi đồng tình với ý kiến của Nguyễn Vũ Hoàng, tôi cũng là một người tốt nghiệp tiến sỹ kinh tế ở một nước có nền kinh tế phát triển. Hào hứng về nước làm đúng công việc nghiên cứu, nhưng than ôi làm người nghiên cứu khổ sở vô cùng. Nói ở nước ta đấu thầu cạnh tranh bình đẳng trong nghiên cứu khoa học ư? không có đâu. Đề tài trình đến những người không có chuyên môn xét duyệt. Ví dụ, Tôi đã từng đăng ký một đề tài cấp Bộ để làm tiếp ý tưởng mà luận án tiến sỹ của tôi chưa làm, song bị họ xếp vào sọt rác và chọn những đề tài với cái tên chẳng giống ai và kết quả thì nếu ai đó có lòng tự trọng mà đọc thì chắc nhồi máu cơ tim mất. Dã từng tham gia đấu thầu nhiều đề xuất nghiên cứu nhưng rồi chuyện quân xanh quân đỏ đã làm tôi mất hết niềm tin. Đề xuất của mình rất hay và chắc sẽ có bài đặng tạp chí quốc tế nhưng rồi họ lại chọn những đề xuất mà kết quả đầu ra chẳng có gì và thậm chí là có những nội dung họ hiểu sai về bản chất. Bạn cứ đi đấu thầu đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước thử xem. Nếu không có quan hệ và không có phần trăm thì tôi tin chắc 99% là bạn trượt. Thật là sự xuống cấp kinh khủng và nhiều lúc cảm thấy bất lực, bất lực mà nhìn sự đi xuống của khoa học nước nhà.
Trung Tín
Sao cứ nhất thiết phải công bố quốc tế làm gì. Sức mình tới đâu thì đá sân đó thôi. Ở Việt Nam hiện có rất nhiều các tạp chí chuyên ngành đến không chuyên ngành, phục vụ nhiều đối tượng bạn đọc… Do vậy, nếu công trình đăng trên tạp chí Việt Nam cũng là điều tốt, hơn thế nữa những công trình xã hội học nghiên cứu về Việt Nam đăng ở tạp chí trong nước là điều dễ hiểu.
Trần Thị Lan Nhung
Tôi cho rằng cơ chế và quy trình làm việc khác nhau cũng hạn chế việc các tác giả công trình khoa học trong nước có bài đăng trên các tạp chí học thuật quốc tế. Để tạo điều kiện cho tác giả trong nước góp thêm nhiều tiếng nói ở môi trường học thuật quốc tế, theo tôi cần nhanh chóng thay đổi thói quen và cách thức làm việc lâu nay của các tạp chí khoa học trong nước, cũng như nỗ lực áp dụng các tiêu chuẩn làm tạp chí học thuật phổ biến ở mức độ quốc tế. Nguyên tắc làm khoa học ở đâu cũng thế, chỉ khi nào đứng cùng một nền tảng kiến thức và ngôn ngữ, cùng một cách thức làm việc, thì mới có thể cùng tham gia vào thảo luận.
Thanh Xuân
Kinh nghiệm của tôi là biên tập viên tạp chí khoa học cho thấy rất nhiều trường hợp khi gửi bài tác giả không quan tâm đến việc có tuân theo văn phong, kiểu phông chữ, cách trích dẫn theo quy định đặc thù của tạp chí mình hướng đến hay không. Bên cạnh đó, quá nhiều bài báo trích dẫn rất ít các nguồn tài liệu, nếu trích dẫn cũng chưa phải là các nguồn tài liệu uy tín và chất lượng nhất. Tư duy của các bài báo như thế vẫn chủ yếu bám vào mô hình quen thuộc của thực trạng và giải pháp, hoặc là minh họa cho tính đúng đắn của chủ trương, chính sách mà ít mang tính phê phán, phản biện (ở đây tôi muốn nói đến phê phán với nghĩa là động lực cho phát triển). Khá nhiều bài yếu về logic khoa học, kém về khả năng khái quát thực tế, đặc biệt ít có tham khảo tới các nguồn tài liệu nước ngoài, ít bài viết nổi bật lên với cách tiếp cận mới, cách lí luận mới, và những khái quát sâu sắc. Nhưng chúng vẫn được chỉnh sửa và đăng vì nhiều lý do khác nhau. Tất cả dẫn đến kết quả không tốt như một số học giả nước ngoài từng nhận xét là đọc công trình của tác giả Việt Nam rất khó trích dẫn.
Nguyễn Vũ Hoàng
Theo tôi, để trả lời câu hỏi: “Tại sao nhà khoa học làm việc trong nước lại ít có công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí nước ngoài?", thì nhà nước ta cần có các hành động thiết thực, ví dụ như mua bản quyền tải báo từ các tạp chí thế giới. Điều này giúp tạo môi trường nghiên cứu thuận lợi cho các nhà khoa học trong nước phát huy hết khả năng, phục vụ cho việc phát triển nền khoa học nước nhà. Tôi hiện công tác tại một trường đại học ở Pháp. Tôi nhận thấy việc kêu gọi như thế này vừa vô ích vừa gây lãng phí cho quốc gia. Nghiên cứu đăng trên một tạp chí phải tự tay trả tiền thì đăng có ích lợi gì. Chi phí cho một bài báo được đăng phải tiêu tốn từ 1000-3000E (tại Pháp thì trường đại học chi vì họ thừa tiền, không chi thì bị nhà nước thu lại). Hiện tại hơn 80% các bài báo đăng đều kém chất lượng và phi thực tế. Việc mua bản quyền download cũng không cần thiết. Chỉ cần tải trực tiếp trên trang web cá nhân của các nhà khoa học. Các nhà khoa học Việt Nam kêu ca rất nhiều nhưng đến khi cấp cho họ đầy đủ điều kiện thì cũng không thay đổi là mấy. Tôi có nhiều cộng sự Việt Nam và cuối cùng điều kiện vật chất cũng không giúp họ tạo ra được sản phẩm có ý nghĩa bởi họ thiếu cái "tâm", họ chỉ tìm kiếm tài chính để hầu bao mình đầy nhanh có thể chưa nói là có thêm cái marque: đi nghiên cứu nước ngoài, tham gia các hội thảo quốc tế. Làm khoa học nhưng phi thực tế, không có tầm nhìn chỉ biết kêu ca thì tốt nhất là dừng lại.
Minh Giang
Bài viết rất hay và sát thưc. Nhưng cũng cần lưu ý một vấn đề nữa là trình độ để đọc những bài báo đó và những dụng cụ được sử dụng cho nghiên cứu. Về đọc và hiểu báo nước ngoài tại Việt Nam còn chưa cao. Học tiếng Anh trong trường đại học chỉ mang tính tượng trưng. Rất ít sinh viên có thể đọc và hiểu được bài báo. Cần nâng cao trình độ tiếng Anh của giáo viên và sinh viên cộng với kết hợp mua cái account của các trang báo nghiên cứu khoa học nổi tiếng trên thế giới. đây là ý kiến riêng của tôi. Nếu có gì sai xin mọi người góp ý...
Lee Woo
Thiếu tài liệu báo chí chuyên ngành + sách vở . Những điều này rất cần cho sự nghiên cứu, nâng cấp trình độ sinh viên và quốc gia. Chúng ta có thể xem xét và nâng cấp thư viện VN. Tài liệu thì rất cũ và ít ỏi. Phòng thư viện của cả 1 trường đại học thì nhỏ hơn 1 phòng học. Trong khi các trường đại học trong khu vực thì rất rộng lớn với nhiều sách chất lượng cao từ các nhà xuất bản uy tín. Đó là những điều cần cải tiến, ít nhất là ngang tầm khu vực. Và đó là lý do tại sao SV Việt Nam thông minh nhưng khó phát triển đúng tầm nếu chỉ học trong nước. Vô hình chung ta đã "đẩy" SV du học nước ngoài cùng với một khoản tiền lớn chi tiêu tại nước khác. Sau khi học thành tài thì ở lại đóng góp cho "nhà người ta".
Nguyễn Hải
Bài viết phản ánh rất chân thực về bức tranh nghiên cứu khoa học ở Việt Nam ta hiện nay. Thiết nghĩ Nhà nước cần phải sửa đổi cơ chế đối với việc nghiên cứu khoa học, cần tạo mọi điều kiện để các nhà nghiên cứu tận tam với công trình của mình, bên cạnh đó, người nghiên cứu cần nhận thức rõ vai trò của mình đối với xã hội, đất nước.
Đỗ Lê Sơn
Tôi cho rằng việc công bố và được đăng các nghiên cứu này trên các tạp chí quốc tế còn ít vì : 1/ Hơi tốn tiền; 2/ Việt Nam tuy khuyến khích nhưng chưa thực sự có đánh giá cao về việc này; 3/ Hội nhập với quốc tế chưa cao vì nhiều lý do trong đó có điều kiện quá khó khăn của nhà khoa học (VD: đi dự hội thảo phải làm thủ tục xin phép phức tạp, nếu tự túc thì không có khả năng tài chính); 4/ Bản thân các nhà khoa học cũng không thấy cần thiết (trừ các nhà khoa học "thật sự" hoặc các nhà khoa học muốn đạt điểm để phong hàm).
K Toàn
Bài viết nói quá chuẩn, phản ánh chính xác thực trạng của nền khoa học Việt Nam. Tôi xin bổ sung thêm một ý. Phần lớn các thạc sỹ, tiến sỹ ở VN không có đóng góp gì nhiều trong xây dựng các ứng dụng thực tế để nâng cao cao nền khoa học công nghệ Việt Nam như định hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa mà chúng ta vẫn đang hô hào (nên mọi người vẫn hay nói "tiến sỹ giấy", "thạc sỹ giấy"...)...
Trần Quang Vinh
Tôi đồng tình với những điều làm hạn chế việc "thăng hoa" cho các nhà khoa học bởi các "công trình" khoa học "chưa thấy" của họ mà bài viết đã phân tích. Bên cạnh đó theo tôi thì còn có một nguyên nhân quan trọng làm hạn chế hay lãng phí chất xám ở đây chính là "niềm tin" của những người, cơ quan tổ chức "sở hữu" người nghiên cứu khoa học. Chính họ chưa thực sự tin tưởng và giao "nhiệm vụ" thực sự đúng với chuyên môn về lĩnh vực nhà khoa học nghiên cứu. Nguyên nhân này làm cho rất nhiều người có học hàm, học vị bị lãng quên. Mặt trái của việc bị lãng quyên này là nhà khoa học, những người từng đã được cấp học hàm học vị không thể có cơ hội thể hiện bởi điều kiện và hoàn cảnh của họ chưa cho phép. Một người nghiên cứu khoa học có học hàm, học vị một khi không phát huy được trí tuệ của họ đúng tầm thì người xung quanh, cộng đồng xã hội sẽ suy nghĩ thế nào về họ. Chắc chắn sẽ có 3 luồng suy nghĩ chính: 1. Nhóm những người cùng "giới" , "cùng cảnh ngộ" chia sẻ nỗi buồn theo 2. Nhóm những người không quan tâm tới lĩnh vực này thì thờ ơ vô cảm (thuộc nhóm thiểu số). 3. Nhóm những người quan tâm nhưng sự hiểu biết lại khá hạn chế hạn chế đến mức "không nhận thức nổi nguyên nhân làm kìm hãm sự phát triển của các nhà khoa học" thì xem thường (nhóm đa số). Củng từ nhóm này cộng với sự "lãnh đạm" của những người, cơ quan tổ chức "sở hữu" nhà khoa học hiện nay đã tạo ra một suy nghĩ tiêu cực và lệch lạc khá thịnh hành trong xã hội hiện nay là "học để thăng chức", "học vị, học hàm chỉ là bằng giấy", "học thạc sĩ, tiến sĩ... là trào lưu". Nếu đa số những công dân có trách nhiệm đối với đất nước hiện nay có sự "đồng cảm" với một trong những phát ngôn trên thì các bạn đã bao giờ nghĩ người, cơ quan, tổ chức đào tạo ra những người nghiên cứu khoa học là ai chưa?. Thiết nghĩ đây không phải là những phát ngôn được xem là khoa học và đã được một cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nào thừa nhận nhưng lại là những phát ngôn có tính lan tỏa rất lớn và thịnh hành trong một bộ phận không nhỏ xã hội hiện nay. Cùng với những bài viết phân tích tích có chiều sâu mà nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã đăng, tôi mong rằng bằng sự sáng suốt của "người đứng đầu" các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong thời gian tới sẽ có những chính sách cải cách rõ nét hơn nữa, cụ thể hơn nữa, có giới hạn không gian và thời gian rộng hơn nữa để sử dụng nguồn chất xám "vô tận" đang bị lãng quyên như hiện nay.
Hữu Nghĩa
Thực trạng này rất khó để sửa chữa vì điều kiện VN còn rất khó khăn. Bản thân tôi cũng rất muốn tham gia nghiên cứu khoa học nhưng không có điều kiện (là ThS làm việc ở cơ quan nhà nước), thời gian họp hành choáng hết giờ làm việc thì lấy đâu thời gian làm nghiên cứu khoa học?
Võ Thị Bích Ngọc
Cần phải khách quan hơn nữa khi nhìn nhận vấn đề này. Bỡi lẽ, "Tạp chí quốc tế" là một khái niệm chưa rõ ràng đối với người đọc. Phải chăng, đây là các tạp chí do các nước không viết bằng tiếng Việt xuất bản? Oan cho các nhà nghiên cứu ở Việt Nam... Còn cách thức "làm" tạp chí thì các nước và các tổ chức quốc tế về cơ bản là khác nhau. Việt Nam nhiều tiến sĩ, ít công trình nghiên cứu. Mỗi năm biết bao thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp nhưng có bao nhiêu công trình khoa học được họ công bố, khi mà yêu cầu tốt nghiệp vốn rất chung chung và đánh đồng giữa tạp chí trong nước và quốc tế. Trước khi trả lời câu hỏi: "Tại sao nhà khoa học làm việc trong nước lại ít có công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí nước ngoài?", chúng ta có thể tự hỏi: Nhà khoa học là ai? và tại sao họ lại phải đăng các công trình nghiên cứu trên các tạp chí nước ngoài? Theo định nghĩa Wikipedia, nhà khoa học (scientist) hiểu theo nghĩa rộng là một trong những người tham gia vào một hoạt động có tính chất tiếp thu và chia sẻ kiến thức; nghĩa hẹp hơn là những người sử dụng các phương pháp có tính chất "khoa học" để tiếp thu, tìm hiểu về các kiến thức của tự nhiên và xã hội. Các nhà khoa học bao gồm các các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như toán, kinh tế, vật lý, thiên văn đến các nhà lịch sử, địa lý, triết học. Vậy tại sao nhà khoa học (người Việt Nam, sống tại Việt Nam) lại phải đăng các công trình nghiên cứu trên các tạp chí nước ngoài? Đã là nhà khoa học thì ngoài tìm hiểu tự nhiên xã hội, việc quan trọng thứ hai chính là chia sẻ các tìm hiểu của mình. Vì vậy, đăng các công trình nghiên cứu không chỉ cần thiết mà còn bắt buộc để khẳng định, xác nhận người đó là nhà khoa học.
Nguyễn Thị Mai Trâm
Tôi đồng ý là chất lượng các tạp chí khoa học trong nước còn quá thấp, nhưng thực ra không phải tạp chí nào cũng không có quá trình peer review. Có một số tạp chí thuộc các ngành khoa học kỹ thuật vẫn có review khá nghiêm túc. Tuy nhiên có lẽ vấn đề nằm ở lĩnh vực chuyên môn cũng như thái độ của reviewer. Đôi khi reviewer phải đọc nhận xét 1 bài báo khoa học không thuộc về chuyên môn sâu của mình, mà họ lại quá bận rộn không thể đầu tư đủ thời gian để đọc kỹ, tìm hiểu thêm các tài liệu trích dẫn để đánh giá đúng chất lượng của bài báo. Theo tôi, ban biên tập các tạp chí khoa học nên cân nhắc kỹ khi gửi 1 bài báo đến các reviewer, còn người được gửi nếu không có thời gian đọc thì nên từ chối ngay từ đầu. Ngoài ra ban biên tập có thể gửi các bài báo đến các chuyên gia nước ngoài nhờ review để có ý kiến nhận xét khách quan hơn. Nếu bài báo có chất lượng, đề cập đến vấn đề mà họ quan tâm thì họ sẽ không từ chối review đâu. Còn chuyện làm sao để có 1 bài báo chất lượng thì còn liên quan đến nhiều nhiều vấn đề khác ...
Châu Anh
Tạp chí quốc tế cũng có nhiều loại lắm chứ không phải cứ dính đến "quốc tế" là tốt đâu. Đa số tạp chí các nước Đông Âu không được công nhận ở các nước Tây Âu và Mỹ. Còn ngay tạp chí các nước Tây Âu hay Mỹ cũng nhiều chỗ chỉ cần đóng tiền là đăng bài. Nhiều bài đăng lên một số tạp chí có tiếng (thuộc hệ thông sciendirect) cũng lỗi sai tùm lum. Tôi chỉ muốn nói rằng đừng có quá đề cao hai chữ "quốc tế", vì nó cũng đủ loại thượng vàng hạ cám. Giống như báo mình hay có bài "người nước ngoài lừa đảo", có khi là một anh Trung Quốc hay anh Phi nào đó cũng là nước ngoài.
Hà Mạnh Tường
Tác giả bài viết đã nói đúng thực trạng của tạp chí khoa học nước nhà. Chúng ta có quá nhiều tạp chí tầm "quốc gia" nhưng chất lượng khoa học thấp. Chủ yếu do trình độ chung của các nhà khoa học nước ta, tác giả, ban biên tập, đội ngủ cán bộ điều hành tạp chí, chưa đáp ứng yêu cầu của một tạp chí khoa học. Chúng ta chưa có "văn hóa" khoa học xem số lượng bài báo là thước đo trình độ và kiến thức. Các bài báo hiện nay chủ yếu là để đáp ứng việc lấy bằng cấp, học vị hơn là nhu cầu trao đổi tri thức. Để cai thiện tình hình này, có thể có các biện pháp sau: 1. Nên giảm số lượng số tạp chí khoa học, chỉ nên duy trì các tạp chí đủ mạnh. Nhà nước nên có ngân sách để hỗ trợ cho các tạp chí đủ điều kiện, xây dựng qui chế làm việc và xây dựng Ban biên tập mạnh. 2. Các đơn vị làm khoa học, cơ quan có các nhà khoa học làm việc nên đưa chỉ tiêu bài báo vào nhiệm vụ hàng năm. Như vậy mới có đủ bài báo chất lượng cho các tạp chí và các tác giả sẽ nghiêm túc hơn. 3. Các PGS, GS phải có chỉ tiêu bài đăng tạp chí uy tín trong và ngoài nước hàng năm. Hiện nay, PGS, GS đang trở thành một thứ "trang sức" cho các "nhà khoa học" hơn là ý nghĩa khoa học. Ngoài việc chất lượng tạp chí trong nước chưa cao, khó tạo điều kiện xây dựng và phát triển đội ngũ các nhà khoa học mạnh, Chúng ta cần đầu tư "cơ sở hạ tầng" cho nghiên cứu tại các trường đại học như: thư viện trực tuyến có thể truy cập bài toàn văn của các tạo chí uy tín trên thế giới; các qui trình triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học tại cơ sở cần được đầu tư tốt hơn, cán bộ khoa học cho các tạp chí... Việc hình thành được các tạp chí khoa học uy tín trong nước và tăng số bài đang tạp chí quốc tề là một công việc lâu dài (có thể tính bằng chu kỳ 10 năm) và cần đầu tư rất nhiều về nguồn lực và các chính sách phù hợp.
David Tran
Theo tôi cách thức và quy trình làm việc ở các tạp chí lâu nay của Việt Nam là một trong những nguyên nhân hạn chế việc xuất hiện các nghiên cứu trong nước trên các tạp chí học thuật quốc tế. Thêm vào đó môi trường làm việc chưa phù hợp, kinh phí cho nghiên cứu hạn hẹp và ít khả năng tiếp cận các nghiên cứu ngoài nước, khiến các nhà nghiên cứu trong nước có ít bài đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế. Một nguyên nhân đáng chú ý nữa hạn chế việc xuất hiện của các nhà nghiên cứu trong nước trên các tạp chí khoa học thế giới là do cách thức và quy trình làm việc tại các tạp chí phổ biến lâu nay trong nước.
Dương Anh Tuấn
Tôi có cảm giác hình như khi đề cập đến khoa học Việt Nam, ai cũng nghĩ rằng nó tệ lậu và chẳng có tinh thần khoa học gì cả. Do đó việc có các bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế là điều rất xa xỉ. Tôi không đồng tình hoàn toàn với nhận xét kiểu như vậy. Tôi xin chỉ ra một số điểm để mọi người có cách nhìn đúng hơn về giới khoa học trong nước.
Thứ nhất là thông tin. Tôi xin lấy kinh nghiệm bản thân đưa ra một so sánh đơn giản. Khi tôi là nghiên cứu viên tại Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, một trong cơ quan đầu ngành về nghiên cứu ở Việt Nam, tôi không có điều kiện truy cập và đọc các tạp chí uy tín. Còn bây giờ, tôi đang là sinh viên bình thường của một trường xếp hạng gần 100 ở Hàn Quốc. Hàng ngày tôi tìm và đọc các bài báo liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của mình một cách dễ dàng. Nếu ai đó từng học ở nước ngoài, hẳn các bạn ý thức rõ tầm quan trọng của việc đọc báo. Đơn cử, chỉ một môn học ở trường, các sinh viên phải tìm đọc ít nhất từ 5 đến 6 bài báo liên quan, chưa kể đến các tài liệu tham khảo khác. Tôi nói điều này để mọi người hình dung rõ số lượng bài báo mà một nhà khoa học cần và nên đọc khi muốn có nghiên cứu tốt, xứng tầm đăng trên các tạp chí uy tín. Với so sánh trên có thể nhận ra, giới khoa học Việt Nam thiếu thông tin - yếu tố không thể thiếu đối với nghiên cứu. Xin nói thêm là việc dùng tiền đề tài, tiền dự án mua các bài báo hay đăng tải, tôi thấy không mấy khả thi bởi từ việc đề xuất đến việc ký duyệt mua các bài báo tốn khá nhiều thời gian. Hơn nữa, ai có thể nắm chắc một bài báo đúng là bài báo mình cần khi mới chỉ đọc được phần tóm tắt? Tôi không làm được việc đó. Nói một cách đơn giản, việc đăng bài báo về nghiên cứu của bản thân trên tạp chí uy tín của thế giới về bản chất tương tự như việc bạn muốn tham gia một câu chuyện mà nhóm người đang thảo luận. Vậy, điểm đầu tiên bạn cần làm là lắng nghe xem nhóm người đó đang nói gì, đưa ra luận điểm gì. Nếu không làm được việc này bạn sẽ nói điều gì đó hoàn toàn không liên quan hoặc nói lại cái người ta từng nói. Tương tự, nếu giới khoa học trong nước không đọc được các bài báo trên các tạp chí uy tín, bạn nghĩ nhà khoa học có thể làm được gì? Điểm thứ hai là cơ sở hạ tầng. Giả sử khoa học Việt Nam có thể xem nhiều bài báo từ các tạp chí uy tín thế giới, mọi người có nghĩ là sau đó nhà khoa học phải làm gì không? Họ phải làm thí nghiệm, mày mò nghiên cứu trên các thiết bị, từ đó mới có thể đề xuất và đưa ra nghiên cứu mới, rồi đăng bài báo chất lượng. Tôi nói trên kinh nghiệm của chính bản thân tôi vì tôi cũng gửi và đăng bài báo trên IEEE, (Institute of Electrical and Electronics Engineers, tạm dịch là "Hiệp hội các chuyên gia Điện – Điện tử", một hội nghề nghiệp tại Mỹ nhưng có hội viên trên toàn cầu). Các bài báo nếu chỉ dựa vào nghiên cứu lý thuyết hay mô phỏng thì khả năng đăng thấp hơn nhiều với các bài báo có thí nghiệm thực tế. Với giới khoa học Việt Nam. Họ có gì? Một cái máy tính, thậm chí còn cũ mèm, vài quyển sách với những kiến thức cơ bản và chưa được cập nhật. Vậy mọi người mong chờ gì ở họ? Họ có đáng phải chịu sự chỉ trích của cả xã hội không?. Trên đây chỉ là hai điểm rất dễ nhận thấy mà tôi muốn mọi người biết. Nghiên cứu khoa học không phải chỉ có tờ giấy, cái bút với cái đầu thông minh là có thể làm ra những nghiên cứu đáng giá được các bạn ạ. Tôi thừa nhận nhiều nhà khoa học Việt Nam hiện giờ bị bài toán "cơm, áo, gạo, tiền" át đi mong muốn và nhiệt tâm nghiên cứu. Mỗi người đều ở vị trí là người con, người cha, người mẹ. Họ không đáng trách khi họ phải từ bỏ ước mơ khoa học để kiếm tiền báo hiếu cha mẹ, nuôi dạy con cái. Chính vì thế, những nhà khoa học dù trong môi trường khó khăn mà vẫn đứng vững và có những đóng góp lớn. Mong mọi người hãy có cái nhìn đúng đắn hơn, đa chiều hơn trước khi trách cứ nhà khoa học Việt Nam. Tôi cũng mong nhà nước có chính sách đúng đắn hơn để giải phóng tiềm lực của nhà khoa học.
Trần Vinh Thoại
Cám ơn tác giả Nguyễn Văn Tuấn đã có một cách đặt vấn đề rất chính xác. Tôi cũng từng rất tâm tư với vấn đề này nhưng chưa có dịp chia sẻ với ai. Bất cứ ai làm nghiên cứu khoa học cũng có ít nhất một lần ngậm ngùi thấy bài báo hay công trình nghiên cứu của mình bị tập san khoa học từ chối không công bố. Đứng trước một quyết định như thế của tập san, phản ứng đầu tiên mà nhà khoa học có là câu hỏi “tại sao”: Tại sao họ từ chối công trình tuyệt vời này của tôi? Ngạc nhiên thay, rất ít nghiên cứu về lí do từ chối bài báo khoa học! Ở các nước tiên tiến và phần lớn các đang phát triển (có lẽ ngoại trừ Việt Nam), bài báo khoa học là một viên gạch lót đường cho sự thăng tiến trong nghề nghiệp của một nhà khoa học, là một đơn vị tiền tệ cực kì quan trọng cho việc xin được tài trợ cho nghiên cứu, và là một chỉ tiêu quan trọng để đo lường năng suất khoa học của một quốc gia. Do đó, có những nước, chẳng hạn như Hàn Quốc và Trung Quốc, chi ra hàng tỉ đôla để nâng cao sự có mặt của họ trên trường quốc tế qua hoạt động công bố ấn phẩm khoa học. Bài báo khoa học là “sản phẩm” của một công trình nghiên cứu khoa học. Để đánh giá sự thành bại của một công trình, người ta thường xem xét đến bài báo khoa học đã được công bố ở đâu, và trong vài trường hợp cần thiết, bằng sáng chế được đăng kí ở đâu. Viết một bài báo tốt là một việc làm không đơn giản chút nào, nếu không muốn nói là phức tạp. Nó đòi hỏi người viết phải sáng tạo và suy tưởng… trong lặng lẽ. Con đường dẫn đến một sản phẩm hoàn hảo không bao giờ là một con đường thẳng, mà là một con đường với nhiều ngõ ngách, nhiều đường cùng và nhiều chông gai. Nói một cách ngắn gọn, viết cần phải có thời gian. Thành ra, cách tốt nhất là phải khởi công viết càng sớm càng tốt, đừng bao giờ để cho đến giai đoạn cuối của nghiên cứu mới viết.
Hữu Kiên
Tại sao năng suất khoa học của Việt Nam quá tồi trong khi có nhiều “sĩ sư” như thế? Hiện nay, trong số GS,PGS ở các đại học chỉ có khoảng 1/3 (chính xác là 35%) tham gia giảng dạy đại học. Phần 65% còn lại là các quan chức trong các bộ và sở. Có lẽ con số tiến sĩ không làm nghiên cứu khoa học cũng khoảng 60-65%. Như vậy, có thể nói rằng Việt Nam đã và đang lãng phí nhân lực khoa học ở qui mô rất lớn. Đó cũng chính là lời giải thích tại sao các quan chức trong các bộ ở Việt Nam, nhất là Hà Nội, thường có danh thiếp chi chít với những học vị tiến sĩ. Thoạt đầu tôi ngạc nhiên và thấy khó hiểu là tại sao các bộ, thậm chí sở, có quá nhiều quan chức với văn bằng tiến sĩ như thế, vì ở nước ngoài, hiếm thấy tiến sĩ làm việc trong các cơ quan hành chính. Nhưng nay thì tôi đã hiểu tại sao: vì Nhà nước muốn có những con số ấn tượng về phần trăm tiến sĩ trong đội ngũ cán bộ. Một cách làm đẹp con số thống kê. Chủ trương tiến sĩ hóa cán bộ hành chính là một cách biến học vị tiến sĩ thành một loại giấy thông hành, một chứng từ, một tiêu chuẩn để tiến thân trong sự nghiệp quản trị hành chính. Chẳng hiểu từ đâu mà có qui định lạ lùng như phải là tiến sĩ mới được làm trưởng khoa trong một đại học, hay được đề bạt lên một chức vụ nào đó trong hệ thống quản trị hành chính. Chính vì qui định này mà không ít trường hợp, người ta đề bạt (hay nói thẳng ra là xếp đặt) người vào vị trí nào đó, rồi tìm cách hợp thức hóa cho người đó bằng cách cấp bằng tiến sĩ! Việc hợp thức hóa đó bất chấp tiêu chuẩn khoa bảng và ý nghĩa của học vị tiến sĩ thể hiện một sự phá hoại các chuẩn mực giáo dục đại học và kéo lùi thứ bậc nghiên cứu khoa học của Việt Nam.
Tiến Đạt
Việt Nam có ai nghiên cứu đúng đắn đâu mà đòi có bài báo khoa học cho ra hồn. Chính sách phát triển khoa học nói nghe hay ho vậy chứ cái "đầu" của nhà khoa học không "động" thì cũng như không.
Phan Thị Ái Hương
Xin được góp thêm một ý kiến với bài viết này. Việc công bố báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế là một cách không chỉ nâng cao sự hiện diện, mà còn nâng cao năng suất khoa học của quốc gia đó. Ở nước ngoài, người ta thường đếm số lượng và số lần trích dẫn bài báo khoa học mà các nhà khoa học công bố trên tạp chí khoa học để đo lường và so sánh hiệu suất khoa học giữa các quốc gia. Hiện nay, trong bất cứ lĩnh vực nào, phải nhìn nhận một thực tế là hiệu suất khoa học của nước ta chưa cao. Phần lớn các công trình nghiên cứu tại nước ta chỉ được kết thúc bằng những buổi nghiệm thu hay luận án. Đối với hoạt động khoa học, cho dù công trình đã được nghiệm thu hay đưa vào luận án, nếu chưa được công bố trên các diễn đàn khoa học quốc tế thì công trình đó coi như chưa hoàn tất, bởi vì nó chưa qua “thử lửa” với môi trường rộng lớn hơn.
Nguyễn Văn Trọng
Bài viết của ông Nguyễn Văn Tuấn rất đúng. Đối với cá nhân nhà khoa học, bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế là một “currency”. Đó là những viên gạch xây dựng sự nghiệp của giới “khoa bảng”. Tại các đại học ở phương Tây, số lượng và chất lượng bài báo khoa học là tiêu chuẩn số một trong việc xét đề bạt, lên chức. Vì thế, việc công bố báo cáo khoa học đối với giới “khoa bảng” Tây phương là một ưu tiên hàng đầu của họ. Chính vì thế mà ở đó có văn hóa “publish or perish” (xuất bản hay là tiêu tan). Nếu trong vòng 1 hay 2 năm mà nhà khoa học không có một bài báo nào đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, ban giám hiệu sẽ mời vị đó trả lời câu hỏi “tại sao”. Nếu không có lý do chính đáng thì người đó có thể bị mất chức. Như vậy, báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế là một việc làm chính yếu, một nghĩa vụ và một điều kiện để tồn tại của một nhà khoa học. Nhưng từ lúc tiến hành nghiên cứu, thu thập dữ kiện đến lúc có báo cáo là một quá trình gian nan. Một công việc còn gian nan hơn nữa là làm sao đảm bảo báo cáo được đăng trên một tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới. Vì thế, các nhà khoa học cần phải đặc biệt chú ý đến việc soạn thảo một bài báo khoa học sao cho đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tôi xin mượn một câu nói của Khổng Tử: “Nếu dùng ngôn ngữ không đúng, thì những gì được phát biểu sẽ bị hiểu sai; nếu những gì phát biểu bị hiểu sai, thì những gì cần phải làm sẽ không thực hiện được; và những gì không thực hiện được, đạo đức và nghệ thuật sẽ trở nên tồi tệ hơn”. Và tôi cũng có thể thêm rằng, nước nhà sẽ thiệt thòi hơn.
Lê Trọng Thịnh
Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, các bài báo khoa học đóng một vai trò rất quan trọng. Nó không chỉ là bản báo cáo về một công trình nghiên cứu mà còn là một đóng góp cho kho tàng tri thức của thế giới. Khoa học tiến bộ cũng nhờ một phần lớn vào thông tin từ những bài báo khoa học, bởi vì qua chúng mà các nhà khoa học có dịp trao đổi, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Một công trình nghiên cứu thường được tài trợ từ các cơ quan nhà nước, và số tiền này là do dân chúng đóng góp. Khi tiến hành nghiên cứu, nhà nghiên cứu có khi phải nhờ đến sự tham gia của tình nguyện viên hay của bệnh nhân. Trong trường hợp đó, tình nguyện viên và bệnh nhân phải dành thời gian để tự nguyện cung cấp thông tin và có khi hy sinh một phần xương máu cho nhà nghiên cứu. Nếu một công trình nghiên cứu đã hoàn tất mà kết quả không được công bố, thì công trình nghiên cứu đó có thể xem là có vấn đề về y đức và đạo đức khoa học, và nhà nghiên cứu có thể xem như chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình với sự đóng góp của quần chúng. Do đó, báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế là một nghĩa vụ của nhà nghiên cứu, là một cách gián tiếp cảm ơn sự đóng góp của bệnh nhân và giúp đỡ của dân chúng qua sự quản lý của nhà nước.
Lê Thiện Giang
Tôi thấy vấn đề VN mình còn ít bài báo quốc tế là bởi cơ chế quản lí của nhà nước mình nặng về xin-cho và chạy chọt, không đánh giá trên cái thực chất. Ví dụ như ở các nước có khoa học phát triển, họ sẽ cấp kinh phí cho cá nhân hoặc tổ chức nào đó dựa trên Impact factor (là điểm tính cho các công trình nghiên cứu họ đã publish trong năm nghiên cứu trước đó). Còn nước ta thì sao? Tôi làm ở Viện nghiên cứu đầu ngành của một ngành lớn, thấy rằng, trước đây, nhà nước cấp kinh phí cho Viện tôi dưới 2 hình thức là đề tài cấp bộ và đề tài cấp cơ sở. Đề tài cấp cơ sở thì được Viện phân chia tương đối đều cho các bộ phận nghiên cứu chuyên sâu với tiêu chí ai cũng có việc làm. Nay thì đề tài cấp cơ sở bị cắt, chỉ còn lại đề tài cấp bộ, và phải đấu thầu. Đấu thầu là gì, là chạy chọt. Dù bạn có impac factor cao, dù bạn có hằng hà sa số những công trình quốc tế được công nhận mà ko có tiền chạy, chảng khi nào bạn có thể chạm tay vào cái đề tài đấu thầu đâu bạn nhé. Và cũng chính vì vậy, tôi biết có nhiều đồng nghiệp của tôi, công trình của họ thừa sức đăng tải trên các báo uy tín thế giới nhưng họ chẳng bao giờ đăng vì nó chẳng giúp gì cho họ mà chỉ làm tổn hao thời gian và công sức. Đắc biệt là khi vợ con họ còn đang phải sống trong khu nhà trọ hay tỏng ngôi nhà cấp 4 cũ kĩ. Tôi thấy nữa là, một phó giáo sư về công nghệ sinh học phân tử ngôi kêu: thầy có bốn năm mươi bài báo quốc tế, đã hướng dẫn hơn chục nghiên cứu sinh tốt nghiệp nước ngoài, còn hướng dẫn hằng hà sa số thạc sỹ trong nước, vậy mà mãi nó chẳng phong giáo sư cho thầy, năm nào hồ sơ gửi đi rồi lại gửi đi.
Võ Xuân Hà
Theo quan điểm cá nhân tôi cho rằng điều cần làm bây giờ là phải thể chế hóa chính sách đối với việc Nghiên cứu khoa học. Đề nghị Nhà nước bổ sung cho các trường, viện... một nội dung chi dành cho nghiên cứu khoa học, trong đó phân định rõ ràng chính sách đối với đẳng cấp của các tạp chí, chính sách mua quyền truy cập vào các nguồn dữ liệu, tạp chí, sách nghiên cứu quốc tế, chi cho các nhà khoa học đi tham dự các Hội nghị khoa học trong và ngoài nước... Đồng thời, khuyến khích các trường, viện... sử dụng kinh phí tự có để lập quỹ tạo điều kiện hỗ trợ các cá nhân thuộc đơn vị mình tham dự các Hội nghị quốc tế, đăng bài... Sau đó 2 năm, đánh giá lại hiệu quả để điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Song song với việc này, đề nghị trong các tiêu chí đánh giá, cần đề cao hơn nữa việc công bố trong các tạp chí uy tín, với cách làm gần như là đánh đồng bài báo khoa học đăng ở tạp chí khoa học trong nước và các bài báo công bố trong các tạp chí uy tín thế giới đang làm hạn chế việc này. Ở các nước tiên tiến, việc tích lũy công trình được tính điểm trong hệ thống đánh giá chính thức là trách nhiệm hàng năm của lực lượng nghiên cứu sinh (khi xét học bổng) cũng như của toàn thể lực lượng Giảng viên, GS, PGS... Tất nhiên là các cơ sở giáo dục, nghiên cứu phải được bố trí ngân sách và được nhận tài trợ cho công việc này. Đây là một trong những tiêu chí để các cơ sở đào tạo, nghiên cứu được xét cấp kinh phí hàng năm... Chúng ta cũng đừng quá tự ti cho rằng các nhà khoa học Việt Nam chưa đủ trình độ để công bố công trình nghiên cứu của mình trên các hội thảo quốc tế, tạp chí quốc tế như ý kiến của một bạn nào đó. Chỉ cần chúng ta thực sự nghiên cứu và có kết quả, thì biết cách viết, cách gửi bài nữa là đã có thể có công bố... vì tạp chí quốc tế (được công nhận trong từng lĩnh vực) cũng có nhiều mức độ khác nhau, hội thảo khoa học cũng vậy. Phải có bước ban đầu rồi chúng ta sẽ dần trưởng thành hơn, sẽ viết được bài công bố trong các tạp chí có uy tín hơn... Tóm lại, cần phải có cơ chế để cho nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và công bố công trình quốc tế. Chúng tôi không thể bỏ tiền túi (vốn đã rất eo hẹp) để làm các việc này được ạ.
Lang Thang
Việt Nam là nước có nhiều thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư nhất khu vực Đông Nam Á, thuộc hàng TOP TEN của Châu Á nhưng các sáng chế, phát minh, nghiên cứu khoa học lại thuộc loại kém nhất khu vực Đông Nam Á (có lẽ chỉ hơn Lào, Campodia, Myanma) chứ chưa nói đến thế giới làm gì. Các Giáo sư, Tiến sĩ Việt NAm hãy nhìn lại bản thân mình xem có xứng đáng với tên gọi "nhà khoa học" không hay chỉ có cái bằng cấp loè thiên hạ.
Vũ Đông
Việc số lượng các bài báo quốc tế ít hay nhiều tùy thuộc vào chất lượng của bài báo và phụ thuộc vào công trình đó có muốn công bố hay không. Đơn vị ở Huế hiện cơ sở rất nghèo nàn và thiếu thốn rất nhiều. Nhưng không phải là không có các bài báo quốc tế được đăng, ngược lại có nhiều là đằng khác. Đã làm khoa học thì dù ở hoàn cảnh nào vẫn có thể làm được, chỉ trừ khi không đủ quyết tâm và sự khéo léo thôi. Một vấn đề cần được khắc phục và quan trọng đối với cách nghĩ của tôi là nên tạo điều kiện để có mối liên kết chặt giữa các doanh nghiệp và những người làm khoa học, các tổ chức đầu tư và sinh viên. Vì đơn giản ta có 2 vấn đề sau: Người làm khoa học thì thiếu thốn không biết đi đâu để tìm tài trợ để phát triển công trình của mình. Phía doanh nghiệp thì không biết những người làm khoa học họ làm ra những sản phẩm hay kết quả gì và có đáng tin cậy hay không. Nên 2 cái mâu thuẫn này rơi vào một vòng luẩn quẩn vẫn chưa giải quyết được.
Lê Trọng Thịnh
Theo tôi, nguyên nhân chính của việc nhiều nhà khoa học Việt Nam không có công trình đăng trên tạp chí khoa học quốc tế là do hạn chế về ngoại ngữ. Điều này có nhiều nguyên nhân, song phải kể đến nguyên nhân khách quan từ sự phát triển giáo dục của đất nước trong thời gian qua. Bên cạnh dó, viên chức - nhà khoa học không thể hy sinh lợi ích gia đình. Cụ thể, để có được công trình nghiên cứu tầm cỡ thế giới, nhà khoa học phải tiêu tốn rất nhiều thời gian, sức lực và thậm chí là tiền của ... Tuy nhiên, cái mà họ thu lại chủ yếu chỉ có giá trị tinh thần. Tôi muốn nhấn mạnh điều này vì trong rất nhiều trường hợp, nhà khoa học không nhận được sự hỗ trợ tương xứng về mặt tài chính. Trong khi đó, mọi chi phí cho gia đình như ăn uống, đi lại, học phí cho con cái,... đặc biệt là sự tích góp để mua sắm nhà cửa lại không thể thu vén trong "lương". Vì vậy, họ đành phải tranh thủ "vắt sức" để "làm thêm"... Nói khác đi, sức lực và thời gian đều hữu hạn. Trong thực tế hiện nay ở Việt Nam, nhiều viên chức - nhà khoa học chỉ cố gắng hoàn thành "nghĩa vụ nghiên cứu khoa học" của mình mà thôi ...
Kevin Thái
Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước ở Việt Nam được cấp kính phí rất lớn, bình thường là 2 tỷ còn không thì cũng tầm từ 3 đến 5 tỷ nhưng sản phẩm khoa học chỉ là những thứ giả dối (ngồi trên bàn đánh máy tính một lúc là xong). Nói thật, 70% giáo sư, phó giáo sư và tiến sỹ ở Việt Nam không có khả năng viết báo bằng tiếng Anh. Trong số đó, quá nhiều người viết báo tiếng Việt vẫn còn sai lỗi chính tả hay thậm chí còn không viết nổi một câu tiếng Việt hoàn chỉnh. Còn nội dung khoa học thì sao? Nếu những người từng quen đọc báo Quốc tế ISI mà đọc sang báo tiếng Việt thì thôi rồi, chẳng bao giờ thấy một thông tin khoa học gì cho ra hồn cả. Chán lắm khoa học Việt Nam ơi và cái chán đó là do chính sách.
Nguyễn Quốc Thông
Tôi nghĩ các luận điểm của tác giả đưa ra là khá hợp lý trong thời điểm của Việt Nam ở quá khứ và hiện tại. Và tôi cũng đồng tình với ý kiến về các nhà khoa học của Việt Nam hiện nay đang nặng về "cơm áo gạo tiền". Vì thế các đề tài dự án thường là chạy cho có để giải quyết vấn đề trên. Trong khi đó các đề tài nghiên cứu phải là thành công, dĩ nhiên là định lượng được chi phí luôn, chứ không được thất bại. Nhưng các đề tại cấp bộ, nhà nước và địa phương cũng không phải dễ lấy được đâu. Vài dòng cùng chia sẽ. Khôi hài, Việt Nam đâu đòi hỏi các nhà khoa học của mình phải sáng chế, phát minh những thứ hiện đại như Iphone Ipad ... Việt Nam chỉ cần họ đi sát với thực tế sản xuất ở Việt Nam, xem người lao động Việt Nam cần gì và giúp họ cải thiện công cụ để đưa ra những sản phẩm chất lượng hơn, giảm nhẹ gánh nặng lao động. Còn hiện nay là gì? Tất cả những thứ vô cùng đơn giản ấy, chúng ta đều phải mua của nước ngoài. Tại sao những thứ ra đời đến cả trăm năm như máy bay, xe hơi, tàu hỏa, đến nay ta vẫn không thể làm nổi, vậy các nhà khoa học ở Việt Nam đã và đang làm cái quái gì vậy?
Phan Quốc Nam
Tôi từng theo học ngành khoa học cơ bản. Nhận thấy đúng là việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học rất khó vì bản thân các đề tài trong lĩnh vực này là những vấn đề khó khăn, cần đầu tư nhiều thời gian, tiền của và trí tuệ. Nước ta còn nghèo nên việc đầu tư cho nghiên cứu với kinh phí lớn là bài toán khó, điều đó có thể mất 10 đến 20 năm và phải có đội ngũ các nhà khoa học giỏi cùng môi trường làm việc giàu tinh thần hợp tác. Trong khi Việt Nam thiếu cơ chế tạo môi trường giúp các nhà khoa học trẻ làm việc và khẳng định tài năng. Tôi biết ở một Viện Khoa học hàng đầu Việt Nam, những nhà khoa học trẻ tài năng khi xây dựng gia đình là họ bỏ ngay công việc nghiên cứu và chuyển sang làm công việc khác mới đảm bảo cuộc sống giúp vợ con. Ngồi nghĩ lại thì thấy các bạn hồi học cùng đại học với tôi có học lực xếp vào loại giỏi, giờ họ đều đang làm việc việc và nghiên cứu ở Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước phát triển khác. Thật lãng phí trí tuệ Việt Nam. Thực trạng nghiên cứu khoa học nước nhà nghĩ mãi vẫn chưa giải quyết được. Phát triển một ngành khoa học khó hơn việc xây các khu đô thị mới với những biệt thự sang trọng hay những dãy nhà chung cư cao tầng. Vậy tại sao các công trình xây dựng đó không thiếu tiền, còn kinh phí dành cho khoa học lại thiếu?. Người Việt quen làm mọi thứ như kiểu "mì ăn liền" rồi nên việc đầu tư khoa học mang tầm nhìn lâu dài là rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, Việt Nam đầu tư cho khoa học theo kiểu các nước có viện nghiên cứu này thì mình cũng phải có. Cũng chỉ để oai mà thôi. Các viện khoa học Việt Nam như những "vườn hoa cây cảnh" vậy. Tôi có nhiều người bạn đang làm tại các viện nghiên cứu cuộc sống rất khó khăn, thu nhập quá thấp chỉ đủ ăn cơm bụi giá bình dân và luôn trong tình trạng ăn bữa nay lo bữa mai. Thiết nghĩ với điều kiện cuộc sống như thế thì làm sao đảm bảo giới khoa học chuyên tâm nghiên cứu, nếu cứ để tình trạng đó năm này sang năm khác, mọi tài năng và niềm đam mê đều tan biến hết. Làm khoa học chỉ là viễn cảnh xa vời và hình thức nên kết quả các công trình khoa học rốt cuộc chỉ là hình thức xếp vào ngăn tủ "ngắm cho đẹp". Thật lãng phí tiền của, tài năng và thời gian.
Nam Sinh
Đọc hết 2 bài của GS Nguyễn Văn Tuấn tôi thấy mấu chốt của vấn đề đã được mở ra, Nhà nước nên có chính sách là khi đăng bài trên tạp chí có uy tín, có mức phí bao nhiêu thì nhà nước chi trả gấp 3 hay gấp 5 mức phí đó. Như vậy mới kích thích các nhà khoa học đăng bài được.
Nguyễn Quang Hưng
Khoa học Việt Nam của mình rồi cũng chẳng bao giờ tiến bộ được đâu bởi vì: - Không nhìn thẳng vào sự thật và căn bệnh của mình và luôn bào chữa. - Không xác định được căn nguyên của sự việc. - Không dám cải cách và tự vỗ về mình kiểu AQ. - Nếu thấy sự việc dở thì chỉ tán quanh chuyện đó chứ chả bắt đầu để làm. Nghiên cứu trong nước không hề kém cỏi mà nó chỉ quá kém cỏi mà thôi bởi vì: - Động lực để nghiên cứu không có, nó phục vụ cho cái gì? để đăng nhiều bài lên báo nước ngoài ư? để Việt Nam có thể tự hào khoe khoang ư? để làm gì chẳng ai biết cả. - Tổng quan nền khoa học nước nhà thì ai cũng biết rồi đó, nếu chỉ có một vài ngành đơn lẻ nào đó có một vài thành thành công nho nhỏ làm toáng lên nhưng mà tựu chung lại là không có nền tảng, không bền vững. - Nói làm người nghiên cứu không có tiền cũng đúng, hay vì không đủ sống cũng đúng nhưng hãy nhìn về bản chất chúng ta người Việt thực dụng nên không đủ sống thì kiếm sống cái đã. Người Châu Âu có nhiều nhà khoa học nghèo không đủ sống nhưng vẫn có những công trình để đời. - Nền khoa học Việt nam cũng có một vài cái tên lừng lẫy nhưng mà tựu chung lại để làm gì với nhữnG cái tên đó thì... Bởi vì công trình của các ông ấy làm ở nước ngoài phục vụ khoa học nước ngoài, khi đưa về nước chúng ta chỉ mang về những tượng đài sống, và như vậy thì không khác gì mang ô tô về mà chẳng có xăng để chạy. Có thể tóm lại thế này: Khoa học Việt Nam hiện giờ thì kém rồi, làm sao để cải tổ thì cái vấn đề chính lại không liên quan đến khoa học mà liên quan đến quản lý và sản xuất. Nếu coi khoa học như một nền sản xuất thì phải đầu tư dài hơi chứ không thể chỉ một ngày có được cừu Dolly như nước ngoài được. Cần phải có tầm nhìn và kế hoạch dài hạn đồng thời phải có được sự tham gia của tư nhân vào khoa học và quyết tâm của nhà nước, nhưng e rằng điều này là bất khả thi.
Vũ Thái Long
Vấn đề là ở ta vẫn thiếu những nghiên cứu có chiều sâu và có tính đột phá. Còn nhiều lắm các dạng thầy lấy đề tài của sinh viên xào nấu, nâng cấp thành đề tài khoa học. Ngày xưa đi học thấy đề tài: “Biến cứng bề mặt bằng con lăn" mắt tròn mắt dẹt. Bây giờ có thời gian học hỏi thấy những chuyện đó là trò trẻ, không là gì với thép hợp kim, nhiệt luyện. Nếu cứ ngủ quên như thế rồi thì không bap giờ phát triển được.Đơn cử cái cơ bản nhất là khoa học luyện kim. Cho tới bây giờ, mảng này VN hoàn toàn yếu kém về thực tế, không đi vào thực tiễn sản xuất được. Lỗi do ai?
Võ Quốc Hoàn
Tôi thấy vấn đề VN mình còn ít bài báo quốc tế là bởi cơ chế quản lí của nhà nước mình nặng về xin-cho và chạy chọt, không đánh giá trên cái thực chất. Ví dụ như ở các nước có khoa học phát triển, họ sẽ cấp kinh phí cho cá nhân hoặc tổ chức nào đó dựa trên Impact factor (là điểm tính cho các công trình nghiên cứu họ đã publish trong năm nghiên cứu trước đó). Còn nước ta thì sao? Tôi làm ở Viện nghiên cứu đầu ngành của một ngành lớn, thấy rằng, trước đây, nhà nước cấp kinh phí cho Viện tôi dưới 2 hình thức là đề tài cấp bộ và đề tài cấp cơ sở. Đề tài cấp cơ sở thì được Viện phân chia tương đối đều cho các bộ phận nghiên cứu chuyên sâu với tiêu chí ai cũng có việc làm. Nay thì đề tài cấp cơ sở bị cắt, chỉ còn lại đề tài cấp bộ, và phải đấu thầu. Đấu thầu là gì, là chạy chọt. Dù bạn có impac factor cao, dù bạn có hằng hà sa số những công trình quốc tế được công nhận mà ko có tiền chạy, chảng khi nào bạn có thể chạm tay vào cái đề tài đấu thầu đâu bạn nhé. Và cũng chính vì vậy, tôi biết có nhiều đồng nghiệp của tôi, công trình của họ thừa sức đăng tải trên các báo uy tín thế giới nhưng họ chẳng bao giờ đăng vì nó chẳng giúp gì cho họ mà chỉ làm tổn hao thời gian và công sức. Đắc biệt là khi vợ con họ còn đang phải sống trong khu nhà trọ hay tỏng ngôi nhà cấp 4 cũ kĩ. Tôi thấy nữa là, một phó giáo sư về công nghệ sinh học phân tử ngôi kêu: thầy có bốn năm mươi bài báo quốc tế, đã hướng dẫn hơn chục nghiên cứu sinh tốt nghiệp nước ngoài, còn hướng dẫn hằng hà sa số thạc sỹ trong nước, vậy mà mãi nó chẳng phong giáo sư cho thầy, năm nào hồ sơ gửi đi rồi lại gửi đi.
Dương Quang
Sao các ông lại cứ thắc mắc là tiến sĩ ở Việt Nam mình là giấy là... này nọ là không có công trình... rồi tổng thống người ta thì chỉ cần tốt nghiệp cỡ trung cấp trở lên là được không cần xa xỉ tới mấy cái bằng với học hàm học vị tiến sĩ? Các ông không hiểu ngay một điều rằng quốc gia nào lãnh thổ nào cũng có văn hóa của lãnh thổ và quốc gia đó nếu các ông muốn làm tổng thống hay tiến sĩ hay giáo sư hay công trình khoa học thì các ông đến nước người ta mà làm còn các ông đang sống ở Việt Nam nên các ông nhớ đó là văn hóa Việt Nam vì đơn giản đất nước người ta có tổng thống còn mình có tổng bí thư nó khác xa nhau các ông ơi sao mà cứ đi mà phàn nàn cái điều sao mình không giống người ta và phải đòi hỏi mình như người ta thì vô lý quá... xin các ông đấy!
1. Tầm quan trọng và thiếu cái mới của công trình nghiên cứu
2. Phương pháp và thiết kế nghiên cứu
3. Cách trình bày dữ liệu và cách viết
4. Diễn giải kết quả nghiên cứu
Tầm quan trọng và thiếu cái mới trong công trình nghiên cứu là lí do hàng đầu (80% bài báo bị từ chối vì lí do này). Có nhiều nghiên cứu mà đọc xong bài báo, người đọc chỉ chặc lưỡi thầm “chẳng có gì quan trọng”, hay nói một cách dân gian là “không mợ thì chợ vẫn đông”. Đó là những bài báo có kết quả nhưng kết quả chẳng có ảnh hưởng gì đến chính sách công, chẳng tác động gì đến chuyên ngành. Thiếu tính ứng dụng cũng là một lí do để từ chối, nhưng quan trọng hơn là thiếu cái mới. Nghiên cứu không có gì mới rất khó công bố trên các tập san quốc tế.
Phương pháp. Một nghiên cứu về lí do từ chối trên 25 nhà khoa học từng đoạt giải Nobel y sinh học, 67 tổng biên tập và 50 chuyên gia bình duyệt của các tập san y sinh học cho ra nhiều kết quả thú vị. Kết quả phân tích cho thấy 71% bài báo bị từ chối là do thiết kế nghiên cứu có vấn đề. Những khiếm khuyết về cách tiếp cận, thiết kế nghiên cứu, phương pháp đo lường, qui trình thực hiện, phân tích dữ liệu, v.v. thường được nhắc đến như là những lí do từ chối.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy những vấn đề liên quan đến phương pháp nghiên cứu là một trong những lí do bị từ chối nhiều nhất. Bảng 1 dưới đây thống kê những lí do bị từ chối phổ biến nhất. Gần 3/4 bài báo bị từ chối là do khiếm khuyết về phương pháp nghiên cứu và phương pháp luận.
Bảng 1: Lí do bài báo khoa học bị từ chối công bố
Một số lí do chính
|
Phần trăm
|
Phương pháp và phương pháp luận
|
74.3
|
Tầm ảnh hưởng thấp hay không có ảnh hưởng
|
60.3
|
Văn phong
|
58.4
|
Tổng quan tài liệu
|
50.9
|
Phân tích dữ liệu
|
42.1
|
Cấu trúc bài báo
|
34.6
|
Chất lượng nghiên cứu và tính nghiêm túc
|
30.0
|
Lấy mẫu
|
29.2
|
Phần kết luận
|
27.6
|
Phần bàn luận
|
25.2
|
Tài liệu tham khảo
|
23.6
|
Địa phương chủ nghĩa?
Phần lớn các tập san khoa học -- dù là trụ sở đặt ở Mĩ hay Âu châu, hay trực thuộc các hiệp hội khoa học của Mĩ hay Âu châu -- mang tính quốc tế, hiểu theo nghĩa ban biên tập nhận bài từ tất cả các nhà khoa học trên thế giới. Câu hỏi đặt ra là có sự khác biệt nào về tỉ lệ từ chối giữa các nước hay không.
Theo thống kê của các tập san y khoa lớn như New England Journal of Medicine, JAMA, không có khác biệt lớn về tỉ lệ từ chối giữa các nước Mĩ (hay nói tiếng Anh) và ngoài Mĩ. Năm 2000, 25% trong tổng số bài báo JAMA nhận được xuất phát từ các nước ngoài Mĩ, và tỉ lệ từ chối là 95%. Tỉ lệ từ chối các bài báo từ Mĩ của JAMA là 93%. Tập san New England Journal of Medicine cho biết trong tổng số bài báo tập san nhận được hàng năm, 1/2 đến từ các nước ngoài Mĩ. Trong tổng số các bài báo được chấp nhận cho đăng trên New England Journal of Medicine, 1/3 có nguồn gốc ngoài Mĩ.
Tuy nhiên, đối với các tập san chuyên ngành thì có sự khác biệt lớn giữa các nước ngoài Mĩ và Mĩ. Chẳng hạn như tập san Circulation Research (chuyên về tim mạch, hệ số ảnh hưởng ~10), mỗi năm họ nhận được khoảng 2000 bài báo từ khắp các nước trên thế giới, nhưng chủ yếu từ Mĩ (44%), Âu châu (31%), Nhật (6%), và Á châu (9%, không kể Nhật). Tỉ lệ từ chối chung là 85%, không khác mấy so với tỉ lệ từ chối các bài báo từ Hàn Quốc (88%), Đài Loan (91%). Riêng Trung Quốc, có đến 99% bài báo gửi cho tập sanCirculation Research bị từ chối vì chất lượng quá kém và tiếng Anh chưa đạt.
Một phân tích thú vị khác của tập san American Journal of Roentgenology (IF ~4) cho thấy một “bức tranh” toàn cục thú vị (Bảng 2). Trong thời gian từ 2003 đến 2005, tập san này nhận được 5242 bài báo khoa học từ khắp nơi trên thế giới, nhưng chủ yếu từ Mĩ (43%), Nhật (11%), Hàn Quốc (9%), Đức (5%), và Canada (4%). Tuy nhiên, tỉ lệ bài báo được chấp nhận cho đăng dao động lớn giữa các nước. Trong số 2252 bài báo từ Mĩ, 72% được chấp nhận cho công bố, và trong tổng số 2990 bài báo ngoài Mĩ, tỉ lệ được chấp nhận là 60%. Nước có tỉ lệ chấp nhận thấp nhất là Ấn Độ, với chỉ 27% bài báo được công bố. Phân tích chi tiết theo ngôn ngữ mẹ đẻ, thì trong số 2684 bài báo từ các nước nói tiếng Anh (Mĩ, Canada, Anh, Úc) tỉ lệ chấp nhận cho công bố là ~71%. Trong số 2558 bài báo xuất phát từ những nước không nói tiếng Anh, tỉ lệ chấp nhận chỉ 60%.
Bảng 2. Số lượng bài báo nộp và tỉ lệ chấp nhận cho công bố trong thời gian 2003 – 2005 trên tập san American Journal of Roentgenology
| ||
Nước
|
Số lượng bài báo nộp
|
Tỉ lệ chấp nhận (%)
|
Mĩ
|
2252
|
72
|
Nhật
|
578
|
58
|
Hàn Quốc
|
457
|
65
|
Đức
|
263
|
68
|
Canada
|
198
|
61
|
Thổ Nhĩ Kì
|
189
|
42
|
Anh
|
174
|
68
|
Pháp
|
153
|
62
|
Ý
|
152
|
59
|
Đài Loan
|
131
|
46
|
Trung Quốc
|
123
|
58
|
Thụy Sĩ
|
110
|
75
|
Áo
|
94
|
73
|
Tây Ban Nha
|
90
|
64
|
Ấn Độ
|
79
|
27
|
Hà Lan
|
73
|
70
|
Do Thái
|
66
|
62
|
Úc
|
60
|
55
|
Nguồn: Ehara S, Takahashi K. Am J Roentgen 2007;188:W113-6
|
Những bài học
Biết được lí do bài báo bị từ chối cũng là một cách học. Học để nâng cao xác suất được chấp nhận của bài báo kế tiếp cao hơn. Nếu những phân tích trên đây cung cấp một thông điệp chính, tôi nghĩ đó là vấn đề ý tưởng và phương pháp. Đừng phí thì giờ cho những ý tưởng làng nhàng tủn mủn, vì những nghiên cứu như thế sẽ chẳng dẫn tác giả đi đến đâu trong khoa học. Ý tưởng hay mà phương pháp không thích hợp cũng khó có cơ may được công bố. Sau đây là vài bài học mà tôi nghĩ có thể rút ra từ những phân tích trên:Thứ nhất là khi có ý tưởng làm nghiên cứu, cần phải chú trọng đến cái mới. Cái mới ở đây không chỉ về ý tưởng, mà có thể là cái mới về phương pháp nghiên cứu (dù ý tưởng không mới), cái mới về kết quả và cách trình bày, và cái mới trong cách lí giải kết quả nghiên cứu. Thiếu những cái mới này thì nghiên cứu chỉ là một dạng “me too”, tức chỉ hoàn toàn bắt chước người khác từ A đến Z. Nếu là nghiên cứu “me too” thì rất khó được chấp nhận cho công bố trên các tập san có uy tín cao, hay dù có cơ hội được công bố thì tập san cũng thuộc vào loại làng nhàng, dưới trung bình.
Rất nhiều nghiên cứu y khoa từ VN thiếu cái mới, vì chỉ lặp lại những gì người khác đã làm. Một số người chỉ muốn theo đuổi những đề tài dễ, vì hoặc là thiếu kinh phí, hoặc là không dám mạo hiểm theo đuổi những đề tài gai góc. Tình trạng này khá phổ biến, nhất là ở những nghiên cứu sinh vì thời gian có hạn và cũng chẳng được tài trợ, nên họ chọn những đề tài rất nhỏ và không quan trọng (mà theo tiêu chuẩn học thuật thì chưa chắc xứng đáng văn bằng tiến sĩ). Môt số khác thì không được thầy cô hướng dẫn tốt, nên họ phải “tự bơi” bằng cách làm theo lối mòn, vì họ sợ nếu làm cái gì mới sẽ bị thầy cô trách mắng. Trong nhiều trường hợp, chính thầy cô cũng chỉ làm theo lối mòn cũ, vì hoặc không cập nhật kiến thức, hoặc sợ hội đồng duyệt đề tài bác bỏ. Bản thân các thành viên trong hội đồng duyệt đề tài cũng chỉ làm quen với những ý tưởng nhỏ, chấp vá, hay thậm chí chưa có kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học, nên họ trở nên tủn mủn và … bảo thủ. Trong cái vòng tròn luẩn quẩn như thế, rất khó để các nhà khoa học VN có công trình công bố trên các tập san quốc tế.
Thứ hai là cần chú trọng đến phương pháp nghiên cứu. Trong nghiên cứu thực nghiệm, thiết kế và phương pháp đóng vai trò cực kì quan trọng. Thiết kế nghiên cứu không thích hợp, thì dữ liệu có thể không có giá trị khoa học cao, và không có cơ may công bố trên các tập san có uy tín cao. Chẳng hạn như một công trình nghiên cứu y khoa thiết kế theo mô hình có yếu tố thời gian và có nhóm chứng lúc nào cũng có giá trị khoa học hơn là một công trình không có nhóm chứng. Trong nghiên cứu y học, phương pháp sai thì kết quả cũng sai hay không có giá trị cao. Ví dụ như nếu nghiên cứu về bệnh tiểu đường hay dinh dưỡng mà không có các đo lường về lượng mỡ bằng phương pháp DXA thì dữ liệu khó mà xem là có giá trị khoa học cao.
Trong một phân tích về những công trình nghiên cứu y khoa ở trong nước trước đây, tôi phát hiện rất nhiều sai sót về phương pháp nghiên cứu (research method) và phương pháp luận (methodology). Những sai sót này thường là cách thiết kế nghiên cứu không thích hợp, qui trình sai, phương pháp phân tích còn nhiều sai lầm, vi phạm giả định khoa học, v.v. Ngay cả tài liệu hướng dẫn nghiên cứu khoa học lưu hành trong các đại học cũng còn nhiều điểm cần phải xem xét lại, vì chưa phù hợp chuẩn mực quốc tế và chịu ảnh hưởng bởi một chuyên ngành. Với những sai sót như thế, các nghiên cứu từ Việt Nam rất khó có cơ may được xuất hiện trong các diễn đàn khoa học quốc tế.
Thứ ba là cách trình bày. Bài báo khoa học là một văn bản khó hiểu, bởi văn phong thường được viết rất ngắn và cô đọng. Nhưng nếu tác giả chọn cách viết dài dòng như viết tiểu thuyết thì đó là một cách chuốc lấy thất bại trong khoa học. Điều này có ý nghĩa với chúng ta, người Việt Nam, vì chúng ta hay chịu ảnh hưởng của thơ văn trong cách viết bài báo khoa học.
Nhiều tập san khoa học trong nước có cách trình bày … chẳng giống ai, chẳng theo một thông lệ khoa học nào cả. Tác giả có thể trình bày theo ý mình, và do đó dẫn đến tình trạng “trăm hoa đua nở”. Điều này làm cho người đọc cảm thấy những bài báo nghiên cứu trong nước rất hời hợt và thiếu tính khoa học. Còn các tập san khoa học quốc tế có qui định rất chặt chẽ về cách trình bày dữ liệu, cách viết, thậm chí cách trình bày tài liệu tham khảo. Nếu bài báo không tuân thủ theo các qui định của tập san thì chắc chắn sẽ bị từ chối.
Thứ tư là cần thạo tiếng Anh. Phần lớn (90%) các tập san quốc tế, dù là tập san ở các nước Bắc Âu hay châu Á Thái Bình Dương đều sử dụng tiếng Anh. Có thể nói không ngoa rằng tiếng Anh đã trở thành một ngôn ngữ của cộng đồng khoa học. Đối với các nhà khoa học Việt Nam, tiếng Anh là một vấn đề lớn, vì phần lớn các nhà khoa học không thạo tiếng Anh. Rất nhiều nhà khoa học Việt Nam biết tiếng Anh, có thể đọc, nghe, và viết, nhưng phần lớn chưa ở trình độ có thể viết một bài báo khoa học hoàn chỉnh. Ngay cả những nghiên cứu sinh đã theo học các đại học nói tiếng Anh ở nước ngoài cũng chưa đủ khả năng để soạn một bài báo khoa học mà không cần đến sự hỗ trợ về ngôn ngữ.
Rất khó tìm một bài báo y khoa được công bố trên các tập san ở trong nước viết đúng tiếng Anh! Nhưng như chúng ta thấy qua các dữ liệu trên, tiếng Anh là một rào cản đáng kể (nhưng không phải là rào cản duy nhất hay lớn nhất) đối với các nhà khoa học ngoài các nước nói tiếng Anh. Do đó, nhà khoa học cần phải tiếng Anh, và các đại học / viện nghiên cứu nên tổ chức nhiều khóa học về cách viết bài báo khoa học bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, tiếng Anh không phải là nguyên nhân chính để từ chối một công trình nghiên cứu có chất lượng cao. Ngược lại, tiếng Anh “văn hay chữ tốt” cũng không thể bù đấp được những khiếm khuyết về cái mới và phần thiết kế cũng như phương pháp nghiên cứu.
Từ chối là một cơ hội!
Thật ra, bài báo bị từ chối có khi là một cơ hội tốt. Theo một phân tích mới đây, những bài báo bị từ chối sau khi được chỉnh sửa lại thường được công bố trên những tập san có ảnh hưởng cao. Do đó, không nên buồn khi thấy công trình của mình bị từ chối, mà nên xem đó là một cơ hội để làm tốt hơn và hay hơn.
Nói tóm lại, các kết quả phân tích trên đây cho thấy khuyết điểm phổ biến nhất và cũng là nguyên nhân thông thường nhất dẫn đến quyết định từ chối một bài báo khoa học nằm ở phần phương pháp. Điều này có lẽ cũng không khó hiểu, bởi vì nếu phương pháp sai thì kết quả sẽ sai, các bàn luận và kết luận cũng có thể sai. Mà, sai sót về phương pháp thì không sửa được (vì nghiên cứu đã làm rồi). Không có tập san khoa học nào muốn công bố một bài báo khoa học với nhiều sai sót, nên quyết định từ chối những bài báo do khiếm khuyết về phương pháp là điều hoàn toàn có thể đoán được.
Bộ Khoa học và Công nghệ mới ra chính sách mới, mà theo đó công bố quốc tế sẽ được lấy làm một thước đo năng lực nghiên cứu khoa học. Chiến lược khoa học 2011-2020 viết rằng “tăng số lượng công bố quốc tế từ các đề tài sử dụng ngân sách nhà nước trung bình 15-20%/năm. Mục tiêu thứ năm lại ghi rõ đến năm 2020 hình thành 60 tổ chức nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đạt trình độ khu vực và thế giới.” Đây là một thách thức đáng kể cho giới khoa học Việt Nam, bởi càng ngày việc công bố khoa học càng khó khăn vì sự cạnh tranh toàn cầu giữa các nhà khoa học để có tiếng nói.
Trong khi chúng ta có kế hoạch gia tăng số ấn phẩm khoa học, thì các nước trong vùng đã bỏ xa chúng ta. Năm 2012, các nhà khoa học VN công bố được 1630 bài báo khoa học trên các tập san quốc tế. Con số này chỉ bằng 30% của Thái Lan, 22% của Mã Lai, và 17% của Singapore. Những con số trên đây cho thấy năng suất khoa học Việt Nam còn rất khiêm tốn, nhất là trong điều kiện 9500 giáo sư và phó giáo sư cùng 24 ngàn tiến sĩ. Nếu mỗi 2 giáo sư công bố 1 bài báo khoa học, và mỗi 4 tiến sĩ công bố 1 bài báo khoa học, thì mỗi năm VN có khoảng 10,000 bài báo khoa học. Do đó, con số công bố quốc tế hiện nay của VN có thể hiểu như là tương đương với 16% tiềm năng khoa học.
Nhưng những con số trên chưa nói đến một thực tế đáng báo động khác: vấn đề lệ thuộc. Phần lớn (70%) những công trình của VN là do hợp tác với nước ngoài. Có lĩnh vực như y khoa, tỉ lệ hợp tác với nước ngoài lên đến 80%. Hợp tác khoa học là điều cần thiết và cần khuyến khích, nhưng nếu 80% công trình nghiên cứu là do hợp tác thì có thể xem đó là một chỉ số về nội lực yếu kém, hay nói thẳng hơn là lệ thuộc. Điều này cho thấy ngay từ bây giờ VN cần phải xây dựng nội lực khoa học tốt hơn để cạnh tranh với các nước trong vùng và trên thế giới.
Để xây dựng nội lực, cần có những chính sách lâu dài hơn và có hệ thống hơn liên quan đến con người. Rất cần lập những quĩ dành cho các nhà khoa học trẻ (mới xong tiến sĩ) để gửi họ ra nước ngoài tiếp tục nghiên cứu trong giai đoạn hậu tiến sĩ. Đối với những nhà khoa học có triển vọng (không khó nhận ra những người này) cần có những tài trợ đặc biệt cho họ. Tài trợ phải để họ đủ lương bổng mà không phải lo đến chuyện “cơm áo gạo tiền” hay phải chạy sô “xoá đói giảm nghèo”. Nói tóm lại, chúng ta cần phải lập ra quĩ dành cho những nhà khoa học tinh hoa (elite) và cho phép họ độc lập trong nghiên cứu và sử dụng ngân sách khoa học. Khoa học bắt đầu từ con người có tài, và không có lí do gì mà xã hội không nuôi dưỡng những nhân tài.
N.V.T
TB: Bản ngắn hơn đã đăng trên sgtt.vn:
Lý do bài báo khoa học bị từ chối & hệ quả
Cơ hội từ thất bại
Và những bình luận chung quanh hai bài đó như sau. Nhân dịp này tôi chân thành cám ơn các bạn đã bỏ thì giờ đóng góp ý kiến. Tất cả những ý kiến của các bạn, dù đồng ý hay không đồng ý, tôi đều trân trọng. Trong tương lai, tôi sẽ cố gắng xem qua tất cả những bình luận của các bạn đọc và rút ra những điểm để bàn thêm. Nhưng bây giờ thì tôi chỉ lưu lại để làm tài liệu tham khảo.
Đoàn Linh Phi
Mọi người trao đổi xôm tụ quá! Xin được phép góp một ý nhỏ: Nhà khoa học ngoài việc nghiên cứu còn phải biết tiếp thị công trình của mình bán công trình để xã hội được hưởng lợi đồng thời làm giàu cho bản thân. Tất nhiên sẽ còn liên quan đến cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách ... nên nếu anh cần gì anh phải chứng minh được hiệu quả của công tác nghiên cứu đem lại thì anh sẽ có được sự đầu tư. Không cần nhà nước đầu tư, doang nghiệp có thể đầu tư cho nhà khoa học nếu họ thấy có lợi. Đầu tư vào nghiên cứu khoa học và công nghệ là lĩnh vực đầu tư hiệu quả nhất. Vậy mà các anh vẫn nghèo, không đủ tiền để đăng bài trên các tạp chí thì phải xem lại có phải các anh đang làm khoa học đúng hướng hay không. Phải thừa nhận những yếu kém về khoa học-công nghệ hiện tại của nước nhà thì mới tiến bộ được. Trong cái yếu kém hiện tại, có cả cái do chính sách và có cả cái do nguồn nhân lực. Quan trọng nhất là người Bộ trưởng và Thủ tướng phải nhận ra điều đó để làm lại hoặc thay đổi chính sách cho khoa học và đào tạo người làm khoa học. Ngược lại, bản thân các nhà khoa học đã xác định theo nghiệp này cũng phải thừa nhận những yếu kém của mình để luôn luôn tìm cách thay đổi và tạo ra những công trình, sản phẩm nghiên cứu có chất lượng được đăng trên các tạp chí uy tín trên thế giới. Trong khi các trường đại học của Trung Quốc và trên thế giới đang giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài chính của Chính phủ bằng cách tạo ra những sản phẩm, những bằng sáng chế, những bài báo (thậm chí có nhiều trường còn mang lại lợi nhuận) thì hầu như toàn bộ các trường đại học ở VN vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhà nước. Mạo muội trao đổi, có gì không đúng, mong mọi người trao đổi thêm. Xin cảm ơn.
An Trân
Có một sự thật mà nhiều người né tránh không nói ra, vì tế nhị, hoặc vì sĩ diện. Đó là trình độ của đội ngũ khoa học nước ta NHÌN CHUNG còn kém so với nước ngoài. Kém về ngoại ngữ nên không đọc được tài liệu nước ngòai và không viết được bài báo bằng tiếng nước ngoài đã đành, mà còn kém về KIẾN THỨC, về PHƯƠNG PHÁP NCKH ! Tôi là người trong cuộc (PGS.TS), tôi biết rõ "nội tình" trong giới nghiên cứu, nhất là khối KHXH-NV. Tôi cũng tự kiểm điểm bản thân tôi cũng còn kém nhiều thứ, cần phải học hỏi nhiều hơn nữa, chứ không phải chỉ biết phê bình người khác mà thôi. Muốn khắc phục tình trạng hiện nay, ngoài những giải pháp mà nhiều người đã đề ra, tôi nghĩ cần phải thêm vào việc NÂNG CAO TRÌNH ĐỘ cho đội ngũ các nhà khoa học VN nữa !
Quang Vinh
Vấn đề cốt lõi là nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học và chuẩn hóa trình độ nghiên cứu của những nhà nghiên cứu. Đặc biệt là có chế độ đãi ngộ các lưu học sinh về nước làm việc. Thực tế là đa phần các nghiên cứu sinh được đào tạo và cấp bằng trong nước không có khả năng tìm và đọc tài liệu nước ngoài tốt, càng ít người có khả năng viết báo đăng tạp chí chuyên ngành nước ngoài (mà các chính sách trong nước cũng không khuyến khích hay đãi ngộ đặc biệt gì, chưa kể có thể có rắc rối). Việc mua quyền download full cho các viện nghiên cứu nên xem xét tránh lãng phí trong tình hình không có kinh phí để đãi ngộ con người. Những nghiên cứu sinh từ nước ngoài về có thể tự xoay sở được để tìm tài liệu (nếu không phải mất thời gian lo bon chen kiếm sống). Các cơ sở nghiên cứu trong nước có thể xin các nguồn tài liệu miễn phí của các tổ chức quốc tế dùng hỗ trợ các nước nghèo. Trong 7 năm du học nước ngoài tôi có hơn 10 bài báo đăng tạp chí chuyên ngành thế giới trong đó 8 bài là tác giả chính, có bài đăng trong New England Journal of Medicine. Từ khi về nước 4 năm nay tôi mất tích khỏi giới nghiên cứu thế giới, mọi người không cần hỏi tại sao.
Võ Tuấn Phương
Tôi xin phép được có đôi lời trao đổi với GS Nguyễn Văn Tuấn – người mà tôi rất ngưỡng mộ về trí tuệ và tinh thần khoa học. Ở nước ta, việc cập nhật các bài báo khoa học, công trình nghiên cứu khoa học trên thế giới đang vướng phải khó khăn. Đó chính là vấn đề bản quyền của các bài báo. Hầu hết các bài báo khoa học đều phải trả phí để được tải về. Có một chân lý bất cứ người làm khoa học nào cũng biết, đó là "khoa học luôn có tính kế thừa và phát triển". Thế hệ sau thừa hưởng, phát huy và sáng tạo dựa trên những thành quả nghiên cứu đi trước. Điều này giúp định hướng đúng cho hướng nghiên cứu, đồng thời tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc rất nhiều. Nói một cách nôm na, khi cần tính toán trọng lực, chúng ta không cần phải ra vườn ngắm quả táo của Newton rơi, rồi tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn; thay vào đó, chúng ta chỉ cần áp dụng định luật và tính toán. Nhà khoa học muốn nghiên cứu, sáng tạo cái mới hoặc muốn áp dụng một thành tựu khoa học, ít nhất họ phải được cập nhật đẩy đủ các thông tin khoa học liên quan, biết thế giới đang làm gì và đã giải quyết được gì, còn những khúc mắc gì? Từ đó mới có hướng nghiên cứu cho riêng mình, tránh hiện tượng nghiên cứu "lần mò" gây nhiều tốn kém, rồi đến khi công bố kết quả, có khi vô tình trùng với một nghiên cứu đã có sẵn trước đó trên thế giới. Một bài báo tham khảo có giá trung bình từ vài đến vài chục USD, trong khi một công trình nghiên cứu của nhà khoa học phải tham tham khảo từ rất nhiều bài báo. Nhẩm tính, mỗi nhà khoa học phải trả một khoản phí không nhỏ cho việc nghiên cứu của mình. Trong thời buổi bão giá, tất cả chúng ta đều phải lo chuyện cơm áo, gạo tiền, thì liệu đây có phải là một trong số các lý do làm giảm động lực nghiên cứu. Nên chăng, Nhà nước ta có chính sách hoặc nguồn quỹ hỗ trợ cho các nhà khoa học về vấn đề này. Một số trường đại học trên thế giới đang hỗ trợ rất tốt việc trên. Nhà trường mua bản quyền và bất cứ ai truy cập từ địa chỉ IP của trường đều được miễn phí tải báo. Khi kết quả khoa học được công bố, đối tượng hưởng lợi thứ hai (sau nhà khoa học) chính là nhà trường. Bằng chứng là một trong các chỉ tiêu xếp hạng trường đại học trên thế giới là có các công trình khoa học được công bố.
Nguyễn Thị Hà
Cám ơn tòa soạn đã đăng bài viết rất thẳng thắn này. Ở Việt Nam chúng ta, đa số thạc sỹ, tiến sỹ khi học phải bỏ ra rất nhiều tiền để lấy cái bằng, rồi về bỏ tủ, hoặc lấy cái đó để đưa vào hồ sơ đề bạt chức vụ, chứ rất ít rất ít người có đề tài khoa học phục vụ đời sống. Đây chính là cái nút thắt cho sự phát triển của VN....biết rồi khổ lắm nói hoài?
Đỗ Diệu An
Đúng vậy, bài viết của anh Tuấn rất hay, Ở nước ta rất nhiều tiến sĩ, thạc sĩ nhưng chẳng hiểu họ nghiên cứu gì, có chăng bằng cấp ở ta để dễ thăng tiến và kiếm tiền vì lương đi đôi với bằng cấp mà.
Nguyễn Văn Giáp
Sao các ông lại cứ thắc mắc là tiến sĩ ở Việt Nam mình là giấy là... này nọ là không có công trình... rồi tổng thống người ta thì chỉ cần tốt nghiệp cỡ trung cấp trở lên là được không cần xa xỉ tới mấy cái bằng với học hàm học vị tiến sĩ? Các ông không hiểu ngay một điều rằng quốc gia nào lãnh thổ nào cũng có văn hóa của lãnh thổ và quốc gia đó nếu các ông muốn làm tổng thống hay tiến sĩ hay giáo sư hay công trình khoa học thì các ông đến nước người ta mà làm còn các ông đang sống ở Việt Nam nên các ông nhớ đó là văn hóa Việt Nam vì đơn giản đất nước người ta có tổng thống còn mình có tổng bí thư nó khác xa nhau các ông ơi sao mà cứ đi mà phàn nàn cái điều sao mình không giống người ta và phải đòi hỏi mình như người ta thì vô lý quá! Xin các ông đấy!
Võ Lập Quốc
Tôi đồng tình với ý kiến của Nguyễn Vũ Hoàng, tôi cũng là một người tốt nghiệp tiến sỹ kinh tế ở một nước có nền kinh tế phát triển. Hào hứng về nước làm đúng công việc nghiên cứu, nhưng than ôi làm người nghiên cứu khổ sở vô cùng. Nói ở nước ta đấu thầu cạnh tranh bình đẳng trong nghiên cứu khoa học ư? không có đâu. Đề tài trình đến những người không có chuyên môn xét duyệt. Ví dụ, Tôi đã từng đăng ký một đề tài cấp Bộ để làm tiếp ý tưởng mà luận án tiến sỹ của tôi chưa làm, song bị họ xếp vào sọt rác và chọn những đề tài với cái tên chẳng giống ai và kết quả thì nếu ai đó có lòng tự trọng mà đọc thì chắc nhồi máu cơ tim mất. Dã từng tham gia đấu thầu nhiều đề xuất nghiên cứu nhưng rồi chuyện quân xanh quân đỏ đã làm tôi mất hết niềm tin. Đề xuất của mình rất hay và chắc sẽ có bài đặng tạp chí quốc tế nhưng rồi họ lại chọn những đề xuất mà kết quả đầu ra chẳng có gì và thậm chí là có những nội dung họ hiểu sai về bản chất. Bạn cứ đi đấu thầu đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước thử xem. Nếu không có quan hệ và không có phần trăm thì tôi tin chắc 99% là bạn trượt. Thật là sự xuống cấp kinh khủng và nhiều lúc cảm thấy bất lực, bất lực mà nhìn sự đi xuống của khoa học nước nhà.
Trung Tín
Sao cứ nhất thiết phải công bố quốc tế làm gì. Sức mình tới đâu thì đá sân đó thôi. Ở Việt Nam hiện có rất nhiều các tạp chí chuyên ngành đến không chuyên ngành, phục vụ nhiều đối tượng bạn đọc… Do vậy, nếu công trình đăng trên tạp chí Việt Nam cũng là điều tốt, hơn thế nữa những công trình xã hội học nghiên cứu về Việt Nam đăng ở tạp chí trong nước là điều dễ hiểu.
Trần Thị Lan Nhung
Tôi cho rằng cơ chế và quy trình làm việc khác nhau cũng hạn chế việc các tác giả công trình khoa học trong nước có bài đăng trên các tạp chí học thuật quốc tế. Để tạo điều kiện cho tác giả trong nước góp thêm nhiều tiếng nói ở môi trường học thuật quốc tế, theo tôi cần nhanh chóng thay đổi thói quen và cách thức làm việc lâu nay của các tạp chí khoa học trong nước, cũng như nỗ lực áp dụng các tiêu chuẩn làm tạp chí học thuật phổ biến ở mức độ quốc tế. Nguyên tắc làm khoa học ở đâu cũng thế, chỉ khi nào đứng cùng một nền tảng kiến thức và ngôn ngữ, cùng một cách thức làm việc, thì mới có thể cùng tham gia vào thảo luận.
Thanh Xuân
Kinh nghiệm của tôi là biên tập viên tạp chí khoa học cho thấy rất nhiều trường hợp khi gửi bài tác giả không quan tâm đến việc có tuân theo văn phong, kiểu phông chữ, cách trích dẫn theo quy định đặc thù của tạp chí mình hướng đến hay không. Bên cạnh đó, quá nhiều bài báo trích dẫn rất ít các nguồn tài liệu, nếu trích dẫn cũng chưa phải là các nguồn tài liệu uy tín và chất lượng nhất. Tư duy của các bài báo như thế vẫn chủ yếu bám vào mô hình quen thuộc của thực trạng và giải pháp, hoặc là minh họa cho tính đúng đắn của chủ trương, chính sách mà ít mang tính phê phán, phản biện (ở đây tôi muốn nói đến phê phán với nghĩa là động lực cho phát triển). Khá nhiều bài yếu về logic khoa học, kém về khả năng khái quát thực tế, đặc biệt ít có tham khảo tới các nguồn tài liệu nước ngoài, ít bài viết nổi bật lên với cách tiếp cận mới, cách lí luận mới, và những khái quát sâu sắc. Nhưng chúng vẫn được chỉnh sửa và đăng vì nhiều lý do khác nhau. Tất cả dẫn đến kết quả không tốt như một số học giả nước ngoài từng nhận xét là đọc công trình của tác giả Việt Nam rất khó trích dẫn.
Nguyễn Vũ Hoàng
Theo tôi, để trả lời câu hỏi: “Tại sao nhà khoa học làm việc trong nước lại ít có công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí nước ngoài?", thì nhà nước ta cần có các hành động thiết thực, ví dụ như mua bản quyền tải báo từ các tạp chí thế giới. Điều này giúp tạo môi trường nghiên cứu thuận lợi cho các nhà khoa học trong nước phát huy hết khả năng, phục vụ cho việc phát triển nền khoa học nước nhà. Tôi hiện công tác tại một trường đại học ở Pháp. Tôi nhận thấy việc kêu gọi như thế này vừa vô ích vừa gây lãng phí cho quốc gia. Nghiên cứu đăng trên một tạp chí phải tự tay trả tiền thì đăng có ích lợi gì. Chi phí cho một bài báo được đăng phải tiêu tốn từ 1000-3000E (tại Pháp thì trường đại học chi vì họ thừa tiền, không chi thì bị nhà nước thu lại). Hiện tại hơn 80% các bài báo đăng đều kém chất lượng và phi thực tế. Việc mua bản quyền download cũng không cần thiết. Chỉ cần tải trực tiếp trên trang web cá nhân của các nhà khoa học. Các nhà khoa học Việt Nam kêu ca rất nhiều nhưng đến khi cấp cho họ đầy đủ điều kiện thì cũng không thay đổi là mấy. Tôi có nhiều cộng sự Việt Nam và cuối cùng điều kiện vật chất cũng không giúp họ tạo ra được sản phẩm có ý nghĩa bởi họ thiếu cái "tâm", họ chỉ tìm kiếm tài chính để hầu bao mình đầy nhanh có thể chưa nói là có thêm cái marque: đi nghiên cứu nước ngoài, tham gia các hội thảo quốc tế. Làm khoa học nhưng phi thực tế, không có tầm nhìn chỉ biết kêu ca thì tốt nhất là dừng lại.
Minh Giang
Bài viết rất hay và sát thưc. Nhưng cũng cần lưu ý một vấn đề nữa là trình độ để đọc những bài báo đó và những dụng cụ được sử dụng cho nghiên cứu. Về đọc và hiểu báo nước ngoài tại Việt Nam còn chưa cao. Học tiếng Anh trong trường đại học chỉ mang tính tượng trưng. Rất ít sinh viên có thể đọc và hiểu được bài báo. Cần nâng cao trình độ tiếng Anh của giáo viên và sinh viên cộng với kết hợp mua cái account của các trang báo nghiên cứu khoa học nổi tiếng trên thế giới. đây là ý kiến riêng của tôi. Nếu có gì sai xin mọi người góp ý...
Lee Woo
Thiếu tài liệu báo chí chuyên ngành + sách vở . Những điều này rất cần cho sự nghiên cứu, nâng cấp trình độ sinh viên và quốc gia. Chúng ta có thể xem xét và nâng cấp thư viện VN. Tài liệu thì rất cũ và ít ỏi. Phòng thư viện của cả 1 trường đại học thì nhỏ hơn 1 phòng học. Trong khi các trường đại học trong khu vực thì rất rộng lớn với nhiều sách chất lượng cao từ các nhà xuất bản uy tín. Đó là những điều cần cải tiến, ít nhất là ngang tầm khu vực. Và đó là lý do tại sao SV Việt Nam thông minh nhưng khó phát triển đúng tầm nếu chỉ học trong nước. Vô hình chung ta đã "đẩy" SV du học nước ngoài cùng với một khoản tiền lớn chi tiêu tại nước khác. Sau khi học thành tài thì ở lại đóng góp cho "nhà người ta".
Nguyễn Hải
Bài viết phản ánh rất chân thực về bức tranh nghiên cứu khoa học ở Việt Nam ta hiện nay. Thiết nghĩ Nhà nước cần phải sửa đổi cơ chế đối với việc nghiên cứu khoa học, cần tạo mọi điều kiện để các nhà nghiên cứu tận tam với công trình của mình, bên cạnh đó, người nghiên cứu cần nhận thức rõ vai trò của mình đối với xã hội, đất nước.
Đỗ Lê Sơn
Tôi cho rằng việc công bố và được đăng các nghiên cứu này trên các tạp chí quốc tế còn ít vì : 1/ Hơi tốn tiền; 2/ Việt Nam tuy khuyến khích nhưng chưa thực sự có đánh giá cao về việc này; 3/ Hội nhập với quốc tế chưa cao vì nhiều lý do trong đó có điều kiện quá khó khăn của nhà khoa học (VD: đi dự hội thảo phải làm thủ tục xin phép phức tạp, nếu tự túc thì không có khả năng tài chính); 4/ Bản thân các nhà khoa học cũng không thấy cần thiết (trừ các nhà khoa học "thật sự" hoặc các nhà khoa học muốn đạt điểm để phong hàm).
K Toàn
Bài viết nói quá chuẩn, phản ánh chính xác thực trạng của nền khoa học Việt Nam. Tôi xin bổ sung thêm một ý. Phần lớn các thạc sỹ, tiến sỹ ở VN không có đóng góp gì nhiều trong xây dựng các ứng dụng thực tế để nâng cao cao nền khoa học công nghệ Việt Nam như định hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa mà chúng ta vẫn đang hô hào (nên mọi người vẫn hay nói "tiến sỹ giấy", "thạc sỹ giấy"...)...
Trần Quang Vinh
Tôi đồng tình với những điều làm hạn chế việc "thăng hoa" cho các nhà khoa học bởi các "công trình" khoa học "chưa thấy" của họ mà bài viết đã phân tích. Bên cạnh đó theo tôi thì còn có một nguyên nhân quan trọng làm hạn chế hay lãng phí chất xám ở đây chính là "niềm tin" của những người, cơ quan tổ chức "sở hữu" người nghiên cứu khoa học. Chính họ chưa thực sự tin tưởng và giao "nhiệm vụ" thực sự đúng với chuyên môn về lĩnh vực nhà khoa học nghiên cứu. Nguyên nhân này làm cho rất nhiều người có học hàm, học vị bị lãng quên. Mặt trái của việc bị lãng quyên này là nhà khoa học, những người từng đã được cấp học hàm học vị không thể có cơ hội thể hiện bởi điều kiện và hoàn cảnh của họ chưa cho phép. Một người nghiên cứu khoa học có học hàm, học vị một khi không phát huy được trí tuệ của họ đúng tầm thì người xung quanh, cộng đồng xã hội sẽ suy nghĩ thế nào về họ. Chắc chắn sẽ có 3 luồng suy nghĩ chính: 1. Nhóm những người cùng "giới" , "cùng cảnh ngộ" chia sẻ nỗi buồn theo 2. Nhóm những người không quan tâm tới lĩnh vực này thì thờ ơ vô cảm (thuộc nhóm thiểu số). 3. Nhóm những người quan tâm nhưng sự hiểu biết lại khá hạn chế hạn chế đến mức "không nhận thức nổi nguyên nhân làm kìm hãm sự phát triển của các nhà khoa học" thì xem thường (nhóm đa số). Củng từ nhóm này cộng với sự "lãnh đạm" của những người, cơ quan tổ chức "sở hữu" nhà khoa học hiện nay đã tạo ra một suy nghĩ tiêu cực và lệch lạc khá thịnh hành trong xã hội hiện nay là "học để thăng chức", "học vị, học hàm chỉ là bằng giấy", "học thạc sĩ, tiến sĩ... là trào lưu". Nếu đa số những công dân có trách nhiệm đối với đất nước hiện nay có sự "đồng cảm" với một trong những phát ngôn trên thì các bạn đã bao giờ nghĩ người, cơ quan, tổ chức đào tạo ra những người nghiên cứu khoa học là ai chưa?. Thiết nghĩ đây không phải là những phát ngôn được xem là khoa học và đã được một cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nào thừa nhận nhưng lại là những phát ngôn có tính lan tỏa rất lớn và thịnh hành trong một bộ phận không nhỏ xã hội hiện nay. Cùng với những bài viết phân tích tích có chiều sâu mà nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước đã đăng, tôi mong rằng bằng sự sáng suốt của "người đứng đầu" các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong thời gian tới sẽ có những chính sách cải cách rõ nét hơn nữa, cụ thể hơn nữa, có giới hạn không gian và thời gian rộng hơn nữa để sử dụng nguồn chất xám "vô tận" đang bị lãng quyên như hiện nay.
Hữu Nghĩa
Thực trạng này rất khó để sửa chữa vì điều kiện VN còn rất khó khăn. Bản thân tôi cũng rất muốn tham gia nghiên cứu khoa học nhưng không có điều kiện (là ThS làm việc ở cơ quan nhà nước), thời gian họp hành choáng hết giờ làm việc thì lấy đâu thời gian làm nghiên cứu khoa học?
Võ Thị Bích Ngọc
Cần phải khách quan hơn nữa khi nhìn nhận vấn đề này. Bỡi lẽ, "Tạp chí quốc tế" là một khái niệm chưa rõ ràng đối với người đọc. Phải chăng, đây là các tạp chí do các nước không viết bằng tiếng Việt xuất bản? Oan cho các nhà nghiên cứu ở Việt Nam... Còn cách thức "làm" tạp chí thì các nước và các tổ chức quốc tế về cơ bản là khác nhau. Việt Nam nhiều tiến sĩ, ít công trình nghiên cứu. Mỗi năm biết bao thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp nhưng có bao nhiêu công trình khoa học được họ công bố, khi mà yêu cầu tốt nghiệp vốn rất chung chung và đánh đồng giữa tạp chí trong nước và quốc tế. Trước khi trả lời câu hỏi: "Tại sao nhà khoa học làm việc trong nước lại ít có công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí nước ngoài?", chúng ta có thể tự hỏi: Nhà khoa học là ai? và tại sao họ lại phải đăng các công trình nghiên cứu trên các tạp chí nước ngoài? Theo định nghĩa Wikipedia, nhà khoa học (scientist) hiểu theo nghĩa rộng là một trong những người tham gia vào một hoạt động có tính chất tiếp thu và chia sẻ kiến thức; nghĩa hẹp hơn là những người sử dụng các phương pháp có tính chất "khoa học" để tiếp thu, tìm hiểu về các kiến thức của tự nhiên và xã hội. Các nhà khoa học bao gồm các các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực như toán, kinh tế, vật lý, thiên văn đến các nhà lịch sử, địa lý, triết học. Vậy tại sao nhà khoa học (người Việt Nam, sống tại Việt Nam) lại phải đăng các công trình nghiên cứu trên các tạp chí nước ngoài? Đã là nhà khoa học thì ngoài tìm hiểu tự nhiên xã hội, việc quan trọng thứ hai chính là chia sẻ các tìm hiểu của mình. Vì vậy, đăng các công trình nghiên cứu không chỉ cần thiết mà còn bắt buộc để khẳng định, xác nhận người đó là nhà khoa học.
Nguyễn Thị Mai Trâm
Tôi đồng ý là chất lượng các tạp chí khoa học trong nước còn quá thấp, nhưng thực ra không phải tạp chí nào cũng không có quá trình peer review. Có một số tạp chí thuộc các ngành khoa học kỹ thuật vẫn có review khá nghiêm túc. Tuy nhiên có lẽ vấn đề nằm ở lĩnh vực chuyên môn cũng như thái độ của reviewer. Đôi khi reviewer phải đọc nhận xét 1 bài báo khoa học không thuộc về chuyên môn sâu của mình, mà họ lại quá bận rộn không thể đầu tư đủ thời gian để đọc kỹ, tìm hiểu thêm các tài liệu trích dẫn để đánh giá đúng chất lượng của bài báo. Theo tôi, ban biên tập các tạp chí khoa học nên cân nhắc kỹ khi gửi 1 bài báo đến các reviewer, còn người được gửi nếu không có thời gian đọc thì nên từ chối ngay từ đầu. Ngoài ra ban biên tập có thể gửi các bài báo đến các chuyên gia nước ngoài nhờ review để có ý kiến nhận xét khách quan hơn. Nếu bài báo có chất lượng, đề cập đến vấn đề mà họ quan tâm thì họ sẽ không từ chối review đâu. Còn chuyện làm sao để có 1 bài báo chất lượng thì còn liên quan đến nhiều nhiều vấn đề khác ...
Châu Anh
Tạp chí quốc tế cũng có nhiều loại lắm chứ không phải cứ dính đến "quốc tế" là tốt đâu. Đa số tạp chí các nước Đông Âu không được công nhận ở các nước Tây Âu và Mỹ. Còn ngay tạp chí các nước Tây Âu hay Mỹ cũng nhiều chỗ chỉ cần đóng tiền là đăng bài. Nhiều bài đăng lên một số tạp chí có tiếng (thuộc hệ thông sciendirect) cũng lỗi sai tùm lum. Tôi chỉ muốn nói rằng đừng có quá đề cao hai chữ "quốc tế", vì nó cũng đủ loại thượng vàng hạ cám. Giống như báo mình hay có bài "người nước ngoài lừa đảo", có khi là một anh Trung Quốc hay anh Phi nào đó cũng là nước ngoài.
Hà Mạnh Tường
Tác giả bài viết đã nói đúng thực trạng của tạp chí khoa học nước nhà. Chúng ta có quá nhiều tạp chí tầm "quốc gia" nhưng chất lượng khoa học thấp. Chủ yếu do trình độ chung của các nhà khoa học nước ta, tác giả, ban biên tập, đội ngủ cán bộ điều hành tạp chí, chưa đáp ứng yêu cầu của một tạp chí khoa học. Chúng ta chưa có "văn hóa" khoa học xem số lượng bài báo là thước đo trình độ và kiến thức. Các bài báo hiện nay chủ yếu là để đáp ứng việc lấy bằng cấp, học vị hơn là nhu cầu trao đổi tri thức. Để cai thiện tình hình này, có thể có các biện pháp sau: 1. Nên giảm số lượng số tạp chí khoa học, chỉ nên duy trì các tạp chí đủ mạnh. Nhà nước nên có ngân sách để hỗ trợ cho các tạp chí đủ điều kiện, xây dựng qui chế làm việc và xây dựng Ban biên tập mạnh. 2. Các đơn vị làm khoa học, cơ quan có các nhà khoa học làm việc nên đưa chỉ tiêu bài báo vào nhiệm vụ hàng năm. Như vậy mới có đủ bài báo chất lượng cho các tạp chí và các tác giả sẽ nghiêm túc hơn. 3. Các PGS, GS phải có chỉ tiêu bài đăng tạp chí uy tín trong và ngoài nước hàng năm. Hiện nay, PGS, GS đang trở thành một thứ "trang sức" cho các "nhà khoa học" hơn là ý nghĩa khoa học. Ngoài việc chất lượng tạp chí trong nước chưa cao, khó tạo điều kiện xây dựng và phát triển đội ngũ các nhà khoa học mạnh, Chúng ta cần đầu tư "cơ sở hạ tầng" cho nghiên cứu tại các trường đại học như: thư viện trực tuyến có thể truy cập bài toàn văn của các tạo chí uy tín trên thế giới; các qui trình triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học tại cơ sở cần được đầu tư tốt hơn, cán bộ khoa học cho các tạp chí... Việc hình thành được các tạp chí khoa học uy tín trong nước và tăng số bài đang tạp chí quốc tề là một công việc lâu dài (có thể tính bằng chu kỳ 10 năm) và cần đầu tư rất nhiều về nguồn lực và các chính sách phù hợp.
David Tran
Theo tôi cách thức và quy trình làm việc ở các tạp chí lâu nay của Việt Nam là một trong những nguyên nhân hạn chế việc xuất hiện các nghiên cứu trong nước trên các tạp chí học thuật quốc tế. Thêm vào đó môi trường làm việc chưa phù hợp, kinh phí cho nghiên cứu hạn hẹp và ít khả năng tiếp cận các nghiên cứu ngoài nước, khiến các nhà nghiên cứu trong nước có ít bài đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế. Một nguyên nhân đáng chú ý nữa hạn chế việc xuất hiện của các nhà nghiên cứu trong nước trên các tạp chí khoa học thế giới là do cách thức và quy trình làm việc tại các tạp chí phổ biến lâu nay trong nước.
Dương Anh Tuấn
Tôi có cảm giác hình như khi đề cập đến khoa học Việt Nam, ai cũng nghĩ rằng nó tệ lậu và chẳng có tinh thần khoa học gì cả. Do đó việc có các bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế là điều rất xa xỉ. Tôi không đồng tình hoàn toàn với nhận xét kiểu như vậy. Tôi xin chỉ ra một số điểm để mọi người có cách nhìn đúng hơn về giới khoa học trong nước.
Thứ nhất là thông tin. Tôi xin lấy kinh nghiệm bản thân đưa ra một so sánh đơn giản. Khi tôi là nghiên cứu viên tại Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, một trong cơ quan đầu ngành về nghiên cứu ở Việt Nam, tôi không có điều kiện truy cập và đọc các tạp chí uy tín. Còn bây giờ, tôi đang là sinh viên bình thường của một trường xếp hạng gần 100 ở Hàn Quốc. Hàng ngày tôi tìm và đọc các bài báo liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu của mình một cách dễ dàng. Nếu ai đó từng học ở nước ngoài, hẳn các bạn ý thức rõ tầm quan trọng của việc đọc báo. Đơn cử, chỉ một môn học ở trường, các sinh viên phải tìm đọc ít nhất từ 5 đến 6 bài báo liên quan, chưa kể đến các tài liệu tham khảo khác. Tôi nói điều này để mọi người hình dung rõ số lượng bài báo mà một nhà khoa học cần và nên đọc khi muốn có nghiên cứu tốt, xứng tầm đăng trên các tạp chí uy tín. Với so sánh trên có thể nhận ra, giới khoa học Việt Nam thiếu thông tin - yếu tố không thể thiếu đối với nghiên cứu. Xin nói thêm là việc dùng tiền đề tài, tiền dự án mua các bài báo hay đăng tải, tôi thấy không mấy khả thi bởi từ việc đề xuất đến việc ký duyệt mua các bài báo tốn khá nhiều thời gian. Hơn nữa, ai có thể nắm chắc một bài báo đúng là bài báo mình cần khi mới chỉ đọc được phần tóm tắt? Tôi không làm được việc đó. Nói một cách đơn giản, việc đăng bài báo về nghiên cứu của bản thân trên tạp chí uy tín của thế giới về bản chất tương tự như việc bạn muốn tham gia một câu chuyện mà nhóm người đang thảo luận. Vậy, điểm đầu tiên bạn cần làm là lắng nghe xem nhóm người đó đang nói gì, đưa ra luận điểm gì. Nếu không làm được việc này bạn sẽ nói điều gì đó hoàn toàn không liên quan hoặc nói lại cái người ta từng nói. Tương tự, nếu giới khoa học trong nước không đọc được các bài báo trên các tạp chí uy tín, bạn nghĩ nhà khoa học có thể làm được gì? Điểm thứ hai là cơ sở hạ tầng. Giả sử khoa học Việt Nam có thể xem nhiều bài báo từ các tạp chí uy tín thế giới, mọi người có nghĩ là sau đó nhà khoa học phải làm gì không? Họ phải làm thí nghiệm, mày mò nghiên cứu trên các thiết bị, từ đó mới có thể đề xuất và đưa ra nghiên cứu mới, rồi đăng bài báo chất lượng. Tôi nói trên kinh nghiệm của chính bản thân tôi vì tôi cũng gửi và đăng bài báo trên IEEE, (Institute of Electrical and Electronics Engineers, tạm dịch là "Hiệp hội các chuyên gia Điện – Điện tử", một hội nghề nghiệp tại Mỹ nhưng có hội viên trên toàn cầu). Các bài báo nếu chỉ dựa vào nghiên cứu lý thuyết hay mô phỏng thì khả năng đăng thấp hơn nhiều với các bài báo có thí nghiệm thực tế. Với giới khoa học Việt Nam. Họ có gì? Một cái máy tính, thậm chí còn cũ mèm, vài quyển sách với những kiến thức cơ bản và chưa được cập nhật. Vậy mọi người mong chờ gì ở họ? Họ có đáng phải chịu sự chỉ trích của cả xã hội không?. Trên đây chỉ là hai điểm rất dễ nhận thấy mà tôi muốn mọi người biết. Nghiên cứu khoa học không phải chỉ có tờ giấy, cái bút với cái đầu thông minh là có thể làm ra những nghiên cứu đáng giá được các bạn ạ. Tôi thừa nhận nhiều nhà khoa học Việt Nam hiện giờ bị bài toán "cơm, áo, gạo, tiền" át đi mong muốn và nhiệt tâm nghiên cứu. Mỗi người đều ở vị trí là người con, người cha, người mẹ. Họ không đáng trách khi họ phải từ bỏ ước mơ khoa học để kiếm tiền báo hiếu cha mẹ, nuôi dạy con cái. Chính vì thế, những nhà khoa học dù trong môi trường khó khăn mà vẫn đứng vững và có những đóng góp lớn. Mong mọi người hãy có cái nhìn đúng đắn hơn, đa chiều hơn trước khi trách cứ nhà khoa học Việt Nam. Tôi cũng mong nhà nước có chính sách đúng đắn hơn để giải phóng tiềm lực của nhà khoa học.
Trần Vinh Thoại
Cám ơn tác giả Nguyễn Văn Tuấn đã có một cách đặt vấn đề rất chính xác. Tôi cũng từng rất tâm tư với vấn đề này nhưng chưa có dịp chia sẻ với ai. Bất cứ ai làm nghiên cứu khoa học cũng có ít nhất một lần ngậm ngùi thấy bài báo hay công trình nghiên cứu của mình bị tập san khoa học từ chối không công bố. Đứng trước một quyết định như thế của tập san, phản ứng đầu tiên mà nhà khoa học có là câu hỏi “tại sao”: Tại sao họ từ chối công trình tuyệt vời này của tôi? Ngạc nhiên thay, rất ít nghiên cứu về lí do từ chối bài báo khoa học! Ở các nước tiên tiến và phần lớn các đang phát triển (có lẽ ngoại trừ Việt Nam), bài báo khoa học là một viên gạch lót đường cho sự thăng tiến trong nghề nghiệp của một nhà khoa học, là một đơn vị tiền tệ cực kì quan trọng cho việc xin được tài trợ cho nghiên cứu, và là một chỉ tiêu quan trọng để đo lường năng suất khoa học của một quốc gia. Do đó, có những nước, chẳng hạn như Hàn Quốc và Trung Quốc, chi ra hàng tỉ đôla để nâng cao sự có mặt của họ trên trường quốc tế qua hoạt động công bố ấn phẩm khoa học. Bài báo khoa học là “sản phẩm” của một công trình nghiên cứu khoa học. Để đánh giá sự thành bại của một công trình, người ta thường xem xét đến bài báo khoa học đã được công bố ở đâu, và trong vài trường hợp cần thiết, bằng sáng chế được đăng kí ở đâu. Viết một bài báo tốt là một việc làm không đơn giản chút nào, nếu không muốn nói là phức tạp. Nó đòi hỏi người viết phải sáng tạo và suy tưởng… trong lặng lẽ. Con đường dẫn đến một sản phẩm hoàn hảo không bao giờ là một con đường thẳng, mà là một con đường với nhiều ngõ ngách, nhiều đường cùng và nhiều chông gai. Nói một cách ngắn gọn, viết cần phải có thời gian. Thành ra, cách tốt nhất là phải khởi công viết càng sớm càng tốt, đừng bao giờ để cho đến giai đoạn cuối của nghiên cứu mới viết.
Hữu Kiên
Tại sao năng suất khoa học của Việt Nam quá tồi trong khi có nhiều “sĩ sư” như thế? Hiện nay, trong số GS,PGS ở các đại học chỉ có khoảng 1/3 (chính xác là 35%) tham gia giảng dạy đại học. Phần 65% còn lại là các quan chức trong các bộ và sở. Có lẽ con số tiến sĩ không làm nghiên cứu khoa học cũng khoảng 60-65%. Như vậy, có thể nói rằng Việt Nam đã và đang lãng phí nhân lực khoa học ở qui mô rất lớn. Đó cũng chính là lời giải thích tại sao các quan chức trong các bộ ở Việt Nam, nhất là Hà Nội, thường có danh thiếp chi chít với những học vị tiến sĩ. Thoạt đầu tôi ngạc nhiên và thấy khó hiểu là tại sao các bộ, thậm chí sở, có quá nhiều quan chức với văn bằng tiến sĩ như thế, vì ở nước ngoài, hiếm thấy tiến sĩ làm việc trong các cơ quan hành chính. Nhưng nay thì tôi đã hiểu tại sao: vì Nhà nước muốn có những con số ấn tượng về phần trăm tiến sĩ trong đội ngũ cán bộ. Một cách làm đẹp con số thống kê. Chủ trương tiến sĩ hóa cán bộ hành chính là một cách biến học vị tiến sĩ thành một loại giấy thông hành, một chứng từ, một tiêu chuẩn để tiến thân trong sự nghiệp quản trị hành chính. Chẳng hiểu từ đâu mà có qui định lạ lùng như phải là tiến sĩ mới được làm trưởng khoa trong một đại học, hay được đề bạt lên một chức vụ nào đó trong hệ thống quản trị hành chính. Chính vì qui định này mà không ít trường hợp, người ta đề bạt (hay nói thẳng ra là xếp đặt) người vào vị trí nào đó, rồi tìm cách hợp thức hóa cho người đó bằng cách cấp bằng tiến sĩ! Việc hợp thức hóa đó bất chấp tiêu chuẩn khoa bảng và ý nghĩa của học vị tiến sĩ thể hiện một sự phá hoại các chuẩn mực giáo dục đại học và kéo lùi thứ bậc nghiên cứu khoa học của Việt Nam.
Tiến Đạt
Việt Nam có ai nghiên cứu đúng đắn đâu mà đòi có bài báo khoa học cho ra hồn. Chính sách phát triển khoa học nói nghe hay ho vậy chứ cái "đầu" của nhà khoa học không "động" thì cũng như không.
Phan Thị Ái Hương
Xin được góp thêm một ý kiến với bài viết này. Việc công bố báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế là một cách không chỉ nâng cao sự hiện diện, mà còn nâng cao năng suất khoa học của quốc gia đó. Ở nước ngoài, người ta thường đếm số lượng và số lần trích dẫn bài báo khoa học mà các nhà khoa học công bố trên tạp chí khoa học để đo lường và so sánh hiệu suất khoa học giữa các quốc gia. Hiện nay, trong bất cứ lĩnh vực nào, phải nhìn nhận một thực tế là hiệu suất khoa học của nước ta chưa cao. Phần lớn các công trình nghiên cứu tại nước ta chỉ được kết thúc bằng những buổi nghiệm thu hay luận án. Đối với hoạt động khoa học, cho dù công trình đã được nghiệm thu hay đưa vào luận án, nếu chưa được công bố trên các diễn đàn khoa học quốc tế thì công trình đó coi như chưa hoàn tất, bởi vì nó chưa qua “thử lửa” với môi trường rộng lớn hơn.
Nguyễn Văn Trọng
Bài viết của ông Nguyễn Văn Tuấn rất đúng. Đối với cá nhân nhà khoa học, bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế là một “currency”. Đó là những viên gạch xây dựng sự nghiệp của giới “khoa bảng”. Tại các đại học ở phương Tây, số lượng và chất lượng bài báo khoa học là tiêu chuẩn số một trong việc xét đề bạt, lên chức. Vì thế, việc công bố báo cáo khoa học đối với giới “khoa bảng” Tây phương là một ưu tiên hàng đầu của họ. Chính vì thế mà ở đó có văn hóa “publish or perish” (xuất bản hay là tiêu tan). Nếu trong vòng 1 hay 2 năm mà nhà khoa học không có một bài báo nào đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế, ban giám hiệu sẽ mời vị đó trả lời câu hỏi “tại sao”. Nếu không có lý do chính đáng thì người đó có thể bị mất chức. Như vậy, báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế là một việc làm chính yếu, một nghĩa vụ và một điều kiện để tồn tại của một nhà khoa học. Nhưng từ lúc tiến hành nghiên cứu, thu thập dữ kiện đến lúc có báo cáo là một quá trình gian nan. Một công việc còn gian nan hơn nữa là làm sao đảm bảo báo cáo được đăng trên một tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới. Vì thế, các nhà khoa học cần phải đặc biệt chú ý đến việc soạn thảo một bài báo khoa học sao cho đạt tiêu chuẩn quốc tế. Tôi xin mượn một câu nói của Khổng Tử: “Nếu dùng ngôn ngữ không đúng, thì những gì được phát biểu sẽ bị hiểu sai; nếu những gì phát biểu bị hiểu sai, thì những gì cần phải làm sẽ không thực hiện được; và những gì không thực hiện được, đạo đức và nghệ thuật sẽ trở nên tồi tệ hơn”. Và tôi cũng có thể thêm rằng, nước nhà sẽ thiệt thòi hơn.
Lê Trọng Thịnh
Trong hoạt động nghiên cứu khoa học, các bài báo khoa học đóng một vai trò rất quan trọng. Nó không chỉ là bản báo cáo về một công trình nghiên cứu mà còn là một đóng góp cho kho tàng tri thức của thế giới. Khoa học tiến bộ cũng nhờ một phần lớn vào thông tin từ những bài báo khoa học, bởi vì qua chúng mà các nhà khoa học có dịp trao đổi, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Một công trình nghiên cứu thường được tài trợ từ các cơ quan nhà nước, và số tiền này là do dân chúng đóng góp. Khi tiến hành nghiên cứu, nhà nghiên cứu có khi phải nhờ đến sự tham gia của tình nguyện viên hay của bệnh nhân. Trong trường hợp đó, tình nguyện viên và bệnh nhân phải dành thời gian để tự nguyện cung cấp thông tin và có khi hy sinh một phần xương máu cho nhà nghiên cứu. Nếu một công trình nghiên cứu đã hoàn tất mà kết quả không được công bố, thì công trình nghiên cứu đó có thể xem là có vấn đề về y đức và đạo đức khoa học, và nhà nghiên cứu có thể xem như chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình với sự đóng góp của quần chúng. Do đó, báo cáo khoa học trên các diễn đàn khoa học quốc tế là một nghĩa vụ của nhà nghiên cứu, là một cách gián tiếp cảm ơn sự đóng góp của bệnh nhân và giúp đỡ của dân chúng qua sự quản lý của nhà nước.
Lê Thiện Giang
Tôi thấy vấn đề VN mình còn ít bài báo quốc tế là bởi cơ chế quản lí của nhà nước mình nặng về xin-cho và chạy chọt, không đánh giá trên cái thực chất. Ví dụ như ở các nước có khoa học phát triển, họ sẽ cấp kinh phí cho cá nhân hoặc tổ chức nào đó dựa trên Impact factor (là điểm tính cho các công trình nghiên cứu họ đã publish trong năm nghiên cứu trước đó). Còn nước ta thì sao? Tôi làm ở Viện nghiên cứu đầu ngành của một ngành lớn, thấy rằng, trước đây, nhà nước cấp kinh phí cho Viện tôi dưới 2 hình thức là đề tài cấp bộ và đề tài cấp cơ sở. Đề tài cấp cơ sở thì được Viện phân chia tương đối đều cho các bộ phận nghiên cứu chuyên sâu với tiêu chí ai cũng có việc làm. Nay thì đề tài cấp cơ sở bị cắt, chỉ còn lại đề tài cấp bộ, và phải đấu thầu. Đấu thầu là gì, là chạy chọt. Dù bạn có impac factor cao, dù bạn có hằng hà sa số những công trình quốc tế được công nhận mà ko có tiền chạy, chảng khi nào bạn có thể chạm tay vào cái đề tài đấu thầu đâu bạn nhé. Và cũng chính vì vậy, tôi biết có nhiều đồng nghiệp của tôi, công trình của họ thừa sức đăng tải trên các báo uy tín thế giới nhưng họ chẳng bao giờ đăng vì nó chẳng giúp gì cho họ mà chỉ làm tổn hao thời gian và công sức. Đắc biệt là khi vợ con họ còn đang phải sống trong khu nhà trọ hay tỏng ngôi nhà cấp 4 cũ kĩ. Tôi thấy nữa là, một phó giáo sư về công nghệ sinh học phân tử ngôi kêu: thầy có bốn năm mươi bài báo quốc tế, đã hướng dẫn hơn chục nghiên cứu sinh tốt nghiệp nước ngoài, còn hướng dẫn hằng hà sa số thạc sỹ trong nước, vậy mà mãi nó chẳng phong giáo sư cho thầy, năm nào hồ sơ gửi đi rồi lại gửi đi.
Võ Xuân Hà
Theo quan điểm cá nhân tôi cho rằng điều cần làm bây giờ là phải thể chế hóa chính sách đối với việc Nghiên cứu khoa học. Đề nghị Nhà nước bổ sung cho các trường, viện... một nội dung chi dành cho nghiên cứu khoa học, trong đó phân định rõ ràng chính sách đối với đẳng cấp của các tạp chí, chính sách mua quyền truy cập vào các nguồn dữ liệu, tạp chí, sách nghiên cứu quốc tế, chi cho các nhà khoa học đi tham dự các Hội nghị khoa học trong và ngoài nước... Đồng thời, khuyến khích các trường, viện... sử dụng kinh phí tự có để lập quỹ tạo điều kiện hỗ trợ các cá nhân thuộc đơn vị mình tham dự các Hội nghị quốc tế, đăng bài... Sau đó 2 năm, đánh giá lại hiệu quả để điều chỉnh chính sách cho phù hợp. Song song với việc này, đề nghị trong các tiêu chí đánh giá, cần đề cao hơn nữa việc công bố trong các tạp chí uy tín, với cách làm gần như là đánh đồng bài báo khoa học đăng ở tạp chí khoa học trong nước và các bài báo công bố trong các tạp chí uy tín thế giới đang làm hạn chế việc này. Ở các nước tiên tiến, việc tích lũy công trình được tính điểm trong hệ thống đánh giá chính thức là trách nhiệm hàng năm của lực lượng nghiên cứu sinh (khi xét học bổng) cũng như của toàn thể lực lượng Giảng viên, GS, PGS... Tất nhiên là các cơ sở giáo dục, nghiên cứu phải được bố trí ngân sách và được nhận tài trợ cho công việc này. Đây là một trong những tiêu chí để các cơ sở đào tạo, nghiên cứu được xét cấp kinh phí hàng năm... Chúng ta cũng đừng quá tự ti cho rằng các nhà khoa học Việt Nam chưa đủ trình độ để công bố công trình nghiên cứu của mình trên các hội thảo quốc tế, tạp chí quốc tế như ý kiến của một bạn nào đó. Chỉ cần chúng ta thực sự nghiên cứu và có kết quả, thì biết cách viết, cách gửi bài nữa là đã có thể có công bố... vì tạp chí quốc tế (được công nhận trong từng lĩnh vực) cũng có nhiều mức độ khác nhau, hội thảo khoa học cũng vậy. Phải có bước ban đầu rồi chúng ta sẽ dần trưởng thành hơn, sẽ viết được bài công bố trong các tạp chí có uy tín hơn... Tóm lại, cần phải có cơ chế để cho nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu và công bố công trình quốc tế. Chúng tôi không thể bỏ tiền túi (vốn đã rất eo hẹp) để làm các việc này được ạ.
Lang Thang
Việt Nam là nước có nhiều thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư nhất khu vực Đông Nam Á, thuộc hàng TOP TEN của Châu Á nhưng các sáng chế, phát minh, nghiên cứu khoa học lại thuộc loại kém nhất khu vực Đông Nam Á (có lẽ chỉ hơn Lào, Campodia, Myanma) chứ chưa nói đến thế giới làm gì. Các Giáo sư, Tiến sĩ Việt NAm hãy nhìn lại bản thân mình xem có xứng đáng với tên gọi "nhà khoa học" không hay chỉ có cái bằng cấp loè thiên hạ.
Vũ Đông
Việc số lượng các bài báo quốc tế ít hay nhiều tùy thuộc vào chất lượng của bài báo và phụ thuộc vào công trình đó có muốn công bố hay không. Đơn vị ở Huế hiện cơ sở rất nghèo nàn và thiếu thốn rất nhiều. Nhưng không phải là không có các bài báo quốc tế được đăng, ngược lại có nhiều là đằng khác. Đã làm khoa học thì dù ở hoàn cảnh nào vẫn có thể làm được, chỉ trừ khi không đủ quyết tâm và sự khéo léo thôi. Một vấn đề cần được khắc phục và quan trọng đối với cách nghĩ của tôi là nên tạo điều kiện để có mối liên kết chặt giữa các doanh nghiệp và những người làm khoa học, các tổ chức đầu tư và sinh viên. Vì đơn giản ta có 2 vấn đề sau: Người làm khoa học thì thiếu thốn không biết đi đâu để tìm tài trợ để phát triển công trình của mình. Phía doanh nghiệp thì không biết những người làm khoa học họ làm ra những sản phẩm hay kết quả gì và có đáng tin cậy hay không. Nên 2 cái mâu thuẫn này rơi vào một vòng luẩn quẩn vẫn chưa giải quyết được.
Lê Trọng Thịnh
Theo tôi, nguyên nhân chính của việc nhiều nhà khoa học Việt Nam không có công trình đăng trên tạp chí khoa học quốc tế là do hạn chế về ngoại ngữ. Điều này có nhiều nguyên nhân, song phải kể đến nguyên nhân khách quan từ sự phát triển giáo dục của đất nước trong thời gian qua. Bên cạnh dó, viên chức - nhà khoa học không thể hy sinh lợi ích gia đình. Cụ thể, để có được công trình nghiên cứu tầm cỡ thế giới, nhà khoa học phải tiêu tốn rất nhiều thời gian, sức lực và thậm chí là tiền của ... Tuy nhiên, cái mà họ thu lại chủ yếu chỉ có giá trị tinh thần. Tôi muốn nhấn mạnh điều này vì trong rất nhiều trường hợp, nhà khoa học không nhận được sự hỗ trợ tương xứng về mặt tài chính. Trong khi đó, mọi chi phí cho gia đình như ăn uống, đi lại, học phí cho con cái,... đặc biệt là sự tích góp để mua sắm nhà cửa lại không thể thu vén trong "lương". Vì vậy, họ đành phải tranh thủ "vắt sức" để "làm thêm"... Nói khác đi, sức lực và thời gian đều hữu hạn. Trong thực tế hiện nay ở Việt Nam, nhiều viên chức - nhà khoa học chỉ cố gắng hoàn thành "nghĩa vụ nghiên cứu khoa học" của mình mà thôi ...
Kevin Thái
Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước ở Việt Nam được cấp kính phí rất lớn, bình thường là 2 tỷ còn không thì cũng tầm từ 3 đến 5 tỷ nhưng sản phẩm khoa học chỉ là những thứ giả dối (ngồi trên bàn đánh máy tính một lúc là xong). Nói thật, 70% giáo sư, phó giáo sư và tiến sỹ ở Việt Nam không có khả năng viết báo bằng tiếng Anh. Trong số đó, quá nhiều người viết báo tiếng Việt vẫn còn sai lỗi chính tả hay thậm chí còn không viết nổi một câu tiếng Việt hoàn chỉnh. Còn nội dung khoa học thì sao? Nếu những người từng quen đọc báo Quốc tế ISI mà đọc sang báo tiếng Việt thì thôi rồi, chẳng bao giờ thấy một thông tin khoa học gì cho ra hồn cả. Chán lắm khoa học Việt Nam ơi và cái chán đó là do chính sách.
Nguyễn Quốc Thông
Tôi nghĩ các luận điểm của tác giả đưa ra là khá hợp lý trong thời điểm của Việt Nam ở quá khứ và hiện tại. Và tôi cũng đồng tình với ý kiến về các nhà khoa học của Việt Nam hiện nay đang nặng về "cơm áo gạo tiền". Vì thế các đề tài dự án thường là chạy cho có để giải quyết vấn đề trên. Trong khi đó các đề tài nghiên cứu phải là thành công, dĩ nhiên là định lượng được chi phí luôn, chứ không được thất bại. Nhưng các đề tại cấp bộ, nhà nước và địa phương cũng không phải dễ lấy được đâu. Vài dòng cùng chia sẽ. Khôi hài, Việt Nam đâu đòi hỏi các nhà khoa học của mình phải sáng chế, phát minh những thứ hiện đại như Iphone Ipad ... Việt Nam chỉ cần họ đi sát với thực tế sản xuất ở Việt Nam, xem người lao động Việt Nam cần gì và giúp họ cải thiện công cụ để đưa ra những sản phẩm chất lượng hơn, giảm nhẹ gánh nặng lao động. Còn hiện nay là gì? Tất cả những thứ vô cùng đơn giản ấy, chúng ta đều phải mua của nước ngoài. Tại sao những thứ ra đời đến cả trăm năm như máy bay, xe hơi, tàu hỏa, đến nay ta vẫn không thể làm nổi, vậy các nhà khoa học ở Việt Nam đã và đang làm cái quái gì vậy?
Phan Quốc Nam
Tôi từng theo học ngành khoa học cơ bản. Nhận thấy đúng là việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học rất khó vì bản thân các đề tài trong lĩnh vực này là những vấn đề khó khăn, cần đầu tư nhiều thời gian, tiền của và trí tuệ. Nước ta còn nghèo nên việc đầu tư cho nghiên cứu với kinh phí lớn là bài toán khó, điều đó có thể mất 10 đến 20 năm và phải có đội ngũ các nhà khoa học giỏi cùng môi trường làm việc giàu tinh thần hợp tác. Trong khi Việt Nam thiếu cơ chế tạo môi trường giúp các nhà khoa học trẻ làm việc và khẳng định tài năng. Tôi biết ở một Viện Khoa học hàng đầu Việt Nam, những nhà khoa học trẻ tài năng khi xây dựng gia đình là họ bỏ ngay công việc nghiên cứu và chuyển sang làm công việc khác mới đảm bảo cuộc sống giúp vợ con. Ngồi nghĩ lại thì thấy các bạn hồi học cùng đại học với tôi có học lực xếp vào loại giỏi, giờ họ đều đang làm việc việc và nghiên cứu ở Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước phát triển khác. Thật lãng phí trí tuệ Việt Nam. Thực trạng nghiên cứu khoa học nước nhà nghĩ mãi vẫn chưa giải quyết được. Phát triển một ngành khoa học khó hơn việc xây các khu đô thị mới với những biệt thự sang trọng hay những dãy nhà chung cư cao tầng. Vậy tại sao các công trình xây dựng đó không thiếu tiền, còn kinh phí dành cho khoa học lại thiếu?. Người Việt quen làm mọi thứ như kiểu "mì ăn liền" rồi nên việc đầu tư khoa học mang tầm nhìn lâu dài là rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, Việt Nam đầu tư cho khoa học theo kiểu các nước có viện nghiên cứu này thì mình cũng phải có. Cũng chỉ để oai mà thôi. Các viện khoa học Việt Nam như những "vườn hoa cây cảnh" vậy. Tôi có nhiều người bạn đang làm tại các viện nghiên cứu cuộc sống rất khó khăn, thu nhập quá thấp chỉ đủ ăn cơm bụi giá bình dân và luôn trong tình trạng ăn bữa nay lo bữa mai. Thiết nghĩ với điều kiện cuộc sống như thế thì làm sao đảm bảo giới khoa học chuyên tâm nghiên cứu, nếu cứ để tình trạng đó năm này sang năm khác, mọi tài năng và niềm đam mê đều tan biến hết. Làm khoa học chỉ là viễn cảnh xa vời và hình thức nên kết quả các công trình khoa học rốt cuộc chỉ là hình thức xếp vào ngăn tủ "ngắm cho đẹp". Thật lãng phí tiền của, tài năng và thời gian.
Nam Sinh
Đọc hết 2 bài của GS Nguyễn Văn Tuấn tôi thấy mấu chốt của vấn đề đã được mở ra, Nhà nước nên có chính sách là khi đăng bài trên tạp chí có uy tín, có mức phí bao nhiêu thì nhà nước chi trả gấp 3 hay gấp 5 mức phí đó. Như vậy mới kích thích các nhà khoa học đăng bài được.
Nguyễn Quang Hưng
Khoa học Việt Nam của mình rồi cũng chẳng bao giờ tiến bộ được đâu bởi vì: - Không nhìn thẳng vào sự thật và căn bệnh của mình và luôn bào chữa. - Không xác định được căn nguyên của sự việc. - Không dám cải cách và tự vỗ về mình kiểu AQ. - Nếu thấy sự việc dở thì chỉ tán quanh chuyện đó chứ chả bắt đầu để làm. Nghiên cứu trong nước không hề kém cỏi mà nó chỉ quá kém cỏi mà thôi bởi vì: - Động lực để nghiên cứu không có, nó phục vụ cho cái gì? để đăng nhiều bài lên báo nước ngoài ư? để Việt Nam có thể tự hào khoe khoang ư? để làm gì chẳng ai biết cả. - Tổng quan nền khoa học nước nhà thì ai cũng biết rồi đó, nếu chỉ có một vài ngành đơn lẻ nào đó có một vài thành thành công nho nhỏ làm toáng lên nhưng mà tựu chung lại là không có nền tảng, không bền vững. - Nói làm người nghiên cứu không có tiền cũng đúng, hay vì không đủ sống cũng đúng nhưng hãy nhìn về bản chất chúng ta người Việt thực dụng nên không đủ sống thì kiếm sống cái đã. Người Châu Âu có nhiều nhà khoa học nghèo không đủ sống nhưng vẫn có những công trình để đời. - Nền khoa học Việt nam cũng có một vài cái tên lừng lẫy nhưng mà tựu chung lại để làm gì với nhữnG cái tên đó thì... Bởi vì công trình của các ông ấy làm ở nước ngoài phục vụ khoa học nước ngoài, khi đưa về nước chúng ta chỉ mang về những tượng đài sống, và như vậy thì không khác gì mang ô tô về mà chẳng có xăng để chạy. Có thể tóm lại thế này: Khoa học Việt Nam hiện giờ thì kém rồi, làm sao để cải tổ thì cái vấn đề chính lại không liên quan đến khoa học mà liên quan đến quản lý và sản xuất. Nếu coi khoa học như một nền sản xuất thì phải đầu tư dài hơi chứ không thể chỉ một ngày có được cừu Dolly như nước ngoài được. Cần phải có tầm nhìn và kế hoạch dài hạn đồng thời phải có được sự tham gia của tư nhân vào khoa học và quyết tâm của nhà nước, nhưng e rằng điều này là bất khả thi.
Vũ Thái Long
Vấn đề là ở ta vẫn thiếu những nghiên cứu có chiều sâu và có tính đột phá. Còn nhiều lắm các dạng thầy lấy đề tài của sinh viên xào nấu, nâng cấp thành đề tài khoa học. Ngày xưa đi học thấy đề tài: “Biến cứng bề mặt bằng con lăn" mắt tròn mắt dẹt. Bây giờ có thời gian học hỏi thấy những chuyện đó là trò trẻ, không là gì với thép hợp kim, nhiệt luyện. Nếu cứ ngủ quên như thế rồi thì không bap giờ phát triển được.Đơn cử cái cơ bản nhất là khoa học luyện kim. Cho tới bây giờ, mảng này VN hoàn toàn yếu kém về thực tế, không đi vào thực tiễn sản xuất được. Lỗi do ai?
Võ Quốc Hoàn
Tôi thấy vấn đề VN mình còn ít bài báo quốc tế là bởi cơ chế quản lí của nhà nước mình nặng về xin-cho và chạy chọt, không đánh giá trên cái thực chất. Ví dụ như ở các nước có khoa học phát triển, họ sẽ cấp kinh phí cho cá nhân hoặc tổ chức nào đó dựa trên Impact factor (là điểm tính cho các công trình nghiên cứu họ đã publish trong năm nghiên cứu trước đó). Còn nước ta thì sao? Tôi làm ở Viện nghiên cứu đầu ngành của một ngành lớn, thấy rằng, trước đây, nhà nước cấp kinh phí cho Viện tôi dưới 2 hình thức là đề tài cấp bộ và đề tài cấp cơ sở. Đề tài cấp cơ sở thì được Viện phân chia tương đối đều cho các bộ phận nghiên cứu chuyên sâu với tiêu chí ai cũng có việc làm. Nay thì đề tài cấp cơ sở bị cắt, chỉ còn lại đề tài cấp bộ, và phải đấu thầu. Đấu thầu là gì, là chạy chọt. Dù bạn có impac factor cao, dù bạn có hằng hà sa số những công trình quốc tế được công nhận mà ko có tiền chạy, chảng khi nào bạn có thể chạm tay vào cái đề tài đấu thầu đâu bạn nhé. Và cũng chính vì vậy, tôi biết có nhiều đồng nghiệp của tôi, công trình của họ thừa sức đăng tải trên các báo uy tín thế giới nhưng họ chẳng bao giờ đăng vì nó chẳng giúp gì cho họ mà chỉ làm tổn hao thời gian và công sức. Đắc biệt là khi vợ con họ còn đang phải sống trong khu nhà trọ hay tỏng ngôi nhà cấp 4 cũ kĩ. Tôi thấy nữa là, một phó giáo sư về công nghệ sinh học phân tử ngôi kêu: thầy có bốn năm mươi bài báo quốc tế, đã hướng dẫn hơn chục nghiên cứu sinh tốt nghiệp nước ngoài, còn hướng dẫn hằng hà sa số thạc sỹ trong nước, vậy mà mãi nó chẳng phong giáo sư cho thầy, năm nào hồ sơ gửi đi rồi lại gửi đi.
Dương Quang
Sao các ông lại cứ thắc mắc là tiến sĩ ở Việt Nam mình là giấy là... này nọ là không có công trình... rồi tổng thống người ta thì chỉ cần tốt nghiệp cỡ trung cấp trở lên là được không cần xa xỉ tới mấy cái bằng với học hàm học vị tiến sĩ? Các ông không hiểu ngay một điều rằng quốc gia nào lãnh thổ nào cũng có văn hóa của lãnh thổ và quốc gia đó nếu các ông muốn làm tổng thống hay tiến sĩ hay giáo sư hay công trình khoa học thì các ông đến nước người ta mà làm còn các ông đang sống ở Việt Nam nên các ông nhớ đó là văn hóa Việt Nam vì đơn giản đất nước người ta có tổng thống còn mình có tổng bí thư nó khác xa nhau các ông ơi sao mà cứ đi mà phàn nàn cái điều sao mình không giống người ta và phải đòi hỏi mình như người ta thì vô lý quá... xin các ông đấy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét