Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

Venice 2012: ‘Trời hành cơn lụt mỗi năm’…

Venice 2012: ‘Trời hành cơn lụt mỗi năm’…

Cuối tháng 10 vừa qua một chị bạn và tôi rủ nhau ghé Venice chơi ba ngày trước khi lên tầu đi thăm vùng Địa Trung Hải, một chuyến đi tôi vẫn canh cánh bên lòng sau lần đi hụt hồi mùa hè cách đây ba năm vì cô bạn đồng hành đến từ Việt Nam không hội đủ giấy tờ nên không lên tầu được.

Đây là lần đầu tiên tôi đến Venice, một thành phố nổi tiếng là “thơ mộng nhất thế giới” nằm ở phía đông bắc của Ý, với dân số trên 270 ngàn, gồm 118 hòn đảo ngăn cách nhau bởi 177 con lạch và nối lại với nhau bằng 409 cây cầu lớn nhỏ, nên còn được gọi là “thành phố của lạch” hay “thành phố của cầu”. Venice nằm trong danh sách Di Sản Thế Giới của cơ quan UNESCO vì truyền thống văn hoá với những kiến trúc và điêu khắc cổ kính.


Venice, tên Ý là Venezia, được thiết lập trong một vùng xưa là đầm lầy, đã từng là một trung tâm thương mại, quyền lực và nghệ thuật. Địa thế độc đáo, phong cảnh hữu tình, nghệ thuật và các kiến trúc cổ kính nay đã góp phần vào việc đưa Venice thành một trong những trung tâm du lịch nổi tiếng nhất thế giới. Tuy nhiên, muốn đi thăm Venice du khách cần một đôi chân đi bộ khoẻ vì đôi chân ấy chính là phương tiện di chuyển duy nhất: cả thành phố không có bóng dáng của ngay cả một chiếc xe đạp, chứ đừng nói tới xe hơi hay bất cứ một phương tiện có động cơ nào. Tất nhiên là bạn có thể dùng thuyền taxi, nhưng đi bộ vẫn là chính. Vả lại, thăm Venice mà không được len lỏi qua những ngõ hẻm, với nhiều lần đối diện với dead end, thì cũng mất thú đi nhiều.

Sau ba ngày lục lọi (một phần) của Venice (vì thực sự không có sức đi bộ nhiều), chúng tôi rời Venice vào cuối tháng 10 thì một tuần sau đó, vào mấy ngày đầu tháng 11, Venice bị mưa lụt trầm trọng, với 1.5 mét, tức 5 feet nước, và 70 phần trăm thành phố bị ngập. Đối với dân Venice, đây là chuyện thường hằng vì năm nào chẳng xẩy ra, tuy nhiều thiệt hại và bất tiện. Họ gọi đó là mùa nước cao -- acqua alta, hay high water. Nhưng đối với các nhà khoa học và chính quyền Venice, cũng như những người quan tâm tới di sản văn hoá của Venice, đây là điều không phải chỉ quan tâm mà thôi mà còn phải giải quyết nữa. Venic chẳng những bị đe dọa bởi những trận lụt vào mỗi dịp cuối năm, mà còn đang ngày một… lún xuống nước, khoảng .08 inch mỗi năm, tính ra tổng cộng là 11 inches trong thế kỷ qua. Tệ hơn nữa, Venice vừa lún vừa nghiêng về phía đông.(*)  Hiện tượng nhiệt hoá toàn cầu (global warming) đưa đến nạn các băng hà tan rã dần ở Bắc và Nam cực khiến nước biển ngày một dâng cao có thể nói đã khiến tình trạng của Venice đang ở mức báo động.

Sau nhiều tranh luận bàn cãi kéo dài cả mấy thập niên kể từ trận lụt kinh hoàng vào năm 1966 khiến Venice không thể tiếp tục làm ngơ về hiện tượng lụt lún này, một hệ thống chống lụt có tên là MOSE (viết tắt từ Modulo Sperimentale Elettromeccanico, hay Experimental Electromechanical Module), được khởi sự xây cất từ năm 2003 và sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2014, tốn khoảng 7 tỉ Mỹ kim. Theo đó, khi nước biển dâng lên trên 1 mét, tối đa là 3 mét, thì một hệ thống tường/cổng sẽ chỗi dậy từ dưới sàn biển để ngăn nước biển tràn vào vịnh. Vấn đề là liệu hệ thống có hữu hiệu, và nếu hữu hiệu thì hữu hiệu tới mức nào và được bao lâu? (**)

Venice trước mùa ‘acqua alta’


Hình bên trái, Grand Canal nhìn từ trên cây cầu Rialto nổi tiếng của Venice. Cầu Rialto, hình bên phải. (Ảnh Trùng Dương, 10/2012)


Vài trong số 177 con lạch len lỏi quanh và trong Venice, với hai trong số 409 cây cầu, hình giữa và phải, nối Venice lại với nhau. (Ảnh TD, 10/2012)



Trái, người phu quét đường, một hình ảnh hầu như không còn hiện hữu tại các thành phố văn minh, dừng chổi nhìn khách qua lại. Giữa, phương tiện chở đồ của Venice: xe do người kéo. Phải, một du khách đi bên xe kéo “Taxi - Porter Service” chở hành lý do bác phu xe đẩy (bình thường thì kéo nếu không phải lên cầu) đang bước lên các nấc thang của một cây cầu. (Ảnh TD, 10/2012) Thành ra kinh nghiệm cho biết nếu thuê khách sạn thì nên kiếm cái nào không xa trung tâm chuyên chở Piazzale Roma ở lối vào Venice mà mình có thể đi bộ được, hoặc kiếm khách sạn nào gần nơi có bến đậu cho thuyền taxi. Quan trọng nhất là mang hành lý càng ít và nhẹ càng tốt.


Trái, một thuyền bán rau trái tươi từ đất liền qua chào khách. Giữa, một sạp hàng bán mặt nạ trưng bảng viết tay, “Mặt nạ nguyên thủy làm tại Venice, không phải làm tại Trung Quốc”. Ngày Hội Mặt Nạ (Carnival Festival) là một hội lớn hàng năm rất nổi tiếng của Venice, lôi cuốn hàng triệu du khách, diễn ra vào tháng Hai mỗi năm và kéo dài nhiều ngày và chấm dứt trước Lể Phục Sinh, vào ngày thứ Ba Mardi Gras. Phải, một ngõ hẻm của Venice. (Ảnh TD, 10/2012)

‘Trời hành cơn lụt mỗi năm…’



Tới Venice mà không tới thăm St. Mark Square là… chưa tới Venice. Thánh Mark là thánh bổn mạng của Venice. Được biết tro của Thánh Mark đặt trong một cái bình nằm dưới bàn thờ chính trong nhà thờ chánh toà xây vào năm 336 ở hậu cảnh của hình bên phải. Ngày 23 tháng 10 chúng tôi đi thăm trung tâm du khách này trong trời nắng rực rỡ. Từng bầy bồ câu vây quanh du khách để nhận đồ ăn, và du khách cũng xúm xít chụp hình với chim, hình giữa. (Ảnh TD, 10/2012) Chúng tôi rời Venice được một tuần thì mưa bắt đầu rơi, đến ngày mồng 3 tháng 11 thì St Mark’s Square ngập nước, vắng hoe, như trong ảnh bên phải. (Ảnh Time Magazine)

Trái, hình chụp một quán cà phê bầy bàn ghế chờ khách vào buổi sáng khi chúng tôi đặt chân tới St. Mark’s Square. (Ảnh TD, 10/2012) Giữa, nước dâng ngập quãng trường vào ngày 3 tháng 11, song không vì thế làm cản trở câu chuyện giữa hai du khách. (Ảnh Telegraph, UK) Phải, nước từ biển và lạch dâng lên xoá nhòa biên giới với đường cho khách bộ hành, đi không cẩn thận có thể thụt chân lọt xuống lạch. (Ảnh Reuters, trên, và Time, dưới)


Khu vực quanh cầu Rialto bắc ngang Grand Canal, một nơi tập trung du khách, trái, nơi đó chị bạn Loan và tôi đứng chụp hình lưu niệm một tuần trước khi bị mưa lụt. (Ảnh TD, 10/2012) Cầu Rialto vào lúc nước dâng, hình bên phải. Một giải ni lông mầu trắng và đỏ giăng dọc theo bờ để giúp khách bộ hành phân biệt giữa bờ và sông. (Ảnh AP)


Trái, các kiến trúc cổ kính nằm dọc theo bờ Grand Canal nhộn nhịp du khách, thuyền bè trong ánh nắng chiều tà ngày 25 tháng 10. (Ảnh TD) Phải, khách bộ hành lội nước dọc theo bờ bên này của Grand Canal trong lúc mùa nước cao. (Ảnh AFP)


Trái, bàn ghế bầy sẵn tại chân cầu Rialto chờ đón khách vào ngày 23 tháng 10. (Ảnh TD) Phải, các bác lái đò gondola tạm thời thất nghiệp ngồi ăn sáng vào ngày 3 tháng 11 tại những chiếc bàn đặt tại chỗ tôi chụp bức hình bên trái. (Ảnh Reuters)

          
Dân Venice ai cũng có sẵn một đôi giầy bốt đi mưa và nhiều khách sạn trữ sẵn giầy lội nước để cho khách mượn,  nhưng giầy bốt vẫn là một món hàng bán chạy trong mùa nước cao. Hình trên bên trái, một thương nhân bầy bán giầy bốt trước cửa tiệm vào ngày 11 tháng 11, đề giá 5 euro một đôi, tức khoảng gần 7 Mỹ kim. (Ảnh AFP)  Giữa, một sạp bán trái cây tại một phố bị lụt, và phải, quang cảnh St. Mark’s Square vào buổi tối đèn vẫn thắp sáng choang ngày 11 tháng 11, như thể acqua alta cũng là một trong những cái lôi cuốn khách du lịch (tourist attractions) của Venice vậy. (Ảnh Reuters)


Trái, chỉ có ở Venice: du khách thưởng ngoạn một màn ngâm nước ở St. Mark’s Square. (Ảnh AP) Dù lụt lội, Venice vẫn tiếp tục là thành phố của những người yêu nhau, giữa, (Ảnh AFP) và cưới nhau, phải. (Ảnh Marco Secchi)

Chú thích:
(*) Geochemistry Geophysics Geosystems, Vol. 13, Q03023, 13 PP., 2012, “Recent subsidence of the Venice Lagoon from continuous GPS and interferometric synthetic aperture radar,” http://www.agu.org/pubs/crossref/2012/2011GC003976.shtml
(**) Vài trong số những phim tài liệu đã thực hiện về nạn lụt lún của Venice: The Sinking City of Venice, chi tiết hiện có tại http://www.pbs.org/wgbh/nova/venice/; và, đặc biệt về công trình xây cất hệ thống chống lụt MOSE của chương trình Extreme Engineering thuộc đài truyền hình Discovery Channel’s, Saving Venezia: The Venice Flood Gates, http://www.youtube.com/watch?v=2zDbiLs9Juc&feature=related.
Tìm hiểu thêm về hệ thống MOSE tại http://en.wikipedia.org/wiki/MOSE_Project
Mose, đối với dân Ý, còn là tên của một nhân vật trong Thánh Kinh, Moses, là người đã dùng phép mầu rẽ sóng biển để đưa dân của ông tới nơi an toàn.
[TD, 12/2012]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét