Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Ông Obama theo chủ nghĩa gì?

Ông Obama theo chủ nghĩa gì?


Từ sau khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, kinh tế Mỹ trượt dốc hoài, mãi chưa phục hồi. Vì thế Tổng thống Obama bị dư luận trong nước chê trách nhiều. Trong bối cảnh đó nhiều người Mỹ bắt đầu tranh cãi về vấn đề ông Obama theo chủ nghĩa gì ?
Thế đấy, khi thiên hạ thái bình thì chẳng ai quan tâm chuyện chủ nghĩa hoặc ý thức hệ, nhưng khi rối ren khủng hoảng thì người ta lại bới chuyện ấy ra, chắc là để tìm con dê thế tội.
Thời gian qua Tổng thống Obama chủ trương đưa ra các gói kích thích kinh tế, dùng tiền nhà nước giúp cứu các công ty gặp khó khăn trong ngành tài chính tiền tệ và công nghiệp (như AIG, GM …), qua đó tránh làm tăng nạn thất nghiệp. Ông tài trợ cho việc thực hiện chế độ mới về bảo hiểm y tế để người nghèo cũng mua được bảo hiểm, ông tài trợ cải cách giáo dục… Các chính khách bảo thủ phê phán cách làm ấy có màu sắc chủ nghĩa xã hội. Chẳng hạn việc chính phủ mua lại cổ phần công ty tư nhân bị lên án là nhà nước dúng tay quá sâu vào kinh tế tư doanh, tăng tác dụng quản lý của nhà nước đối với các công ty tư nhân đó. Obama còn chủ trương tăng thuế đánh vào tầng lớp người giàu chỉ chiếm 2% số dân nhưng lại sở hữu 60% của cải xã hội.
Tạp chí Forbes mới đây có liệt kê 10 câu nói « dại miệng » của ông Romney trong đợt tranh cử Tổng thống vừa rồi, trong đó có câu : « Obama là người theo chủ nghĩa xã hội kiểu châu Âu (Europian socialist). Điều này thật không tốt, nó giải thích vì sao tôi phản đối chủ trương thắt lưng buộc bụng của tất cả những người như vậy. » Câu này bị cử tri Mỹ chê là kém thông minh.
Đúng là các nước tư bản có chế độ phúc lợi xã hội tốt như Tây Âu và Canada thường bị người Mỹ coi là theo chủ nghĩa xã hội. Đó là chế độ bảo đảm mọi người lao động được sống đầy đủ từ khi lọt lòng tới khi xuống mồ (cradle-to-grave welfare system), mức độ bình đẳng tốt hơn Mỹ nhiều. Dân Mỹ suy ra ông Obama — một người da màu xuất thân nhà nghèo, chắc là muốn bắt chước cách làm của Tây Âu.
Nhưng những người Mỹ da trắng gốc Anglo-Saxon thì phản đối kiểu bình đẳng như Tây Âu ; họ chủ trương chỉ bình đẳng về cơ hội chứ không bình đẳng về hưởng thụ ; họ tôn vinh người giàu và nói nếu tăng thuế đánh vào người giàu thì sẽ mất tác dụng khuyến khích người ta làm giàu, do đó khiến cả xã hội nghèo theo.
Thống kê kết quả bầu cử vừa qua cho thấy ông Mitt Romney là ứng viên Tổng thống không trúng cử giành được nhiều phiếu bầu nhất của các cử tri da trắng, hơn bất cứ ứng viên thất cử nào trong lịch sử nước Mỹ. Obama trúng cử phần lớn nhờ sự ủng hộ của các cử tri da màu, gốc Á và gốc Mỹ La-tinh (như Mexico). Đây là lý do vì sao sau khi Obama tái đắc cử, lập tức có hàng trăm nghìn người Mỹ ký đơn thỉnh nguyện xin tách bang mình ở ra khỏi Liên bang Mỹ. Dẫn đầu phong trào ly khai này là bang Texas, nơi có tỷ lệ người da trắng rất cao (71%).
Thực ra ngay từ lần bầu cử năm 2008, Đảng Cộng hòa và những người thuộc phái hữu ở Mỹ đã chụp cho Obama cái mũ « xã hội chủ nghĩa », là đảng viên bí mật của Đảng Xã hội. Đúng là nước Mỹ có Socialist Party of America, thành lập đã hơn 30 năm mà chỉ có vẻn vẹn hơn 1000 đảng viên, họ ra báo The Socialist với lượng phát hành 3000 số, ứng viên Tổng thống của họ thu được có 6000 phiếu bầu. Sau khi Tổng biên tập báo này viết bài tuyên bố Obama không phải là đảng viên đảng ông, những người Cộng hòa bị bẽ mặt. Năm nay Romney lặp lại sai lầm ấy.
Đảng Cộng hòa cố ý kết luận chủ trương của ông Obama tăng thuế đánh vào người giàu, tái phân phối của cải xã hội cho công bằng là tuyên truyền cho chủ nghĩa xã hội, nhằm để cử tri thấy cuộc tranh cử Tổng thống là tranh đấu giữa chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa tư bản, qua đó làm cho cử tri sợ bầu cho Obama thì nước Mỹ sẽ biến thành ra như Liên Xô (cũ) hoặc Trung Quốc hiện nay mà họ chê là kém dân chủ.
Một nhà báo Mỹ cố leo lên tận máy bay « Không lực Một » phỏng vấn Obama, muốn ông phải nói rõ có theo chủ nghĩa xã hội hay không. Nhưng ông trả lời : « Tôi không muốn nói chuyện ấy », hoặc nói tránh đi : Trước tôi đã có chuyện Nhà nước thu mua cổ phần ngân hàng …Ở Mỹ mọi xu thế trợ giúp người nghèo đều bị coi là cách làm xã hội chủ nghĩa. Ngày xưa Tổng thống F. Roosevelt và Truman từng bị phê phán là theo chủ nghĩa xã hội. Các vị này đều hăng hái đẩy mạnh chế độ phúc lợi và chính sách công nghiệp.
Một nhà báo nói : gọi Obama là người theo chủ nghĩa xã hội thì chưa đúng, vì ông chưa thực hiện quốc hữu hóa các công cụ sản xuất, một điều từ lâu được coi là định nghĩa chuẩn về chủ nghĩa xã hội ; nhưng rõ ràng ông ta là kẻ thù của thị trường tự do.
Đạo diễn điện ảnh Milos Forman nói Obama còn xa mới là người xã hội chủ nghĩa. Tờ Business Week viết “Chỉ kẻ ngu mới bảo Obama là người xã hội chủ nghĩa ».
Giáo sư sử học Michael Kazin nói :  Tôi chỉ mong ông Obama là người theo chủ nghĩa xã hội.
Một điều tra cuối năm ngoái của Pew Research Center cho thấy khoảng 30% người Mỹ có nhận xét tốt về chủ nghĩa xã hội, 50% thích chủ nghĩa tư bản.
Nhìn chung người Mỹ bảo thủ (thường là người Cộng hòa) ghét chủ nghĩa xã hội, nhưng người Mỹ cấp tiến (thường là người Dân chủ) thì thích chủ nghĩa này. Một cuộc thăm dò tháng 8/2007 cho thấy 36% người Mỹ tự nhận là bảo thủ, 34% là ôn hòa và 25% là cấp tiến (radicalism).
Báo New York Times, Washington Post từng mời một số học giả bàn vấn đề Obama theo chủ nghĩa gì. Một cuộc điều tra dư luận năm 2010 cho thấy 52% nói Obama có khuynh hướng thực hành chủ nghĩa xã hội, lý do chính là ông quá nhấn mạnh vai trò của nhà nước, can thiệp vào sự giao dịch tự do của thị trường, nắm việc kinh doanh của công ty (dù chỉ tạm thời, như mua 60% cổ phần công ty GM), can thiệp đời sống tự do của dân (lẽ ra dân phải tự lo đời sống của mình).
Nếu vào Google và gõ câu (tiếng Anh) : « Obama là người xã hội chủ nghĩa », lập tức có 58 triệu kết quả. Thì ra dân Mỹ từ năm 2008 đã nghĩ về chuyện ấy ; báo chí tranh cãi hăng lắm.
Nhưng thế nào là chủ nghĩa xã hội? Ngày nay dường như chẳng ai có thể đưa ra một định nghĩa được tất cả mọi người chấp nhận.
Ngay tại quốc gia xã hội chủ nghĩa lớn nhất hiện nay — Trung Quốc, một giáo sư môn chính trị học từng nói : Tôi dạy môn chủ nghĩa xã hội 30 năm nay mà bây giờ vẫn chưa biết chủ nghĩa xã hội là gì. Đúng thế. Không ít người nhận định Trung Quốc chẳng theo chủ nghĩa xã hội gì sất mà còn tư bản chủ nghĩa hơn cả nước Mỹ : Bất bình đẳng hơn, tệ nạn xã hội nhiều hơn, tham nhũng nặng hơn, dân chủ tự do bị hạn chế hơn, công nhân và nông dân bị chèn ép và có ít quyền lực chính trị hơn. Có người nói Trung Quốc thực hành chủ nghĩa tư bản thân hữu (crony capitalism, tiếng Trung Quốc là chủ nghĩa tư bản quyền quý 权贵资本主义) :  các nhóm doanh nhân kết hợp với nhóm đặc quyền chính trị trong Đảng và bộ máy nhà nước để cùng làm giàu, hình thành một số nhóm lợi ích chi phối nền chính trị. Chế độ sở hữu nhà nước đối với các nguồn lực (như đất đai…) trở thành sở hữu của các nhóm quyền lực. Sự kết hợp quyền-tiền gây ra quốc nạn tham nhũng. Tuy vậy, người Trung Quốc cho rằng họ đang thực hành chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc.
Người Mỹ chưa từng trải nghiệm chủ nghĩa xã hội, chắc hẳn họ dễ hình dung chủ nghĩa xã hội có lắm cái tệ hại mà họ cho là nguyên nhân làm Liên Xô tan rã. Sau khi Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng « chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc », bắt chước nhiều cách làm kinh tế của Mỹ và các nước tư bản khác, nhìn chung người ta cho rằng có lẽ chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội chỉ là một vấn đề quan niệm về giá trị, mô thức tư duy và ý thích tâm lý. Đại để chủ nghĩa tư bản tin hơn vào tác dụng của công ty tư nhân và thị trường tự do còn chủ nghĩa xã hội thì tin hơn vào chế độ sở hữu nhà nước và tác dụng kiểm soát, điều chỉnh của nhà nước. Vì thế khi thấy Tổng thống Obama hăng hái tăng cường tác dụng của nhà nước trong các hoạt động kinh tế-xã hội ở Mỹ, họ cho rằng ông theo chủ nghĩa xã hội.
Người Việt Nam có lẽ sẽ hoan nghênh nếu ông Obama theo chủ nghĩa xã hội. Chủ trương giúp người nghèo của ông rất đáng ủng hộ. Chúng ta cũng thông cảm với ông : ở đâu cũng vậy, thực hiện công bằng xã hội, xóa bất bình đẳng và giảm phân hóa giàu nghèo là việc cực khó

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét