Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Người Trung Quốc bình luận về Diễn từ Nobel của Mạc Ngôn

Người Trung Quốc bình luận về Diễn từ Nobel của Mạc Ngôn

VHNA. Diễn từ Nobel mang tên « Người kể chuyện (Storyteller) » do Mạc Ngôn đọc tại Viện Hàn lâm Thụy Điển (Swedish Academy) hôm thứ bảy 8/12/2012 đã gây tiếng vang lớn trong dư luận Trung Quốc. Hầu hết giới nhà văn nước này đều ca ngợi sự khôn ngoan của Mạc Ngôn thể hiện trong bài nói ấy.
Trước tiên chủ nhân Nobel Văn 2012 nói về bà mẹ đã quá cố của mình, giới thiệu ông đã đi lên con đường văn học như thế nào, và giải thích về quá trình sáng tác mấy tác phẩm chính. Sau cùng ông dùng ba câu chuyện nhỏ để kết thúc bài nói ứng với chủ đề Người kể chuyện.
Bài nói ấy đã được dân mạng Trung Quốc hăng hái bàn thảo. Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Văn nghệ Thượng Hải Tào Nguyên Dũng nhận xét : Diễn từ này vừa là tổng kết sâu sắc cuộc đời văn học của Mạc Ngôn, vừa là lời giải đáp các vấn đề và chất vấn của dư luận đối với việc ông được tặng giải Nobel.
GS Đại học Bắc Kinh Trương Di Vũ cho rằng diễn từ thể hiện nối quan tâm lớn của tác giả đối với sinh mệnh con người cũng như với sáng tác văn học, thể hiện cá tính của Mạc Ngôn.Nhà văn nổi tiếng Diệp Khai, Phó TBT tạp chí Thu hoạch, tác giả « Mạc Ngôn bình truyện » thức suốt đêm theo dõi tường thuật tại chỗ Mạc Ngôn đọc diễn từ Nobel, sau đó nhanh chóng post lên mạng các nhận xét của mình. Ông cho rằng nỗi đau khổ, tính người, tình yêu, sự thông cảm và khoan dung là những từ khóa chính trong diễn từ Mạc Ngôn. Trước đó, Diệp Khai đã dự đoán chính xác Mạc Ngôn sẽ nhắc tới mẹ mình, vì bà là người quan trọng nhất trong đời ông ; hình ảnh bà từng xuất hiện hoàn chỉnh trong « Phong nhũ phì đồn ». Mẹ Mạc Ngôn là người từng trải lịch sử khổ đau của dân tộc Trung Quốc, cũng là tượng trưng của sự vất vả. Suốt đời bà sống thầm lặng, kiên cường, ngay thẳng, có lòng tự tôn, tốt bụng với mọi người, từng chịu rất nhiều tổn thương nhưng chưa hề làm tổn thương người khác. Hơn nữa bà còn là một tín đồ đạo Ki-tô, suốt đời hướng thiện, giữ được cõi lòng mình yên lành.

Bạch Hoa, nhà bình luận nổi tiếng đang đi công tác tỉnh ngoài cũng gọi điện về nhà tìm hiểu nội dung diễn từ Nobel của Mạc Ngôn. Ông nhận xét : đoạn hồi tưởng của Mạc Ngôn về tuổi thơ và về bà mẹ đã để lại ấn tượng sâu sắc cho người đọc, thể hiện ý thức bình dân và mối tình quê hương của ông. Xuất phát từ góc độ rất con người, toàn bộ diễn từ nói tới sự trưởng thành và kinh nghiệm văn học của tác giả, rất có ý nghĩa đối với những người tìm hiểu Mạc Ngôn, tìm hiểu nền văn học đương đại Trung Quốc với đại diện là Mạc Ngôn.
Phản bác những ý kiến chê bai diễn từ nói trên, Bạch Hoa cho rằng diễn từ này rất có cá tính, cũng rất trí tuệ, thể hiện ở chỗ Mạc Ngôn đặc biệt nhấn mạnh sự chăm bón ông nhận được từ ký ức tuổi thơ và tình làng xóm, thực ra đây là những thứ bản chất nhất của văn học. Văn học phải đứng chân trên cái gốc văn hóa của mình, cái gốc dân tộc, gốc lịch sử và gốc xã hội. Mạc Ngôn đã thể hiện điều đó một cách rất đầy đủ, rất nổi bật. Từ cái nền móng ấy có thể sinh ra nhiều thứ khác, chẳng hạn có thể hiểu là Mạc Ngôn dùng kinh nghiệm bản thân giải thích cái gì « đã là của dân tộc thì cũng là của thế giới ». 
Nói về phong cách của bài diễn từ, Diệp Khai cho rằng Mạc Ngôn với tư cách là một « Người kể chuyện », dùng phương thức của một tiểu thuyết gia chứ không phải nhà tư tưởng đã khéo léo lồng chủ đề bài nói vào các câu chuyện kể. Bài nói ấy có tính nhất quán, phần lớn chủ đề của ông đều có liên quan tới đói nghèo, cô đơn, mẹ và quê hương ; thể hiện được sự thành thật và thông tuệ của Mạc Ngôn.
Ba mẩu chuyện cuối cùng Mạc Ngôn kể trong bài diễn từ đều có ngụ ý sâu sắc, nhưng mỗi người có thể hiểu theo cách của mình. Diệp Khai cho rằng đó là lời đáp trả của Mạc Ngôn gửi tới những người nghi ngờ ông, thể hiện được « trí tuệ kiểu Trang Tử ». Mẩu chuyện đầu tiên « Vờ khóc » thực ra là nói về tính đa nguyên và lòng khoan dung. Chuyện thứ hai « Cự lại cấp trên » muốn nói lên ý : tự trọng quá đáng cũng là một dạng làm tổn thương người khác. Câu chuyện cuối cùng có ngụ ý tôn giáo : một xã hội khoan dung có sức sống thì phải có khả năng cho phép tồn tại sự khác biệt ; kẻ cực đoan thường là kẻ đồng lõa với bạo lực.
Bạch Hoa lại cho rằng ba mẩu chuyện trên có thể hàm chứa ý định đáp trả những người chê trách Mạc Ngôn nhưng e rằng đó không phải là điều ông muốn nói nhất. Hơn nữa Mạc Ngôn bao giờ cũng là một nhà văn gây tranh cãi ; trước và sau khi được tặng giải Nobel cũng vậy ; một bài diễn từ không thể nào giải quyết được tất cả mọi nỗi nghi ngại.
Dân mạng cũng có sự bất đồng trong đánh giá diễn từ Nobel của Mạc Ngôn. Phái phản đối cho rằng trên một vũ đài tầm cỡ như giải Nobel thì diễn từ ấy có nội dung nông cạn thiếu chiều sâu, có chút « trẻ con », « như bài tập làm văn của học sinh trung học », thiếu tính tư tưởng.
Những ai theo dõi quá trình Mạc Ngôn được trao Nobel Văn 2012 kể từ khi các công ty cá cược tung dư luận ông là ứng cử viên giải này, đều dễ dàng nhận thấy ông đã phải vất vả, lao tâm khổ tứ như thế nào để đương đầu với dư luận trong nước và quốc tế, với những lời xưng tụng, ca ngợi cũng như những nghi vấn rất khó giải đáp, những lời phê phán cay độc của không ít nhân sĩ tên tuổi. Có thể thấy Mạc Ngôn đã chuẩn bị bài diễn từ Nobel của mình rất công phu, có dấu ấn cá tính rõ rệt, khéo léo lẩn tránh được những nghi vấn dư luận đặt ra về ông nhưng cũng không làm họ quá thất vọng. Chắc hẳn ông hiểu rằng mình phải có một diễn từ Nobel xứng đáng với nền văn minh 5000 năm và đáp ứng lòng mong mỏi của 1,3 tỷ đồng bào mình. Với một nhà văn đi lên từ chú bé chăn bò nhà nông nghèo khổ sống trong một xã hội kỳ quặc đến mức người ăn thịt người thì cố gắng của Mạc Ngôn rất đáng ghi nhận.
Mạc Ngôn từng dùng các tác phẩm của mình để tố cáo cái xã hội dù đã trải qua cách mạng nhưng vẫn còn đầy bất công, khi chỉ những người biết sợ quyền lực thì mới tồn tại. Chê trách ông không chống lại quyền lực có lẽ là điều không thiết thực.
Nếu chỉ vì phê phán Mạc Ngôn về một điểm nào đó mà bỏ qua những tình tiết rất thú vị trong quá trình ông được trao giải nói trên thì ta sẽ như những người từng bỏ qua giải quần vợt đỉnh cao US Open chỉ vì nước chủ nhà thù địch với chủ nghĩa xã hội, hoặc bỏ qua Olympic Berlin chỉ vì sự có mặt của Hitler. Năm xưa, phe xã hội chủ nghĩa bịt tai bịt mắt trước chuyện con người đặt chân lên Mặt Trăng — một thành tựu vĩ đại của văn minh nhân loại. Còn giờ đây chúng ta trải thảm đón Giám đốc NASA cũng như các nhà đầu tư phương Tây. Đã qua rồi cái thời sự khác nhau về tư tưởng từng khiến nhiều người cho tới chết vẫn chưa được thưởng thức những thành tựu văn hóa, văn học, khoa học kỹ thuật tuyệt vời của đồng loại.
Dostoevski từng tiên tri “Cái đẹp sẽ cứu thế giới”. Văn học nghệ thuật chính là cái đẹp loài người sáng tạo ra, thế nhưng sự mù quáng về ý thức hệ đã khiến cho bao nhiêu người suốt đời chẳng hề biết tới cái đẹp trong các tác phẩm của Pasternak, Solzhenitsyn, Cao Hành Kiện … Loài người sẽ chỉ tự cứu được mình khi nào họ có lòng bao dung mà Đức Phật và Chúa Jesu hằng mong đợi ở họ. Là người cộng sản nhưng chính Mạc Ngôn từng nói tại Viện Hàn Lâm Thụy Điển : Dưới con mắt nhà Phật, nhiều cuộc tranh giành trong thế gian là hoàn toàn vô nghĩa ; dưới tầm mắt cao cả ấy, rõ ràng thế giới của loài người chúng ta thật đáng buồn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét