Thứ Năm, 20 tháng 12, 2012

Chẳng thời nào đẹp hơn thời nào


Nhà văn Lê Minh Khuê

LĐ: “Mỗi thời đều có cái đẹp cũng như cái dở của nó, không nên nói thời nào đẹp hơn thời nào!” – nhà văn Lê Minh Khuê - người luôn trăn trở với đề tài hậu chiến chia sẻ với PV Lao Động, trước buổi tọa đàm ra mắt tập truyện ngắn “Nhiệt đới gió mùa” của chị (diễn ra tối nay tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội).

´ Một thời điểm ra sách thật thích hợp, cho một cuốn sách viết về chiến tranh và thời hậu chiến, khi mà câu chuyện “Điện Biên Phủ trên không” đang làm sống dậy cả một hồi ức. Đó là có ý, hay chỉ là ngẫu nhiên?

- Chỉ là ngẫu nhiên, do sắp xếp của nhà làm sách. Phần mình, khi viết, tôi chỉ muốn kể những chuyện ám ảnh mình nhất, để thỏa sức bộc lộ cảm xúc của mình trên trang viết, chứ không kỳ vọng nhiều vào sự đón nhận của bạn đọc (nhất là bạn đọc trẻ).

´ Một cây bút có tên tuổi như chị (có lúc ra khỏi biên giới hình chữ S) mà lại không kỳ vọng vào bạn đọc sao? Chị có khiêm tốn quá không?

- Đó là một sự thực, ai chả biết thừa! Và cũng chả cứ ở mình. Sang Hàn Quốc, nhìn cánh thanh niên mỗi người một cái điện thoại, chả nhìn ai, ngoài cái màn hình, suốt từ lúc bước lên tàu điện ngầm đến lúc xuống tàu, là đủ biết. Viết văn lúc này vì thế chủ yếu là để phục vụ mình. Thế nên, cái truyện vừa “Nhiệt đới gió mùa” trong tập, đáng lẽ có thể “bôi ra” thành một tiểu thuyết, nhưng tôi đã cho cô đặc để đỡ làm mất thời gian của bạn đọc.

´ Thiếu kỳ vọng vào “bãi đáp”, những nỗ lực câu chữ liệu có bị giảm bớt?

- Biết đâu đó mới chính là động lực, vì rõ ràng, phải là một cái gì đấy ghê gớm thì mới gây được chú ý. Hoặc ít ra, cũng phải có tài quảng bá – khoản mà tôi kém nhất. Tuy nhiên, không vì thế mà người ta vô trách nhiệm với câu chữ của mình. Vì để chiều mình, ai bảo là không mất công?

´ Việt Nam được bầu vào ghế Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Á Phi, Vi Thùy Linh mang thơ vào Nhà hát Lớn… - những thời sự văn học “sang trọng” đấy lẽ nào không đủ giúp chị lạc quan hơn?

- Thì đó đều là cố gắng của mọi người thôi, trước là cho bản thân, sau là cho văn học. Dù văn chương thực ra nó cũng lặng lẽ thôi mà! Thế nên tận tới giờ người ta vẫn lặng lẽ đọc Vũ Bằng, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng...

´ Hậu chiến, bao cấp… - dễ hiểu khi đó là vốn sống của chị. Nhưng những “rap Việt”, “xe Camry ba chấm” thì… ở đâu ra được nhỉ?

- Không biết thì... đi hỏi thôi! Vốn sống tự khắc nó đầy!

´ Nhấp chuột, với chị, có là một cách?

- Thỉnh thoảng, tôi cũng có nhờ con mở giúp một vài trang mạng, nhưng cũng chỉ để ý những chuyện lớn lớn thôi. Còn mấy chuyện vặt vãnh như... scandal, lộ hàng... thì thôi!

´ Vậy mà đó lại là thức ăn hằng ngày của một bộ phận công chúng trẻ đấy chị! 

- Cũng chả sao! Rồi đến một lúc nào đó, bọn trẻ sẽ chán. Nhưng kể ra thì cũng là khác so với thời mình nhiều đấy! Thuở ấy mình nhìn cái gì cũng đẹp. Còn bây giờ, nhiều người trẻ tôi thấy họ hay kêu chán đời lắm, chả hiểu sao!

´ Vì có thể thế hệ những người đi qua chiến tranh như chị đã từng được sống một “thời thanh niên sôi nổi”? 

- Cũng chẳng hẳn! Mỗi thời, theo tôi đều có cái đẹp cũng như cái dở riêng của nó, không nên nói thời nào đẹp hơn thời nào. Khác chăng là có thời, dục vọng con người ta bị kìm nén; có thời, lại bung ra mà thôi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét