Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Thiết chế của niềm tin

Thiết chế của niềm tin

Thể xác có thể ngã, nhà cửa có thể tan nát, vật chất có thể không còn, nhưng nếu niềm tin đứng vững, dân tộc sẽ không đầu hàng và tiếp tục bước về phía trước. Gốc lập mệnh của mỗi người, gốc liên kết của cộng đồng hay gốc sinh tồn và hòa bình của quốc gia phụ thuộc vào việc các thiết chế niềm tin này vững chắc tới đâu.
Một cộng đồng hùng mạnh tồn tại nhờ sự tương tác giữa các thành viên, trong đó truyền thống, đạo đức hay bản sắc giữ vai trò cái neo cố định. Một thị trường hoạt động trôi chảy đòi hỏi những vòng dây dây thắt chặt giữa các chủ thể, không những trong việc hình thành giá cả, mà còn trong việc phân phối tài nguyên. Một Nhà nước quản trị hiệu năng phải xây được viên gạch nối giữa những người trao quyền và người cầm quyền, cùng sự giải trình minh bạch về quyền lợi, lẫn nghĩa vụ. Một quốc gia nhận quyền lãnh đạo cần thuyết phục số đông về sứ mạng chính trị, gắn liền quyền lợi tập thể với trách nhiệm cá nhân.
Mất liên kết dẫn đến tính chính danh, quyền lực lạc vào khoảng không của sự trống rỗng. Từ bỏ trách nhiệm tập thể, sứ mạng hạ thấp thành lợi ích cục bộ, đơn phương. Điều chỉnh lệnh lạc cơ chế thị trường, phân bổ tối ưu các nguồn lực của nền kinh tế chỉ còn là viển vông không tưởng. Gõ cửa tương lai, tiến vào sân chơi toàn cầu với câu hỏi không xác định: điều gì khiến tất cả phải gắn chặt định mệnh với nhau, mọi người nhìn nhau lạ lẫm, hành động rời rạc. Tìm điểm nút cho những yếu tố này là câu hỏi làm sao xây dựng một thiết chế, để mỗi tác nhân, mỗi xã hội, mỗi quốc gia có thể gửi gắm niềm tin vào. Nói ví von, chúng ta đang cần một "thiết chế của niềm tin".
Câu chuyn th nht: Bin Đông và nim tin cng đng quc tế
Quan sát tình hình Đông Á những năm vừa qua, hai xu hướng phát triển giữ vai trò chủ đạo. Một là thể chế với sự hình thành các tổ chức vùng từ Asean+3, Sáng kiến Chiang Mai, Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc đến Cộng đồng Đông Á. Hai là sự vươn lên của sức mạnh thông qua sự trỗi dậy của Trung Quốc, với nhiều quan ngại hơn trong năm vừa qua.

Với việc lý giải lại các điều khoản trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) phục vụ tùy theo lợi ích, và nâng mức độ từ người tham gia, thành tác nhân "giám sát", Trung Quốc đang chuyển từ việc chấp nhận thỏa thuận ngầm trong những trụ cột trật tự hàng hải khu vực sang thái cực phản đối và đối chọi, dần dần trên đường xây dựng một trật tự dưới ảnh hưởng của mình. Những hành động này đang là nguồn gốc của những căng thẳng leo thang.

Nếu chỉ đề cao sức mạnh, các nước trong vùng nhỏ và yếu hơn chỉ có một khung lựa chọn. Phù thịnh dưới bóng của nước lớn, với hy vọng nước lớn sẽ giữ vai trò "vương quyền", chia sẻ an ninh cũng như lợi ích chung. Con đường thứ hai là đi tìm đối trọng bên ngoài, để đảm bảo rằng an ninh và lợi ích của mình sẽ không bị "bá quyền nước lớn" đe dọa. Cân bằng bên trong qua sắm sửa khí giới, tàu chiến. Cân bằng bên ngoài bằng cách thiết lập liên minh quân sự. Trọng sức mạnh, các nước sẽ đối thoại với nhau bằng tàu chiến. Với cái búa, mọi sự việc điều được giải quyết như một cái đinh. Nhưng rõ ràng rằng, không phải tất cả mọi vấn đề hiện nay đều là cái đinh gỉ sét.
Hướng tới hòa bình và thịnh vượng chung, "trật tự mới" cần được tái lập trong đó nhấn mạnh nhu cầu bức thiết về quá trình "định chế hóa" như một giải pháp căn cơ lâu dài. Định chế hoá hiểu một cách nôm na là đem luật và chuẩn tắc vào nhằm quy định và kiểm soát các hành vi. Một khu vực được cai trị bằng luật, hay bằng sự tương tác giữa những giá trị, về lý thuyết sẽ trật tự hơn, vì quan hệ giữa thành viên cộng đồng có thể nhận diện bằng các tín hiệu được đoán trước. Tựa như vai trò của đèn đỏ, đèn xanh và đèn vàng tại một ngã tư. Hay các bảng chỉ đường, hướng dẫn hành vi tại nơi công cộng. Trong môi trường đó, con người sẽ phần nào phải từ bỏ sức mạnh, đề ứng xử với nhau bằng luật và thể chế. Điều mà đối với các nước nhỏ và yếu (hơn) là một lợi điểm.
Các hoạt động đối ngoại của Việt Nam 2011 từ song phương đến đa phương đều quy tâm về thông điệp nhất quán: các mâu thuẫn phải giải quyết pháp chế và chuẩn tắc, chứ không thông qua tương quan sức mạnh, dựa trên vũ khí, tàu chiến hay máy bay. Sự gia tăng các xu hướng cùng chiều muốn sớm giải quyết vấn đề tranh chấp, hay tối thiểu ngăn các hành xử mang tính vũ lực thông qua các thiết chế pháp lý, một mặt hứa hẹn nhiều sự ủng hộ hơn cho Việt Nam trên mặt trận ngoại giao, một mặt đặt lại vai trò của Trung Quốc trong trật tự vùng mới.
Sức mạnh Trung Quốc đang thách thức thế giới, nhưng nước này chỉ có thể là nhà lãnh đạo nếu được chấp nhận trong vai trò lãnh đạo trong việc đi tìm sự công nhận của các thành viên và dẫn dắt họ giải quyết các vấn đề chung. Trên hết, quyền lực khác với bạo lực, vì nó mang tính chính đáng thông qua quá trình xây dựng các quy phạm chuẩn mực về hành vi. Luật và thể chế vì thế giúp các nước lớn theo đuổi quyền lãnh đạo của mình bằng một con đường danh chính ngôn thuận và tạo viên gạch niềm tin cho cộng đồng quốc tế về một cường quốc có trách nhiệm, cái mà Bắc Kinh vẫn loay hoay tìm kiếm.
Câu chuyn th hai: N công và nim tin quc gia
Năm qua, nợ công là vấn đề vừa riêng, vừa chung của thế giới. Chung vì nó cho thấy cuộc khủng hoảng toan cầu dường như đã qua, nhưng hệ quả của nó còn ở lại. Riêng, bởi vì trong vòng xoáy của cơn khủng hoảng, mối liên hệ giữa nợ công và vấn đề thiết lập-duy trì niềm tin của từng quốc gia lại trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Ở xã hội bình thường, niềm tin bắt đầu từ pháp luật. Tôi tin anh giữ cam kết thực hiện hợp đồng vì tôi biết nếu anh tráo trở thì sẽ có luật pháp chế tài. Luật pháp đem lại cho mỗi cá nhân tham gia một kỳ vọng là nếu mình không vi phạm thì lợi ích bản thân sẽ được đảm bảo. Trừng phạt là phương tiện của công lý, nhưng nó chỉ tồn tại khi có một cơ quan đảm bảo rằng công lý sẽ được thực thi. Tuy nhiên, trong trật tự mà một thiết chế quyền lực cao nhất không tồn tại thì bài toán khó hơn nhiều. Khi một bên mắc lỗi (chẳng hạn chính phủ nợ nước ngoài cao, thâm hụt cán cân thương mại và ngân sách trong thời gian dài), họ phải trả giá. Hỏi thị trường thì sẽ được câu trả lời ngắn gọn: Rút vốn, tư bản tháo chạy, đồng nội tệ bị tấn công, đầu cơ tràn lan... và hệ quả sẽ là đình đốn, thất nghiệp, kinh tế khủng hoảng.
Dẫu bất đồng hay tán thành, có hai luật chơi đang song song tồn tại, đó là "bàn tay vô hình" đối đầu với "định chế hữu hình". Quyết định của thị trường vận hành theo quy tắc cung cầu với tầm ảnh hưởng xuyên quốc gia. Trong khi đó, mỗi chính phủ chỉ có trong tay những biện pháp quản lý tầm mức trong lãnh thỗ. Mức độ hội nhập vào thị trường toàn cầu càng cao thì khả năng ảnh hưởng của bên ngoài càng nhiều. Không thể „đắp đê, xây rào" như trong quá khứ, vì đóng cửa đồng nghĩa hạn chế bớt cơ hội của mình. Thích ứng với thị trường quốc tế nhà nước phải chấp nhận quá trình chuyển hóa.
Thị trường quốc tế -khi đó- dường như vừa là thù, cũng vừa là bạn, vì chính nó tạo chất xúc tác hướng tới một mô hình chính phủ hiệu năng, tập trung những nhiệm vụ trọng tâm, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mang tính chiến lược nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho hệ thống doanh nghiệp. Một hợp đồng "niềm tin" với thị trường chỉ có thể thành hình khi ổn định thu chi tài chính công, duy trì chính sách tiền tệ nhất quán, phối hợp đồng bộ các chính sách vĩ mô ở góc nhìn kinh tế và cả thay đổi lăng kính chính trị như hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường, chống tham nhũng, tinh gọn bộ máy được đặc ở vị trí trung tâm. Không nhất quán trong từng bước đi chính sách, không giải trình minh bạch các quyết định về tài khóa thu chi hay không tạo cơ chế chế chế tài các tầng lớp lợi ích đặc quyền, từ vai trò "tác nhân ổn định" Nhà nước trở thành nguyên nhân dẫn đến các hậu quả.
Cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu - bài học sống động về niềm tin bị tan vỡ
Hy Lạp, Ý hay Tây Ban Nha là những bài học sống động về một niềm tin bị tan vỡ. Và không ở tận châu Âu xa xôi, thử thách cho "hợp đồng niềm tin" của nền kinh tế nước ta là một bài toán dai dẳng chưa tìm được đáp số rõ ràng gần hai năm qua.
Cuối năm 2010, trong thời điểm mà Vinashin tới hạn trả các khoản nợ bằng ngoại tệ, tổ chức chuyên đánh giá tín dụng Standard & Poor đã đánh tụt chỉ số tín dụng dài hạn của Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam. Cuối năm 2011, câu chuyện Vinashin một lần nữa lại dấy lên sự lo ngại của vệ sự độ thay đổi lòng tin của thị trường quốc tế đối với nhiều tập đoàn kinh tế. Chỉ số về nợ tăng, nợ xấu nhiều, dẫn đến khả năng đi vay sẽ khó và đắt hơn, khi nhu cầu vay vốn phát triển là chính đáng. "Cái nợ" của Vinashin không phải chỉ là chuyện riêng của một công ty đóng tàu làm ăn thiếu hiệu năng và tách trắc, là còn là cái gánh nợ của chung, vì đã làm giảm "khả tín" cuả nhiều đơn vị kinh tế khác có nhu cầu kinh doanh đàng hoàng và hiệu quả.
Câu chuyn th ba: Lc Vân Tiên và nim tin gia người và người
Ở Trung Quốc người ta kể về câu chuyện của bà Trần Hiền Muội lang thang trong khu Ngũ Kim Thành nhặt rác thì tình cờ bắt gặp một bé gái bị đụng xe, nằm thoi thóp trước ánh mắt thờ ơ của nhiều khách qua đường. Cứu đứa bé, bà trở thành nữ anh hùng bất đắc dĩ. Nhiều blogger ví bà như tấm gương thời đại để mọi người khác nhìn vào, lại đưa hình ảnh của những người khác như hình ảnh sống động của hiện tượng đạo đức suy thoái của con người với con người, tàn nhẫn và máu lạnh.
Ở Việt Nam báo chí kể chuyện về những chàng "hiệp sĩ đường phố" bao lần đứng ra bảo vệ an ninh phố phường, chống lại tội ác- từ bọn "đá xế" đến những tên cướp máu lạnh, sẵn sàng dùng hung khí sát hại người ngăn cản để tẩu thoát. Sau khi bắt cướp, nhiều "hiệp sĩ" bị giới giang hồ hăm dọa, thậm chí mai phục để vì dám nhúng mũi đến công việc làm ăn, có anh còn bị chúng đánh gãy vai và vỡ hộp sọ.
Hannah Arendt -nữ học giả gốc Do Thái- nổi tiếng với luận điểm "sự tầm thường của cái ác" cho rằng ngay cả những tên tội phạm khát máu nhất cũng không phải có một tâm lý bệnh hoạn bất thường so với mọi người xung quanh, mà ngược lại: chúng là và cũng từng là chúng ta. Cái ác được hình thành không phải từ những gì xa xôi, nó đời thường và xuất hiện trong mỗi tình huống gần như đơn giản nhất. Một cú hích xe để tới sở làm nhanh hơn, một câu chửi thề trong vòng người chen chút, một chút thờ ơ khi nhìn gã lưu manh lộng hành. Cái gốc của tội lỗi đó chính là điều mà đáng ra phải lên án, phải đấu tranh tiêu trừ được mọi người xem là lẽ thường, và tự nhiên tham gia vào quá trình dung dưỡng nó.
Phi đạo đức không nhất thiết xuất phát từ hành vi đại ác mà nhiều khi chỉ là giây phút mềm lòng, ngại thời gian, ngại phiền phức mà im lặng trước những điều trái tai, gay mắt. Trách nhiệm đạo đức đối với bản thân, đối với cộng đồng và đối với những giá trị bình thường được xem là cao quý nhất rơi vào khoảng không. Tại môi trường đó, Lục Vân Tiên trở thành trở thành món hàng xa xỉ.
Một cộng đồng vô cảm, là một cộng động chết, vì chất xúc tác giữa tác mỗi tác nhân bị chai sạn, và đích đến chỉ là thỏa mãn lợi ích riêng của mỗi người, bất chấp cái xấu đang hoàng hành. Một xã hội vô cảm, là một xã hội trên đà diệt vong, vì lương tri và lẽ phải đang bị nhạo báng bởi những điều tầm thường của cái ác. Cứu bé Duyệt Duyệt, bà Muội nói: "Đây chỉ là một chuyện nhỏ, lúc đó tôi chỉ nghĩ tôi giúp đứa bé bị nạn, không nghĩ nhiều, cũng không có gì để nói nhiều đâu". Trả lời tại sao liều mạng với bọn tội phạm, một hiệp sĩ giản dị: "Tôi làm theo những gì tôi cho là đúng (..) Ra đường thấy cướp lộng hành thì không thể khoanh tay".
Khích lệ từ những con người mang dấu ấn cá nhân, liệu có thể hình dung về một môi trường sản sinh, nuôi dưỡng và bảo vệ tinh thần của một "Lục Vân Tiên" mang tính tập thể, lúc nào cũng "thấy chuyện bất bình chẳng tha". Niềm tin về một điều thiện, điều nghĩa phải bắt đầu từ một lựa chọn nói không với các xấu, cái ác, dù nó có tầm thường hay là nhỏ bé nhất.
...Niềm tin vào sự minh bạch và giải trình của cơ chế quản lý kinh tế-chính trị, niềm tin vào sự công minh của luật pháp hay niềm tin vào lý trí của mỗi người không chấp nhận biến mình thành công cụ của cái ác. Những niềm tin đang thành hình, đang tan rã, hay trong quá trình thử thách. Thể xác có thể ngã, nhà cửa có thể tan nát, vật chất có thể không còn, nhưng nếu niềm tin đứng vững, dân tộc sẽ không đầu hàng và tiếp tục bước về phía trước. Gốc lập mệnh của mỗi người, gốc liên kết của cộng đồng hay gốc sinh tồn và hòa bình của quốc gia phụ thuộc vào việc các thiết chế niềm tin này vững chắc tới đâu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét