Thứ Hai, 6 tháng 2, 2012

Quấy rối tình dục

Sống và làm việc ở các nước phương Tây mà có thông tin như bài này thì rất quý. Nhưng ở VN thì không cần vì nhiều chị em nói những trường hợp quấy rối tình dục như tác giả nêu trong bài được các sếp áp dụng với chị em suốt. Kể cả nữ phóng viên đến phỏng vấn sếp cũng áp dụng luôn:

Quấy Rối Tình Dục

bởi tuonglaivietnam
 

Tác giả: Vinh Hiền
Nguồn: khoahocnet.com
Theo thông tin từ các nghiệp đoàn bảo vệ quyền lợi người làm việc tại Âu châu, ngoài những lý do bị sa thải chính đáng như ăn cắp, nghĩ việc không xin phép, dùng rượu và ma túy trong khi làm việc, còn có một lý do khác tương đối „nhạy cảm“ mà nghiệp đoàn thường xuyên phải can thiệp đó là bị đồng nghiệp xâm phạm tình dục trong khi làm việc. Đây là một trong những lý do người vi phạm bị sa thải tại công sở, công ty ngay lập tức tại Âu châu.


Thống kê cho thấy có từ 40 đến 50% phụ nữ và khoãng chừng 10% nam giới than phiền là họ đã từng bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Nhưng thế nào gọi là „bị quấy rối tình dục“? Đây là vấn đề mà người đi làm dù nam hay nữ cần phải tìm hiểu để tránh sai phạm hoặc biết để có phản ứng tự vệ cần thiết.
Như đã trình bày ở trên, người quấy rối hay bị quấy rối tình dục đều có thể là nam hay nữ tuy nhiên thực tế cho thấy, nữ giới thường là nạn nhân do đó để dễ trình bày, bài viết này đưa ra đối tượng người bị nạn là nữ giới và mong nam giới thông cảm cho.

Khi nào được gọi là bị quấy rối tình dục?
Một khi người phụ nữ hay người nam trong văn phòng, trong cơ quan, công ty làm việc cảm thấy mình bị xâm phạm, bị sách nhiễu tình dục, khi đó ta có thể gọi, người đó bị quấy rối tình dục. Có rất nhiều dạng để khẳng định hành vi quấy rối tình dục: Chạm vào cơ thể, đòi hỏi hoặc tỏ thái độ tình dục mà đối tượng không mong muốn, đưa ra những cử chỉ, những hình ảnh dâm dục v.v…

 

Những hành vi điển hình thường xảy ra sau đây có thể gọi là quấy rối tình dục:
- Một nữ nhân viên trong văn phòng than phiền với xếp, cô bị người đồng nghiệp quấy rối tình dục vì anh đồng nghiệp cứ chăm chăm nhìn vào vùng ngực cổ áo khoét sâu. Khi được hỏi anh ta cho rằng, „cổ áo sâu“ đã lôi kéo con mắt của anh và anh chỉ nhìn chứ không tỏ thái độ, không lên tiếng „xuýt xoa“ này nọ.
Có người cho rằng người phụ nữ khi đi làm việc mặc áo cổ khoét sâu xuống ngực là cố tình khiêu khích nam đồng nghiệp. Đây là quan điểm sai lầm vì người phụ nữ có quyền ăn mặc như thế nào miễn công ty hoặc cơ quan cho phép. Váy ngắn hay áo hở cổ không phải là cái giấy mời vào cửa.
Một câu hỏi ngược lại là liệu váy ngắn và áo hở cổ sâu có phải là quấy rối tình dục nam giới không? Như đã trình bày ở trên, ăn mặc là quyền của mỗi người. Đây không phải là giấy mời cũng như không phải là vũ khí tấn công người nam.
Thái độ nhìn chăm chăm của người đàn ông vào vùng „đồi núi“ bị xem là quấy rối tình dục. Một cái liếc mắt, „vô tình“ nhìn thoáng qua để cô nàng đủ e lệ làm hồng đôi má là điều có thể chấp nhận nhưng nhìn để cô nàng bực mình là điều cấm.
- Tại châu Âu buổi sáng vào làm việc nhân viên thường chào hỏi bắt tay nhau, có nơi thân mật hơn thì ôm nhẹ áp má hôn bên này hôn bên kia. Nhân cơ hội đó có anh chàng nhân viên thò tay chạm vào vùng đồi ngực của cô bạn đồng nghiệp. Khi được hỏi anh trả lời chỉ do vô tình mà thôi.
Đây là cái vô tình gây hại suốt đời. Anh bị sa thải lý do quấy rối tình dục cô đồng nghiệp.
- Một cô người Nga vào tuổi trung niên trong một công ty nọ bị cảnh cáo vì trong giờ giải lao thường tụ tập cùng các cô nàng cùng xứ sở chọc ghẹo một anh đàn ông. Anh chàng đã than phiền với xếp khi cô ta nói thẳng với anh: „Sao mày không mặc cái quần Jean nào cho nó bó chặt, trông hấp dẫn hơn?“
Có thể đây chỉ là câu nói bóng gió đùa cợt mang nhiều ý nghĩa nhưng một khi đối tượng cảm thấy „không thoải mái“ thì câu đùa này lại trở thành hành vi „quấy rối tình dục“. Một hành vi tương tự được xem là „quấy rối tình dục“ một khi người nữ biểu lộ phê bình „thằng nhỏ“ của nam đồng nghiệp là quá nhỏ hay quá lớn.
- Một nữ công nhân lắp ráp máy móc vừa mới nhận việc trong một công ty cơ khí than phiền bị các nam đồng nghiệp quấy rối tình dục vì các anh trong nhóm lắp ráp treo „lịch Playboy“ hình các người đẹp phơi bày hở hang. Xếp trên bắt buộc các anh phải tháo gỡ những tấm hình lồ lộ này xuống.
Từ lâu nay, những khu vực láp ráp máy móc cơ khí được xem là khu vực „bất khả xâm phạm“ của nam giới. Đây là khu vực „Playboy“ theo quy ước bất thành văn. Tuy nhiên thời gian sau này, ngành nghề này dần dần „bị“ nữ giới xâm nhập. Họ là một thành viên được đối xử bình đẳng do đó một khi họ lên tiếng than phiền thì các anh phải thua. Anh nào tỏ vẻ khó chịu muốn „mobbing“ cô nàng thì nên tự xin thất nghiệp ra khỏi hãng thì tốt hơn.
Đối với những trường hợp tương tự nêu trên không phải ai cũng đều có phản ứng giống nhau. Có người xem đó là chuyện bình thường nhưng có người lại cảm thấy khó chịu, cảm thấy bị xâm phạm. Cũng cùng một lời nói nhưng có cô lại cảm thấy vui vì được tán tỉnh nhưng cô khác lại cho bị phiền nhiễu. Trường hợp thường xảy ra khi các ông thường kể những câu chuyện tục và cố ý lớn tiếng cho các cô đồng nghiệp cùng nghe. Hãy cẩn thận vì có cô cùng „hợp tác“, cho đó là câu chuyện đùa nhưng có cô lại cảm thấy bị nhục mạ khi phải nghe những câu chuyện như vậy.
Phải làm gì khi cảm thấy bị quấy rối tình dục?
Đây là một câu hỏi lớn dành cho phụ nữ. Do bản chất nhút nhát, người phụ nữ thường „chín bỏ làm mười“ nhưng sự thật cho thấy càng nhẫn nhịn họ lại càng bị quấy rối nhiều hơn. Điều quan trọng nhất không riêng cho nữ giới mà tất cả những ai khi cảm thấy khó chịu, khi cảm thấy sợ hãi, khi phải đối diện với „đương sự“ trong lúc làm việc thì phải có phản ứng tự vệ.
- Ghi rõ những gì đã xảy ra, càng chi tiết càng tốt. Ngày giờ địa điểm xảy ra „sự cố“, có sự hiện diện của ai. Ghi rõ đương sự đã nói gì, hành động như thế nào v.v… đây là những bằng chứng tốt nhất khi vụ việc cần thiết dùng đến pháp luật.
- Trình bày công chuyện với các bạn đồng nghiệp. Đây là những người làm chứng cho mình sau này, nếu cần thiết. Và nhất là biết đâu những người này cũng đã bị quấy rối như mình.
Tại nơi làm việc, chuyện quấy rối tình dục thông thường đầu tiên là những bước thăm dò, thử ý xem có thuận lợi hay có gì trở ngại không. Cũng vì lý do đó người bị nạn phải có phản ứng đúng mức. Bạn có thể:
- Gặp xếp trình bày sự việc và không quên nhấn mạnh bạn đã từng cảnh cáo đương sự.
- Nếu xếp là đương sự? Bạn trình bày cùng nghiệp đoàn trong công ty.
- Nếu công ty, cơ quan có người chuyên phụ trách về quyền lợi của phụ nữ, bạn có thể trình bày vấn đề với người này.
Nếu bạn cảm thấy bị quấy rối tình dục nhưng chưa muốn làm lớn chuyện bạn nên nghiêm chỉnh, rõ ràng, nói trực tiếp cùng đương sự nên thay đổi thái độ và nhất là phải nhấn mạnh „Tôi không đồng ý với hành động của anh/chị. Hành động này phải chấm dứt và tôi không muốn được lập lại“. Nếu bạn không cảm thấy tự tin để trực diện nói thẳng, bạn có thể viết thư, viết Mail, ghi rõ ngày tháng địa điểm những gì xảy ra và cho đương sự biết bạn sẽ làm gì nếu sự việc vẫn được tiếp tục. Một bản sao để làm bằng chứng về sau bạn cũng không được phép quên.
Mỗi nước, mỗi xã hội đều có thói quen, tập quán riêng. Việc đùa giỡn nơi này lại có thể là hành vi xâm phạm tình dục cho người khác. Nhưng nói chung hầu hết mọi nơi tình dục tại nơi làm việc là điều cấm kỵ cũng như quấy rối làm cho người khác khó chịu là điều nên tránh dù tại nơi làm việc hay ra ngoài xã hội. Những gì mình không muốn người khác làm cho mình thì mình cũng đừng làm cho người khác. Và cũng đừng quên rằng, những gì nam giới muốn nữ giới làm cho mình thì không hẵn người nữ cũng muốn như vậy. Đó là điểm khác biệt căn bản giữa hai giới. Xin đừng quên!
Vinh Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét