Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2012

Phân hóa giàu-nghèo ở Việt Nam

Phân hóa giàu-nghèo ở Việt Nam

 

Tình trạng cách biệt giàu nghèo lại một lần nữa được chính thức nêu ra tại một hội nghị cấp nhà nước trong thời điểm nhiều người đang chuẩn bị đón tết cổ truyền Nhâm Thìn.
Hiện tượng giàu bất thường
Tại hội nghị Đoàn Chủ Tịch Ủy Ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức ở Hà Nội hôm ngày 10 tháng giêng vừa qua, các đại biểu đã đặt vấn đề “phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam đang diễn ra rất ghê gớm”, vì thế đa số người lao động sẽ gặp khó khăn trong dịp lễ Tết năm nay. 
Nhận định về sự phân hóa giàu nghèo rất rõ nét trong xã hội Việt Nam hiện giờ, giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện khoa học, Xã hội, căn cứ vào lịch sử cận đại, phân tích như sau:
“Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa, để tiến tới xã hội công nghiệp đi từ xã hội công nghiệp lạc hậu, thì sự phân hóa giàu nghèo là một hiện tượng không thể tránh khỏi, nó mang tính quy luật rồi. Hiện nay, quả tình phân hóa giàu nghèo là đáng sợ, ở đây có hai vấn đề, người ta hưởng sự giàu có thì mới có quyết tâm đầu tư. Có thời người giàu trở thành đối tượng của cách mạng, và phải cải tạo, chính điều đó đã triệt tiêu cái ý làm giàu, nhưng nếu dân nghèo thì làm sao nước mạnh được. 
Ở Việt Nam có hiện tượng tích lũy một cách hoang dã, đấy là cái đáng sợ, trong đó có chuyện lấy đất của nông dân, làm họ đau đớn vô cùng vì nông dân là người nai lưng ra trong hai cuộc kháng chiến, và là người hy sinh nhiều nhất, nhưng những thành quả của đổi mới thì đô thị hưởng, nông dân không được bao nhiêu. 
Khi công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhà nông lại bị mất đất, tức là mất tư liệu sản xuất quan trọng nhất, có thể họ được đền bù một số tiền, từ thuở bé tới giờ họ chưa có được, nhưng không phải ai cầm tiền cũng là tiền sinh sôi, nẩy nở được, một thời gian sau họ tán gia bại sản, thất cơ lỡ vận. 
Hiện nay lại có những người giàu có lên một cách bất bình thường, đó là cán bộ nhà nước, và tất là cái đó đều được hợp pháp hóa.”  
Mục sư Thân Văn Trường, cựu tù nhân lương tâm, nay là tiếng nói của dân nghèo, dân oan, những người chịu bất công, bị chèn ép thấy rõ cảnh những quan chức phung phí hàng tỷ đồng vào canh bạc còn giới lao động thì không làm sao xoay đủ tiền để về quê ăn Tết:
Hiện nay lại có những người giàu có lên một cách bất bình thường, đó là cán bộ nhà nước, và tất là cái đó đều được hợp pháp hóa.
GS Tương Lai
“Mới đây chỉ có một quan cấp tỉnh thôi, đánh ván cờ ăn thua tiền tỷ đồng, cả 5 tỷ, tài sản, giá trị tiền bạc của dân đều thâu tóm vào những người đó. Đại bộ phận dân chúng nghèo chúng tôi thì kiếm hàng trăm ngàn đồng Việt Nam cũng rất vất vả. Chúng tôi sống trong những khu công nghiệp, thì biết anh chị em công nhân không dám về quê ăn Tết phải ở lại, đỡ tiền xe, tranh thủ, tận dụng những ngày Tết để kiếm thêm tiền. Đối với tập quán của người Việt Nam, Tết là dịp trở về đoàn tụ gia đình, nhưng mà rất đông anh chị em công nhân tiết kiệm, không thể có khả năng về quê. Cái phân cách giữa người giàu và nghèo là một cái hố rất sâu.”

Kế đó, ông Nguyễn Bắc Truyển, nay không phương tiện sinh sống ở Saigon, góp ý về sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội Việt Nam hiện giờ:
“Đến thời điểm này, khoảng cách giữa giàu và nghèo rất lớn, có thể nói người nghèo có một thì người giàu có tới 99 lần như vậy. Tình hình kinh tế Việt Nam, năm qua rất suy sụp, người lao động thì ngoài đồng lương họ đã thấp rồi, nhưng phần thưởng cuối năm của họ thì nhiều doanh nghịêp không lo nổi, đành phải khất lại, hoặc cấp cho một số tiền nhỏ tượng trưng. Cuộc sống của giới lao động hiện giờ rất vất vả.”
Cách biệt giàu nghèo quá lớn
Giáo sư Tương Lai đề cập tới những nguyên nhân cụ thể dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo mà báo chí xem là “rất ghê gớm”:

000_HKG2005102588813-200.jpg

Một người mua bán ve chai ở Hà Nội. AFP photo
“Làm giàu bất chính là do họ (cán bộ, viên chức) tham nhũng và tham những được vì ở trong bộ máy quyền lực, đẻ ra tiền, nhờ tiền họ lại thăng tiến thêm quyền lực, đó là một quy luật khủng khiếp, tôi thấy việc này hoàn toàn đúng. Nếu phân tầng xã hội là do chiếm công vô tư, lấy của, mồ hôi, nước mắt của dân đóng thuế, trở thành sở hữu riêng tư của mình, làm giàu một cách bất thường và bất chính, gây nên sự phẫn uất, một bất công xã hội lớn, là một nguy cơ đối với đất nước.”
Chênh lệch giàu nghèo thể hiện rõ nét hơn trong dịp tết cổ truyền khi mà mọi người đều phải lo sắm sửa để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Vì cuộc sống khá chật vật, dân lao động sẽ không đón Tết như mọi năm. Ông Nguyễn Bắc Truyển nhận xét:
“Vì là Tết truyền thống nên nhà nào cũng sẽ cố gắng mừng năm mới, nhưng ăn như thế nào mới là quan trọng. Có nhiều gia đình cũng chỉ nghỉ ăn Tết một ngày, rồi phải lăn ra đường kiếm ăn. Tôi có cảm tưởng Tết năm nay rất ảm đạm.”
Vì là Tết truyền thống nên nhà nào cũng sẽ cố gắng mừng năm mới, nhưng ăn như thế nào mới là quan trọng. Có nhiều gia đình cũng chỉ nghỉ ăn Tết một ngày, rồi phải lăn ra đường kiếm ăn. 
Ô. Nguyễn Bắc Truyển 
Một công nhân viên ở Gia Định cho biết sinh hoạt chuẩn bị đón Xuân vẫn bình thường:
“Thấy bình thường, nói chung là năm nào cũng vậy không có gì khác. Nhà nước bán hàng bình ổn giá cho người công chức, giá cả cũng đủ đảm bảo đời sống người thành phố.”
Về phương cách khắc phục tình trạng chênh lệch, bất công ấy, giáo sư Tương Lai cho đó là một bài toán khó có đáp số,  nhưng không phải là một vấn đề không lối thoát:
“Con đường nào cũng có một lối ra, vấn đề là người ta có quyết tâm tìm lối ra ấy không? Lối ra không đơn giản, bởi vì khi người ta đã có nhiều tiền rồi, thì không ai từ bỏ cái quyền và tiền đó cả. Tiền này do tham nhũng, do bất chính, do nhiều thủ đoạn khác nữa, ai cũng biết nhưng xử lý không dễ dàng, để chống tham nhũng, chống bất công, phân hóa xã hội gay gắt, cách giải quyết là gì? Chỉ có cách dựa vào dân, phải mở rộng dân chủ ra, lắng nghe ý kiến của giới trí thức, những người có lương tri, giới trẻ, quyết tâm thay đổi cơ chế, thay đổi cách quản lý, mới mong hạn chế được phân hóa xã hội, giải quyết nạn tham nhũng, chí công vô tư, làm vậy mới giải quyết được sự chênh lệch quá đáng giữa giàu nghèo.”
Tại hội nghị Đoàn Chủ Tịch Ủy Ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức ở Hà Nội, ngoài các vấn đề phân hóa giàu nghèo, tham nhũng, suy thoái chính trị, đạo đức lối sống của một số lớn cán bộ, đảng viên, nhiều đại biểu cũng lưu ý là báo cáo của Mặt Trận Tổ Quốc năm 2011 chưa tổng hợp đầy đủ các bức xúc của người dân.
Nguồn: RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét