Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2012

mùi chồng

mùi chồng

Nguyễn Hiệp, Tạp chí Da màu
Tắm lửa. Những ánh vàng ánh đỏ lay đêm trong cuộc tắm lửa của những người đàn bà ở Mật khu A2 luôn ám vào người tôi. Tôi chợt nghe được cả bầu âm thanh rạo rực, tiếng người thì thào đứt quãng, tiếng củi lửa lép bép. Tôi chợt nghe cả quãng lặng kì vĩ mà đớn đau trong trường canh nóng rực của khúc nhạc núi rừng ngày nào. Tôi chợt cảm nhận được mùi người, mùi chồng, mùi vợ đậm quyện trong mùi khói lửa, mùi đất cát, ngỡ như cái mùi ấy trước mũi chứ không phải đâu xa. Khi Mật khu bị bao vây ráo riết, những giọt nước ít oi trở thành những giọt vàng. Người ta chỉ được quyền ngửa cổ lên chạm vào bi đông thấm liếm làn môi nứt nẻ khi cơn khát đến độ lả người.
Đêm ba mươi tết, tiếng súng tạm yên, cái bóng rình rập của chết chóc tạm thời rút lui. Những người đàn bà ở Mật khu bò ra khỏi hầm. Những khẩu súng AK đầu gắn lưỡi lê đặt chụm lại theo hình tháp. Những khúc củi khô cũng đặt chụm đồng dạng. Họ đốt lửa ngay giữa lòng suối khô. Mười người đàn bà cởi hết quần áo ngồi chồm chồm quanh đống lửa. Mặt nghiêng bên này, nghiêng bên kia. Đứng lên. Xoay vòng. Chầm chậm ưỡn người. Chầm chậm vặn vẹo. Ai đó bị khét, mùi khét của lông tóc cháy. Tiếng khúc khích lan ra một thoáng, những nét mặt lại nhanh chóng giãn mềm, lại chăm chú xoay trở, lộn vòng cho cơ thể nóng đều. Càng lúc họ càng áp gần lửa hơn. Mắt bắt đầu hực say. Đường cong bắt đầu lượn say. Da thịt bắt đầu căng say. Say lửa. Một cơn say nóng ran trong những cơ thể thanh tân, những trái chín căng mộng. Lửa hừng hực từ bên ngoài. Lửa hừng hực từ bên trong. Mồ hôi tuôn túa. Họ bắt đầu kì cọ. Khuôn mặt. Tay chân. Bụng ngực… Mười người chợt quay thành năm cặp, họ kì cọ cho nhau. Những bàn tay mơn trớn. Những cơ thể áp lưng vào nhau uốn lượn, chà xát lên xuống, xuống lên. Những cặp tâm hồn đã trở nên đồng điệu, sẻ chia. Mồ hôi, đất bụi quện quyện trườn chảy thành dòng trên da thịt. Trong ánh lửa bập bùng, thân hình những người đàn bà vàng bóng nhuễ nhại trông như những khối đồng đang nóng chảy. Mùi đậm dần. Mùi con gái. Mùi đàn bà. Mùi thơm phức trinh nguyên. Mùi khát khao mặn mòi. Mùi của họ thấm đẫm vào nhau, thân thuộc, khăng khít. Họ lau khô cho nhau bằng chiếc khăn rằn quấn cổ hàng ngày. Khi cả cơ thể chỉ còn một khối da thịt ửng hồng, ráo hoảnh, khi tất cả đã mát thơm trong chiếc áo bà ba hăng khét mùi thuốc súng thì cái mùi của họ vẫn còn trong nhau nồng nàn.
***
Người nữ cựu chiến binh ấy chỉ cho tôi ngôi biệt thự lớn nhất khu thị trấn và nói đó là “tổ ấm” của người đồng chí, đồng đội đã từng bắt cặp tắm lửa ngày xưa. “Sau này, cô ấy còn tắm nhiều lần nữa nhưng với người yêu, với chồng bất chấp lệnh “Ba khoan” của tổ chức…” Giọng nói của người nữ cựu binh có vẻ buồn buồn, hờn dỗi. Quay mặt đi một thoáng, cô ấy lại trở nên nhiệt tình, sôi nổi trở lại: Tôi nhớ hồi chồng đi học tận Hà Nội, cô ấy có khoe với tôi về gói bưu phẩm đặc biệt vừa nhận được. Chồng gửi cho vợ yêu một chiếc áo thun mặc lót hàng ngày. Người vợ ấy đã ôm chầm vào người, hít lấy hít để, hôn quýnh hôn quíu trong nước mắt ràn rụa, những giọt nước mắt nhớ nhung, hạnh phúc. Cô ấy còn khoe đã áp chiếc áo ấy vào mặt vào bụng mà ngủ hằng đêm. Không có mùi chồng làm cho cô ấy cứ thao thao thức thức, canh cánh nỗi lo sợ, nỗi thiếu vắng mơ hồ, chưa một lần giấc ngủ được bình yên.

Theo chỉ địa chỉ mạng người nữ chiến binh cung cấp, tôi dễ dàng tìm được trang blog Mua Thu, trang có câu đề từ rất ấn tượng: Kí ức ơi, xin ngủ yên! Tôi đọc say sưa từng entry và biết rằng nhờ trang blog này mà sau ba mươi bảy năm, câu chuyện của người đàn bà tắm lửa được kết nối.
Entry 01012010
…Rỗng. Lạnh. Mình là người đàn bà sầu muộn mênh mang nên thật sự là mình thích cái tên Mùa Thu. Không phải vì “Mùa Thu” lười biếng đến nỗi môi má chảy xệ xuống, không buồn nói, không buồn ăn, không buồn nghĩ ngợi mà vì “Mùa Thu” là một con bệnh.
Mới sáng sớm mà sao ý tưởng để viết ít dòng đã bay biến. Khi mình nằm thì bao tâm tình khốc hại hiện rõ mồn một, còn bây giờ chúng lại bỏ mình mà đi. Mình có hàng trăm điều để viết ra nhưng khi cần quy tụ chúng thì lại là việc quá sức. Bác sĩ khuyên mình nên viết tất cả ra. Con trai mình nói “Vì con, má hãy viết tất cả ra trang blog này. Má không cần đọc lại. Chỉ đơn giản là má gõ bàn phím để chữa bệnh. Nghĩ gì viết nấy nghen má!”.
Rõ ràng mình bệnh mà vẫn rất sáng suốt, mình biết về tình trạng mê loạn của mình. Mùa Thu mê loạn, nghe thật buồn, thật thương. Tối qua, mình đã cố nhấc người dậy đi kiểm tra cái bếp gaz. Mình nghĩ dại là có ai đó đang cố giết mình bằng cách xả gaz ra. Mình đã đi xuống bếp hàng chục lần. Biết chắc chắn là cái van đã khóa mà mình vẫn ngồi bật dậy và xuống bếp lần nữa. Lần này thì mình không phân biệt nỗi kéo qua phải là khóa hay kéo qua trái là khóa, cứ thế mình đứng hàng giờ, hết kéo qua phải lại kéo qua trái.
Đêm hôm khuya khoắc, mình lại để cái nhìn của mình dán nghiêng qua cái vòm giếng trời của căn nhà. Một vùng bàng bạc, đen không ra đen, trắng không ra trắng. Mình thèm có anh lúc này biết bao. Anh à, anh có tin bàn tay em đang biết thở không? Nó thở. Nó đòi cử động, đòi bấm siết vào đâu đó. Em đang sợ bàn tay của chính mình. Em ước sao nó chết đi! Cả đôi môi hé mở của em cũng nên chết đi. Em ước sao chưa từng có cái mùi anh trong máu thịt em, chưa từng có cái mùi yêu thương ấy trên đời này!
Em cố nén người mình lại một cách mệt mỏi. Hai chân cứng đơ, em cố lún sâu cơ thể mình xuống nệm. Hơi lạnh tích tụ từ chiếc nệm bốc lên. Chiếc mền lông màu hổ phách hâm hấp phần trên, lưng, gáy, tim, gan vẫn lạnh. Tấm ra trải giường như da người phơi khô, mỏng trơ và vô hồn. Em mệt mỏi quấn hai tay mình lại với nhau, em quấn đến mức đã hình dung các đốt xương cọ lún vào nhau. Em hít mùi lạnh chết, mùi sơn nước, mùi bê tông, mùi bức tường, mùi của vòm giếng trời đen không ra đen, trắng không ra trắng. Em đếm từng hơi thở rã rời của mình. Em muốn thở hắt ra thật mạnh nhưng không đủ sức, lồng ngực cứng đơ, hai bầu vú em đã xẹp xuống, teo lại, đã chết.
Entry 02012010
Hôm nay, xe chở về cái máy giặt hiện đại. Mình chẳng còn hào hứng gì lắm với những máy móc tiện nghi càng lúc càng đầy nhà. Nhớ ngày sắm chiếc máy giặt đầu tiên, mình phải giặt riêng áo quần của ông chồng mình ngoài thau. Mình ngồi vò vò mân mê hết cái này lại cái kia mà không sao cầm được nước mắt. Mình cố bám víu vào chút mùi ít oi của chồng mà mình cảm nhận được để biết mình còn gắn kết với chồng, để biết mình còn có chồng. Anh ấy loáng thoáng về nhà rồi loáng thoáng ra đi, chiếc xe êm ru lướt đi lướt về như một cái bóng. Mình chỉ còn biết bám víu vào những thứ sót lại trên quần áo sau một ngày của anh ấy. Mùi chồng mình bây giờ vốn đã quá mơ hồ vậy mà chiếc máy giặt đã nỡ cắt đứt những sợi dây mỏng manh ràng buộc cuối cùng. Quá buồn. Quá giận. Mình bưng thau quần áo đổ ào vào máy giặt rồi lao về buồng, nước mắt ướt nhèm mép gối…
Entry 03012010
Xe lại lăn bánh, “chiếc bóng” đi rồi. Sao càng ngày mình càng cạn kiệt tính kiên nhẫn. Mình đã bao nhiêu lần rút chiếc nhẫn cưới ném xuống nền nhà. Nhẫn nhịn này! Nhẫn nhục này! Chẳng còn gì luyến tiếc. Chỉ tội thằng con. Không có nó mình chẳng sống nổi trong ngôi biệt thự này. Thoáng nghĩ lại mình lồm cồm chui xuống gầm giường. Tìm được mình lại mừng. Nước mắt ướt đẫm. Mình vừa cười vừa khóc như ông Trời vừa nắng vừa mưa. Đêm. Đầu mình nặng như chì. Ngày nào cũng mang chì như một thợ lặn. Chỉ khác là khi hụt thở thì người thợ lặn bung đống chì ấy ra mà ngoi lên, còn mình thì không thể, chì đã dán dính vào từng tế bào, từng hơi thở, từng tấm khung kí ức nóng rát. Tối, mình nằm mơ thấy mất con búp bê nhựa màu hồng cũ kĩ, gẫy chân trái, món đồ chơi yêu thích, gắn bó với mình suốt thời thơ ấu. Khóc như cha chết, mình quẫy tìm. Mình lao theo cái gì đó mơ hồ nửa quen nửa lạ. Mình chạy mãi, vừa la khóc vừa chạy cho đến khi té lao đầu xuống vực. Tim muốn vọt khỏi lồng ngực. Giật mình, mồ hôi ướt lạnh hai bên thái dương. Ngồi bật dậy giữa đêm, dụi mắt hồi lâu mình mới hiểu ra có lẽ do cô đơn lạnh lẽo mà mình đã mang cả những mất mát, chia cắt vào giấc ngủ, giấc mơ, giấc chập chờn thao thức. Buồn run người. Giận run người. Buồn giận nhưng bất lực, chỉ tội cho con mình. Bao nhiêu năm trôi qua, sự chịu đựng đã quá sức của một con người. Nhưng rồi cũng phải sống, im lặng sống, sống không phải vì ta nữa mà là vì những người ta thương yêu.
Em bằng lòng, mãn nguyện, mừng vui với những thứ anh đưa về ngày càng chật nhà chật cửa? Cũng có đấy! Em là đàn bà mà. Nhưng em thà sống trong nghèo khổ thiếu thốn mà không bị bỏ rơi. Người đàn bà, dù là bỏ rơi trong máy móc tiện nghi, trong biệt thự nguy nga thì vẫn là bị bỏ rơi, thậm chí còn tuyệt vọng hơn. Ngụp lặn và câm lặng. Nhà của chúng ta chỉ có con cưỡng bông trong lồng kia là còn nói tiếng người. Chúng ta không còn gì để nói với nhau nữa sao? Bóng ma anh bước dài, trôi đi. Bóng ma em co lại ẩn dật. Em cứ nghĩ mãi rồi chua chát cười một mình: Đi qua cuộc chiến tranh, ai người ta cũng bị ám ảnh bởi chết chóc, mất mát, còn chúng ta lại bị ám ảnh bởi điều chúng ta đã từng có được, bởi cái mùi đã quyện chặt lấy anh và em. “Khốn nạn!” Em thường đay nghiến như vậy phải không? Em nanh nọc, độc ác với anh? Cũng có đấy! Thường thì anh đi rồi em cứ ngồi ngẩn ngơ. Không hiểu sao mình lại như thế. Người ta có thể sống với một tâm hồn đã chết không? Cũng có đấy! Là em. Và có lẽ cũng là anh.
***
Phải khó khăn bao phen tôi mới làm quen được với viên cán bộ địa chính này. Khi đã quen nhau, qua không biết bao nhiêu cuộc nhậu lên bờ xuống ruộng, những tâm sự của anh ta mới được chắp nối lại với nhau.
…Tay bác sĩ dáng dấp bệ vệ, vừa khó khăn đưa người vào xe vừa dặn đi dặn lại: Canh hoa hiên, dễ nấu lắm. Rửa sạch ba mươi gam hoa hiên, mười gam hột sen, một ít táo đỏ, hầm nhừ xong đổ mật ong vào là xong. Giải buồn trừ uất cực kỳ hay. Mười lăm ngày, mười lăm thang. Xong.
Tôi đánh xe đưa bác sĩ về. Tay bác sĩ thở dài hạ giọng: Vợ trầm uất là thử thách mà tạo hóa đã nhẫn tâm dành cho đàn ông. Tôi ậm ừ cám ơn. Tôi biết tay này nói để tôi đẹp lòng, lẽ nào một bác sĩ mà không lờ mờ hiểu rằng chính đời sống gia đình tôi, chính tôi là nguyên nhân của căn bệnh. Mà có khi tay này nông cạn thật, ai trong chăn mới biết chăn có rận.
…Bao năm qua, để trả thù những tủi nhục và cay đắng của một thời tuổi trẻ, tôi đã bất chấp, cố tạo ra sự vượt trội. Khi đủ đầy biệt thự sang trọng, xe hơi đắc tiền thì cũng là lúc tôi nhận ra mình đã mất tất cả. Vợ con trở nên xa lạ. “Phải để cho chị nhà xả hết nỗi lòng ra thì mới đỡ bệnh. Bệnh của chị là bệnh không bệnh. Một cái máy tính nối mạng. Xong.” Tay bác sĩ leo lẽo.
Tôi vừa lái xe vừa nghĩ đến liệu pháp vừa được gợi ý. Kể chưa tin lắm, nhưng đến nước này, coi như cứu lửa gần. Tôi từng nghe nói một người quen nhờ say mê internet mà quên bệnh nhưng tôi không ngờ vợ tôi lại tới lúc phải chữa bằng phương pháp này. Những chì chiết, than vãn, lầm bầm ngày càng dày lên của cô ấy đã làm tôi kiệt sức nhưng sự bất động chẳng thèm ăn uống còn làm cho tôi quá lo lắng mà kiệt sức nhanh hơn. Tôi đã chọn cho mình giải pháp sống trong chiếc xe nhiều hơn ở nhà. Từ căn bản đời sống, mặc dù tôi nghĩ mình là người hy sinh cho gia đình nhưng càng ngày tôi càng thấy mình là kẻ bất hạnh. Đôi lúc tôi trở nên thù hận cuộc đời này, cuộc thù hận kiêu căng, có khi với chuyện không đâu tôi lại nổi đóa đùng đùng, lại bốc lên cơn nóng máu âm ỉ. Cả ngày, tôi đã pha trộn hàng chục phản ứng trái ngược nhau.
Mọi cố gắng vun vén, đánh đổi, chịu đựng nhục nhã của tôi đã đổ ào xuống vực thẳm. Tôi ngỡ ngàng với những rã rượi trong tâm hồn của hai vợ chồng. Cái thứ tâm bệnh này đốn ngã con người ta rất nhanh. Tôi biết làm sao đây khi mà chính mình cũng không còn là mình nữa. Khuôn mặt giả nói giả cười giả tươi giả vui giả của tôi như một thứ vẩy đóng trên vết thương ngăn cho khỏi xì mủ mà thôi. Tôi ngáp, một tay tì vô lăng, tay bóp mạnh xương quai hàm giữ chặt cho khỏi trẹo. Ngáp thành tật. Tật mệt mỏi của thời đại tôi đang sống. Một loại tật bệnh đang được tôn vinh.
***
Từ ngày khánh thành nhà đến nay, tôi mới ngồi trước hồ bơi này lâu đến vậy. Tôi nhìn chăm chăm vào làn nước xanh trong. Hồ này được tôn tạo sửa sang trong sân vườn cũng chỉ làm cho sang chứ nhà có ai bơi lội tắm táp hay nuôi cá nuôi tôm gì đâu. Chiếc Benz E300 gắn bó với tôi nhiều hơn cái chỗ nửa nhà nửa biệt thự này. Tôi suốt ngày lượn xe đi chỗ này chỗ kia. Điếu thuốc đỏ lóe, hai sợi khói trườn ra mũi, mơn man lượn lên trán lên tóc. Từ ngày hình thành khu du lịch này, rồi khánh thành cáp treo, cuộc đời tôi đã trôi đi như sợi khói này, thấy thì đang bốc lên nhưng kì thực là xiêu dạt. Điếu thuốc lại đỏ lóe khi cái tàn chưa kịp thành tro. Thật ra là người đàn bà ngũ đoản ấy thay đổi cuộc đời tôi là chính mụ ta chứ những nguyên nhân khác chẳng là cái đinh gì. Cái giá phải trả của người ra nước sâu chỉ một mình tôi biết, bước chân xiêu dạt chỉ một mình tôi biết, sống mà thật ra đã chết bao nhiêu lần rồi chỉ một mình tôi biết.
Điếu thuốc lại đỏ lóe. Hôm qua, dự cuộc tiệc của dân làm ăn và những tay cán bộ lãnh đạo huyện. Rượu quá nhiều đã làm tôi không kềm chế với mụ ta. Tôi kéo mụ ta ra ngoài, nói thẳng:
-Cô đã dùng cái gọi là lòng tốt, sự cao đạo mở cửa tôi, có được tôi rồi cô lại ném cái chìa khóa ấy đi. Sợ quá!
Mụ ta quay nghiêng đầu cười hắt ra rồi mềm giọng:
-Cả tiền bạc nữa chớ cưng yêu. Không có tiền sao mở được cửa? Cưng nhìn hết những người ở đây đi, có ai sống bằng sự cao đạo mãi không. Đấy, họ đấy, có ai “lý tưởng” bằng họ không? Bây giờ, cái gì họ cũng chỉ vào túi. Luật đời mà!
-Càng ngày tôi càng thấy rõ mình bị sập bẫy.
-Sao hôm nay ra vẻ văn chương chữ nghĩa dữ hà? Sến! Mà này, cưng nói thẳng thì tôi cũng chỉ thẳng cho cưng thấy sự sòng phẳng: Tôi cho cưng giàu sang, cưng bù đắp tình yêu cho tôi. Có gì lạ đâu? Ai cho không ai? Biệt thự. Xe hơi. Trên trời rơi xuống hả? Bẫy biệt thự. Bẫy xe hơi. Bẫy tình. Giống nhau hết à cưng. Tôi đưa cưng lên được thì hạ cưng xuống được. Tôi chọn cưng. Cưng có được chọn không? Giờ thì không. Không bao giờ được quyền từ chối, nghe chưa. Nói cho mà biết, kẻ nào chống tôi kẻ ấy thân tàn ma dại.
-Cô đừng hù dọa tôi. Tôi biết tỏng là cô rửa tiền chứ giúp đỡ gì tôi.
-Thôi mà cưng! Chuyện đó đâu phải chuyện cưng quan tâm… Nói vậy thôi chớ em nỡ lòng nào làm cho cưng bị tổn thương… Tôi hơi lạnh xương sống khi nhìn thấy đột ngột người đàn bà ngũ đoản quắt mắt lên, nghiến răng: “Em chỉ búng tay một cái là cưng để tang vợ con ngay. Đừng để em phải xuống tay!
-Chết thì chết hết…
-Ấy chết! Cưng làm cho em thành người lắm lời rồi. Bản tính em đâu có vậy, phải không?
-Chết thì chết hết…
Nói cứng nhưng tối hôm sau thấy điện thoại rung: “Cưng ơi, cưng à”, tôi lại đánh xe vòng vèo rồi cuối cùng xe lượn vô cổng nhà trọ. Mụ ta khoá trái cửa, vứt cái khăn tắm trắng tinh xuống nền nhà, mắt mụ dại si ép tôi vào tường, mụ xà vào kéo khóa quần, rút sợi dây nịt. Phải hơn mươi phút sau, mụ mới đẩy tôi xuống giường. Tôi nằm bật ngửa ra nhắm mắt chịu đựng, mụ ta muốn vật vã tôi thế nào cũng xong. Nỗi nhục chất ngất trong lòng đã làm tôi đơ ra chẳng phản ứng gì được nữa. Tâm hồn tôi chỉ tràn ngập nỗi ê chề của một thằng điếm nhận tiền trước, một gã mạt hạng “bán lúa non” để bây giờ bầm gan tím ruột mà trả nợ. Sức tôi càng ngày càng kiệt đi, hai đầu gối lỏng xịch lỏng xạc, có lúc lên xuống xe đã muốn khuỵu chân, rã rời. Tôi thường chua chát tự hỏi: Lần này là lần thứ mấy trăm? Có đủ “lúa” để “đong” hết đời cho con dâm nữ này không?
Những lúc thấy lòng trống rỗng tôi thường đạp ga cho chiếc xe lao đi bất định trên con đường quốc lộ hun hút tối. Thường tôi tắt máy lạnh, mở cửa cho những cơn gió núi xoắn giật khô khốc quất roi vào mặt. Nhớ lại ngày đầu nhận cuộc hẹn với mụ ta, lòng tôi vui mừng biết bao. Là một cán bộ địa chính, cuộc sống kha khá cũng đã chuyển được màu chàm đổ trên khuôn mặt tôi trở nên hồng hào hẳn ra. Vợ tôi thì mỗi ngày đều là ngày vui, cứ giao một quyển sổ đỏ tại nhà bao giờ cô ấy cũng nhận được quà cáp gì đó. Chính sự đủ đầy kiểu hớt váng đó cũng góp phần thôi thúc khát khao vượt trội, khao khát trở thành đại gia trong tôi. Người đàn bà ngũ đoản nhìn thẳng vào mắt tôi, răng môi không hở, chỉ nghe từ đó một giọng nói lơ lớ: Cưng đẹp trai, phong độ thật! Cưng rất xứng đáng được tôi chọn lựa để đặt niềm tin. Tôi nghe mà mở cờ trong bụng và biết mình đang cầm cơ hội đổi đời trong tay. Chuyện lo cho mụ vài chục mẫu đất rẫy gần khu du lịch là chuyện trong tầm tay của tôi. Chỉ thế thôi mà tôi sẽ nhận được hàng tỷ đồng, một khoản tiền mà trước đây, ngay cả trong giấc mơ tôi cũng không dám nghĩ tới. Giấc mơ tỷ phú đã khiến tôi nhẫn tâm hất đi bát cơm của bao người, lúc lừa phỉnh, lúc dọa nạt những người nông dân khố rách áo ôm mà có được những mảnh đất liên canh mênh mông. Hồ sơ giấy tờ, sổ đỏ sổ hồng là chuyện nhỏ khi tôi là một cán bộ địa chính đầy uy quyền ở cái thị trấn này.
Thời gian đời người thật như ngựa chạy tên bay, mới đó mà đoạn đường trượt dài nhơ nhuốc của tôi đã đi qua năm thứ năm. Tôi ngồi nhìn chăm chăm làn nước trong cái hồ bán nguyệt trước nhà. Tôi suy nghĩ mông lung rồi thành tâm ao ước một con đường hóa giải nào đó, một con đường mà đi vào đó tôi có thể giũ bỏ, tẩy sạch hết những sai lầm, những tội lỗi của mình. Tôi chợt rùng mình, thoạt đầu cứ ngỡ có cơn gió lạnh. Ở đây, gió núi thường bất chợt như thế. Tôi vội đưa tay khép cổ áo. Nhưng rồi những cơn dợn lạnh lại liên tiếp ve vuốt sống lưng. Tôi định đứng lên nhưng có một sức hút kì lạ nào đó đã kéo ghịt, không thể nhúc nhích. Nước hồ dường như đang dâng lên lao xao, tiếng nước vỗ vào thành hồ ngày càng mạnh. Một khung sáng chợt hiện hình dưới đáy nước, nó từ từ sậm dần lại, tôi thấy rõ ràng nơi đó có sự chuyển động kì bí khó hiểu. Dường như có một vách ngăn vô hình giữa cái khung vuông đó với làn nước xanh kia nên sóng nước bên ngoài cứ lao xao mà không tràn vào được. Tôi dụi mắt mấy lần, nhịp tim như nhịp trống trong lồng ngực. Mắt tôi căng hết cỡ muốn rách cả mí, tôi đang bị một sức hút ghê gớm nào đó khống chế. Từ cửa sổ ấy, một đốm lửa hiện dần, to dần rồi nguyên hình mồn một là đống lửa lớn hình tháp. Tôi kinh ngạc thấy cặp nam nữ trần truồng đang kì cọ cho nhau, mắt họ long lanh mê mẩn với nhau. Da thịt họ ửng hồng, bập bùng. Một trái pháo nổ tung đất đá, chém rạt cây rừng. Chỉ dừng lại một thoáng, đôi bàn tay người đàn ông lại mơn trớn chạy lướt khắp cơ thể người đàn bà. Đôi tay mềm nữ tính cũng như là bàn tay biết nói, chỉ nói bằng thứ ngôn ngữ riêng mình, lúc miết nhẹ, lúc mân mê, lúc quấn riết, lúc mềm dây leo, lúc căng cáp thép. Đôi mắt họ đờ dại, khép lại. Hai cơ thể đã hòa quyện thành một, một xương một thịt. Họ lại giang ra. Hai cánh mũi hồng hồng của người đàn bà miết hít, xoay vòng trên đôi ngực đá tảng của người đàn ông, càng lúc hai cánh mũi ấy càng quýnh quíu dịch chuyển, lần lên má lên môi, đột ngột lần xuống bụng, nhanh nhẹn nhập xuống giữa hai đùi người đàn ông. Mái tóc dài bung ra lắc lư, bồng bềnh…
Không hiểu sao chính tôi, một kẻ đã lạnh giá lâu rồi, nay thấy cảnh tượng ấy cũng nhanh chóng có lại cái cảm giác đê mê tột đỉnh của ngày nào. Ngay lúc tôi vặn mình muốn bay lên thì người đàn ông trong khung cửa đáy hồ cũng xoắn người lật phắc trong cơn cuồng mê dông bão. Những chiếc lá rừng như những con mắt bị thôi miên bất động. Rừng yên. Trời lặng. Khi những cơn sóng thôi không còn vồ vập thì đôi mắt người đàn bà nửa quen nửa lạ ấy lại hiện ra long lanh, đen láy. Lời thì thào khe khẽ rót vào tai người đàn ông: Em yêu anh… Em nghiện mùi anh mất rồi…
Tôi bàng hoàng dụi mắt, kì lạ thay, cơ thể đang co giật từng cơn, tôi không còn kiểm soát mình được nữa, tôi mơ hồ nghĩ tới căn bệnh thượng mã phong. Tất cả cứ trào ra ướt nhèm. Tôi cố giữ, cố kềm lại như đang cố níu kéo sự sống chính mình nhưng tất cả cứ đang trào ra, vọt ra, cảm giác nhơm nhớp khắp cơ thể. Tôi yếu dần nhưng cơ thể vẫn chảy, tôi mất cảm giác nhơm nhớp, mất cả các loại cảm giác. Cơ thể tôi lạnh. Chỉ đầu óc chợt nóng ran, lóe sáng, tôi hiểu từ trong miền sâu thẳm của tâm hồn mình cái nguyên nhân bi kịch gia đình tôi, nguyên nhân căn bệnh của tôi. Tôi ngã vật ra ngay trên bờ hồ, tê lạnh dần cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.
***
Blog Mua Thu. Entry cuối.
Mình tỉnh ngủ giữa khuya và bắt gặp ánh mắt êm ái căng thẳng của chồng. Khép hờ chờ đợi. Bàn tay anh ấy vòng sang. Mình khẽ hít thật sâu, cố tìm lại hơi hướm của chồng ngày nào. Vẫn một mùi xa lạ. Mùi một người đàn bà nào nó thấm đẫm trong da thịt anh ấy đã làm cho mình tự dưng dị ứng. Cơ thể mình khép lại, cứng đơ, lạnh lẽo. Có gì lan ướt hai khóe mắt. Ước gì mình khóc nấc lên được, mình gào thét lên được như mưa gió ngoài kia.
Mình quá đau đớn, quá bất ngờ vì đó là đêm cuối cùng của vợ chồng mình. Tan nát. Trống rỗng. Một kết thúc khi đang sống không con người nào dám nghĩ đến. Nó đã đến với mình. Người ta xì xào về sự ra đi khó hiểu của anh ấy. Mình vốn mệt mỏi càng thêm mệt mỏi. Mình nghĩ đến cửa chùa. Chỉ có cửa chùa là chốn nương náu cuối cùng của mình. Mình không cần đến trang blog này nữa. Vĩnh biệt tất cả! Mình biết rất rõ tình trạng mê loạn của mình. Biệt thự. Xe hơi. Tiện nghi. Để mà làm gì khi con người không còn là chính mình? Mình không chịu nổi cuộc sống này. Màu mè. Mê như chồng mình rồi cũng ra về tay không. Cái mình cần nhất ở anh ấy thì lại không còn nữa. Cái mùi chồng, mùi vợ, mùi người của những ngày tắm lửa với nhau chỉ còn trong giấc mơ, trong xa mù kí ức.
Mình lên chùa thật. Lần đầu tiên mình sai người sắm hoa quả lên chùa. Khói nhang nghi ngút. Mình phải dụi mắt liên tục mà vẫn cứ cay sè. Mình cúi đầu khấn nguyện rồi bước vòng phía sau chánh điện. Tượng ông ác đen xì, nhe nanh đe dọa ở bên trái. Tượng ông Thiện trắng trẻo có nụ cười bao dung hiền từ bên phải. Mình đi thắp nhang cho tất cả. Không biết loay hoay thế nào mà mình cứ lòng vòng, như là bị ma đưa lối quỷ dẫn đường, không trở ra cửa được mà đi qua hướng khác cũng không được. Mình cứ luẩn quẩn chẳng biết do con đường phải trái đã đổi chỗ hay do chính ông Thiện, ông Ác đã đổi thay. Mồ hôi lạnh hai bên thái dương cứ tuôn túa. Mình quỵ xuống nghĩ dại rồi lại ước sao nguyên nhân chỉ đơn giản là thuộc về mình, chắc quá kiệt sức, quá mỏi mệt nên đầu óc chập choạng đó thôi.
Đà Lạt, 3/2011
NH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét