Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

“kinh tế học thần kinh” (neuroeconomics)


“Kinh tế học thần kinh” (neuroeconomics)

Robert J. Shiller
 
NEW HAVEN – Kinh tế học đang ở vào lúc khởi đầu của một cuộc cách mạng xuất phát từ nguồn gốc bất ngờ: các trường y khoa và những cơ sở nghiên cứu của họ.  Thần kinh học – khoa học về cách vận hành của não – đang bắt đầu thay đổi lối suy nghĩ về cách con người ra quyết định. Những phát hiện này tất yếu sẽ thay đổi lối suy nghĩ về cách vận hành của các nền kinh tế. Tóm lại, chúng ta đang đón chào buổi bình minh của “kinh tế học thần kinh” (neuroeconomics).
Những nỗ lực gắn thần kinh học với kinh tế học chỉ mới diễn ra trong vài năm gần đây, và sự phát triển của kinh tế học thần kinh vẫn ở giai đoạn sơ khai. Nhưng ngành này ra đời theo một kiểu mẫu quen thuộc: cách mạng trong khoa học thường xuất phát từ những nơi hoàn toàn bất ngờ. Một ngành khoa học có thể trở nên cằn cỗi nếu không xuất hiện những cách tiếp cận nghiên cứu mới về căn bản. Giới nghiên cứu có thể quá luẩn quẩn với những phương pháp của mình – về ngôn ngữ và những giả định của cách tiếp cận đã được chấp nhận đối với chuyên ngành của họ – đến nỗi nghiên cứu của họ trở nên lặp lại hoặc vô bổ.
Thế rồi xuất hiện điều lý thú từ một người chưa từng dùng những phương pháp cũ này – một ý tưởng mới mẻ nào đó thu hút những nhà nghiên cứu trẻ và một số nhà nghiên cứu già nhưng sẵn sàng tống cựu nghênh tân; họ sẵn sàng tìm hiểu ngành khoa học khác và những phương pháp nghiên cứu khác của nó. Vào một thời khắc nào đó trong quá trình này, một cuộc cách mạng khoa học ra đời. 

Cuộc cách mạng kinh tế học thần kinh đã đi qua một số cột mốc quan trọng mới gần đây, đáng chú ý là hồi năm ngoái nhà thần kinh học Paul Glimcher xuất bản cuốn Foundations of Neuroeconomic Analysis (Cơ sở Phân tích Kinh tế học Thần kinh) – một biến thể rõ rệt dựa theo tựa đề tác phẩm kinh điển năm 1947 của Paul Samuelson, Foundations of Economic Analysis (Cơ sở Phân tích Kinh tế học), cuốn sách đã góp phần khởi xướng cuộc cách mạng trước đây về lý thuyết kinh tế. Và bản thân Glimcher hiện nay nằm trong ban giảng huấn ở khoa kinh tế của Đại học New York (ông cũng làm việc ở Trung tâm Thần kinh học của đại học này).
Tuy nhiên, đối với phần lớn giới kinh tế học, Glimcher cũng có thể như người ngoài hành tinh. Dù gì đi nữa, bằng tiến sĩ của ông là từ khoa thần kinh học của Trường Y thuộc Đại học Pennsylvania. Ngoài ra, những nhà kinh tế học thần kinh như ông tiến hành nghiên cứu không thuộc sở trường trí tuệ của các đồng nghiệp kinh tế học truyền thống, vì họ muốn phát triển một số khái niệm cốt lõi của kinh tế học bằng cách gắn kết chúng với những cấu trúc não cụ thể.
Phần lớn lý thuyết kinh tế và tài chính hiện đại dựa trên giả định cho rằng con người là duy lý (rational), và do vậy họ tối đa hóa một cách có hệ thống mức độ hạnh phúc của chính mình, hay nói theo thuật ngữ của giới kinh tế học là “độ thỏa dụng” (utility). Khi Samuelson bàn đến vấn đề này trong cuốn sách năm 1947 của mình, ông không xét đến não, mà dựa vào “sở thích thể hiện qua hành vi [tiêu dùng]” (revealed preference).  Chỉ cần quan sát các hoạt động kinh tế của con người là ta biết được những mục đích của họ. Theo hướng dẫn của Samuelson, khi làm nghiên cứu, nhiều thế hệ các nhà kinh tế học không dựa trên nền tảng của bất kỳ cấu trúc vật chất nào đằng sau suy nghĩ và hành vi, mà chỉ dựa trên giả định về tính duy lý. 
Vì thế, Glimcher nghi ngờ về lý thuyết kinh tế phổ biến, và đang tìm kiếm trong não một cơ sở vật chất cho lý thuyết kinh tế. Ông muốn biến đổi lý thuyết thỏa dụng “mềm” thành lý thuyết thỏa dụng “cứng” bằng cách phát hiện những cơ chế não đằng sau nó.
Đặc biệt, Glimcher muốn xác định những cấu trúc não xử lý ba thành tố chủ yếu của lý thuyết thỏa dụng khi con người đối mặt với tính bất trắc (uncertainty): “(1) giá trị chủ quan, (2) xác suất, (3) tích số của giá trị chủ quan và xác suất (giá trị chủ quan kỳ vọng), và (4) một cơ chế tính toán thần kinh chọn yếu tố có ‘giá trị chủ quan kỳ vọng’ cao nhất từ một tập hợp các lựa chọn …”
Tuy Glimcher và các đồng nghiệp của mình đã phát hiện những bằng chứng lý thú, họ chưa tìm ra phần lớn những cấu trúc não căn bản. Có lẽ là do những cấu trúc đó không tồn tại, và toàn bộ lý thuyết tối đa hóa thỏa dụng là sai lầm, hoặc ít ra là cần hiệu chỉnh căn bản. Nếu quả vậy, chỉ riêng phát hiện đó cũng sẽ làm rung chuyển nền tảng của kinh tế học.
Một hướng khác khiến giới thần kinh học hứng thú là cách não bộ xử lý những tình huống mơ hồ, khi ta không biết xác suất, và khi không có những thông tin khác rất liên quan. Người ta đã phát hiện rằng những vùng não dùng để giải quyết vấn đề khi biết rõ xác suất là khác với những vùng não được dùng khi không biết xác suất. Nghiên cứu này có thể giúp chúng ta hiểu cách con người xử lý tính bất trắc và rủi ro chẳng hạn như ở các thị trường tài chính trong thời kỳ khủng hoảng.
John Maynard Keynes nghĩ rằng việc ra quyết định kinh tế phần lớn diễn ra trong những tình huống mơ hồ trong đó người ta không biết xác suất. Ông kết luận rằng phần lớn chu kỳ kinh tế của chúng ta chịu tác động của những dao động về “tâm lý tự tin / lạc quan vô tư” (animal spirits), mà điều này nằm trong tâm trí và giới kinh tế học không hiểu.
Dĩ nhiên, kinh tế học chưa ổn ở chỗ có bao nhiêu nhà kinh tế học là có bấy nhiêu cách giải thích về bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Một nền kinh tế là một cấu trúc hết sức phức tạp, và việc khảo sát nó phụ thuộc vào sự thấu hiểu luật pháp, quy định, các tập quán và phong tục kinh doanh, bảng cân đối kế toán cùng biết bao chi tiết khác.
Nhưng có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ biết nhiều hơn về cách các nền kinh tế vận hành – hay không vận hành – bằng cách hiểu rõ hơn về những cấu trúc vật chất là nền tảng của hoạt động não. Những cấu trúc đó (những mạng lưới sợi trục và sợi nhánh) là nền tảng của phép so sánh quen thuộc ví bộ não như một máy vi tính (mạng lưới các transistor liên lạc với nhau qua dây điện). Nền kinh tế là phép so sánh tiếp theo: một mạng lưới những con người liên lạc với nhau qua các thiết bị điện tử và những phương tiện kết nối khác.
Não, máy vi tính, và nền kinh tế: cả ba đều là những cỗ máy có mục đích giải quyết những vấn đề thông tin căn bản trong việc phối hợp các hoạt động của những đơn vị riêng lẻ – nơ-ron, transistor, hoặc cá nhân. Khi chúng ta hiểu rõ hơn về những vấn đề mà một trong những cỗ máy này giải quyết – và cách mà nó vượt qua những chướng ngại vật trong quá trình đó – chúng ta biết được điều gì đó có giá trị về cả ba cỗ máy này.
 
Robert Shiller, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Yale, là đồng tác giả, với George Akerlof, của cuốn Animal Spirits: How Human Psychology Drives the Economy and Why It Matters for Global Capitalism” (Tâm lý lạc quan vô tư: Cách tâm lý con người thúc đẩy nền kinh tế và Tại sao điều đó có ý nghĩa quan trọng với chủ nghĩa tư bản toàn cầu).
Bản tiếng Anh: The Neuroeconomics Revolution, Project Syndicate, 21/11/2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét