Cội nguồn của những khó khăn bất ổn hiện nay
Suy nghĩ về những ý kiến của Thầy Hoàng Tụy
Suy nghĩ về những ý kiến của Thầy Hoàng Tụy
Trương Quang Đệ
Hơn nửa thế kỷ trước, tôi là sinh viên khoa Toán, Trường ĐHSP Hà Nội. Trong các bộ môn mà tôi theo học, có môn “Phương pháp giảng dạy Toán” do Thầy Hoàng Tụy phụ trách. Bộ môn này không hoàn toàn trừu tượng và thuần tuý lí thuyết như đa số các bộ môn khác, bởi lẽ nó có nhiều phần mang nặng tính nhân văn như lịch sử toán học, cuộc đời và sự nghiệp các nhà toán học, thăng trầm của những phát minh toán học, triết lí toán học vv. Chúng tôi rất quí mến Thầy Tụy vì tầm hiểu biết và nhân cách của Thầy. Thực ra tôi học hành không lấy gì làm xuất sắc nên cho đến nay chắc Thầy không nhớ ra tôi là ai. Nhưng tôi theo dõi sự nghiệp của Thầy và vui mừng thấy Thầy có những đóng góp không nhỏ cho toán học nước ta và thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực lý thuyết tối ưu. Điều làm mọi người quan tâm là gần đây Thầy có nhiều ý kiến mạnh mẽ nhằm giúp ngành giáo dục và ngành văn hoá thoát ra khỏi tình trạng bế tắc, hỗn loạn mà ai cũng nhận thấy rõ. Vào những ngày đầu năm 2012, Thầy có viết bài “Tái cấu trúc và sửa lỗi hệ thống” đăng trên mạng viet-studies của Trần Hữu Dũng. Bài này khái quát lại những gì Thầy đã suy nghĩ về hệ thống chính trị, văn hoá, giáo dục trong thời gian qua. Tôi không sợ mình sai lầm khi nhận xét rằng bài viết nói trên của Thầy có` giá trị như một học thuyết (doctrine). Đó là học thuyết về “lỗi hệ thống trong các hoạt động chính trị, kinh tế- xã hội” ở nước ta hiện nay. Học thtuyết của Thầy, theo tôi, có thể được tóm tắt như sau: Nếu một khâu nào đó của hệ thống bị trục trặc một cách riêng lẻ, cục bộ thì hệ thống đã lường trước cách khắc phục. Nhưng khi sự trục trặc liên tiếp xẩy ra và không có cách gì sửa chữa được, đó là vì hệ thống có lỗi, tức là một yếu tố nào đó của hệ thống có vấn đề, bị khuyết tật. Trong trường hợp đó, ta rà soát hệ thống để sửa chữa lỗi. Thay hệ thống có khuyết tật bằng một hệ thống mới bảo đảm việc vận hành ổn định được gọi là tái cấu trúc hệ thống.
Thầy Hoàng Tụy đã chỉ ra một số trục trặc tiêu biểu của các ngành hoạt động xã hội như tham nhũng tràn lan mà không ai kiểm soát, lộng quyền mà nhân dân đành bó tay chịu đựng, bệnh viện quá tải với nhiều thầy thuốc vô cảm, sự gian dối chết người trong các ngành thực phẩm, xăng dầu…và cuối cùng là giáo dục yếu kém và phần nào lệch hướng.. Rõ ràng những trục trặc ấy không thể được khắc phục một cách riêng lẻ, cục bộ. Người ta đã đặt ra những ban chống tham nhũng và các ban ấy cũng thấy mình không có hiệu quả gì đáng kể..Người ta làm đủ chuyện để dẹp hàng vỉa hè, để chấn chỉnh giao thông nhưng rồi phố xá cứ ngổn ngang, tai nạn giao thông ngày càng nghiêm trọng. Trước tình hình ấy, Thầy Tụy kêu gọi tái cấu trúc hệ thống, rà soát hệ thống chính trị, rà soát những chủ trương kinh tế-xã hội, rà soát đến cội nguồn của những đều bất hạnh, tức là trả lời một cách trung thực cho câu hỏi “Tại sao lại như thế? Do đâu mà tình trạng đó cứ dai dẳng không dứt?
Để tìm hiểu sâu về học thuyết Hoàng Tụy, ta cần xác định các khái niệm cơ bản “hệ thống” và “cấu trúc”
Trong một tập hợp nào đó có các phần tử a, b, c….và các mối quan hệ alpha, bêta, gamma…người ta thường xét các phần tử của tập hợp theo hai bước. Bước một là việc sắp xếp các phần tử thành từng lớp theo một tiêu chí nhất định. Bước hai là sắp các lớp nói trên trên một hàng ngang theo các mối quan hệ alpha, bêta vv.
Trong ngôn ngữ học, tập hợp các từ của một thứ tiếng được khảo sát trên hai trục, theo Ferdinand de Saussure. Trục dọc (hay trục liên tưởng – paradigm) là trục của các lớp từ chung một tiêu chí từ vựng-ngữ pháp như danh từ, động từ vv. Các phần tử của trục dọc thay thế cho nhau trong một cấu trúc. Chẳng hạn từ “Cha” trong câu “Cha đi vắng” có thể được thay thế bằng từ “Mẹ” để có câu “Mẹ đi vắng”. Trục ngang (hay trục ngữ đoạn –syntagm) thể hiện các mối quan hệ giữa các từ. Chẳng hạn các từ “cha”, “đi vắng”, “mấy hôm rồi” kết hợp với nhau theo hàng ngang để tạo ra câu “Cha đi vắng mấy hôm rồi”, trong đó “cha” đóng vai trò chủ ngữ, “đi vắng” là vị ngữ, còn “mấy hôm rồi” là bổ ngữ chỉ thời gian.
Con đường của ngôn ngữ học được khái quát cho các ngành khoa học khác. Bất luận đối tượng gì, tập hợp gì, ta cũng nghiên cứu theo hai trục ngang và dọc. Những phần tử thuộc trục dọc tạo thành hệ thống. Còn các phần tử thuộc trục ngang tạo thành cấu trúc. Thí dụ: hệ thống chính trị nước ta gồm các phần tử Đảng, Chính quyền, Quốc hội, Đoàn thể….Khi ta nói : “Đảng lãnh đạo các đoàn thể” thì ta nêu ra một cấu trúc, tức là mối quan hệ giữa các phần tử nào đó của một hệ thống.
Thầy Hoàng Tụy đề xuất việc “Tái cấu trúc và sửa lỗi hệ thống” nhằm một sự chỉnh đốn trên hai bình diện: rà soát những tiêu chí tạo thành hệ thống và các mối quan hệ nối kết chúng với nhau.
Một người làm toán trong lĩnh vực hình học sơ cấp Euclide một hôm phát hiện điều dị thường: Có một tam giác với tổng các góc lớn hơn 180 độ. Anh ta cần cù rà soát lại hệ tiên đề mà mình sử dụng và phát hiện trong hệ này có chứa một mệnh đề khả nghi, đó là: từ một điểm ở ngòai một đường thẳng, ta chỉ vẽ được một đường vuông góc với đường thẳng ấy, ngọai trù có trường hợp vẽ được hai hay nhiều hơn. Chính cái vế “ngoại trù” ấy dẫn đến điều dị thường. Trong xã hôi hiện nay ta thấy dân thường phàn nàn: Biết tỏng anh ta tham nhũng nhưng đành chịu. Rà soát lại “hệ tiên đề chính trị” ta thấy có mệnh đề khà nghi “không vị trí nào nằm ngoài pháp luật, ngoại trừ một số vị trí nhạy cảm”. Chính cái ngọai trừ đó sinh ra những bất ổn xã hội hay bất hạnh cho con người.
Người làm toán nói trên cuối cùng nhận ra rằng anh ta làm toán trên hai hệ tiên đề hỗn tạp , không ra Euclide mà cũng không phải Riemann. Trong một hòan cảnh như vậy phải chấp nhận những kết quả không lấy gì làm tốt đẹp. Xã hội ta hiện nay sống với những hệ tiên đề hỗn tạp, tư duy chồng chéo, kết quả tùy tiện. Thầy Hoàng Tụy muốn loại bỏ sự hỗn tạp ấy và xây dựng những cấu trúc hợp lý, đó là những mối quan hệ văn minh, bình đẳng, dân chủ, hiệu quả giữa các thành viên của xã hội.
Nhưng học thuyết Hoàng Tụy không dừng lại ở hai khái niệm hệ thống và cấu trúc (lỗi hệ thống và tái cấu trúc các hệ thống). Có một khía cạnh rất quan trọng của học thuyết ẩn chứa trong cụm từ “….mối quan hệ giữa các phần tử của hệ thống với môi trường bên ngoài”. Vậy môi trường bên ngoài là gì? Đây là một phạm trù khá rộng, bao gồm bối cảnh lịch sử, bản sắc văn hóa, truyền thống giáo dục, phong tục tập quán, định kiến xã hội, tín ngưỡng vv. Cũng như trong nghiên cứu ngôn ngữ, người ta không dừng lại ở cấp độ từ vựng (hệ thống) và cú pháp (cấu trúc), người ta để nhiều công sức để nghiên cứu ngữ nghĩa (môi trường-ngữ cảnh) , tức là tìm ý nghĩa thực tại của câu, từ trong các phát ngôn thuộc các tình huống khác nhau. Chẳng hạn câu “Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Thái Bình Dương” sẽ có những ý nghĩa khác nhau trong những bối cảnh khác nhau. Đối với Việt Nam câu đó xuất hiện vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước được coi như một sự kiện nguy hiểm cho an ninh đất nước. Ngày nay câu đó có thể có ý nghĩa ít bi quan hơn, và tùy đối tượng mà câu đó làm yên lòng hay gây lo ngại. Một thí dụ khác: Qua vẻ mặt của các nhân viên một cơ quan nọ khi thì thầm hỏi nhau: “Sếp đến chưa?” ta có thể biết nhân cách của sếp như thế nào. Nếu câu thì thầm với vẻ mặt lo lắng u sầu, chắc chắn vị sếp là người ít thân thiện với cộng sự. Còn nếu câu thì thầm với vẻ mặt tươi vui tràn trề hy vọng thì ta biết ngay sếp là người tốt, là chỗ dựa cho cộng sự.
Chính môi trường văn hóa ảnh hưởng rất lớn đến các phần tử của các hệ thống chính trị, kinh tế …từ thấp đến cao, không loại trừ ai. Môi trường đó thúc đẩy sự tiến bộ, hỗ trợ hữu hiệu cho sự vận hành của các hệ thống, nhưng nó cũng là nguyên nhân của những khuyết tật của các hệ thống, gây ra các lỗi hệ thống, làm rối loạn các cấu trúc. Ai cũng biết một dự án hay một chương trình nhà nước không hoàn thành được một phần do tham nhũng, cán bộ thiếu năng lực nhưng phần không kém quan trọng là dân trí thấp. Giao thông hỗn lọan, phố xá xô bồ, một phần do nhà nước quản lý yếu kém, một phần do dân tình lạc hậu, thiếu ý thức cộng đồng. Ở các nước tiên tiến, trong các cơ sở thương mại dịch vụ họ không có đông người như ở ta. Siêu thị hay mặt bằng thương mại lớn chi có thu ngân. Ở ta thì ngoài thu ngân còn có vô số người khác bảo vệ vòng trong vòng ngoài, các sếp lớn nhỏ luôn đi lại kiểm tra công việc. Phải đầu tư nhiều tiền của để ngăn chặn tình trạng dân trí thấp, khiến cho lợi nhuận bị ảnh hưởng. Dân tình như vậy do đâu mà ra? Cán bộ yếu kém vì sao? Chúng ta sẽ tìm lời giải đáp ở những phần sau.
Môi trường văn hóa mà ta đang sống hiện nay rõ ràng là một môi trường không hoàn toàn lành mạnh. Nó chứa đầy những định kiến, thói quen, lối suy nghĩ, não trạng…của một thời chiến tranh du kích, không còn phù hợp với đời sống hiện đại nữa. Do đó trong học thuyết Hoàng Tụy, bên cạnh việc sửa lỗi hệ thống, tái cấu trúc hệ thống, còn có việc khá quan trọng là “làm sạch môi trường”. Để minh họa cho những điều nói trên, ta lần lượt xét một vài thói quen cố hữu và một vài “minh triết” màu xám phổ biến trong xã hội ta hiện nay. Trước hết đó là chiến thuật nổi tiếng
Lấy nông thôn bao vây thành thị.
Đây là chiến thuật của Mao Trạch Đông trong nội chiến quốc-cộng và Việt Nam, Algérie phần nào sử dụng trong các cuộc chiến tranh giải phóng. Vấn đề là dựa hẳn vào nông dân, sống trong lòng nông dân, đả phá những gì có tính đô thị như phá bỏ các công trình giao thông, xóa bỏ nếp sống đô thị…Nhờ đó mà quân cách mạng làm chủ nông thôn, cô lập các thành phố và cuối cùng chiếm lĩnh các thành phố. Hậu quả của chiến thuật này là sau khi thắng lợi, người ta nông thôn hóa thành thị, gây ra hỗn loạn trong giao thông, lối sống, vệ sinh môi trường. v.v. Ở ta, trước thời kỳ đổi mới, người ta chỉ chú ý đến nông nghiệp, coi nông nghiệp là then chốt, là cứu cánh của xã hội. Người ta sẵn sàng cắt điện trường học, bệnh viện, xí nghiệp để lấy điện phục vụ chống hạn cho vài cánh đồng nhỏ bé, mặc dầu người ta biết như thế là làm mất hàng tỷ đồng để cứu vài triệu đồng, chưa tính hậu quả tinh thần khác. Chiến thuật lấy nông thôn bao vây thành thị làm ta bỏ lỡ nhiều cơ hội hiện đại hóa đất nước. Sau năm 1975 hay sau khi chủ trương đối mới, đáng lý ra phải làm ngược lại chiến thuật của Mao, có nghĩa là phải thành thị hóa nông thôn, hiện đại hóa đời sống nông dân, nâng cao học vấn dân trí nông thôn, đưa nước sạch về mọi nơi .,.thì người ta cứ kiên trì đường lối thời du kích. Điều đó giải thích tại sao phố xá xô bồ, giao thông hỗn loạn, ở Hà Nội người nói ngọng lên đến tầng lớp cao…
Một trong những “dư chấn” của não trạng chiến tranh du kích là mọi thứ nhất nhất phải được giữ bí mật, thậm chí thiên tai dịch bệnh cũng là những điều cần được giữ kín. Ngày nay bí mật được tháo gỡ nhiều nhưng vẫn còn những vị trí nhạy cảm mà báo chí không tiếp cận được. Ở những vị trí đó tiền lương, tiền thưởng, thu nhập cá nhân, ngân sách dành cho đơn vị….đều còn là những điều cấm kỵ. Người ta nghĩ rằng chỉ cần cơ quan có trách nhiệm nắm thông tin là được rồi, nhân dân không cần biết làm gì. Ai cũng thấy nếu không có thông tin thì việc chống tham những không tiến hành được, hơn nữa, các nhà nghiên cứu, các nhà sử học…rất cần thông tin để giúp cho hệ thống xã hội vận hành trôi chảy. Ở những nước Âu-Mỹ, cứ ba mươi hoặc bốn mươi năm, dân được tiếp cận với tài liệu lưu trữ. Ở ta gần như chưa ai nghĩ tới chuyện đó.
Rồi đến những “minh triết màu xám” đang hoành hành trong hệ tư tưởng của chúng ta. Không lúc nào chúng ta không gặp những lối nói dễ dãi – lectio facilior- kiểu Đạo đức kinh của Lão tử:
Hình vuông lớn không có góc
Âm thanh lớn là âm khe khẽ
Cảnh lớn không có dạng
….
Chẳng hạn hàng ngày ta thường gặp những kiểu lý luận như
A là A mà cũng không phải là A.
Hiện nay người ta không còn giữ các hợp tác xã nông nghiệp thời xưa nữa, việc cưỡng bách lập các hợp tác xã như vậy là không phù hợp với lòng dân, với thời cuộc. Nhưng những sách giáo khoa, sách lý luận vẫn nói rằng chủ trương hợp tác xã là đúng, nếu không có các hợp tác xã thì không có thắng lợi…Nếu bỗng dưng một ngày nào đó lập lại các hợp tác xã thì đó sẽ là một chủ trương đúng. Ngày trước chủ trương xóa bỏ tư hữu, tư sản, nông dân cá thể là đúng, nay tôn vinh doanh nhân, chủ trang trại, nông dân cá thể cũng đúng. Tóm lại “lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng” như bao đời nay dù thực tế lý đó sai mấy chăng nữa. Tôi không bao giờ sai lầm, nhưng cũng có lúc sai lầm! Y hệt như một người làm toán trên hai hệ tiên đề Euclide và Riemann hỗn hợp, có kết quả khi thì Euclide khi thì Riemann.
Ta lại có
A đúng nhưng điều trái với A (gọi là không-A) cũng đúng.
Mọi người đều biết hiện nay trong nền kinh tế thị trường, không một lý thuyết cũ nào áp dụng được nữa. Tuy nhiên trong các trường học, các môn kinh tế chính trị vẫn nguyên si thời “bao cấp”. Gần đây người ta được xem phim “Bí thư tỉnh ủy”. Thật cảm động khi thấy nước ta có những vị bí thư vì dân vì nước như vậy. Đó là một cán bộ kiệt xuất. Nhưng những người từng chỉ trích vị bí thư này, làm tình làm tội ông đủ điều vẫn được coi là những cán bộ kiệt xuất. Vậy A là kiệt xuất và không-A cũng là kiệt xuất.
Chuyện xấu không hề tồn tại (Làm gì có chuyện ấy?) là cách nhìn quá khứ trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Có những cá nhân bị xử lý oan sai trong những đợt “đấu tranh tư tưởng” nhưng trong các bài viết của giới tư tưởng hiện nay, họ được coi như không bị phiền hà gì cả.
“Minh triết màu xám” còn rất nhiều, người dân bình thường thiếu cảnh giác tưởng đó là những chân lý lịch sử, đã được thử thách. Thực ra đó là những món hàng dỏm, trôi nổi trên thị trường và làm rối loạn hệ thống vận hành chính thức. Sau đây là một số thí dụ không cần bình luận:
Cứ làm đi, rồi sai đâu sửa đấy, đó là tác phong dám nghĩ dám làm!
Thương trường là chiến trường.
vv….
Như Thầy Hoàng Tụy vạch rõ, thấy vấn đề đã khó, giải quyết vấn đề phức tạp hơn nhiều. Bởi lẽ, những khuyết tật của hệ thống gắn liền với những nhóm lợi ích đang cố tình bảo vệ hệ thống khuyết tật. Sửa lỗi hệ thống, tái cấu trúc hệ thống, làm sạch môi trường là những việc không tránh khỏi động chạm đến lợi ích của những nhóm ấy. Chỉ có áp lực mạnh mẽ của quần chúng, của các vị thức giả, của những người công tâm vì đất nước may ra mới làm cho tình hình chuyển biến.
Tôi thành tâm cáo lỗi với Thầy Hoàng Tụy vì bàn bạc về ý kiến của Thầy mà không trực tiếp tham khảo Thầy trước. Trong bài viết chắc chắn có những chỗ chưa đúng với ý của Thầy hay chưa thật thích đáng. Tôi mong Thầy và bạn bè xa gần khoan dung chỉ bảo.
HCM tháng 1/2012
Trương Quang Đệ
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 14-1-12
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét