Đầu tư và để dành
Trong quản lý kinh tế vĩ mô gần đây có nhiều ý kiến đề cao vai trò của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước. Hiệu quả sử dụng vốn của khu vực kinh tế này cho thấy đánh giá đó là chính xác
Hệ số tăng vốn - sản lượng (hệ số ICOR) phản ánh cần bao nhiêu đồng vốn tăng thêm để tạo ra một đơn vị tăng thêm của GDP. Dựa trên những số liệu thống kê mới nhất, bài viết này tập trung đưa ra kết quả tính toán hệ số ICOR cho 3 khu vực sở hữu để đánh giá khu vực nào sử dụng vốn hiệu quả nhất và khả năng tích lũy của nền kinh tế.
Ấn tượng khu vực kinh tế tư nhân
Xét cả 3 giai đoạn (2000 - 2006, 2006 - 2011 và 2000 - 2011), khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoạt động kém hiệu quả nhất về mặt sử dụng vốn. Trong cả giai đoạn 2000 - 2011, để tạo ra 1 đồng giá trị tăng thêm, khu vực này phải bỏ ra 10,13 đồng vốn. Xét trong giai đoạn 2006 - 2011, giá trị này phải là 17,42 đồng mới có được 1 đồng giá trị tăng thêm.
Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy FDI là khu vực có sự tăng trưởng chủ yếu dựa vào các yếu tố khác như tận dụng nguồn nhân lực phổ thông, giá rẻ; trong khi công nghệ chủ yếu là lạc hậu và đã khấu hao hết. Điều đặc biệt là khu vực này hầu như được các địa phương ưu ái về chính sách và ngân hàng tạo điều kiện về vốn.
Việc hiệu quả đầu tư của khu vực này thấp, một phần do các báo cáo lỗ và việc chuyển giá giữa các công ty mẹ - con với nhau dường như khá phổ biến. Điều này đẩy chi phí sản xuất lên cao và dĩ nhiên là lợi nhuận (theo báo cáo) sẽ nhỏ đi, thậm chí nhiều doanh nghiệp FDI báo lỗ (có thể thực sự họ vẫn lãi).
Xếp thứ 2 về mặt sử dụng vốn là khu vực Nhà nước. Trong cả giai đoạn 2000 - 2011, khu vực này bỏ ra 7,54 đồng để có được 1 đồng giá trị tăng thêm. Riêng trong giai đoạn 2006 - 2011, hiệu quả đầu tư vẫn tiếp tục giảm khi cần 7,98 đồng mới tạo ra được 1 đồng giá trị tăng thêm.
ICOR theo 3 khu vực sở hữu cho 3 giai đoạn từ năm 2000 - 2011
Trong năm 2011, thực hiện Nghị quyết 11/CP của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ về tình hình rà soát, cắt giảm và sắp xếp lại các nguồn vốn đầu tư Nhà nước. Theo đó, tổng số vốn đầu tư cắt giảm trong năm 2011 là khoảng 97.000 tỉ đồng, ước bằng 10% tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011. Tuy nhiên, vấn đề là kết quả thực hiện thực sự đạt được đến đâu, khi việc giảm vốn đầu tư rất khó. Hơn nữa, một dự án khi đã triển khai thì việc đình hoãn, dừng hay dãn tiến độ có thể sẽ kéo theo tác động tiêu cực như gây lãng phí, chi phí đầu tư - xây dựng tăng, lãi ngân hàng...
Ấn tượng nhất vẫn là khu vực kinh tế ngoài Nhà nước. Mặc dù trong giai đoạn vừa qua, khu vực này chịu tác động nhiều nhất của khủng hoảng kinh tế, chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ, lãi suất ngân hàng tăng, tiếp cận nguồn vốn vay khó khăn... nhưng hiệu quả sử dụng đồng vốn lại tốt nhất. Ngay cả trong giai đoạn 2006 - 2011, mức đầu tư để tạo ra 1 đồng giá trị tăng thêm của khu vực này cũng chỉ là 4,32 đồng. Với đóng góp GDP lên đến khoảng 50%, có thể thấy khu vực ngoài Nhà nước là đầu tàu kéo cả nền kinh tế dù không được ưu đãi về mặt chính sách so với khu vực doanh nghiệp Nhà nước và FDI.
Khoản để dành phải “chảy” vào sản xuất
Một vấn đề nữa cần đề cập là về ý niệm để dành của đất nước. Cần được hiểu để dành của quốc gia là khoản tiền dư ra của mọi thể chế sở hữu (dân cư, doanh nghiệp, Nhà nước). Đây là nguồn cơ bản để đầu tư ở thời kỳ tiếp theo.
Có 2 vấn đề cơ bản đối với nguồn lực này. Để dành của quốc gia giảm liên tục và nhanh trong thời gian từ năm 2006 - 2010. Nếu năm 2006, tỉ lệ để dành chiếm khoảng 36% GDP trong khi vốn đầu tư chiếm 41,5% GDP thì đến năm 2010, tỉ lệ để dành giảm còn 29% GDP trong khi lượng đầu tư vẫn chiếm 42% GDP. Như vậy, một điều dễ nhận thấy là muốn có tăng trưởng thì phải vay mượn từ nước ngoài và vấn đề đặt ra là phải sử dụng khoản vốn vay như thế nào cho hiệu quả để làm tăng để dành từ nội bộ nền kinh tế.
Với nguồn lực cơ bản để tái đầu tư là để dành ngày càng giảm sút thì việc ứng xử với nguồn tiền này trở thành một vấn đề lớn. Việc sáp nhập các ngân hàng không quan trọng bằng kỳ hạn giữa cho vay và đi vay. Với sự thiếu ổn định của nền kinh tế, hầu như người dân chỉ gửi tiết kiệm các khoản để dành của họ trong ngắn hạn, trong khi khu vực sản xuất lại cần vay vốn dài hạn.
Từ đó, việc mất cân đối giữa đi vay và cho vay dẫn đến thanh khoản trong ngân hàng căng thẳng. Như vậy, các khoản để dành của quốc gia từ khu vực dân cư và doanh nghiệp được sử dụng để đầu cơ chứ không đi vào sản xuất là rất nguy hiểm cho nền kinh tế.
Gỡ khó cho doanh nghiệp: Cần thực chất Đã có khá nhiều khẩu hiệu về tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng dường như chưa đạt được hiệu quả, trong khi các doanh nghiệp ngoài Nhà nước (không kể FDI) ngày càng khó khăn. Đặc biệt, trong năm 2011, với chính sách thắt chặt tiền tệ và lãi suất ngân hàng quá cao, các doanh nghiệp loại này vốn đã khó tiếp cận vốn nay khó khăn gấp bội. Vì vậy, không ít doanh nghiệp tư nhân đã giải thể, những doanh nghiệp còn lại phải gồng mình chống đỡ với hy vọng ngày mai tốt đẹp hơn. |
Bùi Trinh - Nguyễn Việt Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét