Keep tightening
Thắt chặt tiền tệ và phá giá có lợi cho xuất khẩu
Thắt chặt tiền tệ và phá giá có lợi cho xuất khẩu
Từ đầu năm tới giờ NHNN phải chịu khá nhiều "búa rìu" vì đã siết chặt chính sách tiền tệ và phá giá VND. Không chỉ một số nhà kinh tế supply-sider phản đối mà rất nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp cũng ca thán chính sách này. Không dừng lại ở việc phản đối trên báo chí, gần đây có vẻ một số hoạt động lobby đã được tung ra (vd tin này, tin này hay tin này) nhằm thuyết phục/gây sức ép thống đốc NHNN giảm bớt nhiệt huyết chống lạm phát.
Tuy nhiên dường như những biện pháp hà khắc của NHNN đã bắt đầu có tác dụng. Lạm phát chựng lại, nhập siêu giảm, sức ép tỷ giá USDVND cũng giảm, thậm chí lãi suất liên ngân hàng cũng có vẻ dịu xuống. Ngoài những sự kiện trên, TBKTSG có một bản tin nhỏ nhưng rất quan trọng mà có lẽ thống đốc NHNN nên viện dẫn để bảo vệ chính sách của mình.
Theo ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), xuất khẩu của toàn ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm tăng 30% so với cùng kỳ năm 2010. Tất nhiên đây là cố gắng rất lớn của các doanh nghiệp dệt may nhưng không thể không kể đến phần đóng góp của việc phá giá VND hơn 13% trong 12 tháng qua. Còn nhớ nhiều chuyên gia đã phản đối việc phá giá VND vì không chắc sẽ có lợi cho xuất khẩu và họ viện dẫn dệt may làm một ví dụ điển hình vì ngành này nhập khẩu phần lớn nguyên liệu đầu vào. Đúng là giá nguyên liệu đầu vào đã tăng, theo ông Trường "...trong đó bông tăng 103% về giá trị nhưng giảm gần 10% về lượng". Đối mặt với giá nguyên liệu nhập khẩu gia tăng, doanh nghiệp đã quay sang tìm các nguồn nguyên liệu khác rẻ hơn và đó là ... nguyên liệu nội địa. [lưu ý khái niệm elasticity of substitution nhé].
Quan trọng hơn, trong số $6.16 tỷ kim ngạch xuất khẩu dệt may có $2.1 tỷ xuất siêu. Nghĩa là hơn 30% giá trị xuất khẩu dệt may là value-added trong nước (là thành phần đóng góp vào tăng trưởng GDP). Nếu nhân con số này với tỷ lệ phá giá VND hơn 13% trong 12 tháng qua thì competitiveness của hàng dệt may từ VN đã tăng khoảng 4%, nghĩa là một doanh nghiệp may gia công có thể chào giá thấp hơn 4% so với năm ngoái chỉ nhờ tác động của phá giá. Tất nhiên không thể một sớm một chiều nội địa hóa toàn bộ số 70% nguyên liệu đầu vào, nhưng rõ ràng đưa VND về đúng giá trị thực sẽ khuyến khích các doanh nghiệp xuât khẩu quay về tìm nguồn cung cấp nội địa, và điều này đúng không chỉ với ngành dệt may.
Một thông tin khác từ ông Lê Tiến Trường là toàn ngành dệt may đạt lợi nhuận khoảng 1000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Mặc dù con số này nhỏ, nhưng trái với những lời phàn nàn lãi suất cao không doanh nghiệp nào chịu được, ít nhất ngành dệt may vẫn có lãi (tất nhiên không thể so với lợi nhuận của giới ngân hàng). Nếu nghi ngờ của tôi về tỷ lệ leverage của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của VN rất cao, dù số lợi nhuận tuyệt đối nhỏ nhưng nhân với leverage cao thì các ông chủ của những doanh nghiệp này vẫn có thể có ROE kha khá. Riêng Vinatex vẫn còn những dự án có return on capital lớn hơn 20%, nghĩa là ROE là 40% nếu họ vay ngân hàng 50% vốn đầu tư. Thống đốc NHNN không cần phải lo khi các doanh nghiệp tuyên bố lãi suất cao họ sẽ bỏ tiền vào tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng còn hơn.
Phá giá nội tệ và tăng mạnh lãi suất (cộng với thắt chặt chi tiêu công) là liều thuốc đắng nhưng cần thiết. Những nước láng giềng của VN đều đã uống liều thuốc này trong cuộc khủng hoảng tài chính 97-99, sau đó đã giữ đồng nội tệ undervalued trong một thời gian dài và đã đều có tăng trưởng rất ấn tượng. Mong cho thống đốc NHNN "chân cứng đá mền" không thả lỏng tiền tệ/tín dụng quá sớm.
Update: Ngành giầy dép cũng có kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2011 cao nhất trong lịch sử, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Update (22/7): Ông Lê Tiến Trường cho biết thêm "Ngành dệt may trở thành ngành công nghiệp chế biến có mức xuất siêu cao nhất cả nước."
-------------
- Trong phân tích thì NHNN có 3 biện pháp. 1 là phá giá VND, 2 là tăng lãi suất, 3 là thăt chặt chi tiêu công. Tuy nhiên, Biện pháp thứ 3 không phải là của NHNN mà là của Chinh Phủ nói chung. Tác dụng của phá giá làm tăng lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu thì đúng rồi nhưng liệu đây có phải nguyên nhân duy nhất khiến cho XK khởi sắc hay không thì chưa đủ. Em sẽ phân tích thêm sau
- Tác dụng của nâng lãi suất để chống lạm phát thì theo em là không phải. Lạm phát VN không phải gây ra do lãi suất thấp vì thực tế, mức trước kia là 8-12% cũng đâu có thấp đâu. Lạm phát của VN là hệ quả của việc chi tiêu công vô tội vạ và kém hiệu kéo dài suốt 2009 và 2010 trong khi sức hấp thụ của nền kinh tế quá yếu. Tiền chi tiêu công 1/3 phần chảy vào hạ tâng cơ sở và các dự án tương tự như 1000 thăng long trong khi 2/3 là vào túi riêng rồi lại chảy vào bất động sản làm cho BĐS là một ngành duy nhất đem lại siêu lợi nhuận trong các năm gần đây. Mà chi tiêu công làm gì có lãi suất (chi phí vốn thấp trừ chi phí chạy chọt) nên có tăng lãi suất ngân hàng bao nhiều cũng chăng giảm được chi tiêu công. Các ngân hàng thì cũng vào hùa cho vay hoặc trực tiếp bơm tiền đầu tư BĐS nhưng vì tỷ suất lợi nhuận BĐS cao nên dù có huy động cao vẫn OK. Hiện tượng càng tăng lãi suất càng lạm phát xảy ra. Điều này tạo ra một bubble và wealth effect giả tạo rất lớn khiến cho consumption market tăng mạnh, nhất là hàng nhập khẩu. Khi cả XH đầu tư BĐS thì ai SX ra sản phẩm nữa và để bù đắp thiếu hụt hàng hóa thì càng phải nhập khẩu nhiều hơn. Thâm hụt thương mại ngày càng rộng ăn hết FX reserve thì tự nhiên phải phá giá VND mà thôi. Lòng vòng một chút thì cũng lại thấy là việc phá giá cũng là việc buộc phải làm chứ NHNN cũng có plan được đâu.
- Bên cạnh việc phá giá làm tăng xuất khẩu thì thì theo em, tính self correction của nền kinh tế có vai trò lớn hơn nhiều. Ta có thể phân tích điều này dưới hai hướng: Thứ nhất,nâng lãi suất không giải quyết vấn đề bởi vì cả XH làm BĐS thì lãi suất cao vẫn cứ vay có sao đâu. Chính sách thắt chặt tín dụng BĐS mới là chuẩn bởi khi siêu lợi nhuận của BĐS không còn nữa thì siêu lợi nhuận của ngân hàng cũng mất đi, và dòng vốn, dòng nhân lực từ hai lĩnh vực này sẽ buộc phải trở lại các ngành SX vật chất. Nói một cách tài chính thì chi phí vốn của chủ doanh nghiệp đã giảm đi đáng kể (họ chấp nhận mức lợi nhuận kỳ vọng thấp hơn nhiều)nên dù chi phí lãi vay có tăng thì có khi WACC cũng không tăng. Chính vì vậy, dòng vốn quay trở lại ngành SXVC và các chủ doanh nghiệp cũng chuyên tâm hơn cho core biz của mình. Điển hình rõ nhất là các công ty cá, cao su, may mặc không còn đánh đu đầu tư BĐS nữa mà chú trọng hơn vào SX. Xem BCTC hoặc theo dõi đại hội cổ đông thấy rất rõ điều này. Thứ hai, do thiếu hụt hàng hóa trong nước, hết cả FX để nhập khẩu, phá giá VND làm cho giá nhập khẩu đắt nên hàng hóa trong nước có dip lấy lại thị phần, không chỉ xuất khẩu mà còn là thị trường nội địa. Vì thế, nếu các công ty SX chịu khó catering cho thị trường nội địa cũng rất thành công.
- @Tiendq: thực ra lobby là hành vi kinh tế bình thường của một nhóm lợi ích, quan trọng là giới làm chính sách phản ứng lại với hoạt động lobby thế nào thôi. @Nhat Nam: Em hiểu nhầm ý anh rồi, entry này chỉ ra một số bằng chứng phản bác lại những lập luận của giới supply siders (eg. Bùi Kiến Thành, Trần Hoàng Ngân) từ giữa năm ngoái cho rằng phá giá không giúp gì cho xuất khẩu và tăng lãi suất sẽ làm các doanh nghiệp phá sản. Anh cũng không nói NHNN có thể làm gì với chi tiêu công, đấy là địa phận của bác Ninh và bác Phúc. Em nói đúng là một nền kinh tế thị trường kiểu gì cũng sẽ seft correct, nhưng là hard landing hay soft landing phụ thuộc vào chính sách. Phá giá và nâng lãi suất trong hoàn cảnh của VN từ giữa 2010 là chính sách đúng của NHNN/chính phủ. Anh cũng đồng ý gốc rễ của vấn đề là chi tiêu công quá lớn và không hiệu quả, nhưng bên cạnh đó phải kể đến vai trò của capital inflow trong giai đoạn trước 2008. Anh cho rằng ngay cả nếu chính phủ chi tiêu thận trọng hơn thì real estate bubble vẫn có thể xảy ra và VN vẫn có thể bị overheated. Anh không bảo vệ cho chính phủ nhưng cũng không đồng tình với những ý kiến cho rằng chính phủ là nguyên nhân duy nhất của mọi vấn đề. Hơn nữa đây không phải là blame game mà là looking forward xem giải pháp là gì. Cái này anh đã nói rõ bên trên rồi: keep tightening (both monetary and fiscal).
- Có lẽ cũng nên bổ sung một thông tin nhỏ nhưng tác động không nhỏ đến kết quả của nhóm Dệt may/ Da giày của Việt nam, đó là sự dịch chuyển của các đơn hàng từ các nhà nhập khẩu lớn của Mỹ-EU từ các nước khác sang Việt nam trong thời gian 2009 trở lại đây, phát nguồn từ chi phí sản xuất gia tăng tại các thị trường gia công do tăng lương bình quân, do tốc độ trượt tỷ giá bất lợi tại các khu vực gia công truyền thống, nhờ đó Việt nam có lợi thế cạnh tranh. Ví dụ-theo quan sát chủ quan của tôi, lượng hàng GAP/Nike/Addidas đặt VN gia công gia tăng đáng kể trong thời gian qua. Tuy nhiên, các đơn hàng có thể chuyển dịch sang các nước khác nếu nền công nghiệp nguyên liệu và năng lượng không bảo đảm ưu thế dài hạn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét