Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Hoa Kỳ - Siêu Cường Mắc Nợ

Hoa Kỳ - Siêu Cường Mắc Nợ

Thanh Hà và Nguyễn Xuân Nghĩa - RFI Ngày 20110426
Nguyên nhân và hậu quả của việc Standard & Poor's đánh sụt mức tín nhiệm của giấy nợ Hoa Kỳ....


Mùng năm tháng Tư 2011 vừa qua, Dân biểu Paul Ryan Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện bên đảng Cộng Hoà đề nghị một kế hoạch chấn chỉnh chi thu của nước Mỹ, với chỉ tiêu giảm mức bội chi hơn sáu ngàn tỷ đô la trong 10 tới để hy vọng tái lập quân bình ngân sách vào năm 2040.

Qua ngày 13, Tổng thống Barack Obama đưa ra đề nghị của mình, với chỉ tiêu giảm chi khoảng 4.000 tỷ Mỹ kim trong 12 năm, và những lời công kích khá ác liệt dành cho đối lập Cộng Hoà. Nội dung chính của hai chương trình thật ra vẫn xoay quanh vấn đề nghiêm trọng là Hoa Kỳ bị bội chi quá nặng và mắc nợ quá nhiều mà chưa thấy có giải pháp ứng phó rõ rệt.
Kính thưa quý thính giả, giữa thời điểm ấy, doanh nghiệp lượng giá trái phiếu là Standard & Poor's đã nhập cuộc và đưa ra quan điểm của mình. Ngày 18 vừa qua, công ty này công bố kết quả khảo sát mà họ tự động và độc lập tiến hành không do yêu cầu của Chính quyền Mỹ.

Kết quả ấy làm thị trường chứng khoán Mỹ tuột giá mạnh trong ngày Thứ Hai 18 vì đánh hạ mức độ đáng tin cậy của trái phiếu Hoa Kỳ từ hạng "ổn định" xuống hạng "tiêu cực". Standard & Poor's còn dự báo rằng nước Mỹ chỉ còn hai năm trước mặt để chấn chỉnh lại việc chi thu trước khi có thể còn bị xuống cấp nữa! 

Vì sao nước Mỹ lại mắc nợ như vậy là một vấn đề. Nhưng vì sao một doanh nghiệp tư nhân lại có thể đưa ra những phê phán nghiêm trọng như vậy về hệ thống tài chính công quyền của Mỹ là một vấn đề khác cũng rất đáng chú ý. 


Thanh Hà của đài Phát thanh Quốc tế Pháp RFI nêu câu hỏi cho chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa tại Hoa Kỳ, xin mời quý thính giả theo dõi sau đây....

Thanh Hà: Xin kính chào anh Nghĩa. Hôm Thứ Hai 18 Tháng Tư vừa qua, Doanh nghiệp Hoa Kỳ chuyên về lượng giá trái phiếu và lượng cấp tín dụng là Standard & Poor's bỗng dưng như tung một trái bom vào giữa cuộc tranh luận về ngân sách của chính trường Mỹ khi đánh sụt đẳng cấp trái phiếu Hoa Kỳ từ hạng ổn định xuống hạng tiêu cực. Xin anh trình bày sơ khởi là việc đánh sụt hạng như vậy có nghĩa là gì,  trước khi chúng ta tìm hiểu tại sao.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Standard and Poor's, mà ta sẽ gọi tắt là S&P, thường đánh giá trái phiếu theo hai chục cấp cao thấp khác nhau và cao nhất là hạng "AAA", trường hợp của loại trái phiếu đáng tin nhất. Hôm 18, S&P hạ công khố phiếu dài hạn của Mỹ xuống một nấc của loại "AAA", từ "ổn định" xuống "tiêu cực", và công khố phiếu ngắn hạn của Mỹ cũng bị hạ tới cấp gọi là "A-1+". Tức là doanh nghiệp tư nhân này vừa có lời phê phán nghiêm khắc về tình trạng nợ nần của Hoa Kỳ. Công ty còn thông báo là trong hai năm tới, công khố phiếu Mỹ có thể tuột hạng nữa, với xác suất rủi ro là một trên ba, nếu Chính quyền không sớm thực thi việc chấn chỉnh.

Thanh Hà: Chúng ta biết rằng nước Mỹ đang mắc nợ, nhưng tình trạng nợ nần ra sao mà để một doanh nghiệp tư nhân đưa ra lời phán xét nghiêm trọng như vậy?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Cho dễ nhớ về một chuyện phức tạp, xin hãy tạm hiểu như thế này.

- Chính quyền Liên bang Hoa Kỳ có gánh nặng gọi là "công trái", là nợ nần của quốc gia, gồm hai khoản: thứ nhất là nợ công chúng ở trong và ngoài nước Mỹ; thứ hai là nợ các cơ quan công quyền với nhau, thí dụ như nợ của quỹ An sinh Xã hội. Tổng cộng lại và tính đến cuối tháng Ba vừa qua thì khoản công trái này lên tới hơn 14 ngàn tỷ đô la. So với Tổng sản lượng Nội địa GDP thì lên tới hơn 97%. So với các nước khác thì đứng hạng thứ 12 của các nước mắc nợ nhiều nhất.

- Chuyện thứ hai là về thời gian thì mức độ nợ nần ấy đã gia tăng mãnh liệt trong mấy năm qua. Từ khoảng 500 tỷ một năm vào năm 2003, gánh nợ nần đã tăng gấp đôi vào năm 2008 và gấp bốn vào năm 2009, qua năm 2010 thì là một ngàn bảy trăm tỷ đô la. Tình trạng gọi là nợ nần gia tốc ấy khiến công ty S&P phải lên tiếng báo động, dù chẳng ai khiến!

Thanh Hà: Có dư luận cho là công ty Standard & Poor's này nhảy vào cuộc tranh luận chính trị vì mục tiêu chính trị, thưa anh, điều ấy có đúng không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa hiển nhiên là đúng và bản thân tôi còn mừng khi một cơ sở tư nhân có thể nhảy vào cuộc như vậy!

- Trước hết, hôm mùng năm Tháng Tư, đảng Cộng Hoà nêu đề nghị chấn chỉnh của Dân biểu Paul Ryan, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện; 10 ngày sau, đề nghị này được Hạ viện đồng ý với đa số phiếu Cộng Hoà. Ngày 13, Tổng thống Obama đưa ra đề nghị khác với dị biệt quá lớn và khó dung hợp giữa hai đảng. Khi S&P tiến hành việc khảo sát và sắp công bố kết quả thì Phủ Tổng thống tìm cách ngăn chặn mà không được, nên ban tham mưu của ông Obama mới đả kích lời phán đoán của S&P là có dụng ý chính trị. Dụng ý ở đây thật ra là nói lên sự thật để các chính khách đừng bịp dân nữa mà có quyết định trách nhiệm hơn với việc chi thu công quỹ.

Thanh Hà: Như vậy, mục đích của Standard & Poor's là gây mối quan tâm trong dư luận. Nhưng họ phê phán những gì và khuyến cáo những gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Câu chuyện này khá ly kỳ dù có hơi chuyên môn một chút.

- Công ty S&P cho rằng Hoa Kỳ có một số ưu điểm và lợi thế so sánh với các quốc gia có cùng  đẳng cấp trái phiếu là ba chữ A (AAA), như Anh, Pháp, Đức hay Canada. Ưu điểm là sự linh động của thị trường, vai trò rất lớn của tư doanh, tính chất đa năng đa diện của nền kinh tế và thành tích đáng tin của chính sách tiền tệ. Lợi thế là vai trò ngoại tệ dự trữ của đồng Mỹ kim, đơn vị tiền tệ có sức phổ biến cao nhất, rộng nhất. Nhưng, với ưu điểm và lợi thế ấy, chính sách công chi thu của nước Mỹ cứ sa sút dần từ một chục năm nay và còn tệ hại hơn nữa trong hai năm qua sau khi đã bị khủng hoảng tài chính. Tình trạng sa sút ấy lại chưa có hướng chấm dứt và giới lãnh đạo chưa đạt thỏa thuận về một chiến lược chấn chỉnh.

- Lạc quan mà nói thì nếu có đạt nổi đồng thuận ngay bây giờ, việc chấn chỉnh ấy chỉ hy vọng thành hình trong trường kỳ, tức là lâu dài, với rất nhiều bất trắc từ nay đến đó khi Quốc hội đi vào áp dụng. Huống hồ là vì không có nổi sự thoả thuận quá cần thiết ngay bây giờ, chính trường Hoa Kỳ sẽ gây họa cho thị trường sau này.

- Thí dụ hay kịch bản hoặc dự phóng mà công ty S&P nêu ra thì có rất nhiều, từ các khoản chi bắt buộc cho quỹ An sinh Xã hội, quỹ y tế Medicare cho người già và Medicaid cho người nghèo sẽ là gánh nặng ngân sách dẫn tới phá sản, đến việc nợ nần nước ngoài sẽ bằng 300% số thu nhập của cán cân vãng lai khiến nước Mỹ sẽ là khách nợ lớn nhất trong các nước được xếp loại "AAA". Hoặc tiền lời của khoản công trái hay yêu cầu chấn chỉnh hai doanh nghiệp bán công là Fannie Mae và Freddy Mac sẽ còn là một gánh nợ hết sức nguy ngập sau này.

- Về các khuyến cáo, công ty S&P nêu thí dụ của các nước khác. Năm 2009, Anh bị suy trầm nặng gấp đôi Hoa Kỳ và nhất thời bị đánh sụt đẳng cấp công trái nhưng từ tháng Sáu năm ngoái, Anh thắt lưng buộc bụng và chấn chỉnh công chi thu để giảm dần bội chi. Chương trình kinh tế khắc khổ của Pháp cũng có triển vọng trung hạn sáng sủa hơn nước Mỹ dù Pháp không bị bội chi nặng như Anh và Mỹ. Đức cũng bị suy trầm nặng như Anh quốc nhưng ngay từ năm 2009 đã viện dẫn Hiến pháp để hạn chế bội chi ngân sách và thực tế thì đã đưa mức bội chi về mức 3% của Tổng sản lượng GDP từ năm ngoái. Nói chung, lời cảnh báo của S&P cho thấy các nước kia đã có quyết tâm cao hơn Hoa Kỳ và là gương sáng cho nước Mỹ!

Thanh Hà: Như vậy, thưa anh liệu Hoa Kỳ có theo xu hướng tiết giảm công trái như các nước kia không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi e rằng chưa và nay mai sẽ còn nhiều màn đánh bùn sang ao rất bẩn!

- Từ tháng 10 năm ngoái tôi có dự báo ngược rằng nước Mỹ sẽ còn bị khủng hoảng một trận nữa vào năm 2012 này vì đặc tính vô trách nhiệm của các chính khách, nhất là trong đảng Dân Chủ với thuộc tính mị dân cao độ. Đảng Cộng Hoà còn dám liều lĩnh nói tới một rủi ro chính trị của họ là tiết giảm và cải tổ chế độ phúc lợi của Medicare và Medicaid mà bị xuyên tạc là bóc lột dân nghèo và người già để giảm thuế cho bọn nhà giàu - là điều không đúng hẳn với đề nghị của đảng này. Chứ bên đảng Dân Chủ thì chỉ nhìn vào mục tiêu tranh cử ngắn hạn mà hứa hẹn lung tung nên mới phản ứng mạnh với lời cảnh báo của Standard & Poor's.

Thanh Hà: Nhưng nếu anh dự đoán bi quan như vậy thì kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng thế nào?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng Hoa Kỳ không thể nào là một siêu cường kinh tế với các chính khách vô trách nhiệm như vậy.

- Nước Mỹ đang vay mượn quá khả năng hoàn trái và tùy thuộc vào thành phần... bỏ phiếu bằng tiền, bằng trái phiếu. Đó là giới đầu tư hay các quốc gia sẽ mua Công khố phiếu của Mỹ để kiếm lời. Họ chỉ cho vay khi có phân lời (yield) đủ cao, mà phân lời ấy chính là lãi suất dài hạn trên thị trường tín dụng. Khi Hoa Kỳ tiếp tục tăng chi và mắc nợ thì kỳ vọng kiếm lời của "bọn xấu xa đi buôn trái phiếu" - chữ của Tổng thống Bill Clinton năm 1993 - phải suy giảm, nghĩa là họ cho vay khó hơn. Và sau này Chính quyền Mỹ đi vay đắt hơn, với lãi suất cao hơn.

- Lãi suất gia tăng những năm sau này sẽ khiến kinh tế Mỹ khó tăng trưởng mạnh và nếu tiền thuế thu được thì chỉ đủ trả tiền lời đi vay thì cả xã hội chứ không chỉ kinh tế mới sa sút. Trong lịch sử cận đại, Hoa Kỳ đã từng gặp trường hợp tránh né sự thật và đánh bùn sang ao như vậy.

- Năm 1932, Chính quyền Dân Chủ của Franklin Roosevelt đắc cử mà không dám giải quyết vấn đề thật và còn làm cơn khủng hoảng lan rộng kéo dài, thực tế chỉ chấm dứt... nhờ Đại chiến năm 1939.

- Thí dụ thứ hai là Tháng Tám năm 1971, Chính quyền Cộng Hoà của Richard Nixon cũng đã quịt nợ thiên hạ với quyết định thả nổi đồng Mỹ kim - thực tế khai tử hệ thống tiền tệ quốc tế do Mỹ lập ra sau Thế chiến II - và còn ban hành biện pháp kiểm soát vật giá và lương bổng. Lý do của trò khoả lấp vấn đề thật là để tái tranh cử năm 1972. Nixon tái đắc cử vẻ vang nhưng lạm phát và thất nghiệp đã là cơn hỏa hoạn oan uổng cho người dân sau đó. 

- Suy từ kinh nghiệm ngày xưa và nhu cầu mị dân để tranh cử ngày nay, người ta nên chờ đợi một vụ hoạn nạn kinh tế nữa vào năm 2012 và nước Mỹ chỉ trưởng thành sau một đổi thay chính trị năm 2013 với kết quả chỉ thấy khá lâu sau đó. Có lẽ đấy là lời cảnh báo đáng chú ý nhất của Standard & Poor's.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét