Thứ Ba, 16 tháng 8, 2011

Đời sống người Việt xứ Chùa Tháp

Đời sống người Việt xứ Chùa Tháp


AFP photo: Một trẻ Campuchia gốc Việt đang đẩy một xe
thu lượm ve chai ở Phnom Penh hôm 12/6/2011

Quốc Việt, 2011-08-15. Những Việt Kiều sống ở ngoài nước không phải có hoàn cảnh kinh tế, tài chính và tình trạng hội nhập giống nhau, đặc biệt là những người Việt sống ở Campuchia. Cái khác biệt nhất là tình trạng sống và mức sống kinh tế của họ, mặc dù họ là những người nhập cư lậu hay có giấy tờ hợp pháp, nhất là những khó khăn về lĩnh vực học hành của con cái họ.

Kinh tế khó khăn


Theo báo cáo của các Hiệp Hội Việt Nam tại Campuchia, đến thời điểm này đã có hơn khoảng 300 ngàn người Việt sinh sống và làm ăn tại đất xứ Chùa Tháp. Phần lớn cộng đồng người Việt đều có giấy tờ hợp pháp nhưng cũng có rất nhiều người là những người nhập cư lậu, không thẻ căn cước, khai sinh hay giấy tờ hợp pháp. Họ sinh sống bằng nghề đánh cá, bán hàng, mua ve chai, chạy xe ôm mà cũng có nhiều người làm ăn thành đạt làm chủ đại lý, Giám đốc công ty tại xứ này. Tại khu vực dân cư gần con cầu vượt sông tên bản địa là Chba Ompov nhưng vì con đường này nối liền về đường TP. Hồ Chí Minh nên cộng đồng người Việt sinh sống ở đây lâu năm đã gọi tên là cầu Sài Gòn.

Khu vực này đã có hơn khoảng 2 ngàn người Việt tụ lại thành xóm nhưng đa số người Việt ở xóm cầu này đều phải thuê nhà. Họ sống bằng nghề đánh cá, đi làm mướn, mua ve chai, bán hàng trên vỉa hè, mở quán theo kiểu người Việt bán vặt không khác gì ở Việt Nam. Tuy nhiên, con cái của họ vẫn không được cấp sách đến trường vì lý do điều kiện kinh tế gia đình.



Bà Nguyễn Thị Ba, Việt Kiều sống ở cầu Sài Gòn hơn 10 năm với đời sống chủ yếu vào nghề đánh cá và bán hàng chút đỉnh trên vỉa hè cho biết gia đình bà sống bằng nghề đánh cá nhưng bây giờ chính quyền đã cấm vì mùa thủy sản sinh sôi nên đời sống kinh tế trở nên chật vật. Sau đó, bà quyết định quay sang nghề bán hàng trên vỉa hè.

Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Ba, trong một ngày như vậy bà có thể kiếm được 5 USD tương đương khoảng 100 ngàn đồng, muốn đổi nghề để kiếm được nhiều đồng tiền hơn nhưng không dễ.

Trong khi đó, hai đứa con của bà cũng buộc phải đi làm mướn cho người hàng xóm để cung cấp thêm gia đình và chuẩn bị thủ tục hợp pháp sống tại Campuchia.

Phải đóng tiền học vì...


000_SAPA990328356730-250.jpg
Một bé gái Campuchia (T) và một bé gái VN (P) tại một nmgôi làng ở Phnom Penh. AFP photo
Bà Nguyễn Thị Ba cho biết, mặc dù Đại sứ quán Việt Nam và Hội người Việt Nam có mở trường học cho Việt Kiều tại thủ đô Phnom Penh, tuy nhiên đa số người dân trong xóm cầu Sài Gòn không khả năng đưa con cái đến trường.

Việc này được bà Ba giải thích rằng thứ nhất là vì tình trạng sống và mức sống kinh tế gặp khó khăn. Thứ hai, trường học ở xa làng xóm và thứ ba cũng không biết học để làm gì trong khi một quý học, trường buộc phải đóng học phí từ 10 USD – 15 USD. Bà cho biết thêm:

“Đối với những dân nghèo như tụi tui thì không thể nào có khả năng cho con học tiếp. Bây giờ điều kiện làm ăn khó khăn mà nhà trường bắt đóng lệ phí một lần tới ba quý (trường của Hội người Việt Nam thành lập).

Còn đối với trường của Campuchia thì dân Campuchia dạy miễn phí, con mình cũng được học chút đỉnh. Những em nhỏ, với điều kiện nhỏ nhất mới được đi học, còn chừng khoảng 10 tuổi hay mười mấy tuổi thì phải đi lao động rồi. Đi làm mua ve chai, làm mướn…”

Thầy giáo Nguyễn Minh Luân, người đang dạy tại trường học Việt Nam trên biển hồ tỉnh Siem Reap của Vương quốc Campuchia cho biết đã có hơn 2 ngàn hộ gia đình người Việt đã đến đây sinh sống từ lâu, đời này sang đời khác. Phần lớn họ không có thẻ căn cước, nhập cư bất hợp pháp.

Hơn nữa họ không có giấy tờ tùy thân cho nên họ không thể lên bờ tìm việc làm thêm.

Theo thầy giáo Nguyễn Minh Luân, đến thời điểm này trường học Việt Nam trên biển hồ mở bốn lớp học tức là từ lớp một đến lớp bốn. Có hơn 300 học sinh đang theo học, có 3 giáo viện tự nguyện từ Việt Nam. Đời sống kinh tế của dân ở đây rất nghèo như những căn nhà vá chùm vá đụp bằng tôn hay ván.

Đối với những dân nghèo như tụi tui thì không thể nào có khả năng cho con học tiếp. Bây giờ điều kiện làm ăn khó khăn mà nhà trường bắt đóng lệ phí một lần tới ba quý.
Bà Nguyễn Thị Ba

Thầy giáo Nguyễn Minh Luân nói:

“Sống ở đây không có giấy tờ gì nhưng họ vẫn sống bình thường. Nếu có tiền mình muốn mở mua bán cái này cái kia, thì họ cũng cho mở. Nó không đuổi đi, chỉ là có tiền cứ sống đi, sống bình thường. Nó không có đàn áp gì, nó cho mình sống tự do lắm.

Đa số họ làm ăn ở khu vực xung quanh biển này không. Vì ra ngoài kinh tế, họ không có. Họ chỉ biết đánh bắt cá bán lấy tiền. Ngoài nghề này thì họ không có.”

...thiếu nguồn tài trợ


Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Vương quốc Campuchia ông Châu Văn Chi cho hay đã có 24 chi nhánh Hội người Việt Nam tại 24 tỉnh thành của Campuchia, với hai trường học tiếng Việt – Khmer ở thủ đô Phnom Penh và một số tỉnh khác như tỉnh Kampong Chhnang và tỉnh Siem Reap.

Cho đến thời điểm này Hội đã có hơn 5 ngàn Hội viên trên toàn quốc. Theo ông Châu Văn Chi, đối với cộng đồng Việt Kiều sống tại thủ đô Phnom Penh thì họ làm nghề kinh doanh, xây dựng; còn những người sống trên biển hồ thì chủ yếu dựa vào nghề đánh cá. Hội người Việt Nam có trách nhiệm tuyên truyền vận động cộng đồng người Việt tôn trọng luật pháp, đồng thời giúp đỡ bà con khi gặp khó khăn.

000_Hkg5186583-250.jpg
Cảnh mua bán ở Campuchia hôm 04/8/2011. AFP photo
Liên quan vấn đề học phí nói trên, ông Châu Văn Chi khẳng định rằng Hội người Việt Nam cũng như Ban Giám hiệu trường không có chủ trương buộc bà con Việt Kiều tại đây đóng học phí, tuy nhiên vì chưa có nguồn tài trợ để hỗ trợ cho giáo viên nên bà con phải có trách nhiệm đóng góp. Ông nói:

“Theo điều kiện hiện nay, Hội ta chưa có nguồn tài trợ để hỗ trợ cho giáo viên thì như vậy con em Việt Kiều chúng ta có trách nhiệm đóng một khoản kinh phí để giúp cho giáo viên một khoản kinh phí giảng dạy con em. Nhưng riêng trường hợp những gia đình nghèo gặp khó khăn thì Hội ta sẽ miễn học phí.

Tất nhiên mình không phân biệt là Hội viên hay không vì theo chủ trương của Hội là muốn làm sao để giúp đỡ cho con em đồng bào người Việt chúng ta biết chữ Việt, chữ Khmer. Để làm sao mà các cháu lớn lên có thể hòa đồng vào xã hội, cộng đồng Campuchia.”

Phản ứng trước lời giải thích của Chủ tịch Hội người Việt Nam, bà Nguyễn Thị Ba nói rằng bà con người Việt sống ở khu vực cầu Sài Gòn, và nhiều khu vực khác trên biển hồ vẫn gặp khó khăn. Thậm chí chưa thấy Hội Việt Kiều quan tâm và đến giúp đỡ họ. Do đó, bà muốn được sự quan tâm nhiều hơn. Bà nói:

Hội ta chưa có nguồn tài trợ để hỗ trợ cho giáo viên thì như vậy con em Việt Kiều chúng ta có trách nhiệm đóng một khoản kinh phí để giúp cho giáo viên một khoản kinh phí giảng dạy con em.
Ông Châu Văn Chi

“Tôi xin nói với mấy ông Đại sứ quán và Chi Hội là hãy dòm dùm những cuộc sống của những người dân nghèo chút đỉnh. Ông hãy coi những các ông trực tiếp tổ, ấp địa phương. Không bao giờ nó xin lỗi anh với những chuyện uất hiếp người Việt Nam mình không bao giờ mấy ông có mặt đâu. Chỉ khi nào có quyền lợi mới mấy ông có mặt.

Nếu mà nói về đòi hỏi cuộc sống thì không thể nào đòi hỏi được, tại vì số dân nó đông. Sinh hoạt cuộc sống thì mình phải tự lo, mình không đòi hỏi các ông lo. Nhưng xin mấy ông lo mặt giấy tờ hoặc có những cái uất hiếp ở trên Campuchia thì ông nên để ý cho dân Việt Kiều mình.”

Mặc dù cộng đồng người Việt sống tại xứ Chùa Tháp gặp khó khăn, thiếu thốn, sống bất hợp pháp, có nhiều gia đình phải xin ăn, thậm chí họ vẫn bị kỳ thị tại đây, nhưng số lượng người Việt vẫn tăng lên trong khi mỗi năm có hàng chục ngàn người Campuchia xuất khẩu lao động sang các nước láng giềng. 

------ Một số nhận xét trong bài mang tính chính trị đã bị cắt bỏ. Xin lỗi tác giả

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét