Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Lịch sử và chân thực: Diễn biến quan hệ Trung-Việt trước năm 1949

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM

Tài liệu tham khảo đặc biệt
Chủ Nhật, ngày 21/08/2011
LOẠT BÀI VỀ “CÂU CHUYỆN KHÔNG THỂ
KHÔNG NÓI” GIỮA TRUNG QUỐC VÀ VIỆT NAM
Lưu ý: Tài liệu này để tham khảo cách nhìn của TQ.
Nhiều quan điểm phía Trung Quốc nêu ra trong bài này không đúng,

TTXVN (Bắc Kinh 31/7)

Trong bối cảnh đang có sự tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến vấn đề Biển Đông, tạp chí “Tri thức thế giới” dưới quyền chủ quản của Bộ Ngoại giao Trung Quốc số 14 ra ngày 16/07/2011 có loạt bài viết trong một chủ đề lớn: “Việt Nam – Câu chuyện không thể không nói”, đề cập đến nhiều vấn đề lớn trong quan hệ giữa hai nước từ thời truyền thuyết, qua các thời kỳ lịch sử đầy biến số cho đến hiện trạng quan hệ như đang diễn ra ngày nay. Dưới đây là những bài viết trong loạt bài nói trên:



Bài I

Lịch sử và chân thực: Diễn biến quan hệ Trung-Việt trước năm 1949

(Tác giả Tôn Hồng Niên, Nghiên cứu viên thuộc Trung tâm nghiên cứu sử địa biên giới, Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc)



Việt Nam và Trung Quốc không chỉ có truyền thuyết giống nhau về “Hậu duệ của Rồng” và “con Rồng cháu Tiên”, mà lịch sử Việt Nam còn liên quan chặt chẽ với Trung Quốc, văn hoá và chế độ của Việt Nam cũng gần gũi và thông dòng chảy với Trung Quốc, đến hai chữ “Việt Nam” cũng do Hoàng đế Gia Khánh xác định, thời kỳ cận đại lại càng có quan hệ hữu nghị chiến đấu chống lại ách xâm lược của các cường quốc tư bản phương Tây… Nhưng, đến nay không ít người Việt Nam đã không biết rõ sự thực này, hơn nữa còn coi việc đề phòng “kẻ thù phương Bắc” như là nội dung giáo dục quốc dân. Gần đây có không ít người còn trương lên khẩu hiệu “Láng giềng Trung Quốc: Xác to, tâm địa độc ác”. Vậy thực chất quan hệ  Trung-Việt là gì? Bài viết bắt đầu từ một truyền thuyết đẹp cho đến trước khi Nước CHND Trung Hoa thành lập năm 1949.


1/ Truyền thuyết đẹp và những cách hiểu khác nhau

Người Trung Quốc tự xưng là “Hậu duệ của Rồng”. Từ thời cổ đại Trung Quốc đã có truyền thuyết Thần Nông, các đời vua Nghiêu, Thuấn, Vũ đều đã tuần thú đến “Giao chỉ”. Đến thời nhà Chu chế định Lễ Nhạc, thiên hạ thái bình, cả bộ lạc “Việt Thường Thị” ở phía Nam “Giao Chỉ” cũng chịu ảnh hưởng, sai sứ giả đến đo thành nhà Chu cống chim trĩ trắng, còn nói do đường xa, ngôn ngữ bất đồng phải có phiên dịch nên vất vả lắm mới đến được tới nơi. Dưới con mắt của người Trung Quốc lúc đó và sau này, “Giao Chỉ” và “Việt Thường Thị” ở đây đều có ý chỉ phương Nam chứ không thể hiện riêng một khu vực nào. Các truyền thuyết này cũng cho thấy từ thời đại truyền thuyết đến thời Tây Chu, Trung Quốc đã có quan hệ hoà bình hữu hảo với bộ tộc ở phương Nam xa xôi.

Người Việt Nam cũng tự xưng là “con Rồng cháu Tiên”, cũng có chuyện thần thoại giống như Trung Quốc, vấn đề chỉ là sau thế kỷ 13, 14 sau Công nguyên, người Việt Nam mới có sử sách ghi bằng chữ Hán, trong đó có ghi truyền thuyết cháu đời thứ ba của Thần Nông là Đế Minh tuần thú phương Nam, đến Ngũ Lĩnh gặp một tiên nữ, lấy nhau, sinh ra Lộc Tục, phong Lộc Tục làm vua cai trị đất phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương cai trị vùng đất rộng, “Bắc đến Động Đình, Tây đến Ba Thục”, Kinh Dương Vương lấy con gái của Long Quân ở Động Đình, sinh ra Sùng Lãm. Sau khi kế vị, Sùng Lãm xưng là Lạc Long Quân và lấy Âu Cơ, một lần sinh ra 100 người con trai, lại nói với Âu Cơ rằng ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên như nước với lửa nên đã dẫn 50 người con theo mình xuống Nam Hải, còn lại 50 người con theo mẹ lên núi. Lạc Long Quân còn phong con trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng là “Hùng Vương”. Thời đại Hùng Vương phân thành 15 bộ, bị “giặc Ân” xâm chiếm… Đến đời Hùng Vương thứ 18, “vua Thục” đã thôn tính “nước Văn Lang” lập nên “nước Âu Việt”. Tần Thuỷ Hoàng lại sai quân diệt bộ tộc Bách Việt và “nước Âu Việt”, lập thành Nam Hải, Quế Lâm, Tượng Quận.

Thần thoại theo cách ghi của Việt Nam thế kỷ thứ 15 một mặt đã xác định người Việt Nam là hậu duệ của Thần Nông, là “con Rồng cháu Tiên”, đã tìm được kiểm kết hợp đồng căn đồng chủng (cùng gốc cùng loài) với người Trung Quốc, mặt khác lại đưa thêm vào “nội dung mới” không hề nhẹ nhàng thoải mái, nhất là các nội dung như “nước Văn Lang” đánh đuổi “giặc Ân”, “Thục Vương” diệt “nước Văn Lang” lập nên “nước Âu Việt”, nhà Tần diệt “nước Âu Việt” thiết lập quận huyện. Những nội dung mới như vậy liệu có đáng tin cậy hay không? Thế kỷ thứ 19 có nhà sử học của Nhà nước Việt Nam đã chỉ rõ, cái gọi là “Tây đến Ba Thục, Bắc đến Động đình” ở thời đại “nước Văn Lang” là cách nói khoác lác, câu chuyện về Thục Vương cũng là hư cấu. Ở thế kỷ trước, các học giả về khảo cổ học, lịch sử học Trung Quốc và nước ngoài trong đó có cả học giả Việt Nam đã tiếp tục nêu thắc mắc về những truyền thuyết nói trên của Việt Nam. Mọi người còn chú ý thấy rằng lịch sử xác thực của Việt Nam có căn cứ để tra cứu không sớm hơn thời nhà Tần, “nước Văn Lang”, “nước Âu Việt” chỉ là sự phản ánh tình hình trong thời kỳ bộ lạc nguyên thuỷ của người Lạc Việt cổ đại, những “nội dung mới” này chỉ là những ghi chép lấy ra từ trong các tư liệu lịch sử của Trung Quốc và một số nội dung trong các truyền thuyết như “Liễu Nghị truyện thư” thời nhà Đường rồi thay đổi, biên soạn lại mà thành, từ sau thế kỷ thứ 13 các triều đại vua ở Việt Nam muốn đề cao tính tự tôn dân tộc nên đã không ngừng củng cố và làm phong phú thêm. Mọi người có thể lý giải được tầm quan trọng của lòng tự trọng đối với một dân tộc, nhưng đồng thời lại càng lo: Nếu coi những “nội dung mới” được hư cấu như vậy là sực thực lịch sử dùng để giáo dục quốc dân, sẽ chỉ có thể khiến cho họ (người VN) cho rằng từ hơn 4.000 năm trước đây Việt Nam đã bị “giặc Ân”, “vua Thục” và nhà Tần “xâm lược”, lúc nào cũng phải đề phòng “kẻ thù phương Bắc”, nếu như vậy thì sẽ phải làm thế nào để cho Trung Quốc và Việt Nam đời đời chung sống hữu hảo, trở thành “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” của nhau được?

2/ Từ thời đại quận huyện đến quan hệ tông phiên

Sau khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Quốc, bình định vùng đất Lĩnh Nam thiết lập chế độ quận huyện ở đó cho đến thế kỷ thứ 10 sau CN, Việt Nam luôn là quận huyện của Trung Quốc, thời kỳ này được gọi là “thời kỳ Bắc thuộc” hay là “thời đại quận huyện”. Trong hơn 1.000 năm nói trên các triều đại Trung Quốc ở Trung Nguyên và chính quyền mang tính địa phương ở phía Nam (như Nam Việt) đều thiết lập chế độ quận huyện ở khu vực Bắc bộ và Trung bộ của Việt Nam hiện nay, văn hoá ở khu vực này liên tục phát triển, từ xã hội bộ lạc đi đến xã hội phong kiến. Thời kỳ Hoàng đế Triệu Đà của “nước Nam Việt” thời nhà Tần và đầu thời nhà Hán đã dạy nhân dân trồng cấy, mở rộng văn hoá giáo dục; dưới thời nhà Hán, Thái thú Giao Chỉ là Tích Quang, Thái thú Cửu Chân là Nhiệm Diên đã xây dựng trường học, mở rộng kỹ thuật canh nông tiên tiến; Sĩ Nhiếp thời Tam Quốc đề xướng văn hoá Nho gia như Thi, Thư, Lễ, Nhạc; Những sự tích nói trên đều được sử sách của Trung Quốc và Việt Nam sau đó khẳng định. Sau mấy thế kỷ, kinh tế, văn hoá ở khu vực Bắc bộ, Trung bộ Việt Nam ngày nay, lúc đó tất cả đều thuộc quyền cai quản chung của An Nam Đô hộ phủ thời nhà Đường đã phát triển đến trình độ tương đối cao, châu Ái (tức vùng Thanh Hoá ngày nay) của An Nam lúc đó có người tên là Khương Công Phụ thi đỗ Tiến sĩ, được bổ nhiệm giữ chức “Đồng trung thư môn hạ bình chương sự” (Tể tướng). Hơn nữa, ở “thời kỳ Bắc thuộc” ảnh hưởng của kinh tế, văn hoá Trung Quốc đã không chỉ giới hạn ở tầng lớp sĩ đại phu mà đến nay vẫn còn ảnh hưởng đến ngôn ngữ, phong tục, lễ nghi ở Việt Nam, ví dụ như từ ngữ Hán Việt trong tiếng Việt hiện đại, tức từ ngữ mượn chữ Hán của Trung Quốc vẫn chiếm 80%, ít nhất cũng có 65%.

Ảnh hưởng của thời kỳ Bắc thuộc đối với Bắc bộ, Trung Bộ Việt Nam lại cả trong nhiều phương diện, thứ nhất là một số quan lại cũng thi hành chính trị hà khắc giống như quan lại trong nội địa (Trung Quốc trung tâm), nhiều lần dẫn đến các cuộc đấu tranh chống phong kiến của nhân dân ở thực địa; Hai là một số tầng lớp chủ phong kiến ở đó chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hoá Hán, thời kỳ sau nhà Đường và Ngũ đại thập quốc đứng trước tình thế loạn lạc do hoàng quyền yếu nhược, phiên trấn cát cứ, ý thức cát cứ xưng hùng, tự lập vua không ngừng mạnh lên. Sau khi nhà Đường diệt vong, khu vực này bắt đầu xuất hiện tình thế hào cường xưng hùng, năm 968 Đinh Bộ Lĩnh thành lập nước “Đại Cồ Việt”, Việt Nam thoát ra khỏi chế độ thống trị phong kiến, trở thành quốc gia phong kiến độc lập. Sau đó Việt Nam đã trải qua nhiều lần thay đổi vương triều, bao gồm triều Đinh (năm 968 – 980), triều Tiền Lê (năm 980 – 1009), triều Lý (năm 1010 – 1225), triều Trần (năm 1225 – 1400), triều Hồ (năm 1400 – 1407), triều Hậu Lê (năm 1428 – 1788), triều Tây Sơn (năm 1788 – 1802), triều Nguyễn (năm 1802 – 1885)… Các vương triều nói trên của Việt Nam sau khi thành lập đều xác lập và duy trì quan hệ tông phiên (tức quan hệ tông chủ – thuộc quốc, hay còn gọi là nước trung tâm – nước phụ thuộc) cho đến năm 1885 Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp.

Quan hệ tông – phiên giữa Việt Nam và Trung Quốc chủ yếu thể hiện qua một số phương diện như sau:

Thứ nhất, khi các vị vua già của vương triều qua đời, vị vua khác lên thay thường cho sứ sang Trung Quốc để “cầu phong”. Các nhà thống trị Trung Quốc thời đó nói chung không can thiệp, mà cơ bản là cử người đến sắc phong để thoả mãn yêu cầu được sắc phong của các chủ phong kiến. Ví dụ thời nhà Tống, lần lượt trong các năm 973, 993 và 1010 đã sắc phong cho Đinh Bộ Lĩnh (triều Đinh), Lê Hoàn (triều Tiền Lê), Lý Công Uẩn (triều Lý) là Quận Vương Giao Chỉ, năm 1164 lại sắc phong cho Lý Thiên Tộ (Lý Anh Tông) làm Quốc vương An Nam, năm 1789 sắc phong cho Nguyễn Quang Bình là người lật đổ triều Hậu Lê, sáng lập ra triều Tây Sơn làm Quốc vương An Nam, năm 1802 sắc phong cho Nguyễn Ánh làm Quốc vương An Nam. Thời kỳ đó, khi Nguyễn Ánh đến cầu phong, tỏ ý đã thống trị được các địa phương như “Việt Thường, Chân Lạp” nên muốn đổi quốc hiệu từ “An Nam” thành “Nam Việt”. Triều đình nhà Thanh mới bắt đầu cho rằng nước Nam Việt là chính quyền cát cứ thời kỳ giữa nhà Tần và nhà Hán, cai quản các khu vực Quảng Đông, Quảng Tây và Bắc bộ, Trung bộ của Việt Nam nên chưa phê chuẩn. Hoàng đế Gia Khánh sau đó nhấn mạnh, Nguyễn Ánh đã lần lượt thống trị được “đất cũ Việt Thường”, sau lại chiếm toàn bộ lãnh địa An Nam nên đã phê chuẩn tên nước là “Việt Nam”. Nguyễn Ánh cũng tỏ ý tiếp nhận, từ đó nước này có tên là “Việt Nam”.

Thứ hai, khi đã xác định quan hệ tông phiên, vua Việt Nam định kỳ sai sứ giả sang Trung Quốc triều cống, Hoàng đến Trung Quốc lại cho những phẩm vật có giá trị lớn hơn gọi là “hồi tặng”. Ví dụ như trong các năm 1644 – 1885, các đời vua Việt Nam tổng cộng đã cử hơn 60 đoàn sứ giả sang Trung Quốc triều cống, phẩm vật triều cống chủ yếu là lư hương bằng vàng, lọ hoa vàng, hộp bạc, trầm hương…, nhà Thanh hồi tặng cũng tương đối cố định, tổng giá trị nói chung lớn hơn vật cống. Năm 1790 triều Tây Sơn cho đoàn sứ giả sang chúc thọ Hoàng đế Càn Long, phẩm vật ban tặng của Càn Long trước sau tổng cộng có hơn 10.000 lạng bạc, 11 báu vật Đại Nguyên cùng các đồ tơ lụa, đồ ngọc sức, đồ sứ, đồng hồ Tây….

Thứ ba, dưới tiền đề quan hệ tông phiên, Trung Quốc là “Thiên triều thượng quốc”, Việt Nam là phiên thuộc, đó chỉ là phản ánh của “hệ thống lễ trị thiên triều” theo quan hệ đẳng cấp giữa quân chủ hai nước và trạng thái tâm lý về mặt văn hoá chứ hoàn toàn không làm thay đổi thực chất quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam với tư cách là hai quốc gia, Trung Quốc hoàn toàn không chủ động can thiệp công việc nội bộ của Việt Nam về cả đối nội và đối ngoại.

Dưới tiền đề quan hệ tông phiên, Trung Quốc và Việt Nam trên tổng thể giữ quan hệ hữu hảo, cũng có lúc xảy ra xung đột, chiến tranh, nhưng ngoài việc quân Nguyên xâm lược Việt Nam và triều đình nhà Minh thiết lập trở lại chế độ quận huyện ở Việt Nam vào các năm 1407 – 1427, các cuộc xung đột và chiến tranh còn lại phần lớn là do các chúa phong kiến Việt Nam xâm phạm quấy nhiễu khu vực biên giới của Trung Quốc. Việc triều đình nhà Thanh đưa quân sang Việt Nam vào các năm 1788 – 1789 và 1885 cũng là trong bối cảnh đặc biệt theo yêu cầu của các nhà thống trị Việt Nam, xuất quân sau khi đã thận trọng xem xét nhưng đã nhanh chóng rút quân về nước.

3/ Sát cánh chiến đấu từ thời kỳ cận đại

Trong 60 năm từ sau năm 1885 Việt Nam trở thành thuộc địa của thực dân Pháp, các sự kiện lớn trong quan hệ Trung-Việt chủ yếu có hai phương diện:

Thứ nhất, hai nước Trung – Pháp đã thông qua đàm phán hoạch định biên giới Trung-Việt. Xét trên tổng thể, biên giới đường bộ theo cách phân định lần này về cơ bản là phù hợp với diễn biến trong lịch sử, lần đầu tiên đã xác định chủ quyền đối với phần lớn biên giới lãnh thổ bằng hình thức hiệp ước, từ đó đã phân định biên giới trên cơ sở pháp luật một cách khách quan, làm cho đường phân định này trở thành cơ sở để hai nước duy trì và ổn định đường biên giới trên bộ.

Thứ hai, quan hệ giữa nhân dân hai nước chủ yếu được thể hiện bằng việc hai nước cùng chống lại xâm lược của nước ngoài. Sau năm 1885 dù là “Phong trào Cần vương” (đấu tranh vũ trang chống Pháp) do giới quý tộc ở Việt Nam phát động hay là khởi nghĩa của nông dân, cũng đều được quân Cờ đen là lực lượng vũ trang địa phương ở khu vùng Quảng Tây ủng hộ. Chính phủ nhà Thanh tuy không muốn tiếp tục vì Việt Nam mà xung đột với Pháp nhưng cũng ngầm bảo vệ một số ít nhân sĩ chống Pháp ở Việt Nam, ví dụ như Nhiếp chính vương Tôn Thất Thuyết dưới thời vua Hàm Nghi của Việt Nam (1839 – 1913) là người lãnh đạo quan trọng của phong trào Cần vương đánh Pháp, sau khi thất bại chạy sang Trung Quốc, đã được Chính phủ nhà Thanh sắp xếp cho chỗ ở và bảo vệ. Đầu thế kỷ 20 Việt Nam bước vào gia đoạn cách mạnh dân chủ tư sản, hoạt động của các chí sĩ yêu nước Việt Nam như Phan Bội Châu… được Lương Khải Siêu và Tôn Trung Sơn ở Trung Quốc ủng hộ. Tháng 5/1925 Hồ Chí Minh lại thành lập Hội Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí ở Quảng Châu, đó là tổ chức cách mạng đầu tiên của Việt Nam được chỉ đạo bằng Chủ nghĩa Mác – Lênin, cũng là tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra sức ủng hộ Hồ Chí Minh. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc như Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân đã đến giảng bài tại “Lớp huấn luyện chính trị đặc biệt”, đào tạo một lớp cán bộ cách mạng, phần lớn trong số họ về nước tham gia đấu tranh cách mạng, cũng có một số ở lại cùng chiến đấu với các đồng chí Trung Quốc, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Trung Quốc. Từ năm 1930 Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo quần chúng công nông đấu tranh chống Pháp, chống Nhật, không ít cán bộ cao cấp của Việt Nam như Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Minh đều đã tiến hành đấu tranh cách mạng trong sự che chở, bảo vệ của nhân dân hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam. Hồ Chí Minh đã hoạt động lâu dài ở Trung Quốc, xây dựng mối quan hệ chiến đấu hữu nghị sâu nặng với Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc, đến năm 1944 mới trở về Việt Nam, năm 1945 lãnh đạo nhân dân Việt Nam giành thắng lợi trong cuộc “Cách mạng tháng Tám”, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố thành lập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét