Thoát bẫy thu nhập trung bình,
cẩn thận kẻo lãng phí
Các nước đạt tới mức thu nhập trung bình (TNTB) bằng các cách khác nhau. Các học giả, tổ chức quốc tế đưa ra nhiều lời khuyên cho các nước về cách thoát bẫy TNTB. Việt Nam lại dựa vào các lời khuyên theo kiểu sách giáo khoa này để đề ra biện pháp thoát bẫy cho mình. Nhưng bẫy TNTB Việt Nam có những đặc tính riêng của nó mà nếu không xem xét kỹ thì sẽ không thể có giải pháp hữu hiệu, thậm chí còn gây lãng phí và nguy hiểm.
Những lời khuyên kiểu sách giáo khoa
Khi thu nhập bình quân đầu người của một quốc gia đạt khoảng từ 5.000 đến 10.000 USD thì quốc gia đó đạt mức TNTB. Việt Nam đã đạt TNTB trên 1.000 USD nên là nước đạt mức TNTB loại thấp. Theo các học giả, khi tới mức TNTB, các ngành công nghiệp bắt đầu trở nên thiếu tính cạnh tranh trên thế giới vì mức lương nhân công cao so với bên ngoài. Trong hoàn cảnh đó, các ngành thâm dụng lao động sẽ dịch chuyển sang các nước có mức lương thấp hơn và được thay thế bằng các ngành công nghiệp với mức độ thâm dụng cao hơn về vốn, vốn nguồn nhân lực và tri thức trong quá trình tạo ra giá trị.
Đa số các học giả đưa ra những giải pháp chung để thoát bẫy TNTB là: chuyển đầu tư công từ các ngành thâm dụng lao động sang giáo dục-đào tạo, đổi mới-sáng tạo trong khoa học-công nghệ (KH&CN) nghiên cứu-phát triển, tiến tới kinh tế tri thức. Cụ thể, có hai cách. Một là: mở ra các ngành mới với giá trị gia tăng cao hơn, ví dụ ngành công nghệ cao. Hai là: trong những ngành đang hoạt động, vươn tới làm các công đoạn với giá trị gia tăng cao hơn; Cụ thể, về phía thượng nguồn của chuỗi giá trị, vươn tới làm thiết kế, nghiên cứu-phát triển và đi vào các chế tạo-sản xuất yêu cầu vốn lớn. Về phía hạ nguồn của chuỗi giá trị thì tăng cường khâu tiếp thị, tạo thương hiệu, vươn ra thế giới...
Đặc điểm của bẫy TNTB Việt nam
Nhưng Việt Nam đạt mức TNTB (thấp) bằng cách khác với các trường hợp thông thường nói trên. Việt Nam đạt TNTB chủ yếu thông qua xuất khoáng sản, nguyên liệu vật liệu dưới dạng thô hay với mức độ gia công rất thấp. Ngoài ra, nền công nghiệp hay sản xuất-gia công Việt vào loại giản đơn, lạc hậu với giá trị gia tăng thấp nhất khu vực. Thêm vào đó, sự thổi phồng quá đáng giá bất động sản do tâm lý xã hội làm tăng trưởng nhanh hơn. Các "động lực" kinh tế này khác với các ngành công nghiệp theo định hướng phát triển ở chỗ: nó không mang tính bền vững, ít dựa vào con người với lao động sáng tạo của họ. Và một điều khác cơ bản nữa là: phát triển các yếu tố này không dẫn đến việc tạo ra cơ sở (vật chất, phi vật chất), nền tảng cho nền công nghiệp hay mô hình kinh tế tiên tiến hơn và ngày càng dựa vào yếu tố con người. Đó là đặc điểm thứ nhất của việc đạt mức TNTB của Việt Nam. Nếu mô hình nền kinh tế đúng thì phải dùng KH&CN, đổi mới-sáng tạo, giáo duck-đào tạo để thoát bẫy. Nhưng nếu mô hình chưa đúng mà tăng thêm tri thức vào nữa thì có khác gì thêm xăng, tăng tốc phóng nhanh hơn theo hướng sai?
Đặc điểm thứ hai của bẫy TNTB Việt là nguyên nhân của tính cạnh tranh thấp. Công nghiệp Việt có tính cạnh tranh thấp, giá thành sản xuất-chế biến của Việt nam cao hơn so với khu vực. Các học giả quốc tế giả định cho việc giá thành cao là do lương nhân công cao. Nhưng mức lương công nhân Việt không phải cao hơn so với khu vực. Ở Việt Nam, giá thành sản xuất cao là do hiệu quả thấp của quá trình sản xuất-kinh doanh, tức là tính kém hiệu quả của đồng vốn, của NSLĐ và của lao động. Rõ ràng là: về vốn ta chưa đầu tư trúng, chưa có chủ thuyết nhất quán về công nghiệp hóa, còn thất thoát cao, quản lý và sử dụng vốn chưa hiệu quả, vv. Về yếu tố tổng hợp NSLĐ, ta chưa tận dụng được hiệu quả (chứ không phải đã sử dụng hết ngưỡng của nó). Nhưng cái quan trọng nhất là: ta chưa tạo ra một môi trường thuận lợi mang tính thị trường cho toàn bộ nền kinh tế. Giá thành sản xuất-chế biến của ta cao không phải do đã làm việc hiệu quả mà do yếu kém trong quản lý kinh tế. Nếu như vậy, giải pháp đơn giản, hiệu quả và rẻ tiền cần làm ngay là: cải tiến cơ chế để tạo ra môi trường kinh doanh tốt. Chú trọng ngay vào khoa học&công nghệ, công nghệ cao, vv khi những điều trên còn làm chưa tốt sẽ là không hiệu quả, lãng phí.
Viêc tăng TFP nhưng không đóng góp hiệu quả cho tăng trưởng là điều nhiều học giả, nhà quản lý quốc tế khó hiểu. Lý do là họ thường hay coi việc tăng TFP nhất định sẽ giúp tăng trưởng mà chưa chú ý đến cấc điều kiện "bên lề". Trong một hội thảo quốc tế về KH&CN, đoàn Đài Loan và Malaysia đều đưa ra số liệu mà chính họ không giải thích nổi, thậm chí nghi là sai. Đó là các số liệu so sánh đóng góp của KH&CN (TFP) với các đóng góp khác như cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, cho tăng trưởng. Theo đó, trong một thời gian vài năm giữa những năm 80, ở Đài Loan và Malaysia, sự đóng góp của KH&CN không cao bằng sự đóng góp của cải tiến cơ chế, chính sách. Tác giả bài này đã chứng minh cho họ rằng: một, số liệu đó đúng; hai, điều này cho thấy: cải tiến cơ chế cần đi trước và có hiệu quả hơn; ba, vẫn cần đầu tư cho KH&CN vì đầu tư KH&CN tuy dài hạn, chưa mang lại hiệu quả sớm, nhưng sẽ mang lại những biến đổi về chất mà các đầu tư khác không thể có. Đó chính là cung cách mà KH&CN hoạt động. Cái chính là ta đặt thứ tự các ưu tiên đầu tư một cách hợp lý. Việt Nam cũng có các số liệu với xu hướng tương tự.
Giải pháp và thách thức của Việt Nam
Giải pháp cần làm đầu tiên là đặt mô hình đúng cho nền kinh tế và cải tiến cơ chế hoạt động của nó. Đầu tư ngay vào KH&CN, đổi mới-sáng tạo lúc này sẽ có hiệu quả không cao, thậm chí không hiệu quả, gây lãng phí. Thực tế cho thấy, những đầu tư KH&CN cho ngành công nghiệp ôtô, thép, xi măng, cơ khí chế tạo, thậm chí ngày nay cả chăn nuôi, trồng trọt đều chưa mang lại hiệu quả khi mà ta không nắm nguồn nguyên vật liệu, thị trường tiêu thụ. Giải pháp KH&CN lúc này chưa hiệu quả vì: với cơ chế, hạ tầng vật chất và phi vật chất yếu kém thì đầu tư vào KH&CN cũng không thể bắt rễ, phát huy. Thậm chí, việc quá chú trọng vào một số công nghệ mũi nhọn sẽ kéo căng chênh lệch giữa hạ tầng KH&CN, vật chất kỹ thuật giữa các ngành của nền kinh tế, giảm tính phối hợp liên ngành và dễ dẫn đến những mất cân đối, đổ vỡ. Ngay cả Malaysia, nước tiên tiến hơn nhiều so với Việt nam, trong mô hình kinh tế mới "Malaysia One" để thoát bẫy TNTB cũng đặt ưu tiên hàng đầu vào cải tiến cơ chế. Điều đặc biệt trong "Malaysia One" hay mô hình mới của Thailand, vv. là: nó được đề ra từ lãnh đạo cao nhất mà không một bộ, ngành, lĩnh vực nào có tầm để đưa ra.
Giải pháp thoát bẫy thứ hai là nâng cao NSLĐ ở các ngành công nghiệp đang tồn tại và được hoạch định để phát triển. Nói như vậy có nghĩa: không phải nâng cấp công nghệ, tăng NSLĐ ở tất cả các ngành, mà chỉ ở những ngành được lựa chọn, tính toán kỹ càng. Để nâng cao NSLĐ, đặc biệt trong nâng cấp công nghệ, nhất định phải có kiến thức về quản trị công nghệ như lập lộ trình công nghệ (technology mapping), chứ không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm. Ngoài ra, rất cần kiến thức liên ngành để phối kết hợp các công nghiệp lại để tạo ra một cơ sở hợp lý, có ý nghĩa cho các phát triển tiếp theo.
Giải pháp thoát bẫy thứ ba là hoạch định hợp lý để đi vào một số ngành công nghiệp mới với giá trị gia tăng cao hơn, mang nhiều tính bền vững và tạo dựng cơ sở hạ tầng cho phát triển nền kinh tế. Qua đó, tạo ra một hạ tầng công nghiệp bổ sung cho nhau một cách hợp lý, tương thích với tiềm lực KH&CN hiện có, đi đúng "dòng" và nhịp với xu hướng trên thế giới. Đây đòi hỏi tính chuyên môn, tính liên ngành và tâm huyết rất cao để xác định các thị trường ngách, các cơ hội cửa sổ (rất hẹp và đóng mở rất nhanh), các tính toán độ trễ để hiệu quả đầu tư phát huy.... Những kiến thức này mang tính chuyên môn và được giảng dạy, nghiên cứu ở các trường đại học tiên tiến. Việc này có tầm chiến lược cao hơn, cái nhìn rộng hơn so với giải pháp thứ hai.
Một giải pháp luôn được nhắc đến là giáo dục-đào tạo nguồn nhân lực, nhân tài. Tuy nhiên, bên cạnh cải cách nền giáo dục chung còn cần kết hợp đào tạo để cung cấp nguồn nhân lực kịp thời cho các giải pháp hai (nâng cao NSLĐ) và ba (tạo ngành công nghiệp mới).
Đinh Thế Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét