Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Xé Nước Tầu Làm Năm Mảnh và Nội Loạn Tại Trung Quốc

Xé Nước Tầu Làm Năm Mảnh


Những kịch bản về... "khi nước Tầu có loạn"....

    "Cách mạng", trăm năm trước...

Sau khi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào "xông đất" Hoa Kỳ vào đầu năm nay, ngày 25 Tháng Hai vừa qua, một số giới chức Hoa Kỳ đã có một phiên họp nguyên ngày về tình trạng nội loạn của Trung Quốc - và về những hậu quả cho Hoa Kỳ.... Phiên họp này chẳng có gì là "nội bộ" hay "bí mật" nhưng lại kết thúc với phần vấn đáp rất lạ.

Sau một ngày chia làm hai phần nghe năm học giả và chuyên gia Mỹ về Trung Quốc trình bày nhiều khía cạnh kinh tế, xã hội, chính trị hoặc văn hoá của tình trạng nội loạn tại Trung Quốc - và những bài toán nan giải cho lãnh đạo Bắc Kinh - các giới chức Hoa Kỳ bước qua phần hỏi đáp.

Trong phần hội luận bàn tròn ấy, có nhiều người đã nêu câu hỏi với các chuyên gia. Xin tóm lược lại như sau cho dễ đọc....

***

Thưa quý vị, hơn hai chục năm trước, chúng ta đã bị bất ngờ khi Liên bang Xô viết sụp đổ. Năm nay, chúng ta lại bị bất ngờ khi Trung Đông có biến. Căn cứ trên những phân tách và trao đổi từ buối sáng cho đến trưa nay của quý vị học giả về những chuyện gì đang xảy ra tại Trung Quốc, có lẽ ta cần tự hỏi: Liệu mình có bị bất ngờ lẫn nữa không nếu như Trung Quốc bị khủng hoảng?

Nôm na là chuyện gì sẽ xảy nếu có "thay đổi chế độ tại Trung Quốc"?

Cử tọa thảo luận và định nghĩa về kịch bản rợn người này. Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể mất quyền, Quân đội có khi đứng lên gồm thâu thiên hạ về một mối. Nhưng, biết đâu, đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn tồn tại mà thành nhiều mảnh, mỗi mảnh hùng cứ một phương với tài nguyên nhân lực và kinh tế của mình?

Trong ngần ấy hoàn cảnh bất ngờ đó, Hoa Kỳ phải tính sao? Khi ấy, những câu hỏi đáp mới mở ra nhiếu kích thước mới... về Hoa Kỳ.

Vì có người phát biểu như sau.

Thưa quý vị, chúng ta cũng có hệ thống học bổng để giúp tuổi trẻ Trung Quốc học hỏi về thế giới bên ngoài và có cái nhìn thông thoáng hơn về nhiều khía cạnh. Nhưng dường như chúng ta tại lười biếng phó thác việc đề cử và tuyển chọn cho chính quyền Trung Quốc. Cho nên những sinh viên được đón nhận không nhất thiết là thành phần dân sự của xã hội ở bên ngoài hệ thống chính trị hay quan hệ thân tộc của họ. Bây giờ, thế hệ trẻ ấy đã trưởng thành và bắt đầu có vị trí trong xã hội Trung Quốc. Liệu họ đã có thể đảm đương trách nhiệm và là thế hệ sẽ thay thế sau này chăng? Có cách gì liên lạc với họ không?

Cuộc thảo luận hào hứng xoay về một vấn đề xa vời mà bỗng trở thành cấp bách: nếu Quân đội Trung Quốc đứng lên thay thế vai trò lãnh đạo của đảng Cộng sản, chuyện gì sẽ xảy ra?


***


Từ nhiều năm nay, Hoa Kỳ đã theo đuổi chánh sách kết ước – engagement –  là chủ động hợp tác để giúp Trung Quốc chuyển hoá sang chế độ dân chủ nhờ bành trướng vai trò của xã hội dân sự, phát huy nền móng pháp quyền và tạo dựng sự tin cậy trong xã hội. Hình như là những nỗ lực ấy không đem lại kết quả, có thể vì mình chỉ chú ý đến bộ máy đảng và nhà nước mà có người cho là sẽ khó tồn tại sau đợt chuyển quyền vào năm tới.

Như vậy, khi hữu sự, Hoa Kỳ sẽ nói chuyện với ai?

Ta có biết những thành phần này là ai không, và đã liên lạc với họ chưa? Hay là sẽ như tại Ai Cập, để chính quyền Ai Cập quyết định lấy? Cũng thế, cho đến nay, chúng ta chỉ tập trung chú ý vào vùng duyên hải trong khi đa số diện tích còn lại là nơi sinh sống của các sắc tộc thiểu số, thí dụ như Tân Cương hay Tây Tạng.

Nếu chúng ta lại sai lầm trong chánh sách kết ước của mình và bị bất ngờ thì sẽ làm gì khi hệ thống chính trị của Trung Quốc bị tan rã?


***


Trong phần thảo luận, có nhiều người nêu ý kiến là Trung Quốc sẽ không chuyển hoá sang chế độ dân chủ. Nếu có đột biến rất nhanh thì đấy là do Quân đội. Từ hàng tướng lãnh sẽ có người bước ra lãnh đạo.

Rút kinh nghiệm từ Bắc Phi, chúng ta có thể nêu câu hỏi, lãnh đạo quân đội ấy gồm có những ai? Trong nhiều năm qua, chúng ta cố gắng đối thoại về quân sự và xây dựng quan hệ với các tướng lãnh Trung Quốc qua nhiều lần gặp gỡ trao đổi. Chúng ta có điện thoại riêng hay điện thư của các tướng lãnh ấy không, để nếu cần thì còn liên lạc và hỏi han?

Một giả thuyết thứ hai, Trung Quốc có thể rơi vào hấp lực cũ của lịch sử, là tan thành hai mảnh kinh tế tại hai khu vực Nam Bắc. Thậm chí ba mảnh nếu kể cả các tỉnh miền Tây. Có khi còn nhiều hơn nữa.

Có người nêu ngược vấn đề: thật ra, đảng Cộng sản Trung Quốc đã thành công khi nuôi dưỡng nỗi sợ động loạn trong tâm tư người dân và tiêu diệt mọi giải pháp thay thế. Vì vậy khi đảng bị khủng hoảng, chưa chắc là các địa phương đã có người đứng lên giành lấy quyền bính.

Nhưng, đã nói về chuyện bất lường thì cũng cần nhìn lại Trung Quốc.

Trung Quốc không có một khối nhất thống như bên ngoài lầm tưởng, Và "phép vua thua lệ làng", "quan trên ở xa bản nha thì gần", "Hoàng đế thiết triều ở Bắc Kinh, nhưng Bắc Kinh lại ở rất xa".... là những quy luật thực tế của xã hội và chính trị Trung Quốc. Biết đâu chừng, nhiều thế lực của đảng ở tại các địa phương sẽ trở lại trò cát cứ đã từng thấy trong lịch sử xứ này?


***
 \
Câu chuyện trên không là một giai thoại.

Năm 2000, Chính quyền Bill Clinton đã tháo gỡ một rào cản là quy chế "tối huệ quốc" – quan hệ ngoại thương bình thường và vĩnh viễn PNTR – cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Mục tiêu là kết ước và hội nhập để giúp Trung Quốc chuyển hóa một cách hòa bình sang chế độ dân chủ chính trị nhờ tự do kinh tế. Nhưng Quốc hội Hoa Kỳ khi ấy cũng đã thủ thế và ban hành đạo luật thành lập một cơ quan có nhiệm vụ duyệt xét sự chuyển hoá này.

Xin sơ lược về Hội đồng Duyệt xét Quan hệ Mỹ-Hoa về Kinh tế và An ninh (United States-China Economic and Security Review Commission, viết tắt là USCC). Hội đồng có nhiệm vụ nghiên cứu và phúc trình lên Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện về tình hình kinh tế và an ninh lẫn các đòn phép của Trung Quốc để thẩm định xem những gì có thể đe doạ quyền lợi và an ninh của Hoa Kỳ. Do lãnh đạo của hai đảng tại hai viện, Hội đồng quy tụ nhiều chuyên gia về Trung Quốc của Hoa Kỳ và mời các học giả hoặc giới hữu trách Mỹ về kinh tế, tài chánh, ngoại giao, an ninh, v.v, điều trần về rất nhiều khía cạnh của Trung Quốc. 

Hàng năm, Hội đồng vẫn đúc kết các nhận định và kết luận để trình bày lên Quốc hội những đề nghị cụ thể trong đối sách với Trung Quốc. Việc điều trần, thảo luận và báo cáo đều được công khai hoá. Việc các cơ quan hữu trách tiến hành những quyết định như thế nào thì có lẽ thuộc vào một diện khác!

Hôm 25 Tháng Hai, Hội đồng thảo luận về cả trăm khía cạnh khác nhau về tình trạng nội loạn và nguy cơ khủng hoảng của Trung Quốc. Và cho rằng Hoa Kỳ không nên lại bị bất ngờ nữa.

Một điều bất ngờ là giới hữu trách trong Hội đồng đã thảo luận về sự sụp đổ của Trung Quốc! Của đảng Cộng sản hay hệ thống chính trị? Của nền kinh tế nhiều phần sẽ bị suy trầm và từ đó gây ra động loạn, v.v....

Xuyên qua đó, những người lãng mạn đã có thể tưởng tượng đến một kịch bản, hay một âm mưu của Hoa Kỳ, nhằm xé Trung Quốc làm năm mảnh! Chuyện ấy có đúng hay không thì chúng ta chưa thể biết mà chỉ có thể bình cho vui. Duy có một điều đáng chú ý là người Mỹ đã bàn đến chuyện "khi nước Tầu có loạn".... Mà lại còn mời những người am hiểu đến bàn công khai nữa.

Nếu nhớ đến chữ "lộng giả thành chân", ta có thể kết luận: "nghi quá!...
----------

Nội Loạn Tại Trung Quốc

2011-08-18 Vũ Hoàng và Nguyễn Xuân Nghĩa - RFA Ngày 20110817

Khi nước Tầu có loạn....



AFP: Công an và an ninh Trung Quốc xuất hiện mọi nơi.
Vì sao một quốc gia đã đạt mức tăng trưởng rất cao và trở thành nền kinh tế hạng nhì thế giới lại cứ hay gặp bất ổn? Câu hỏi trên được nêu ra khi người ta theo dõi tình hình Trung Quốc trong mấy tháng qua với hàng loạt tin tức về tình trạng động loạn xã hội lan rộng ở nhiều nơi. Câu hỏi ấy càng đáng chú ý hơn khi người ta chú ý đến tình hình Việt Nam, vổn dĩ cũng áp dụng mô hình kinh tế của Trung Quốc với cùng một ý thức hệ. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu câu trả lời qua cuộc trao đổi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.

Những bất ổn chính ở ngay trong nội địa

Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Thưa ông, sau khi tiến hành cải cách 30 năm trước và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO 10 năm trước, Trung Quốc đã đạt mức tăng trưởng rất cao, bình quân là 10% một năm trong mấy chục năm liền. Nhờ vậy mà mấy trăm triệu người thoát ra khỏi tình trạng cùng khốn của thời Mao Trạch Đông trước đấy và xứ này đã có nền kinh tế đứng hạng nhì thế giới với hy vọng sẽ bắt kịp Hoa Kỳ vào năm 2016 như Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF đã dự báo. 
Nhưng song song với thành tựu kinh tế đó, xã hội xứ này vẫn thường xuyên gặp bất ổn với nhiều vụ biểu tình và thậm chí xung đột của người dân với nhà chức trách địa phương vì rất nhiều lý do khác nhau. Tại sao như vậy là câu hỏi đã được mọi người nêu lên. Phải chăng là vì mâu thuẫn giữa nền tảng kinh tế đã thay đổi ở dưới với thượng tầng chính trị vẫn độc tài độc đảng ở trên? Trong chương trình tuần này, chúng tôi đề nghị là ta sẽ cùng tìm hiểu giải đáp cho vấn nạn ấy vì nhiều người liên tưởng đến trường hợp Việt Nam. Thưa ông, câu trả lời của ông cho câu hỏi ấy là thế nào?

 


Cung điện Lhasa, Tây Tạng Trung Quốc. AFP
Cung điện Lhasa, Tây Tạng Trung Quốc. AFP 


Trước hết, dù thông tin bị bưng bít, người ta vẫn thấy là trong gần hai chục năm liền, năm nào Trung Quốc cũng gặp bất ổn xã hội

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Câu trả lời là chúng ta cần cả một cuốn sách hay rất nhiều chương trình chuyên đề, chứ khó thấy ra câu trả lời ngắn gọn trong một chương trình! Lý do là hồ sơ quá phức tạp cho một quốc gia rộng lớn lại có quá nhiều khác biệt trong một tiến trình chuyển hóa đầy khó khăn.
- Trước hết, dù thông tin bị bưng bít, người ta vẫn thấy là trong gần hai chục năm liền, năm nào Trung Quốc cũng gặp bất ổn xã hội. Dù kinh tế tăng trưởng mạnh như khi vừa gia nhập tổ chức Thương mại WTO hoặc bị nguy cơ suy trầm như trong các năm 2008-2009 hoặc ngay năm nay vì rủi ro lạm phát thì nội loạn vẫn xảy ra. Bất ổn đó thể hiện dưới nhiều mặt vì sự bất mãn của dân chúng về mọi loại vấn đề, mà lại có chiếu hướng tăng chứ không giảm. Đó là ta căn cứ trên cách đếm những vụ biểu tình đông người của các chuyên gia và học giả Trung Quốc, và nhất là việc lãnh đạo xứ này đã gia tăng ngân sách và quân số về bảo vệ an ninh nội địa còn cao hơn ngân sách quốc phòng!
Vũ Hoàng: Một cách cụ thể để suy ra toàn bộ hồ sơ về nội an của Trung Quốc như ông nói thì ai là những người tham gia các vụ biểu tình này? Thành phần nông dân bị cướp đất hay những người thất nghiệp? Tuổi trẻ khát khao thay đổi và thấy bất an với tương lai trước mắt hay những người bất mãn về nạn bất công xã hội? Họ là những ai mà lại không hài lòng về những thành tựu kinh tế làm cả thế giới kinh ngạc và khâm phục?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là thời nào và trong mọi xã hội thì vẫn có người không hài lòng và phản đối qua nhiều cách khác nhau. Nhưng trường hợp của Trung Quốc lại đáng chú ý chính là vì những thành tích kinh tế trên bề mặt của họ. Vì vậy mà đột biến chính trị vẫn có thể xảy ra, cũng bất ngờ như sự sụp đổ của Liên bang Xô viết năm 1989, như khủng hoảng chính trị tại Đông Á mười năm sau, hoặc những gì chúng ta đang chứng kiến tại Bắc Phi và Trung Đông trong thế giới Á Rập Hồi giáo.

Nguy cơ cuộc đột biến chính trị bất ngờ

 

Vũ Hoàng: Ông cho rằng đột biến chình trị hay khủng hoảng cũng có thể bất ngờ xảy ra cho Trung Quốc. Thế thì trong "cái riêng" của Trung Quốc, có những hiện tượng phản kháng nào khả dĩ gọi là "chung" mà người ta đã thấy trong các xã hội kia?  

Cảnh sát chống bạo động luôn luôn ứng trực. AFP
Cảnh sát chống bạo động luôn luôn ứng trực. AFP

"Có những vấn đề cơ cấu trong nền kinh tế Trung Quốc đã gây ra tình trạng phát triển không liên tục, không cân bằng, không phối hợp và không bền vững".
Thủ tướng Ôn Gia Bảo 2007
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Về Trung Quốc, ta thấy một số đặc điểm trong không gian xã hội của họ
- Trước kia là nông dân và thành phần bần cùng tại thôn quê hoặc một số công nhân trong các doanh nghiệp ở thành thị. Phản ứng của họ lập tức bị khoanh vùng và tiêu diệt mà không lan qua nơi khác. Sau này, phong trào nổi loạn lại xuất phát ở các đô thị, trong thành phần ta có thể gọi là trung lưu có tiền, vì những lý do cũng khác với nông dân. Song song, và từ nhiều năm nay, các sắc tộc thiểu số người Hồi giáo, dân Mông Cổ hay người Tây Tạng cũng nổi lên đòi quyền bình đẳng hay tự trị trong các khu vực sinh hoạt bị phong toả của họ. Gần đây hơn là sự tham gia của tuổi trẻ với phương tiện truyền đạt hiện đại hơn, đó là mạng lưới Internet.
- Về lý do, trước kia, người ta khiếu kiện và biểu tình phản đối vì bị cướp đất, giãn dân mà không có đền bù thoả đáng. Sau đấy, người ta biểu tình vì mất việc, lương thấp và thiếu an sinh xã hội, Sau này, người ta biểu tình tại thành phố vì môi sinh bị xâm hại, địa phương bị thiên tai mà không được cấp cứu hoặc vì thiếu vệ sinh về thực phẩm hay sự an toàn cho dân cư, về nạn tham nhũng và cường hào ác bá trong khu vực sinh hoạt của họ.... Chúng ta thấy sự chuyển dịch ngày càng cao hơn về thành phần xã hội và càng rộng hơn về địa dư và yêu cầu.
Vũ Hoàng: Đó là những nét đặc thù của Trung Quốc mà người ta có thể ít thấy tại Trung Đông chẳng hạn. Thế còn về cái nét chung mà nhiều xã hội hay quốc gia khác đã bị trước khi tan rã?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nhìn trên toàn cảnh, ta thấy ra cái chung giữa những cái riêng ấy, tức là nguyên nhân căn bản nhất. Đó là sự bất mãn về hệ thống cai trị thiếu công minh, giới chức hữu trách thiếu trách nhiệm và nền tảng luật lệ hoặc "pháp quyền nhà nước" không được chính viên chức nhà nước tôn trọng mà còn được họ tùy tiện diễn giải vì chẳng có chuẩn mực thống nhất.


Trụ sở Google ở Bắc Kinh
Trụ sở Google ở Bắc Kinh. AFP

Cái đặc thù của Trung Quốc, và có lẽ cũng của Việt Nam, là người ta có thấy ra sự bất bình đẳng trong cuộc đua nhưng thật ra không bất mãn về tình trạng ấy
- Chính Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tóm lược tình trạng này một cách xin gọi là sáng suốt nhất. Ông ta phát biểu rằng "Có những vấn đề cơ cấu trong nền kinh tế Trung Quốc đã gây ra tình trạng phát triển không liên tục, không cân bằng, không phối hợp và không bền vững". Tôi gọi đó là lý luận "tứ bất", bất liên tục, bất quân bình, bất phối hợp và cơ bản là bất trắc!

- Thật ra, đây là lý luận phê phán hệ thống chính trị chứ không chỉ nói về cơ cấu hay chiến lược kinh tế. Lý do là Tổng lý Ôn Gia Bảo nói như vậy từ Tháng Ba năm 2007, bốn năm sau khi ông cầm đầu Quốc vụ viện. Ngày nay, ông chỉ còn hơn một năm là mãn nhiệm sau hai nhiệm kỳ Thủ tướng mà lãnh đạo chưa giải quyết được và đành chuyển cái tứ bất này cho thế hệ lãnh đạo nối tiếp cho đến ngày đột biến.

Vũ Hoàng: Khi nói đến sự bất toàn trong hệ thống chính trị Trung Quốc, chúng tôi xin nêu ngay câu hỏi. Có phải là vì xứ này đã muốn phát triển kinh tế thị trường nên trong tiến trình phát triển họ đã gặp một hiện tượng chung là bất bình đẳng vì hố sâu giàu nghèo đã lan rộng chăng? 

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Câu hỏi này rất hay và nó làm nổi bật cái đặc thù của Trung Quốc.
- Sau 30 năm lầm than thời Mao, xã hội Trung Quốc tăng trưởng cao hơn nhưng cũng mở rộng khoảng cách giàu nghèo giữa các thành phần dân chúng và khoảng cách ấy có cao hơn nhiều xã hội khác tại Đông Á khi tiến vào thời kỳ công nghiệp hoá để hiện đại hoá. Nôm na là sau khi bị cào bằng và đói khổ như nhau, bỗng dưng người dân thấy mở ra nhiều cơ hội cải tiến cuộc sống và họ lao vào cuộc đua ấy.

- Cái đặc thù của Trung Quốc, và có lẽ cũng của Việt Nam, là người ta có thấy ra sự bất bình đẳng trong cuộc đua nhưng thật ra không bất mãn về tình trạng ấy. Họ mắm môi luồn lách để thăng tiến cho kịp với các thành phần ở trên và cho rằng đó là do địa dư hình thể, do quan hệ kinh tế chính trị, thậm chí là do thân tộc có móc nối với quan chức. 
Giai cấp giàu nghèo có khoảng cách quá xa. AFP
Giai cấp giàu nghèo có khoảng cách quá xa. AFP

Nhưng, nếu không bất mãn vì sự bất bình đẳng trong xã hội khiến nhiều người làm giàu rất mau, người ta lại khó chịu về nạn bất công trong tiến trình giải quyết các vấn đề của đời sống.

- Nhưng, nếu không bất mãn vì sự bất bình đẳng trong xã hội khiến nhiều người làm giàu rất mau, người ta lại khó chịu về nạn bất công trong tiến trình giải quyết các vấn đề của đời sống. Tức là sau khi chấp nhận tình trạng bất bình đẳng và cố leo lên bậc thang cao hơn, người ta bất mãn về phương thức thi hành luật lệ đầy bất công khiến họ khó leo lên bậc thang ở trên. Mà nói đến luật lệ, tức là luật và lệ, ta nhìn ra yếu tố then chốt của hệ thống chính trị.

Vũ Hoàng: Ông vừa nêu ra một nhận xét rất nghiêm trọng vì hàm ý là người ta chỉ bất mãn khi là nạn nhân của bất công, chứ nếu có cơ hội thăng tiến trong hoàn cảnh bất bình đẳng ấy thì sẽ im. Có phải như vậy không?

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Thưa đúng như vậy và đấy là một đặc thù lạc hậu về văn hóa vì mặc nhiên duy trì sự tồn tại của hệ thống chính trị bất công tại Trung Quốc và cả Việt Nam. Nhưng cũng vì vậy nó lại làm chế độ không cải tiến vì tưởng là sẽ tồn tại được nhờ khai thác tánh xấu của con người. Và vì không cải tiến, hệ thống chính trị ấy không giải quyết được các vấn đề kinh tế và xã hội nên tích lũy sức ép của khủng hoảng và có thể bị đột biến bất ngờ.

Vũ Hoàng: Trong mạch suy nghĩ ấy và nhất là khi ông nhắc đến việc Trung Quốc được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới đúng 10 năm trước, xin hỏi ông rằng khi mở cửa cho xứ này hội nhập vào kinh tế thị trường của toàn cầu, người ta thầm mong rằng sự cải thiện kinh tế ở dưới sẽ làm thay đổi chính trị ở trên. Kết quả hình như lại không được như vậy, có phải không?

Người ta hiểu lầm rằng nếu bao tử căng hơn sẽ tất nhiên làm cho cái đầu được thông thoáng hơn. Hoặc nói theo văn hoá Á Đông thì "phú quý sẽ sinh lễ nghĩa", khi có mức sống cao hơn người ta sẽ hành xử văn minh hơn.

Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ rằng đây là một sự hiểu lầm vĩ đại nhất của nhân loại trong hậu bán thế kỷ 20 và là một cách trả thù muộn màng của Karl Marx! Người ta hiểu lầm rằng nếu bao tử căng hơn sẽ tất nhiên làm cho cái đầu được thông thoáng hơn. Hoặc nói theo văn hoá Á Đông thì "phú quý sẽ sinh lễ nghĩa", khi có mức sống cao hơn người ta sẽ hành xử văn minh hơn. Khi Trung Quốc chuyển hóa theo kinh tế thị trường thì sẽ tiệm tiến thay đổi hình thái cai trị bên trong cho dân chủ hơn và đối xử với bên ngoài một cách ôn hoà và trách nhiệm hơn.

- Sự thật lại không như vậy vì bao tử không sai khiến cái đầu. Ngược lại, chính là cái đầu phải thay đổi tư duy và tổ chức để cải thiện cuộc sống người dân về cả lượng lẫn phẩm.
- Những thí dụ chứng minh là Trung Quốc đã gia nhập Tổ chức WTO mà thường xuyên vi phạm quy định của tổ chức này để trục lợi bất chính. Ngồi ghế thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Bắc Kinh bỏ phiếu trong tinh thần vô trách nhiệm vì bao che các chế độ hung đồ để bảo vệ quyền lợi riêng tư của mình trong khi gây ô nhiễm nhiều mặt cho cả thế giới, về môi sinh lẫn an ninh. Khi có thêm sức mạnh kinh tế nhờ một chiến lược lệch lạc, họ dùng sức mạnh đó để khuynh đảo và ức chế xứ khác trong khu vực. 
- Ở bên trong, chế độ không cải tiến về chính trị vì tin rằng mọi sự bất mãn đều thu gọn vào cấp chính quyền địa phương chứ thần dân không hề oán thán trung ương tại Bắc Kinh hay các lãnh tụ trong Thường vụ Bộ Chính trị của đảng. Thế giới có thể khó – khó chứ chưa hẳn là không – ngăn ngừa được động thái hung đồ của Trung Quốc, nhưng lãnh đạo xứ này cũng không thể ngăn ngừa được nguy cơ động loạn bùng nổ từ bên trong.

Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối thưa ông, lãnh đạo Trung Quốc có ý thức được nguy cơ đó và đã nói đến việc thay đổi chiến lược và chú trọng đến phẩm hơn là lượng. Liệu họ có thành công chăng, nếu hoàn tất xong Đại hội đảng khóa 18 vào mùa Thu năm tới? Cụ thể thì về kinh tế, họ phải làm những gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa: -  Ai cũng biết là họ phải nâng mức tiêu thụ của thị trường nội địa để thay thế đầu máy kinh tế hiện nay là đầu tư và xuất khẩu. Chính họ cũng biết là chỉ có thể giải quyết nạn thất nghiệp một cách cơ bản khi mở rộng khu vực dịch vụ thay vì chỉ chú trọng đến khu vực chế biến. Và khu vực dịch vụ cùng giải pháp thị trường nội địa là hai mặt của cùng một chiến lược và có hy vọng tạo ra ổn định xã hội hầu đẩy lui nguy cơ khủng hoảng chính trị.

- Nhưng việc chuyển hoá ấy lập tức đe dọa quyền lợi của nhiều địa phương, và nhất là đụng vào quyền lợi của hệ thống thân tộc là gia đình thân nhân các đảng viên cán bộ từ trên xuống dưới. Từ năm 2003, thế hệ lãnh đạo thứ tư đã thấy vậy và muốn sửa sai mà không xong. Thế hệ thứ năm sẽ lên lãnh đạo vào năm 2013 cũng thế thôi vì chính họ cũng nằm trong mạng lưới tư bản thân tộc ấy. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sản sinh ra hình thái tư bản không phải của nhà nước theo kiểu Lenin vì dù sao "tư bản nhà nước" còn có sự vận hành hợp lý của nó. Đây là chủ nghĩa tư bản thân tộc của một đảng độc quyền, nó có thể xảy ra trong mọi xã hội nhưng lại được củng cố bởi đặc tính văn hoá Á châu là một người làm quan cả họ được nhờ. Vì vậy nó cưỡng chống sự thay đổi và ru ngủ người dân bằng ảo giác về một cường quốc của tộc Hán. Vì cưỡng chống sự thay đổi họ có chỉ có thể thay đổi trong khủng hoảng là điều thật ra không ai muốn cả.

Vũ Hoàng: Xin trân trọng cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét