Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

TRƯỜNG CA NGƯỜI VIỆT NAM

TRƯỜNG CA NGƯỜI VIỆT NAM

Nhạc sĩ TRƯƠNG QUÝ HẢI
Hợp xướng: FPT

 

 

Trường ca “Người Việt Nam”
12 năm để một lần bật khóc
Nhạc sĩ của “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa” đã nhiều đêm thao thức với trường ca "Người Việt Nam" và vô cùng đồng cảm, chia sẻ với BTC với tâm huyết nồng nàn, rực cháy, hướng về biển đảo và tình yêu quê hương, đất nước.



Trường ca Việt Nam gồm 5 chương:
Chương 1: Lời thề - là chương thể hiện hào khí người Việt Nam với truyền thống ngàn đời của cha ông “vượt lên sóng gió, xây đắp giang sơn, đạp bằng bão tố,  quyết giữ non sông, một vùng trời đông…”
Chương 2: Hải đội Hoàng  Sa – là chương xúc động nhất và cũng dồn nhiều tâm huyết nhất của tác giả với hào khí  Hoàng Sa trong  hình ảnh trời Đông biển rộng, tế sống anh linh, trùng trùng cưỡi sóng, bất khuất hy sinh, sắc phong sử vàng, tiếp bước ông cha.
Chương 3: Đoàn viên – viết cho ngày đoàn tụ non sông.
Chương 4: Đêm trắng – là một đêm nhớ về con đường thẫm đẫm máu xương và nước mắt của bao lớp người, và để ngẫm đến một ngày khải hoàn của đất nước.
Chương 5: Cho con là người Việt Nam – một lời ru, một lời kết cho trường ca cho những người con đất mẹ Việt Nam.


Tôi đã khóc khi viết về Hải đội Hoàng Sa

­- Anh đã mất bao lâu để hoàn thành trường ca Người Việt Nam?

12 năm là quãng thời gian tôi hoàn thành trường ca này. Tôi bắt đầu viết từ năm 1998 với chương 1: Lời thề


Ảnh Lê Bá Dương

- Tại sao thời gian viết tác phẩm lại lâu đến vậy, thưa anh?

Đó là bởi sau khi viết được một vài dòng ở chương 1 tôi tặc tịt, tắc tịt đúng theo nghĩa đen bởi không biết viết tiếp theo sẽ là viết về chủ đề gì, viết như thế nào. Với riêng chương 1 tôi đã mất 11 năm để viết mà vẫn chưa được hoàn chỉnh.

­­- Cảm hứng nào đã khiến anh tiếp tục cầm bút viết tiếp những chương tiếp theo?

Tôi đặt bút sáng tác tiếp chương 2 – Hải đội Hoàng Sa sau khi đọc loạt bài phóng sự về những “cột mốc sống” ở Hoàng Sa là những ngư dân bám biển và ký sự Lễ khao lề thế lính ở Lý Sơn trên báo VietNamNet.

Nói thật là tôi theo dõi loạt phóng sự này ra từng kỳ, và ngay ở kỳ 2, kỳ 3 khi ra tôi đã khóc. Giọt nước mắt đã khiến tôi phải viết phải làm một cái gì đó thế là Hải đội Hoàng Sa ra đời rồi lần lượt sau các chương tiếp theo được tôi hoàn thành trong khoảng thời gian rất ngắn sau đó.

- Anh viết chương nào nhanh nhất…?

Đó là chương 3 – Đoàn tụ, chỉ trong một đêm. Ấy là đêm 30/4/2010, trong lúc Hà Nội bắn pháo hoa. Trong giờ khắc đó, những vệt sáng đỏ từ những chùm pháo phản chiếu xuống khắp nơi. Bất giác khi đó khi nhìn xuống dưới đất bỗng tôi cảm thấy những linh hồn đang đi tìm nhau ! Đó là những người đã mất trong cuộc chiến, những người đó không kể Nam Bắc, họ đều đi tìm nhau, đi tìm về nguồn cội của đất mẹ. Và đêm đó tôi đã viết trọn vẹn chương 3.

Người lính mong thư còn hơn mong mưa ngoài đảo !

- Anh đã ra Trường Sa chưa? Hình ảnh và kỉ niệm nào khiến anh nhớ nhất?

Tôi ra Trường Sa trong một chuyến đi từ năm 1993, hồi đó tôi thuộc vào một tốp văn nghệ để ra Trường Sa hát cho anh em nghe.

Kỉ niệm nhớ nhất là khi tôi tới thăm anh em lính ở những đào chìm. Ở đó là mênh mông mây nước, khi thủy triều lên là nước ngập hết cả tầng một của lô cốt. Anh em ở đó thực sự là thiếu thốn trăm bề, và trong trải nghiệm ấy khi nhìn lá cờ Tổ Quốc tung bay cùng chiếc cốt mốc bê tông đánh dấu chủ quyền của Việt Nam tôi mới thấy hết sự thiêng liêng của vấn đề chủ quyền. Tôi hát hết những gì tôi có để phục vụ anh em. Hát tới bài nào anh em cũng thuộc và hát theo. 



Ảnh: Lê Bá Dương

Dây đàn ở Trường Sa ngày đó cũng là một thứ đồ hiếm. Bởi ngày đó thì dây đàn chưa có dây nilon toàn dây kim loại mà muối biển thì ăn mòn. Bởi vậy mới có bài hát Guitar một dây ra đời là vì vậy.

- Điều gì khiến anh cảm thấy xúc động nhất trong quãng thời gian đi thăm đảo?

Đó là khoảnh khắc khi đến và khi ra về. Khi chúng tôi từ đất liền cầm theo ngoài đồ tiếp tế là những phong bì thư của các em thiếu nhi viết cho những người lính. Những bức thư không hề của riêng ai, của bất cứ cá nhân nào vậy mà anh em cầm lấy trên tay run run đọc từng dòng.

Cái sự thiếu thốn vật chất, tinh thần của những người lính thật khó để hiểu hết cho những ai chưa từng được trải nghiệm. Sau này một chiến sĩ trẻ tâm sự với tôi câu này: “Ở đây chúng em mong mưa nhưng không mong bằng lá thư từ đất liền anh ạ”.

Ngày về, cũng là một ngày xúc động với cả đoàn chúng tôi. Anh em lính đảo bứt rứt nhất định không cho chúng tôi về, họ còn dọa là để ngư lôi quanh đảo để cản chúng tôi. Phải tới khi chỉ huy và cán bộ trong đoàn chúng tôi ra động viên anh em thì họ mới chịu chia tay. Tàu chúng tôi chầm chậm đi, anh em ở ngoài đảo nháy đèn pha 3 lần, tàu của chúng tôi cũng kéo 3 hồi còi tạm biệt. Đó là kí ức mãi mãi sau này khi nhớ lại khiến tôi xúc động.

Lời ru khải hoàn cho ngày đoàn kết

­­- Anh có thể nói một chút về âm nhạc của trường caNgười Việt Nam”?

Tôi cố gắng sử dụng tối đa ngôn ngữ âm nhạc truyền thống Việt Nam trong cả 5 chương. Chương 1 tôi sử dụng chất liệu của vùng Tây Bắc kết hợp một chút của Bắc Bộ. Chương 2 tôi dùng dân ca Nam Bộ và đặc biệt kết hợp với miền Nam Trung Bộ. Chương 3 là dân ca miền Trung. Chương 4 là làn điệu dân ca Bắc Bộ. Còn chương 5 tôi dùng làn điệu ru con của người Ê Đê -Tây Nguyên và xen vào một chút lời ru của Bắc Bộ.

- Anh sử dụng từng chất liệu cho từng chương trong bản trường ca của mình, rõ ràng là có mục đích?


Nhạc sĩ Trương Quý Hải trong dàn hợp xướng hát "Người Việt Nam"
Đúng vậy. Ở ví dụ như ở Chương 2, nơi tôi dồn nhiều tâm huyết nhất sở dĩ lại sử dụng chất liệu của Nam Trung Bộ là bởi ở đây có một loại nhịp trống đã tồn tại trong dân gian bao đời nay là nhịp Ngũ Liên và Tứ Liên. Ở nước ta ngàn đời nay, chỉ có 2 việc lớn khiến quy tụ được tinh thần toàn dân là đánh giặc và chống lũ. Trống Ngũ Liên là trống dùng khi ra trận, trống Tứ Liên là trống dùng để báo hộ đê. Vì vậy với Hải Đội Hoàng Sa - là chương tôi viết về biển đảo Việt Nam, tôi đã đưa vào đó cả 2 nhịp trống này.
Chương 3 – Đoàn viên, nơi tôi viết về ngày đoàn kết của dân tộc nên tôi dùng hoàn toàn chất liệu của miền Trung, nơi mảnh đất chịu nhiều đau thương vì nỗi niềm chia cắt bao đời nay.

Chương 4 - Đêm Trắng, chương tôi viết về ngày khải hoản trước mắt của dân tộc. Tôi sử dụng chất liệu của Bắc Bộ bởi ở miền Bắc tôi luôn ấn tượng bởi 3 khí nhạc: Tiếng chuông nhà thờ, Tiếng mõ chùa và tiếng trống. Trong một đêm trắng khi nghĩ về đất nước là những hồi tưởng trong tiếng chuông nhà thờ, rồi sự tĩnh tâm vĩ suy của tiếng mõ để rồi từ đó thúc giục trong tiếng trống mang hồn dân tộc trên còn đường hành quân không nghỉ.

Cuối cùng là Chương 5 – Cho con là người Việt Nam. Tôi viết về một tiếng ru, một tiếng ru mang âm hưởng trầm hùng vang vọng của người Ê đê pha chút da diết thoáng buồn của lời ru Bắc Bộ. Lời ru ấy là lời ru cho những người con đất Việt, lời ru ấy là tiếng ru của mẹ những lại được hát lên bởi người cha, ru không phải để ngủ mà để theo những người con đến hết cuộc đời.

- Tác phẩm của anh đã hoàn thành, anh cũng đã dàn dựng và biểu diễn trong dịp chào mừng đại lễ 1000 năm. Còn điều gì khiến anh cảm thấy chưa hài lòng không?

Để hoàn thành tác phẩm, trước tiên tôi phải cảm ơn rất nhiều đồng nghiệp là những thế hệ đi trước và là những bạn bè đã cho tôi nguồn cảm hứng, nguồn kiến thức trong suốt 12 năm tôi vật lộn với nó. 

Tôi chỉ có vài điều thấy còn thấy tiếc đó là ở chương 5, khi tôi viết thực ra là dành riêng cho  giọng ca đại ngàn Y Moan, nhưng đáng tiếc tôi đã không thực hiện được. Ngoài ra, tôi tiếc vì điều kiện hạn chế nhất là vấn đề thu âm nên đã không thể dàn dựng và biểu diễn tác phẩm này được như ý. Nhưng tính tôi là vậy, đã “máu” lên là làm mà không nghĩ đến gì khác!


Mơ ngày có thể dàn dựng lại tác phẩm

- Những lời nhận xét về tác phẩm thì sao, thưa anh?

Nhiều lời góp ý thẳng thắn, khen chê đều có. Trong đó tôi xúc động nhất vẫn là một tin nhắn từ đồng nghiệp, có mặt trong clip nhắn tin cho tôi sau khi biểu diễn. Anh nói rằng anh rất xúc động, và tôi cũng muốn nói lại với anh rằng tôi cũng rất xúc động.

Tôi mong được một lần làm lại ở quy mô lớn hơn, với sự đầu tư kĩ hơn cả về kĩ thuật lẫn dàn dựng. Tôi mong muốn từng chương được các nghệ sĩ như NSND Quang Thọ, Thu Hiền… biểu diễn. Tìm được một giọng ca đại ngàn như Y Moan, tìm được càng nhiều giọng ca trên thế giới cùng hát thì thật ý nghĩa.

- Cám ơn anh về cuộc trò chuyện! Chúc anh sẽ có cơ hội dàn dựng và biểu diễn lại tác phẩm trường ca hùng tráng này trong một tương lai gần.
Nguyễn Hoàng (thực hiện)





Dan Nuoc Nam - Quang Vinh 

Dan Truong - Dong Mau Lac Hong

 

Dan truong - Ban hung ca chim lac


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét