Thứ Ba, 23 tháng 8, 2011

Kinh Tế Suy Trầm

Kinh Tế Suy Trầm

"Kinh Tế Cũng Là Chính Trị", Đụng Đáy Lần Hai Ở Hai Nơi .... 

 Khó bốc nổi vì bị đeo đá - Hý họa của Michael Ramirez - IBD

Từ ngàn xưa, con người ta ngắm trăng sao mây nước để dự đoán tương lai của mùa màng và chăn nuôi – sinh hoạt sản xuất chính yếu để giải quyết bài toán khan hiếm. Từ hơn hai trăm năm nay, con người phát minh ra môn kinh tế học để nghiên cứu về bài toán khan hiếm ấy, và môn học có thể căn cứ trên cách giải trình về sinh hoạt kinh tế mà tìm ra phương pháp dự đoán....  Nhưng kinh tế học không là khoa học chính xác nên các kinh tế gia thường tự chế diễu rằng họ đoán trước được chín lần của sáu đợt suy trầm đã xảy ra. Bây giờ có khi sẽ là lần thứ mười!

Cũng từ ngàn xưa, con người ta nghiệm ra là dường như sinh hoạt kinh tế có thăng trầm theo chu kỳ. Thánh Kinh có nói ở thiên Sáng Thế về chuyện bảy con bò mập và bảy con bò gầy hoặc bảy bông lúa lép làm tiêu mất bảy bông trĩu hạt. Người  ta suy luận ra một chu kỳ sinh hoạt bảy năm, sự khốn khó sẽ nối tiếp thời thịnh vượng.

Giới kinh tế cũng nghiệm ra hiện tượng gọi là "chu kỳ kinh doanh": sau thời kỳ phát đạt là giai đoạn suy trầm. 

Thời khoảng - khoảng cách thời gian - giữa hai chu kỳ có thể là từ năm bảy năm hay 11 năm và giai đoạn suy trầm có thể kéo dài một hai năm. Sau này có kiến thức và phương pháp ghi nhận, người ta còn thấy mỗi đợt suy trầm lại có khác biệt. Và dường như là trong làn sóng lớn còn có nhiều đọt sóng nhỏ: các chu kỳ ngắn năm bảy năm lại chìm trong một chu kỳ dài hơn, chừng mươi mười lăm năm, và lồng trong một chu kỳ có thể lên tới năm sáu chục năm!

Một yếu tố giải thích chu kỳ dài, làn sóng lớn, là cách mạng về "thuật lý" – technology – môn học vận trù kỹ thuật, như tâm lý, triết lý hay vật lý là các môn học đã thành quen biết. (Xin phép dùng thêm một chữ mới thay chữ "công nghệ" để phiên dịch "technology" gồm có hai phần theo tiếng Hy Lạp là "technê" - nghệ thuật, kỹ thuật – và "logos" là nghiên cứu về.) Chúng ta có đi quá xa đề tài chăng?

Không đâu!

Đề tài kỳ này là ta có thể sẽ gặp một trận suy trầm nữa, sau khi đã ra khỏi chu kỳ suy trầm trước - từ Tháng 12 năm 2007 đến Tháng Bảy năm 2009. Mà lần này thì người ta khó suy đoán hơn và, hãi hùng vô hạn, nếu lại bị thì cũng khó ứng phó hơn vì lần trước đã tận dụng các phương thuốc chữa chạy đến nỗi cơ thể kinh tế bị... đổ bệnh!


***


Hàng ngày, truyền thông thường loan tin kinh tế với các khái niệm và con số đầy chuyên môn.

Nhật báo Người Việt nhức đầu không ít vì phải hiểu ra khía cạnh kỹ thuật của khái niệm – thí dụ như "leading economic indicators" là gì - rồi còn phiên dịch cho độc giả cùng hiểu. Khác với nhiều bộ môn, kinh tế chi phối mọi người nên dù chẳng hiểu gì về kinh tế mình vẫn bị ảnh hưởng và vẫn cần biết. Mà càng nên biết vì có khi là nạn nhân của chu kỳ kinh tế ngoài thị trường lẫn các quyết định ứng phó trong chính trường. Là điều đã xảy ra.

Kinh tế cũng là chính trị mà!

Vì cần dự đoán trước tình hình, giới nghiên cứu ngoài thị trường và trong chính quyền phải tìm ra tương quan nhân quả giữa các hiện tượng, như cái gì làm vật giá sẽ tăng hoặc giảm, sản lượng sẽ lên hay xuống, thất nghiệp có hạ hay không, v.v.... Từ đấy, người ta mới xếp loại dữ kiện kinh tế vào ba nhóm. 

Thứ nhất là các "chỉ dấu tiên báo" (leading indicators) là số liệu có khả năng báo trước. Thứ nhì là loại "chỉ dấu hậu kiểm" (lagging indicators) – tái xác nhận điều gì đó đã xảy ra. Thứ ba là loại "chỉ dấu ngẫu nhiên" hay coincident indicators, là những số liệu xuất hiện cùng với sinh hoạt kinh tế và có công dụng đo đếm... chuyện đã rồi. 

Thời khoảng dự báo hay vuốt đuôi thường là một quý, tức là thời gian ngắn ngủi là ba tháng, cho đến hai ba quý...  

Hàng ngày, tin tức kinh tế thường tập trung trình bày loại chỉ số tiên báo mà thông dụng nhất chính là trị giá cổ phiếu. Trong loại này, cổ phiếu do Standard & Poor's niêm yết (S&P 500) có giá trị biểu thị cao nhất vì bao gồm 500 doanh nghiệp lớn nhỏ thay vì chỉ có 30 tổ hợp lớn của Chỉ số Kỹ nghệ DowJones (DJIA). Ngoài ra, còn có chỉ số về kỳ vọng của giới tiêu thụ - họ dự tính gì căn cứ trên tâm lý bi lạc quan về tương lai trước mặt - về số giấy phép xây cất, số đơn đặt hàng loại chế biến, hoặc khối tiền tệ lưu hành hay đường tuyến phân lời trái phiếu, v.v....

Về phân lời trái phiếu (yield), đó là tiền lời của các chủ nợ cho vay bằng cách mua trái phiếu. Trên nguyên tắc thì kỳ hạn cho vay càng dài, từ vài tháng đến ba chục năm, thì phân lời càng cao để dự phòng bất trắc trong tương lai. Vì thế, đường tuyến biểu hiện phân lời trên cái trục thời gian, gọi là "yield curve", phải chếch lên. Khi nó lại nằm ngang hoặc... chúc xuống, là tiền lời trái phiếu dài hạn lại thấp hơn ngắn hạn, thì người ta suy đoán ra tâm lý của chủ nợ dài hạn: lấy tiền về cho nhanh dù hưởng lời ít hơn. Hậu quả là... ngân hàng bị lỗ vì trả tiền ký thác ngắn hạn nhiều hơn thu tiền lời dài hạn và sẽ ngại cho vay. Kết luận là từ ba đến sáu tháng sắp tới kinh tế sẽ bị truy trầm!

Từ bốn chục năm nay, sáu lần trong bảy đợt suy trầm được đoán trước như vậy và Ngân hàng Dự trữ New York theo dõi chỉ dấu này để dự đoán tình hình kinh tế.

Ta đang đi vào hiện tại mờ mịt trước mặt khi nhiều trung tâm nghiên cứu tiên đoán rằng kinh tế Hoa Kỳ sẽ bị suy trầm nữa, với xác suất là từ 35 đến 50%. Người ta mờ mịt vì một trong các chỉ dấu tiên báo là đường tuyến phân lời lại thành khí cụ vô dụng: ngân hàng trung ương Mỹ đã đẩy lãi suất xuống số không và còn thông báo là sẽ duy trì chánh sách bất thường đó cho đến 2013.

Nhân đây, xin nói thêm rằng người viết thường phải – vì nhức đầu lắm – đọc phúc trình định kỳ của hệ thống ngân hàng trung ương Hoa Kỳ và các ngân hàng dự trữ địa phương vì là nguồn thông tin cập nhật và xác thực về kinh tế.

Như "Lá thư Kinh tế" của Ngân hàng Dự trữ San Francisco (SFRBSF) công bố hôm mùng tám Tháng Tám vừa qua đã cho thấy sức nặng rất tương đối của hàng hóa "Made in China" trong thị trường tiêu thụ Hoa Kỳ, một phần nội dung của bài viết tuần trước trên cột báo này ("Hoa Mắt Với Chuyện Hoa-Mỹ".) Tuần qua, đến lượt Ngân hàng Dự trữ Philadelphia (Philly Fed) lại giáng một chùy như búa bổ: mọi chỉ dấu kinh tế đều xuôi Nam, chỉ số kinh tế tổng hợp vừa rớt từ 3,2 vào Tháng Bảy xuống -30,7 vào Tháng Tám! Thị trường cổ phiếu bèn rớt như cục gạch.

Nhiều người đã đọc áo cáo u ám này và kết hợp với nhiều phương thức tiên báo khác mà dự đoán rằng kinh tế sẽ suy trầm nữa, với xác suất là 90%. Thực tế thì có khi đã bị suy trầm rồi mà ta chưa biết! Vì suy trầm, theo trung tâm nghiên cứu tư nhân mà có thẩm quyền về định nghĩa (Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia NBER), là khi đà tăng trưởng bị giảm sút trong hai quý liền. Cứ theo định nghĩa này của chữ "recession", chúng ta chỉ biết là kinh tế bị suy trầm hay chưa sáu tháng sau khi đo đếm!

Viết lại cho rõ, sau đợt Tổng suy trầm 2008-2009, kinh tế Mỹ hồi phục chậm với thất nghiệp cao, và nay có thể lại bị suy trầm lần nữa!


***


Lần trước, chính quyền Hoa Kỳ đã tung ra hai gói kích thích gần ngàn tỷ (hơn 180 tỷ thời ông Bush và gần 800 tỷ thời ông Obama) và Chính quyền Obama cùng Quốc hội trong tay đảng Dân Chủ ráo riết tăng chi ngân sách đến mức kỷ lục - mà chưa thấy kết quả.

Ngân hàng Trung ương Mỹ bèn nhồi theo với biện pháp tiền tệ là cắt lại suất tới tận sàn – ngang bằng số không - để bơm tiền vào kinh tế. Chưa thấy công hiệu thì định chế này dùng biện pháp bất thường là "tăng mức lưu hoạt có định lượng" – quantitative easing. Mà không chỉ một lần. Lần thứ nhì là từ hôm mùng ba Tháng 11 cho đến tháng Sáu vừa qua với định mức bơm tiền là thêm 600 tỷ đô la nữa.

Tổng cộng là hơn hai ngàn tỷ được Ngân hàng Trung ương bơm thêm vào kinh tế khiến Mỹ kim sụt giá mà kinh tế vẫn nằm ngang!

Trong lần suy trầm trước, kinh tế Hoa Kỳ thật ra èo uột và lại lãnh thêm vụ khủng hoảng tài chánh vào Tháng Chín 2008, nhưng các biện pháp đối phó để đảo ngược chu kỳ thật ra vẫn còn nhiều. Cánh tả thì chủ trương tăng chi đi cùng giảm thuế dân nghèo, cánh hữu thì chủ trương giảm thuế đồng loạt và bơm tiền qua ngả tiền tệ. Cả hai phe đều tranh luận và áp dụng ngần ấy biện pháp mà thị trường vẫn trơ ra đấy vì lồng  trong đó còn có kế hoạch cải tạo xã hội của Chính quyền Obama và hàng loạt luật lệ mới ban hành sau vụ khủng hoảng 2008.

Các doanh nghiệp không tài chánh ngồi trên cả ngàn tỷ - là ít - mà không dám bung ra đầu tư và tuyển dụng vì sợ bị gọt thuế và quy trách về nhiều tội, kể cả tội có tiền. Hoa Kỳ bị bội chi ngân sách và vay mượn đến mức kỷ lục khiến chính trường nổi sóng và nước Mỹ bị hạ điểm tín dụng mà niềm tin của giới sản xuất lẫn giới tiêu thụ vẫn xám một màu chì.

Nói cho dễ hiểu thì trong lần suy trầm có thể xảy ra nay mai, tình hình kinh tế thật ra không còn èo uột như lần trước. Nhưng các thầy thuốc đã xoay ra cãi nhau!

Cánh tả xoay về đổ lỗi cho chính Tổng thống Obama của họ là không lo cho công ăn việc làm của người nghèo và dân thiểu số. Cánh hữu tấn công Ngân hàng Trung ương về biện pháp bơm tiền - mà họ ủng hộ trước đấy - là vô trách nhiệm và gây ra nguy cơ lạm phát. Vô địch về vô tâm hay hữu ý là Thống đốc Rick Perry của Texas, ứng cử viên Tổng thống bên Cộng Hoà, khi ông phê phán định chế độc lập là Ngân hàng Trung ương Mỹ là "gần như phản bội" khi hạ lãi suất tới số không và còn báo trước là sẽ duy trì việc ấy cho tới sau ngày bầu cử!
 
Nguyễn Xuân Nghĩa - Người Việt 20110823
http://www.dainamax.org/2011/08/kinh-te-suy-tram.html

Ngay trong nội bộ hệ thống Ngân hàng Dự trữ có ba trong 10 nhân vật có thẩm quyền cũng tó ý bất đồng về việc báo trước chế độ bất thường này cho đến 2013!

Trong một kỳ sau - trời đất còn dài mà bài viết có hạn – ta sẽ tìm hiểu thêm về các phương thuốc bất thường sau này, khi đặt vấn đề trong bối cảnh quốc tế là kinh tế Âu Châu còn đình đọng hơn kinh tế Mỹ - và vụ khủng hoảng đồng Euro chưa lui!

Hai lần đụng đáy ở hai nơi, trời đất ơi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét