Thứ Tư, 17 tháng 8, 2011

Phố Trung Quốc ở Hải Phòng

Phố Trung Quốc ở Hải Phòng

TP - Cùng huyện Yên Khánh – Ninh Bình và huyện Đông Triều – Quảng Ninh, ở huyện Thủy Nguyên – Hải Phòng cũng có Chinatown.
Biển hiệu tiệm tạp hóa ghi tiếng Trung Quốc 	Ảnh: Phạm Duẩn
Biển hiệu tiệm tạp hóa ghi tiếng Trung Quốc Ảnh: Phạm Duẩn.
Bỗng dưng thành phố Trung Quốc
Năm 2006, nhà máy Nhiệt điện (NMNĐ) Hải Phòng 1 (ở xã Tam Hưng, huyện Thủy Nguyên) được khởi công và bên trúng thầu toàn bộ là các doanh nghiệp của Trung Quốc. Hai xã thuần nông Tam Hưng và Ngũ Lão của huyện Thủy Nguyên bao đời yên ả trong lũy tre làng giờ ồn ào, xáo trộn hẳn khi hàng nghìn công nhân Trung Quốc ùn ùn kéo đến sinh sống... để làm lao động chân tay thi công nhà máy nhiệt điện.

Con đường chạy qua xã Ngũ Lão, Tam Hưng có lúc cả trăm hàng quán mọc lên, nào bia, tạp hóa, quán ăn nhậu, karaoke, mát-xa, cà phê, nhà nghỉ... Những người đi xa về làng giật mình tưởng lạc vào phố Trung Quốc vì các biển hiệu dù quán cóc rìa làng, quán bia hơi đến khách sạn, nhà nghỉ, tường rào, nhà máy... đều ghi chữ Trung Quốc. Nhà nào, quán hàng nào cũng treo đèn lồng đỏ Trung Quốc.
Tối tối, một vài quán cà phê đèn mờ được mở ra, vài em gái ăn mặc hở hang mời gọi công nhân Trung Quốc vào đấm lưng thư giãn. “Không ít lộn xộn, cãi cọ nhau về giá tiền “bo” mà cười ra nước mắt”, anh Hai (người dân địa phương) nói.
Vợ chồng anh Hòa chị Diễm thấy đông công nhân Trung Quốc liền mở tiệm bán tạp hóa và nhập toàn bộ hàng từ Trung Quốc về bán. Chị Hạnh bán hàng giúp vợ chồng anh Hòa kể: “Công nhân Trung Quốc làm ở đây hầu hết đều nghèo vì họ chỉ là lao động phổ thông. Mặc cả chặt chẽ lắm. Nói mỏi cả mồm có khi chẳng bán được thứ gì. Có nhóm mua chịu, sau, có tiền trả sòng phẳng. Cũng có người sắp hết đợt lao động phải về nước mua hàng chịu xong chuồn luôn...”
Chiều chiều, cả nghìn công nhân Trung Quốc từ công trường túa ra đường cởi trần trùng trục, áo vắt vai. Hầu hết, họ ở trong khu nhà tập thể do nhà thầu Trung Quốc xây dựng cạnh công trường. Tuy nhiên, cả trăm công nhân là các toán thợ nhỏ lẻ vào Việt Nam bằng hộ chiếu du lịch thì thuê các nhà dân xung quanh công trường để ở. Gia đình ông Lại Văn Đấu (xóm 6, xã Tam Hưng) cho thuê hẳn dãy nhà hai tầng.Khoảng chục công nhân Trung Quốc chiều chiều về lại nổi lửa nấu ăn, cởi trần lang thang khắp làng, bắc ghế ngồi ngay đường làng ngắm chị em qua lại chờ đến giờ ăn.
Nhà anh Nguyễn Văn Cường (ở xóm 6, xã Tam Hưng) cũng vậy. Anh Cường nói: “Nhà em có căn nhà nhỏ cho 2 công nhân Trung Quốc thuê một tháng cũng được 500 nghìn đồng. Họ cũng hiền lành, nghèo. Ở xã Tam Hưng này có đến cả chục gia đình có nhà cho công nhân Trung Quốc thuê”. Vợ chồng anh Chính chị Mì (ở xã Tam Hưng) cũng có ngôi nhà hai tầng nhỏ cho công nhân Trung Quốc thuê. Chị Mì còn bán thêm hàng phục vụ bà con trong làng và các công nhân Trung Quốc này...
Số lượng công nhân Trung Quốc lao động tại NMNĐ Hải Phòng cụ thể là bao nhiêu người, theo giấy phép nào và có đúng quy định không thì không cơ quan chức năng nào ở Hải Phòng trả lời được cụ thể, chính xác. Lãnh đạo huyện Thủy Nguyên nói là thẩm quyền, chức năng do sở LĐTB và XH quản lý theo dõi. Còn bà Lê Ngọc Lan (trưởng phòng Lao động Tiền lương, sở LĐ-TB&XH Hải Phòng) lại nói, không có báo cáo cụ thể, chỉ có số liệu của bên BQL dự án nói là hiện có khoảng 700 công nhân gì đó.
Thực ra, BQL dự án NMNĐ lại không thể biết là có bao nhiêu công nhân Trung Quốc đang làm việc tại công trường vì không có quyền yêu cầu nhà thầu Trung Quốc báo cáo. Vì vậy, con số công nhân Trung Quốc ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng vẫn chưa được tính đến chính xác mà chỉ ước lượng qua nhiều nguồn thông tin. Được biết, số lượng công nhân Trung Quốc tập trung lao động tại NMNĐ Hải Phòng lúc đông nhất là khoảng 2.500 người vào năm 2008.
Kiếm tiền, kiếm vợ
Được người dân chỉ lối, rẽ vào nhà ông Đoàn Văn Ngọc (52 tuổi, ở thôn 6, xã Ngũ Lão), tôi gặp được con gái ông Ngọc lấy chồng là công nhân Trung Quốc lao động ở NMNĐ Hải Phòng. Đó là chị Đoàn Thị Bích (22 tuổi).
Chị Bích và cậu con trai với công nhân Trung Quốc
Chị Bích và cậu con trai với công nhân Trung Quốc.
Chị Bích vừa bế con từ nhà chồng ở thành phố Liễu Châu (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) về nhà bố mẹ đẻ. Bé trai mới 2 tuổi tên là Chấn Hàn. Chồng của Bích tên là A Han, hơn vợ 10 tuổi. Vừa xúc cháo cho con, chị Bích vừa kể: “Học xong lớp 12, hay đi chơi với chúng bạn cùng làng rồi qua người này người kia giới thiệu, bắt mối, em quen anh A Han. Anh A Han sang lao động ở NMNĐ từ năm 2007 làm thợ hàn...” Mới lấy nhau, ngôn ngữ bất đồng, vợ chồng Bích chỉ nói chuyện với nhau bằng tay là chính. Từ lúc lấy được cô vợ Việt, A Hàn liền bỏ luôn khu nhà ở tập thể của công nhân Trung Quốc mà về ở rể luôn nhà ông Ngọc.
Sau khi sinh con, chị Bích bế con về nhà chồng còn A Han vẫn ở nhà ông Ngọc và hằng ngày vào công trường lao động. Tò mò hỏi ông Ngọc, không biết tiếng Việt thì A Han hòa nhập gia đình kiểu gì, ông Ngọc nói: “Nó là con rể mình. Thôi thì chúng nó lấy nhau là do duyên số. Cứ đến bữa ra hiệu gọi nó ra ăn cơm. Được cái nó hiền lành, có gì ăn nấy. Nó cũng chẳng đóng góp gì cả. Mà không quan trọng, nó là con rể mình mà...”.
A Han được gia đình bố mẹ vợ dành cho cái gian ngang hơn chục mét vuông để ở. “Gia đình nhà chồng ở bên Trung Quốc cũng bình thường, nghèo cả. Em vẫn sống bình thường với mọi người tuy phải ra hiệu là chính vì vốn tiếng Trung còn ít. Ngày 22-8 này, vợ chồng em về Trung Quốc”, chị Bích nói.
Cùng thôn 6, xã Ngũ Lão, chị Đỗ Thị Thêm (25 tuổi) lấy một anh công nhân Trung Quốc lao động ở NMNĐ Hải Phòng tên là Lí Phửng (34 tuổi, ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc). Lấy nhau xong, chị Thêm về nhà bố mẹ chồng sinh sống dù vốn tiếng Trung chỉ biết vài câu giao tiếp thông thường. Mới cưới được 5 năm, chị Thêm đã kịp sinh hai cậu con trai 4 tuổi và 1 tuổi. Ngay sau khi cưới, anh Lí Phửng bỏ nhà tập thể công nhân Trung Quốc về ở hẳn luôn nhà chị Thêm. Hằng ngày, Lí Phửng vào công trường lao động, tối về nhà bố mẹ vợ ăn cơm, ngủ còn chị Thêm thì biền biệt với đám con ở nhà chồng tận Trung Quốc. Thỉnh thoảng, Lí Phửng về Trung Quốc thăm vợ con, bố mẹ.
“Thêm lấy Lí Phửng nhờ người quen mai mối. Lí Phửng làm thợ hàn trong NMNĐ rất muốn lấy vợ Việt Nam nên khi Thêm đồng ý là Phửng cưới luôn. Gọi là cưới nhưng toàn họ nhà gái thôi. Bố mẹ Lí Phửng già, đường sá xa xôi không đi được”, anh Đỗ Xuân Quảng (anh rể chị Thêm) nói. Theo anh Quảng ước lượng, số công nhân Trung Quốc làm ở NMNĐ Hải Phòng lấy vợ là người hai xã Ngũ Lão và Tam Hưng phải lên đến hàng chục. Lương của mỗi lao động này khoảng 14 triệu đồng/ tháng, được trả trực tiếp vào tài khoản ở Trung Quốc. Hàng tháng, họ chỉ nhận chút tiền tiêu vặt.
Hàng rào nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1
Hàng rào nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1.
Ngoài ra, một vài bác công nhân già Trung Quốc cũng tranh thủ “cặp” với một số chị em làm dịch vụ, thậm chí còn thuê nhà ở với nhau. Đám công nhân Trung Quốc trẻ nhà nghèo, trình độ học vấn thấp, người dân tộc thiểu số lại ở tận vùng sâu vùng xa rất khó lấy vợ nên đây là cơ hội cho họ “tuyển” vợ Việt thông qua một vài người mai mối ở địa phương. Vừa lao động kiếm tiền với thu nhập cao hơn hẳn ở Trung Quốc lại vừa “tậu” được vợ khi công việc hết, những công nhân Trung Quốc này rỉ tai nhau về kế hoạch gia đình tương lai cho chúng bạn chưa vợ ở Trung Quốc sang Việt Nam lao động.
BQL dự án NMNĐ lại không thể biết là có bao nhiêu công nhân Trung Quốc đang làm việc tại công trường vì không có quyền yêu cầu nhà thầu Trung Quốc báo cáo. Vì vậy, con số công nhân Trung Quốc ở huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng vẫn chưa được tính đến chính xác mà chỉ ước lượng qua nhiều nguồn thông tin.
Lam Khê


TP - Mỗi chiều chạng vạng, chợ Cái Tàu ở ấp 4, xã Khánh An (U Minh, Cà Mau) lại bắt đầu nhộn nhịp bóng công nhân Trung Quốc từ công trường xây dựng Cụm khí- điện- đạm Cà Mau bên kia sông đi đò sang. Đằng sau sự nhộn nhịp đến khuya của khu chợ sông nước ấy là góc tối xót xa...
Đò máy sang chợ Cái Tàu 	Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng
Đò máy sang chợ Cái Tàu Ảnh: Nguyễn Tiến Hưng.
Nhộn nhịp
Anh lái đò vừa chở công nhân Trung Quốc từ bến cảng Cụm khí- điện- đạm Cà Mau cập bờ chợ Cái Tàu, rỉ tai tôi: “Đây là công nhân lao động phổ thông, tiền lương ít nên qua chợ Cái Tàu nhậu nhẹt, tìm gái quê rẻ tiền”.
Một lúc, khi công nhân Trung Quốc đã lên hết trên bờ, vui chuyện anh kể tiếp: “Những người có lương cao, họ đi ra TP Cà Mau, xa thêm khoảng 14 km. Đêm qua, thằng em tôi làm công nhân trong đó, quen với công nhân Trung Quốc, được họ thuê chở xe máy đưa họ ra TP Cà Mau nhậu nhẹt, đưa gái vô khách sạn chơi cho tới 4 giờ sáng. Nó được trả công 500.000 đồng”.
Chợ Cái Tàu nằm ở ngã ba sông, từ xưa là nơi giao thương của người dân vùng U Minh và Thới Bình, nhộn nhịp, đậm nét thơ mộng văn hóa sông nước. Khi mở ra các công trình xây dựng Cụm khí- điện- đạm Cà Mau, chợ Cái Tàu thay đổi nhiều để phục vụ lượng công nhân đổ về đông đúc.
Có lẽ phải kể từ tháng 7-2008, Cty Cổ phần Khoa học kỹ thuật Ngũ Hoàn- Trung Quốc (WEC) trúng thầu xây dựng Nhà máy đạm Cà Mau. Ban quản lý Cụm dự án khí- điện- đạm Cà Mau cho biết, hiện tại Nhà máy đạm Cà Mau đang có 3.780 người làm việc, trong đó, lao động người Trung Quốc 1.733 người nhưng hơn 1.000 người không phép.
Công nhân Trung Quốc ăn nghỉ tại lán trại trên công trường. Thiếu tá Hứa Thanh Lạc, Đồn phó Đồn Công an Cụm khí- điện- đạm Cà Mau cho biết: “Công nhân Trung Quốc phần đông là lao động phổ thông. Khi ra vào cổng, họ xuất trình thẻ và ít đi xa, chủ yếu qua đò sang chợ Cái Tàu để mua sắm, nhậu nhẹt, chơi bời”.
Chợ Cái Tàu từ đó, thêm nhiều nhà trọ, quán nhậu có nhiều nữ tiếp viên và thức khuya hơn trước. Ông Quách Trường Giang, công an viên ấp 4, xã Khánh An tâm sự: “Bà con ở chợ làm ăn có khá hơn chút nhưng tệ nạn mại dâm lại phức tạp, nhất là nữ tiếp viên khắp nơi về đây, son phấn nhộn nhịp từ chiều tối đến đêm khuya”.
Chỉ đoạn đường ngắn khoảng 1 km từ chợ Cái Tàu về hướng Biện Nhị, trung tâm huyện U Minh, đã thấy nhiều quán nhậu có bảng hiệu hoặc không, lấp ló sau vạt rừng tràm ven sông. Thấp thoáng bóng công nhân Trung Quốc và những cô gái son phấn, ngồi ăn nhậu nhiệt tình, xóa khoảng cách bất đồng ngôn ngữ.
Công trường xây dựng Nhà máy đạm Cà Mau
Công trường xây dựng Nhà máy đạm Cà Mau.
Ông Nguyễn Văn Út, Bí thư chi bộ ấp 4, xã Khánh An cho biết: “Những quán này dù không treo bảng hiệu, nằm xa chợ nhưng vẫn đông khách Trung Quốc tìm đến. Chủ quán vừa bán rượu bia, vừa có phòng kín đáo để khách tâm sự, vui chơi. Mới hôm rồi, quán nhậu của ông L.T bị Công an Cà Mau phát hiện chứa gái mại dâm, xử phạt gần 40 triệu đồng. Nổi tiếng chốn ăn chơi còn có quán ông T.X”.
Nỗi buồn
Anh chạy đò dọc dẫn tôi đến căn phòng trọ cho thuê tháng, đứng ngoài thì thầm kể: “Căn phòng này của cô K.D thuê ở để bán nước đóng chai cho công nhân trên công trường. Ban đêm, cô ấy thường rủ công nhân Trung Quốc về. Cô có chồng rồi nhưng mới bỏ, để lại ba con nhỏ cho mẹ chồng nuôi”.
Bến sông chợ Cái Tàu
Bến sông chợ Cái Tàu.
Tôi tìm đến căn nhà của ba cháu nhỏ bị mẹ bỏ rơi ở khu tái định cư Khánh An, ấp An Phú, xã Khánh An. Ba cháu nhỏ đang sống với bà nội là bà Th., đứa lên bảy, đứa chưa dứt sữa. Bà Th. buồn bã kể, góa bụa hồi còn trẻ, nuôi hai con trai khôn lớn; một có vợ ra riêng ở xa, một là T. vừa bị vợ (cô K.D) bỏ. Bà Th. vừa với tay đưa võng ru đứa cháu nội vừa ngậm ngùi: “Mẹ nó bỏ đi khi thằng này vừa hơn thôi nôi”.
Anh T., 29 tuổi, làm công nhân trên công trường Nhà máy đạm Cà Mau, lương tháng khoảng 3 triệu đồng, vừa nuôi mẹ nuôi con vừa phải dành trả nợ bể hụi do vợ để lại.
Anh T. cho biết, khi mở ra công trình xây dựng Nhà máy đạm Cà Mau, cô K.D - vợ anh xin vào nấu ăn cho công nhân Trung Quốc; được hơn một tháng thì về nhà “xin” bỏ chồng, rồi dọn đồ ra thuê nhà trọ ở chợ Cái Tàu, ngày bán nước lọc, đêm “hoạt động bí mật”.
Anh T. buồn rầu, lấy nhau gần chục năm trước, bây giờ có gặp nhau ngoài công trường thì K.D cũng ngoảnh mặt ngó lơ không một lời hỏi han chồng con.
Bà Th. lại buồn bã tâm sự: “Bên gia đình sui gia tôi cũng buồn. Nghe người quen nói con dâu tôi bỏ chồng con vì quen biết với công nhân Trung Quốc mà thấy nhục nhã, xấu hổ lắm, không còn dám nhìn mặt ai”.
Chợ Cái Tàu từ đó, thêm nhiều nhà trọ, quán nhậu có nhiều nữ tiếp viên và thức khuya hơn trước. Ông Quách Trường Giang, công an viên ấp 4, xã Khánh An tâm sự: “Bà con ở chợ làm ăn có khá hơn chút nhưng tệ nạn mại dâm lại phức tạp, nhất là nữ tiếp viên khắp nơi về đây, son phấn nhộn nhịp từ chiều tối đến đêm khuya”.
Nguyễn Tiến Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét