Thứ Năm, 6 tháng 6, 2019

Không tán thành đóng quân lâu dài ở Campuchia

Nghĩ tới những tổn thất trong cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và việc Việt Nam cho quân ở lại Campuchia tới 10 năm chỉ vì bảo vệ chính quyền do VN dựng lên thấy đau xót. Tôi nhớ những năm 1983-1985, thỉnh thoảng lại được dự các phiên họp nghe đại diện quân đội báo cáo về tình hình chiến sự Campuchia với những tin rất xấu, rất buồn như các lực lượng đối lập ở Campuchia phục hồi và tăng cường các hoạt động quân sự trở lại, tấn công bất ngờ các đơn vị quân đội ta gây ra những tổn thất lớn; quân đội chính phủ Phom Penh yếu ớt không thể chống đỡ được sự trỗi dậy của Khmer Đỏ; mìn sát thương cá nhân của Trung Quốc được cài khắp nơi không gây tử vong nhưng làm cụt chân hàng nghìn bộ đội ta, tạo gánh nặng lâu dài cho đất nước... Theo tổng kết trong trang "chiến tranh biên giới Tây Nam", từ 1977 tới trước tháng 12/1978: bộ đội VN có khoảng 3.000 chết, 5.500 bị thương; từ tháng 12/1978 tới tháng 1/1979: 8.000 chết hoặc bị thương. Toàn cuộc chiến (từ năm 1978 tới 1989, bao gồm cả thời kỳ đóng quân ở Campuchia): ~ 10.000 - 20.000 chết ~30.000 quân nhân bị thương. Tính cả dân thường thì từ năm 1977 tới tháng 10-1989 có 55.300 chết hoặc bị thương. Tôi tán thành việc tấn công Campuchia vì đây là một cuộc phản kích tự vệ chính đáng khi bị xâm lược, đặc biệt vì Khmer Đỏ đã tấn công các tỉnh biên giới Tây Nam Bộ của Việt Nam và gây ra nhiều vụ thảm sát trước khi Việt Nam phản kích. Tấn công Campuchia là Việt Nam đã thực hiện các quyền tự vệ chính đáng khi bị tấn công được ghi trong Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ tán thành việc giữ quân ở lại nước này, dù với danh nghĩa giải cứu nhân đạo của Việt Nam nhằm giúp Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng do Khmer Đỏ gây ra; vì lý do lực lượng Quân tình nguyện Việt Nam có mặt ở Campuchia trong 10 năm để giúp chính quyền mới của Campuchia xây dựng đất nước. Tôi không coi hành động đóng quân lâu dài của Việt Nam xuất phát từ trách nhiệm quốc tế cũng như lương tâm của một dân tộc từng chịu nhiều áp bức và ngoại xâm, không coi sự đóng góp, hy sinh của Việt Nam tại Campuchia vừa vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc vừa với tinh thần quốc tế trong sáng và cao cả...
VỀ MỘT SỰ KIỆN CHÍNH TRỊ
FB Lê Luân - Việt Nam bày tỏ thái độ và quan điểm về một phát biểu của một chính trị gia của đất nước khác là điều đương nhiên phải làm và hợp lý. Khoan nói tới cái được gọi là tự tôn dân tộc, ở đây xét về khía cạnh chính trị và phát biểu: không ai có thể bắt một ai đó buộc phải thấy như ta thấy hoặc như cái ta khẳng định và họ làm cái mà họ thấy là tốt nhất cho họ trước tiên.
Câu chuyện phát biểu về “xâm lược” hay “phòng vệ chính đáng” và “thực hiện nghĩa vụ quốc tế” là một vấn đề gây tranh cãi, luôn luôn, về mặt chính trị. Cũng như Liên Xô trước đây đi “chiếm đóng hàng chục nước khác” và coi đó là “sứ mệnh quốc tế”, nhưng xét trên nhiều khía cạnh thì đó là hành động có nhiều dấu hiệu xâm lược (đem cả quân đội đàn áp phong trào của Hungary và Tiệp Khắc).

Ta nói Mỹ xâm lược, nhưng lại cho rằng Liên Xô thì không, trong khi những nước khác không coi Mỹ xâm lược mà là Liên Xô đang bành trướng. Đó là một vấn đề chính trị quốc tế mà mỗi bên đều “kết luận theo nhận định của mình”. Tất cả các nước đều khẳng định rằng thảm sát Thiên An Môn là một tội ác tày trời chống lại loài người, nhưng Đảng cộng sản Trung Quốc lại coi đó là “một chính sách đúng đắn” mà buộc phải làm để “giữ cho 20 năm ổn định dù phải đánh đổi 200.000 người”.

Việt Nam phải phòng vệ trước sự tấn công của Khmer trên dọc biên giới phía Tây Nam và sau đó là giúp nhân dân Campuchia tránh hoạ diệt chủng, mặc dù lúc đó Polpot là lãnh tụ của Đảng cộng sản và được Trung Quốc giật dây (dựng lên, bao cấp và duy trì sự hiện diện). Việc đó không thể là một hành động xâm lược, mà đó là tự vệ và thực hiện nghĩa vụ nhân đạo quốc tế. Giống như Nga đổ quân vào Syria hay Mỹ sẽ có hành động tại Venezuela một khi chính quyền độc tài của Maduro ra lệnh trấn áp người dân biểu tình và người của phe đối lập.

Việc Lý Hiển Long, Thủ tướng đương nhiệm Singapore phát biểu về cuộc chiến này của Việt Nam, được coi như là một vấn đề chính trị và nhận thức cá nhân, mặc dù trên cương vị đứng đầu chính phủ. Ông ta đang đứng trên góc nhìn của mình để nói về quan điểm đánh giá một sự kiện chính trị đã diễn ra, như Việt Nam ta cũng có quyền để đánh giá một vấn đề chính trị hay sự kiện vậy.

Việt Nam luôn cáo buộc Trung Quốc dùng vũ lực và có các hành động bành trướng bất chấp (bất hợp pháp) tại biển Đông. Và đó là một thực tế, Mỹ cũng như quốc tế cũng có các cáo buộc này. Nhưng Trung Quốc lại cho rằng họ đang thực thi quyền chủ quyền trên vùng biển “được xác lập dựa trên đường 9 đoạn” mà họ tự vẽ ra.

Nhiều người coi rằng VNDCCH đã xâm lược VNCH sau khi đã đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Geneva 1954, nhưng nhiều người lại không cho rằng như vậy mà coi đó là một cuộc giải phóng thống nhất đất nước. Hay thế giới coi chế độ độc tài của Gaddafi cũng như Saddam Hussein là chế độ chuyên chế phi nhân, nhưng một số quốc gia lại ủng hộ chế độ độc tài tàn bạo này và lên án những quốc gia lên án chế độ độc tài đó.

Ông ta phát biểu là vì nhận thức và do vị trí của ông ta. Chúng ta có quyền lên án, phê phán hay phản bác, nhưng lại không thể triệt tiêu được những quan điểm kiểu như vậy. Vì chúng ta cũng có quyền để phát biểu về một điều tương tự. Cũng như Triều Tiên là một chế độ độc tài quân phiệt và tàn bạo, nhưng một số quốc gia lại coi là bạn và thừa nhận chế độ đó.

Một khi chúng ta hùng cường và vững mạnh, không rơi vào nước nghèo, hay đi xin viện trợ, xuất khẩu lao động, ra nước ngoài không còn trộm cắp hay làm những điều xấu xí, chúng ta sẽ coi những lời phát biểu thiển cận của Lý Hiển Long là hết sức bình thường và có quyền để đáp trả bằng những biện pháp mạnh mẽ và cương quyết hơn. Nhưng khi nước còn nghèo nàn lạc hậu và yếu thế, thì chỉ có thể phản đối khơi khơi, thậm chí còn không thể bảo vệ quan điểm của mình. Trung Quốc đương nhiên không bao giờ đồng tình với Việt Nam về cuộc chiến này.

Bây giờ nhà nước Việt Nam sẽ làm gì, ngoài việc cho người phát ngôn của Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối như phản đối các hành động bành trướng của Trung Quốc ở biển đông? Nhưng cần phải gửi văn bản theo đường ngoại giao tới ông ta để bày tỏ thái độ và quan điểm về phát ngôn này, và cho ông ta thấy sự chính đáng của cuộc chiến đó như nó phải là.

Lê Luân

1 nhận xét:

  1. Nói như vậy thì Việt nam nên im mồm cho xong chuyện mà lại không gây khó chịu cho anh bạn BỐN TỐT ! Suy cho cùng chẳng có anh mô trong sáng cao cả hết !

    Trả lờiXóa