Thứ Hai, 24 tháng 6, 2019

Thế nào là Made in VN, Asanzo có làm gì sai không?


Thế nào là Made in Vietnam, Asanzo có làm gì sai không?
Dương Quốc Chính - Ở stt bên kia, nhiều anh em chưa hiểu rõ thế nào là “Ma-dê-in-Vietnam” (@TTg Fuk), nên rất khó để đánh giá xem Asanzo có thực sự lừa đảo khách hàng hay không, cho dù báo Tuổi Trẻ có đưa ra nhiều bằng chứng thực tế. Mấu chốt chính là ở chỗ này và mình rắp tâm tìm hiểu. Điều này lẽ ra báo Tuổi Trẻ đã phải viết ra, chứ không phải là mình.

Theo pháp luật VN hiện hành thì sản phẩm điện như của Asanzo phải đáp ứng tiêu chí “tỉ lệ phần trăm của giá trị; hoặc được lắp ráp từ các linh kiện, bán thành phẩm theo một dây chuyền công nghiệp.” Tỷ lệ % giá trị hiểu nôm na là sản phẩm của Asanzo phải có lớn hơn hoặc bằng 30% giá trị sản phẩm xuất ra là của VN và hoàn thiện lắp ráp tại VN, thì được coi là sản xuất tại VN.



Con số 30% giá trị này được xác định rất phức tạp, đại khái là chi phí nhân công, nhà xưởng, an ninh, kho bãi, nghiên cứu phát triển… xem ảnh đính kèm để biết chi tiết. Khe hở của luật chính là ở chỗ này!

Như vậy, cứ chế sao cho đủ 30% giá trị kia là có thể dán tem made in VN, mà chế con số này không khó. Đó chính là lý do tại sao hàng thành phẩm tương tự của TQ giá 2 triệu mà khi đem về để made in VN giá phải thành 4-6 triệu. Đó là doanh nghiệp phải chế thêm chi phí sao cho nó đạt tiêu chí 30% kia. Chế thì khó gì, chỉ việc chế biến sổ sách kế toán, đẩy chi phí cao lên là xong, vụ này kế toán VN đều làm tốt.

Tiêu chí “hoặc” cũng rất chi là dễ dãi, sơ sài, tức là chỉ có dây chuyền lắp ráp từ các linh kiện bán thành phẩm. Khái niệm dây chuyền lắp ráp này cũng rất tù mù, lắp vài con ốc này nọ cũng có thể có 1 dây chuyền!

Nghị định 29 còn có 1 câu đọc rất ngớ ngẩn: Việc lắp ráp ĐƠN GIẢN các bộ phận của sản phẩm để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh KHÔNG được xét đến khi tính xuất xứ hàng hóa. Có nghĩa là các nhà làm luật muốn loại bỏ khả năng là DN lách luật bằng cách nhập sản phẩm gần hoàn thiện về, vặn 3 con vít, rồi tính là hoàn thiện tại VN để dán tem made in VN. Nhưng thế nào là lắp ráp đơn giản? Luật rõ là ngu! Mình tưởng là trong các thông tư sẽ diễn giải khái niệm đơn giản đó, nhưng không thấy, có nghĩa là điều đó vô nghĩa.

Tóm lại, nếu chỉ dựa vào các điều tra của báo Tuổi Trẻ thì chưa thể xác nhận được Asanzo có vi phạm pháp luật và lừa dối khách hàng hay không? Bởi vì họ đáp ứng tiêu chí có dây chuyền sản xuất (có ĐƠN GIẢN hay không thì không biết!). Còn tiêu chí % giá trị thì mình nghĩ là họ chế cháo quá đơn giản, vì con số 30% kia là nhỏ.

Ví dụ như cái điện thoại Samsung, mình cho là VN chỉ có mỗi chi phí nhân công. Các phụ kiện ăn theo khác là rất ít, chắc có được bao bì vỏ hộp… Nhà xưởng cũng do Samsung đầu tư (chi phí đó khá lớn). Mà vẫn được coi là made in VN!

Trong khi đó Asanzo tự đầu tư nhà xưởng và vận hành dây chuyền (dù đơn giản), thì khả năng tỷ lệ nội địa kia còn cao hơn điện thoại Samsung. Thế nên khả năng họ đáp ứng các tiêu chí made in VN là cực cao! Thậm chí ngay cả việc họ xé tem made in China để dán đè tem made in VN cũng chả vấn đề gì. Lẽ ra họ không cần bóc tem China cứ dán tem VN bên cạnh thì cũng chả sao. Vì 1 sản phẩm có thể có các chi tiết sản xuất tại các nước khác nhau.

Mình đọc các phóng sự điều tra của báo Tuổi Trẻ thì thấy phóng viên dẫn dắt độc giả theo hướng tình cảm, đọc như truyện trinh thám, theo dõi này nọ khá là kịch tính… Nhưng lại không hề viện dẫn luật để chứng minh Asanzo đã sai! Dân VN thì dị ứng với hàng xuất xứ TQ, ghét cả linh kiện TQ, nên sẽ chửi Asanzo. Chứ nếu nói về tỷ lệ chi phí nội địa thì điện thoại Samsung chắc ít hơn, chẳng qua họ làm công khai và linh kiện không phải (hoặc ít) của TQ.

Vậy tại sao Asanzo bị đánh? Câu trả lời của mình dưới đây hoàn toàn là phỏng đoán, thuyết âm mưu, nhưng không nhất thiết phải khác với sự thật.

Đó là Asanzo bị biến thành con dê tế thần, có thể vì quan hệ suy yếu hoặc “có lỗi” với ai đó. Nhưng 1 lý do hay ho hơn cả, chính là để rung cây doạ khỉ. Chúng ta đều biết Mỹ và TQ đang có thương chiến, hàng hóa TQ hoàn toàn có thể sẽ ồ ạt chạy sang VN để dán mác made in VN rồi xuất khẩu sang Mỹ, để tránh lệnh trừng phạt. Bài vở thì y hệt như Asanzo đã làm. Vậy, cú đập này chính là hồi chuông cảnh báo chuyện đó, do ai đứng sau để rung chuông thì mình chưa đoán ra. Cũng có thể là 1 nhóm doanh nghiệp “tử tế” hơn chút, muốn làm sản phẩm made in VN thật sự, đứng sau, thậm chí đã lobby tới tận cấp Bộ, để đập vụ này.

Vì là thuyết âm mưu nên anh em cứ việc để trí tưởng tượng bay bổng ở các comment nhé!

Dương Quốc Chính
(FB Dương Quốc Chính)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét