Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2019

Việt Nam: Làm gì đủ sức thao túng tỉ giá!

Việt Nam: Làm gì đủ sức thao túng tỉ giá!
NGUYỄN VẠN PHÚ, 15.06.2019 - Giá trị đồng tiền của một nước là do nước đó ấn định; mắc gì nước khác nhìn vào, soi mói và cáo buộc “thao túng tỉ giá”. Đó là suy nghĩ của khá nhiều người khi đọc tin Mỹ đưa thêm một số nước vào danh sách “cần theo dõi” để xem có thao túng tỉ giá hay không. Hằng năm, Bộ Tài chính Mỹ hai lần làm báo cáo trình Quốc hội về chuyện này. Danh sách cần theo dõi trong thời gian tới gồm 9 nước, trong đó mới bổ sung lần này là 5 nước Ireland, Ý, Singapore, Malaysia và Việt Nam; cộng 4 nước đã có sẵn trong các danh sách trước là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức.

Ảnh: The Economist
Một số người khác lại nhầm tưởng nước bị cáo buộc thao túng tỉ giá sẽ phải phá giá đồng tiền nước họ để thoát khỏi cái nhãn này! Có đúng vậy không? Lấy ví dụ Mỹ và Nhật Bản đang mua bán hàng hóa của nhau. Nhật bán qua Mỹ rượu sake, giá 1.000 yen một chai, giả định 1.000 yen bằng 10 USD cho dễ hình dung. Hàng bán không chạy, phía Nhật bèn định giá 1.000 yen nay chỉ bằng 5 USD, ngay lập tức các chai rượu sake giá ở Nhật giữ nguyên nhưng xuất qua Mỹ nay giá chỉ còn một nửa sẽ bán chạy như tôm tươi.

Đó là một cách ví von đơn giản hóa chuyện thao túng tỉ giá và như chúng ta thấy, Nhật trong trường hợp giả định này thao túng tỉ giá bằng cách phá giá đồng tiền của họ. Nói cách khác, phá giá là hành động thao túng; còn nâng giá đồng tiền là biện pháp “khắc phục” chuyện thao túng, chứ không phải ngược lại.

Thế nào là thao túng?


Thế nhưng trong nền kinh tế thị trường, đâu phải nước nào muốn ấn định tỉ giá thế nào cũng được. Họ thường tác động lên tỉ giá bằng cách bán ra đồng tiền nước họ và mua vào đồng tiền nước mà họ muốn điều chỉnh.

Trở lại giả định ở trên, nếu Nhật muốn thao túng cặp tỉ giá yen - USD, họ sẽ bán yen (mà yen là của họ nên bán bao nhiêu chẳng được) và mua USD. Yen tràn ngập thị trường nên giá sẽ giảm; USD bị mua vào, ngày càng khan hiếm nên giá sẽ tăng.

Ở ví dụ trên, các con số 1.000 yen giảm từ 10 USD xuống 5 USD là cho dễ thấy, chứ biên độ mong muốn trên thực tế chừng vài phần trăm cũng phải vất vả lắm mới đạt được.

Hãy lấy một ví dụ khác, cũng giữa hai nước Mỹ và Nhật, nhưng hàng hóa mua bán là xe hơi. Giả sử Toyota sản xuất xe Corolla, còn Mỹ làm ra xe Ford Focus - giá bán ra thị trường bằng nhau, cỡ 20.000 USD ở Mỹ và 2 triệu yen ở Nhật. Nay Nhật điều chỉnh tỉ giá 2 triệu yen chỉ đổi được 10.000 USD thôi, ngay lập tức xe Toyota Corolla sản xuất ở Nhật giá vẫn 2 triệu yen nhưng khi bán vào Mỹ giá chỉ còn 10.000 USD - xe Ford sản xuất ở Mỹ làm sao cạnh tranh nổi. Ford sẽ than trời và Chính phủ Mỹ đứng đằng sau doanh nghiệp của nước họ ắt sẽ buộc tội Nhật chơi không sòng phẳng. Ngược lại, xe Ford Focus vẫn giá 20.000 USD nhưng xuất qua Nhật nay giá đã lên đến 4 triệu yen, làm sao bán được.

Đó chính là cáo buộc “thao túng tỉ giá” hay “thao túng tiền tệ” mà trong quan hệ ngoại thương giữa các nước theo nguyên tắc thương mại công bằng của WTO, Mỹ hay bất kỳ nước nào cũng có quyền lên tiếng với đối tác thương mại.

Thao túng tỉ giá sẽ làm hàng hóa của nước thao túng rẻ đi, tự nhiên cạnh tranh ngon lành với hàng của nước đối tác. Ngược lại, hàng của nước đối tác sẽ đắt lên rất nhiều khi đi vào nước thao túng.

Bây giờ chúng ta trở lại các tiêu chí Mỹ đặt ra để đo lường xem một nước có thao túng tỉ giá hay không.

Dễ thấy nhất là nước đó có bán hàng vào Mỹ nhiều hơn mua hàng từ Mỹ không, cột mốc là 20 tỉ đôla; nhìn từ nước đó là thặng dư thương mại, còn từ phía Mỹ là thâm hụt thương mại. Thứ nhì là xem tài khoản vãng lai của nước đó thặng dư hay thâm hụt.

Nghe tài khoản vãng lai khá xa lạ, thật ra đó chủ yếu là cán cân thương mại của một nước, bán nhiều hơn mua thì bị nghi ngờ - cột mốc cũ là 3% GDP, cột mốc mới là 2% GDP.

Thứ ba, xem thử trong thời gian vừa qua nước đó có can thiệp thị trường ngoại hối không, tức ngân hàng trung ương nước đó có mua ngoại tệ nhiều không (ngưỡng nhiều hay ít là 2% GDP) - cột mốc thời gian cũ là 8-12 tháng, cột mốc mới là 6-12 tháng.

Muốn biết mua nhiều hay ít, người ta thường xem dự trữ ngoại hối tăng hay giảm trong khoảng thời gian đó. Nước nào đáp ứng hai tiêu chí sẽ bị đưa vào danh sách theo dõi; đủ cả ba sẽ có thể bị dán nhãn “thao túng”.

Hằng năm, Bộ Tài chính Mỹ hai lần làm báo cáo trình Quốc hội về chuyện này. Lần này báo cáo không cáo buộc nước nào thao túng tỉ giá cả. Danh sách cần theo dõi trong thời gian tới gồm 9 nước, trong đó mới bổ sung lần này là 5 nước Ireland, Ý, Singapore, Malaysia và Việt Nam; cộng 4 nước đã có sẵn trong các danh sách trước là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức.

Danh sách lần này loại bớt hai nước Ấn Độ và Thụy Sĩ.

Việt Nam: Làm gì đủ sức 
thao túng?

Riêng với trường hợp Việt Nam, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết Việt Nam hiện có thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ, tức bán hàng nhiều hơn mua, mức nhiều hơn là 40 tỉ đôla vào năm 2018.

Báo cáo cũng nói tài khoản vãng lai của Việt Nam cũng thặng dư, mức thặng dư bằng 5% GDP trong 4 quý tính đến tháng 6-2018.

Báo cáo cho rằng mặc dù Việt Nam chủ trương một tỉ giá linh hoạt, nhưng thực tế tiền đồng được gắn khá chặt vào đồng đôla Mỹ, can thiệp ngoại hối xảy ra thường xuyên, cả mua lẫn bán ngoại tệ. Thế nhưng việc mua ròng ngoại tệ chỉ ở mức 1,7% GDP vào năm 2018, chưa đến mức “đáp ứng” tiêu chí thứ ba - tức mua ròng chưa đến 2% GDP.

Đó là nhìn từ phía Mỹ. Nhìn từ phía Việt Nam thì sao? 

Thứ nhất, việc mua ngoại tệ để nâng mức dự trữ ngoại hối ở Việt Nam không hẳn là nhằm can thiệp tỉ giá. Mức dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn thấp, thậm chí chưa đạt mức cần thiết để phòng ngừa rủi ro và bảo đảm nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu và trả nợ. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2018 Việt Nam xuất khẩu chừng 243 tỉ đôla; còn theo số liệu của IMF, dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2018 là 56 tỉ đôla.

Như vậy, dự trữ ngoại hối chưa đủ để trang trải 3 tháng nhập khẩu, mức tối thiểu thường phải có. Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cũng ghi nhận điều này, nói dự trữ của Việt Nam chỉ mới đáp ứng 80% mức IMF đề ra.

Thứ hai, trái với cách làm mang tính thao túng, tức mua ngoại tệ để làm đồng tiền mất giá, Việt Nam trong nhiều trường hợp phải bán ngoại tệ để giữ giá nội tệ, đặc biệt trong nửa cuối năm 2018. Nếu nhớ lại, chúng ta thấy có khá nhiều ý kiến của các chuyên gia trong nước cho rằng nên phá giá tiền đồng để hỗ trợ xuất khẩu - điều đó có nghĩa trong thực tế tiền đồng hiện đang được định giá quá cao, chứ không phải bị “thao túng” để đè giá xuống.

Vì giá cao như thế, nên cả nước cứ nhập hàng về bán, từ cây kim sợi chỉ đến ôtô. Thặng dư thương mại hiện nay của Việt Nam chủ yếu do khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài xuất đi, chứ khu vực nội địa toàn là thâm hụt trong nhiều năm liền. Đó là thực tế, chứ làm gì có chuyện Việt Nam đủ sức thao túng tỉ giá!

1 nhận xét: