Vì sao Nguyễn Hữu Linh được xét xử kín?
Nguyễn Trang Nhung - Ngày 25/6 tới đây, Nguyễn Hữu Linh sẽ ra tòa vì bị cáo buộc về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Báo chí cho hay Linh sẽ được xét xử kín. Trước thông tin này, nhiều người tỏ ra bất bình. Họ thắc mắc vì sao lại xét xử kín mà không xét xử công khai? Các quy định của pháp luật tố tụng hình sự có câu trả lời cho thắc mắc này.
Ông Nguyễn Hữu Linh (phải) khi còn đương chức, và
đoạn video ông Linh sàm sỡ bé gái trong thang máy (trái)
Theo Điều 25, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 (BLTTHS), tòa án xét xử công khai, mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa, tuy nhiên, tòa án có thể xét xử kín trong các trường hợp đặc biệt sau đây:Cần giữ bí mật nhà nước
Cần giữ thuần phong, mỹ tục của dân tộc
Cần bảo vệ người dưới 18 tuổi
Cần giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự
Trường hợp của vụ án này là trường hợp đặc biệt thứ 3 (cần bảo vệ người dưới 18 tuổi). Đến đây, có thể ai đó sẽ thắc mắc rằng: vì tòa án có thể xét xử kín, nên tòa án cũng có thể không xét xử kín, vậy đâu là cơ sở cho lựa chọn xét xử kín và không xét xử kín?
Với 4 trường hợp đặc biệt trên đây nói chung, cơ sở cho lựa chọn của tòa án là cân nhắc của chính họ, do đó, khó tránh khỏi sự chủ quan. Riêng với trường hợp đặc biệt thứ 3, khi người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, tòa án có thêm một cơ sở pháp lý cho việc xét xử kín.
Cụ thể, điểm d, khoản 1, Điều 7 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC (có hiệu lực kể từ ngày 1/12/2018) quy định "Đối với những vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục (...) thì Tòa án phải xét xử kín;"
Quy định này được hiểu theo 2 cách. Cách hiểu 1 là tòa án phải xét xử kín dù người bị hại có mặt tại phiên tòa hay không. Cách hiểu 2 là tòa án chỉ phải xét xử kín khi người bị hại có mặt tại phiên tòa, và có thể xét xử công khai khi người bị hại vắng mặt.
Theo cách hiểu 1, việc Linh được xét xử kín là nhất thiết, vì nạn nhân ở đây là bé gái 8 tuổi bị dâm ô, cũng có nghĩa là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, và tòa án quyết định xét xử kín là có cơ sở pháp lý chắc chắn.
Theo cách hiểu 2, việc Linh được xét xử kín là không nhất thiết, vì gia đình bé gái đã đề nghị được vắng mặt, và tòa án quyết định xét xử kín là đã lựa chọn chủ quan.
Dẫu vậy, còn một cơ sở pháp lý nữa – trường hợp đặc biệt thứ 4 trong Điều 25, BLTTHS – cho việc xét xử kín của tòa án. Đó là gia đình bé gái đã yêu cầu xét xử kín, như một số tờ báo trong nước đưa tin.
Dù hiểu theo cách nào trong 2 cách kể trên, có thể thấy rằng quyết định xét xử kín của tòa án có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn.
Nhiều người có thể cho rằng việc xét xử kín sẽ làm suy giảm tính khách quan và nghiêm minh của tòa án. Song, trong những trường hợp nhất định, không loại trừ trường hợp của vụ án này, giữa việc công khai phiên tòa và việc bảo vệ người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục và/hoặc giữ bí mật đời tư của họ, việc thứ hai nên có ưu tiên cao hơn.
Cũng theo Điều 25, BLTTHS, tuy xét xử kín nhưng tòa án sẽ tuyên án công khai. Vì vậy, dù không thể quan sát và dõi theo phiên tòa, công luận cũng có thể phần nào nhận định về tính khách quan và nghiêm minh của tóa án qua bản án được tuyên.
Phiên tòa sẽ là một phép thử cho tòa án quận 4 nói riêng và hệ thống tư pháp nói chung, khi họ phải lựa chọn giữa hai điều: một là giữ nguyên tình trạng tồi tệ như vốn có, với sự thờ ơ và tắc trách và hai là trở nên tử tế hơn trong việc bảo vệ trẻ em bị xâm hại tình dục, để từ đó góp phần kiến tạo một xã hội an toàn và đáng sống cho trẻ em, đồng thời cũng là một xã hội có sự hiện diện mạnh mẽ của công lý.
Nguyễn Trang Nhung
* Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
(RFA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét