Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2019

4 điều chưa nói trong kết luận về ĐTM Thủ Thiêm

4 điều chưa nói trong kết luận của TTCP về ĐTM Thủ Thiêm
Đọc 15 trang Kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về Khu đô thị mới Thủ Thiêm công bố chiều ngày 26/6/2019 mà ghê sợ. TTCP đã khẳng định sự sai phạm to lớn của UBND TP HCM liên quan đến quy hoạch, xây dựng, quản lý đất, đầu tư hạ tầng, chỉ định thầu, giao đất... tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. TTCP đã chỉ ra sự thất thoát khổng lồ - đến nhiều chục ngàn tỷ đồng, và kiến nghị với Chính phủ nhiều vấn đề, trong đó buộc UBND TP HCM hoàn trả hơn 26 000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Nhân cũng không thể chối bỏ được trách nhiệm ?
Trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhà nước bị thất thoát không chỉ 26 000 tỷ đồng mà hàng trăm ngàn tỷ đồng. Nhưng người chịu thất thoát đích thực cuối cùng, không phải là nhà nước, mà là Nhân dân. Đọc sai phạm của UBND TP HCM đến mỏi cả mắt. Đếm không xuể số tiền thất thoát. Tuy vậy, còn nhiều ngàn tỷ đồng nữa phải thu hồi, cùng với những điều hệ trọng khác mà báo cáo của TTCP chưa đề cập.

1. CÓ BAO NHIÊU NGÀN TỶ CHẢY VÀO TÚI LÃNH ĐẠO TỪ KHU ĐÔ THỊ MỚI THỦ THIÊM ?
Dưới lòng đất Khu đô thị mới Thủ Thiêm là dòng chảy hàng triệu tỷ đồng chia làm hai nhánh. Một nhánh chảy vào túi những người quyết định. Và một nhánh chảy vào túi nhà đầu tư.

Có bao nhiêu ngàn tỷ đồng chảy vào túi những người quyết định sự hình thành và xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm?

Câu trả lời không dễ đưa ra số liệu chính xác, nhưng lại có thể đưa ra ước lượng cận dưới: tối thiểu cả chục ngàn tỷ đồng.

2. NỖI OAN CỦA ĐỒNG BÀO THỦ THIÊM BAO GIỜ ĐƯỢC GIẢI QUYẾT?


Đất Khu đô thị mới Thủ Thiêm làm giàu cho người quyết định và nhà đầu tư bao nhiêu thì cũng kéo theo bấy nhiêu oan ức của những người mất đất.

Hai mươi năm kêu oan, từ địa phương cho tới trung ương, hết lớp lãnh đạo này sang lớp lãnh đạo khác, mà nỗi oan của những người dân Thủ Thiêm bị cướp đất vẫn chưa được giải quyết. Họ chỉ nhận được trùng điệp những lới hứa.

Từ khi ông Nguyễn Thiện Nhân về đứng đầu TP HCM, cũng không dưới một lần ông gặp gỡ dân oan Thủ Thiêm. Một năm trôi qua kể từ chiều ngày 20/6/2018, lời người đứng đầu Thành phố HCM mãi còn văng vẳng : Thành phố không gạt bà con đâu…

Kết luận của TTCP lần này cũng không giải quyết được nỗi oan của đồng bào Thủ Thiêm. Vì bản thân kết luận TTCP không chỉ ra hết nguyên nhân mà bà con bị mất đất, bị vướng trong những quy định chồng chéo về quản lý, bị mắc kẹt trong quan hệ chính quyền, và bị những thế lực sai phạm tìm cách cản trở.

Nỗi oan ức của đồng bào Thủ Thiêm đến thời ông Nguyễn Thiện Nhân mà vẫn bị kéo dài, không giải quyết đúng mức, dứt điểm, thì ông Nguyễn Thiện Nhân cũng không thể chối bỏ được trách nhiệm.

3. NHỮNG KẺ PHẠM TỘI ĐẦU SỎ BAO GIỜ THÌ BỊ TRỪNG TRỊ?


Sai phạm của TP HCM thì người đứng đầu TP HCM phải gánh chịu. Sai phạm về Khu đô thị mới Thủ Thiêm không phải chỉ ông Tất Thành Cang là người có tội lớn nhất, mà là thủ trưởng của ông Tất Thành Cang là ông Lê Thanh Hải mới là người chịu trách nhiệm cao nhất.

Những tội phạm đưa đến cho đồng bào Thủ Thiêm khổ đau mất cửa nhà, bơ vơ nghèo đói, tổn thất về tiền bạc và tinh thần.. thì không thể kỷ luật theo kiểu làm gương, mà phải trừng trị đúng tội.

Những tội phạm tham nhũng, nhận hối lộ, sử dụng quyền lực và cơ chế để vơ vét tài sản của nhân dân, làm giàu cho cá nhân và người thân, thì phải bị trừng trị thích đáng.

Bao giờ?

4. KHÔNG THỂ CHẤM DỨT ĐƯỢC SAI PHẠM

Đọc sai phạm của UBND TP HCM mà ghê sợ cho vương quyền của một vương quốc trong một quốc gia. Tính số tiền thất thoát mà kinh hoàng cho sự tàn phá của những ông vua cát cứ. Ước lượng số tiền hối lộ mà tởm lợm cho lòng tham của các lãnh chúa. Cộng mấy thứ đó lại mà than khóc cho số phận người dân.

Sự thật cần nhìn thẳng là không thể chấm dứt được sai phạm loại Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Không có ông Lê Thanh Hải này thì có ông Lê Thanh Hải khác. Không có ông Tất Thành Cang này thì sẽ xuất hiện ông Tất Thành Cang khác.

Không có một cơ chế quyền lực nào có thể chống được sai phạm trong quản lý đất đai khi mà đất đai không phải là sở hữu tư nhân. Chính đất đai không phải là sở hữu tư nhân, chính tài sản là của nhà nước - mới là nguồn cơn sinh ra tham nhũng và bất công. Nỗi oan của đồng bào mất đất sẽ còn tiếp tục sinh sôi chừng nào sở hữu đất đai còn khoác chiếc áo “ toàn dân”.

Chưa tư hữu hóa đất đai và tài sản còn khoác danh nhà nước, thì cả ngàn cái lò cũng không đủ để thiêu hết những kẻ tham ô. Sự bất công, oan ức, phân hóa giàu nghèo sẽ không ngừng mỗi ngày một bùng phát khi “sở hữu toàn dân” còn tồn tại.
Nguyễn Ngọc Chu

P/S: Có thể đọc toàn văn kết Kết luận của TTCP theo đường links : http://baochinhphu.vn/Uploaded/buithuhuong/2019_06_27/1041.PDF

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét