Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2019

Cách mạng lần thứ ba và tương lai TQ

Cách mạng lần thứ ba và tương lai Trung Quốc 
Nguyễn Quang Dy - Cách mạng thường có nghĩa là thay đổi để tiến lên. Nhưng trong lịch sử hãn hữu có trường hợp cách mạng giật lùi (regression) như cách mạng Hồi giáo cực đoan tại Iran (1978-1979) do giáo chủ Avatollah Khomeini cầm đầu. Không hiểu tại sao người ta lại gọi đó là “cuộc cách mạng vĩ đại thứ ba trong lịch sử” (sau Cách mạng Pháp và Cách mạng Nga).
Gần đây, “Cách mạng Lần thứ ba” tại Trung Quốc do Tập Cận Bình cầm đầu (từ 2012) đã làm ngược lời khuyên của Đặng Tiểu Bình là “Dấu mình Chờ Thời” và khôi phục Sùng bái Cá nhân như thời Mao Trạch Đông. Tập Cận Bình đã trở thành “Hoàng đế Đỏ” quá sớm như “Cao Biền dậy non”, dẫn đến đối đầu Mỹ-Trung và chiến tranh lạnh về kinh tế.


Gần đây, chủ trương kiểm soát cực đoan đã xô đầy hàng triệu người Hong Kong xuống đường phản đối luật dẫn độ đang đe dọa quy chế tự do dân chủ của Hong Kong. Nếu nhà cầm quyền không nhân nhượng, phái diều hâu ở Mỹ sẽ có thêm lý do để chống Trung Quốc. Hong Kong Policy Act và Taiwan Act có giá trị răn đe Trung Quốc không được vi phạm cam kết. Hong Kong và Đài Loan là hai quả bom nổ chậm làm Bắc Kinh đau đầu.

Theo Minxin Pei, khi đối đầu Mỹ-Trung leo thang làm Trung Quốc khó tiếp cận nguồn vốn và công nghệ Mỹ, vai trò Hong Kong càng quan trọng hơn. Trừ phi lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận thảm họa, “Bắc Kinh nên rút bỏ dự luật này trước khi quá muộn”. (China Is Courting Disaster in Hong Kong, Minxin Pei, Project Syndicate, June 13, 2019).

Trong đối đầu chiến lược Mỹ-Trung đầy biến số, tương lai Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn và công nghệ cao. Ngày 24/5/2019, chương trình SpaceX của Elon Musk đã phóng thành công 60 vệ tinh đầu tiên của dự án Starlink, nhằm cung cấp Internet tốc độ cao cho toàn thế giới. Starlink có thể làm hệ thống 5G của Huawei trở nên lạc hậu.

Cách mạng lần thứ ba

Theo các học giả, kể từ khi lập quốc (1949) Trung Quốc đã trải qua ba cuộc cách mạng hiện đại. Lần thứ nhất là khi Hồng quân của Đảng Cộng sản do Mao Trạch Đông cầm đầu đã giải phóng lục địa và thống nhất Trung Quốc. Nhưng sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Mao đã nôn nóng phạm sai lầm nghiêm trọng về “Đại Nhảy vọt” (1958-1961) làm hơn 30 triệu người chết và “Cách Mạng Văn Hóa” (1966-1976) làm Trung Quốc suy sụp.

Lần thứ hai là khi Đặng Tiểu Bình lên cầm quyền trong hai thập niên (1970 và 1980), đã triển khai cải cách kinh tế thị trường triệt để với khẩu hiệu thực dụng “Mèo trắng mèo đen, miễn là bắt được chuột”, nới lỏng kinh tế nhà nước và kiểm soát chính trị. Đó là thời kỳ mở cửa ngoại giao mà Richard Nixon và Henry Kissinger đã bắt tay hòa hoãn với Bắc Kinh (1972) để rút quân khỏi Việt Nam và chống Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Quan hệ hợp tác Mỹ-Trung đã phát triển sâu rộng trong suốt ba nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, với chủ trương can dự (constructive engagement) giúp Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ, bất chấp vụ đàn áp đẫm máu tại Thiên An Môn (1989). Bill Clinton đã cho Trung Quốc hưởng quy chế “tối huệ quốc” và gia nhập WTO (năm 2001). Đó là những điều kiện tiên quyết để Trung Quốc trỗi dậy và “cất cánh”, vượt Nhật Bản (2010), và cạnh tranh với Mỹ.

Elizabeth Economy (CFR) đã liệt kê những biến chuyển sâu rộng mà Tập Cận Bình đã tạo ra và coi đó là “cuộc cách mạng lần thứ ba” (third revolution) hay chính xác hơn là “phản cách mạng” (counterrevolution) như Orville Schell đã điểm cuốn sách này. Economy phân tích tại sao thách thức của Trung Quốc đối với trật tự do Mỹ dẫn đầu lại nghiêm trọng như vậy, và các mâu thuẫn trong chính sách của Bắc Kinh lại đe dọa các tham vọng của Tập.

Cuối cùng, Economy đã lạnh lùng truy cứu những nghịch lý trong chiến lược của Tập Cận Bình với câu hỏi cơ bản đặt ra khi ông theo đuổi “Giấc mộng Trung Hoa” nhằm “làm Trung Quốc vĩ đại trở lại”: Một quốc gia phi dân chủ muốn lãnh đạo một trật tự thế giới dân chủ (an illiberal state seeking leadership in a liberal world order). (The Third Revolution: Xi Jinping and the New Chinese State, Elizabeth Economy, Oxford University Press, 2018).

Sự quyết đoán của Trung Quốc đã bùng nổ cùng với sự trỗi dậy củng cố quyền lực của Tập Cận Bình (từ 2012). Năm 2014, Tập bắt đầu kêu gọi Trung Quốc “không chỉ sẵn sàng viết lại luật chơi mà còn xây dựng sân chơi toàn cầu”. Tập không chỉ khôi phục “Sùng bái Cá nhân” như thời Mao Trạch Đông, mà còn xây dựng một hệ thống kiểm soát xã hội và cho điểm công dân (social credit system) như trong một tác phẩm của George Orwell.

Trong hệ thống đó, tin tặc được nhà nước bảo trợ và thể chế hóa để ăn cắp công nghệ của Mỹ, vi phạm bản quyền và nhân quyền. Kết cục là người Mỹ buộc phải lên tiếng chống lại (backlash). Cuốn sách của Economy phản ánh sự điều chỉnh trong tư duy chiến lược của Mỹ về Trung Quốc trong 50 qua, cũng như biến động trong quan hệ đối ngoại Mỹ-Trung.

Theo một tài liệu nghiên cứu của nhóm đặc nhiệm gồm 15 chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc, (như Elizabeth Economy, David Shambaugh, Winston Lord) do Asia Society và University of California tổ chức, Mỹ-Trung “đang đối đầu” (on a collision course) và “nguy cơ xung đột công khai” (overt conflict) lớn hơn trước. Tuy họ hoan nghênh Trump đã chống lại (pushback) Trung Quốc, nhưng bản thân sự chống lại đó không phải là một chiến lược.

Họ cho rằng Trump đã làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm và khả năng xung đột với Trung Quốc bằng cách làm giảm giá trị hai lợi thế lớn nhất của Mỹ là “hệ thống đồng minh/đối tác và những cơ chế đa phương toàn cầu”. Việc Trump bỏ rơi TPP là một sai lầm tai hại. Trump làm giảm giá trị của pháp quyền và uy tín của Mỹ, làm đồng minh lo lắng và làm đối tác bị mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc. Trump khen các nhà độc tài (như Tập và Putin) làm Bắc Kinh càng thêm cứng rắn, và làm khó dễ những người Trung Quốc muốn cải cách chính trị.

Theo Michael Pillsbury (Hudson Institute), Tập Cận Bình ngày càng hung hăng là một phần của chiến lược nhằm “thay thế vị trí bá quyền của Mỹ”. Pillsbury đã lập luận một cách thuyết phục rằng Mỹ đã hiểu sai về Trung Quốc. Trong khi giới tinh hoa tiếp tục bị phân hóa, thì Pillsbury lên án các chuyên gia Mỹ đã nhất quán coi thường giới diều hâu Trung Quốc, nay mới tỉnh ngộ nhận ra Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với vị thế của Mỹ và trật tự thế giới dân chủ (the liberal world order). (The Hundred Year Marathon: China's Secret Strategy to Replace America As the Global Superpower, Michael Pillsbury, St Martin Press, 2015).

Cuốn sách của Economy tuy không gây tranh cãi bằng cuốn của Pillsbury, nhưng đã nêu bật được các điểm yếu và nghịch lý trong chiến lược của Tập Cận Bình, có thể làm hỏng tham vọng của ông. Economy nghi ngờ sức mạnh của Bắc Kinh đã cản trở giáo dục và Internet, nạn trộm cắp bản quyền và hệ thống bất cập đã ngăn cản sự phát triển của một môi trường hậu thuẫn cho nghiên cứu cơ bản với chất lượng cao. Theo David Shambaugh, chỉ có khoảng 2,2 triệu trong số 4 triệu sinh viên Trung Quốc du học từ 1987 đã trở về nước. Trung Quốc không thể bước lên các bậc thang giá trị gia tăng để thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.

Tương lai Trung Quốc

Theo Ali Wynes (RAND), GNP của Trung Quốc đã tăng 9 lần trong những năm 2001-2016, (từ US$1,34 tỷ lên US$11,2 tỷ) trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ). Năm 2009, Trung Quốc vượt Đức trở thành nước xuất khẩu lớn nhất, và năm 2013 trở thành nước buôn bán lớn nhất. Đóng góp của Trung Quốc cho kinh tế toàn cầu đã tăng bốn lần (từ 4% lên 16%). Đến năm 2016, Trung Quốc đã chiếm 34% tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Hiện nay, 4 ngân hàng lớn nhất thế giới là của Trung Quốc: (1) Industrial and Commercial Bank of China (US$4,000 tỷ), (2) China Construction Bank (US$3,400 tỷ), (3) Agriculture Bank of China (US$3,240 tỷ), (4) Bank of China (US$2,990 tỷ), trong khi JP Morgan Chase được xếp thứ 6 hoặc 7 trong danh sách các ngân hàng đứng đầu thế giới. Nhưng China Development Bank (CDB) lớn bằng tất cả các ngân hàng đó cộng lại. Người ta nói “Nếu Đảng Cộng sản là Chúa Trời (God) tại Trung Quốc, thì CDB là Nhà Tiên tri (Prophet).

CDB đã thuê những nhân vật nổi tiếng trên thế giới tham gia “Hội đồng Cố vấn Quốc tế” (International Advisory Council): Hank Greenberg (cựu chủ tịch AIG), Henry Kissinger (cựu ngoại trưởng), Fred Bergsten (economist), và Frenkel (cựu thống đốc Bank of Israel). Họ đem lại uy tín cho CDB, và các thương vụ ngầm (behind closed doors).

Tạp chí Forbes (năm 2018) đã liệt kê 5 nền kinh tế đứng đầu thế giới là: USA, China, Japan, Germany, và UK. Nhưng theo các nhà kinh tế, đến năm 2030 thì danh sách này sẽ bị đảo lộn theo một thứ tự khác: China, USA, India, Japan, và Indonesia. Theo tạp chí Fortune (năm 2018), trong danh sách 500 công ty đứng đầu thế giới thì Mỹ có 126 công ty, Trung Quốc có 120 công ty, Nhật có 52 công ty, Ấn Độ có 7 công ty. Trong danh sách 100 công ty đứng đầu thế giới thì Mỹ có 30, Trung Quốc có 18, Nhật có 8, và Ấn Độ có 1 công ty.

Trung Quốc có dự trữ ngoại hối lớn nhất, gấp hai lần rưỡi Nhật Bản là nước có dự trữ ngoại hối đứng thứ hai thế giới. Nếu cộng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc và Hồng Kong lại, thì tổng số là US$3,600 tỷ. Ấn Độ xếp thứ 8 (năm 2018) với forex reserves là US$403,7 tỷ, trong khi của Mỹ là US$123,5 tỷ và của Anh là US$187,4 tỷ. Theo Joe Nye, Trung Quốc tuy có tiềm lực kinh tế hùng mạnh như vậy, nhưng vẫn là “người khổng lồ chân đất sét”.

Cuộc chiến thương mại đang phơi bày những tử huyệt của Trung Quốc. Nay người ta thấy rõ Huawei, niềm tự hào của Trung Quốc về công nghệ cao, cùng với ZTE, đang bị “bẻ nanh” (defanged). Có thể nói Trung Quốc đã chậm chân về công nghệ ít nhất 10 năm. Tình trạng tương tự đang diễn ra trong các ngành quốc phòng, công nghiệp ô tô, hàng không vũ trụ và nhiều lĩnh vực khác. Vấn đề của Huawei cho thấy những ảo tưởng của Trung Quốc, vì đến nay chìa khóa công nghệ cao vẫn nằm trong tay Mỹ, Đức, Nhật và Hàn Quốc. (The trade war shows China’s economic dream is dying, South China Morning Post, June 11, 2019).

Theo Asia Times (23/5/2019), 14 nhà lập pháp đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, đại diện bởi thượng nghị sĩ Marco Rubio, đã đệ trình lên Quốc Hội dự luật trừng phạt các cá nhân và tổ chức Trung Quốc có dính líu đến hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông và Hoa Đông. Theo quy trình, Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ là người chịu trách nhiệm phải báo cáo định kỳ với Quốc Hội danh sách những tổ chức và cá nhân Trung Quốc nào sẽ bị cấm vận.

Danh sách ban đầu có thể gồm 25 công ty lớn của Trung Quốc, như CCCC Dredging Group (thuôc Tập đoàn Xây dựng viễn thông Trung Quốc, tham gia xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông), Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc (Sinopec), Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC), Tổng công ty Viễn thông Trung Quốc (China Telecom), Tập đoàn Khoa học và công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC), và China Mobile…

Theo TNS Rubio, Trung Quốc “là mối đe dọa toàn diện nhất mà đất nước này từng đối mặt”, trong các lĩnh vực viễn thông, điện toán lượng tử, AI và bất kỳ ngành công nghiệp nào thu thập dữ liệu lớn (big data). Quan điểm của Mỹ về Trung Quốc cứng rắn hơn, với sự đồng thuận và hợp nhất ý tưởng trong bộ máy chính sách đối ngoại, bao gồm các thành viên của 2 đảng trong Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc, Bộ Tư pháp, các cơ quan tình báo và Hội đồng An ninh Quốc gia của Tổng thống Trump và Phó Tổng thống Mike Pence…

Nếu “Đạo luật Cấm vận Biển Hoa Đông và Biển Đông” được thông qua, Mỹ có quyền tịch thu tài sản của Trung Quốc ở Mỹ và thu hồi hoặc hủy bỏ thị thực Mỹ đối với bất kỳ ai liên quan tới “các hành động hoặc chính sách đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định tại Biển Đông”. Theo Bonnie Glaser (CSIS) khoảng 73% các sự vụ chính xảy ra ở Biển Đông từ năm 2010 có liên quan tới các tàu chấp pháp của Trung Quốc…“Dự thảo này không nhằm vào những đối tượng xấu khác, mà thực sự nhằm vào Trung Quốc”. Glaser nhấn mạnh Biển Đông chưa bao giờ được chú ý đặc biệt như thế trong chính sách của chính quyền Trump…

Lầu Năm Góc vừa lập ra một cơ quan mới là “Văn phòng Phân tích Kinh tế và Thương mại” có nhiệm vụ rà soát các hợp đồng quốc phòng có liên quan đến các công ty Trung Quốc thông qua bên cung ứng thứ ba. Theo James Mulvenon (một chuyên gia về an ninh mạng) Lầu Năm Góc đã coi chất bán dẫn là “ngọn đồi” mà họ phải chiến đấu đến cùng để bảo vệ. Đó là ngành công nghiệp mà Mỹ phải dẫn đầu vì mọi thứ khác đều dựa vào đó. Trong khi đó, Kiron Skinner (Bộ Ngoại giao) cho rằng xung đột giữa các nền văn minh và sắc tộc đang diễn ra, và nhấn mạnh rằng Mỹ cần ngăn chặn Trung Quốc như trước đây đối với Liên Xô.

Gần đây, Bộ Tư lệnh Tuần duyên Mỹ đã điều hai tàu USCGC Bertholf và USCGC Stratton tham gia các hoạt động cùng Hạm đội 7 đóng tại Okosuka, Nhật Bản, đến hoạt động ở khu vực Biển Đông với mục đích giúp các nước khu vực thực thi pháp luật, và xây dựng năng lực trong hoạt động đánh cá. Đây là một chủ trương mới nhằm đối phó với lực lượng “dân quân biển” của Trung Quốc, lâu nay vẫn áp đảo và bắt nạt các nước trong khu vực.

Phát biểu trong một cuộc họp báo (11/6/2019), Phó đô đốc Linda Fagan, Tư lệnh Vùng Thái Bình Dương của Tuần duyên Mỹ cho biết họ đang theo dõi các hoạt động xâm lấn của “dân quân biển” Trung Quốc ở Biển Đông. Chuyến tuần tra đầu tiên của tàu Tuần duyên Mỹ tại Biển Đông đã diễn ra sau 7 năm, và Fagan cho biết sự trở lại của Tuần duyên Mỹ hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế cho phép các tàu được đi qua các vùng biển quốc tế. Động thái này của Tuần Duyên Mỹ mở ra triển vọng hợp tác về tuần duyên trong khu vực.

Triển vọng Việt Nam

Theo Alexander Vuving (Vũ Hồng Lâm), phái “thu tô” hay “trục lợi” (rent-seeking) được hiểu là một trường phái chính sách (chứ không hẳn là một phe phái chính trị), không vì lợi ích dân tộc, cũng chẳng vì lý tưởng chủ nghĩa nào, mà chỉ lợi dụng quyền lực nhà nước để “thương mại hoá” quyền lực ấy. Họ thường lập luận “giữ ổn định để phát triển” nhưng thực tế họ muốn “giữ ổn định bằng mọi giá, kể cả không phát triển”. (Việt Nam với bộ máy trục lợi và nhân sự Đảng trước Đại Hội 13, Joaquin Nguyễn Hòa, BBC, June 8, 2019).

Khi bước vào thời kỳ “đổi mới” (từ cuối 1986), lúc đầu có hai trường phái chính sách chủ yếu là “bảo thủ” và “đổi mới”, nhưng sau đó đã xuất hiện trường phái thứ ba là phái “thu tô/trục lợi”, được hiểu là “các tổ hợp chính trị-thương mại” (hay các nhóm lợi ích thân hữu) đã thao túng nền kinh tế Việt Nam trong suốt giai đoạn quá độ (chuyển đổi). Không có gì đáng ngạc nhiên nếu “nhà nước thu tô” đẻ ra tình trạng “không chịu phát triển” như chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã nhận xét. Tinh thần “chấn hưng” của người Việt chưa bao giờ vượt qua được cửa ải “giữ ổn định”, làm “nhà nước thu tô” mạnh hơn hẳn “nhà nước kiến tạo”.

Đó là bức tranh đối nội, còn về đối ngoại, Vuving cho rằng quan hệ Việt-Mỹ ngày càng “nồng ấm hơn”, trong khi quan hệ Việt-Trung “có vẻ tốt đẹp bên ngoài nhưng lạnh nhạt bên trong”. Tuy thuyết “cái bẫy Thucydides” (Graham Allison) được nhiều người đề cập, nhưng ít có khả năng (unlikely) xảy ra xung đột quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Yếu tố Nga” tuy có thể giúp Việt Nam phần nào để chống lại sức ép từ Trung Quốc nhưng không nhiều, và khả năng Nga chống lưng cho Việt Nam “khá mong manh”. Để chống lại sức ép Trung Quốc, Việt Nam phải tăng cường quan hệ với một loạt cường quốc có lợi ích chiến lược trong khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, và các nước khác như Anh, Pháp, Úc, Canada, Hàn Quốc, Đài Loan, cũng như các nước láng giềng có ảnh hưởng trực tiếp đến không gian sinh tồn của khu vực như Lào và Campuchia, cũng như ASEAN...

Xu thế chung của Việt Nam hiện nay là dịch chuyển “gần Mỹ hơn và xa Trung Quốc hơn”, nhưng với tốc độ nhỏ giọt để “không gây ra chấn động”. Tuy nhiên, lãnh đạo Việt Nam vẫn “không muốn quá gần Mỹ hoặc quá xa Trung Quốc”. Nhưng gần đây, lãnh đạo Việt Nam tỏ ra lo ngại về Trung Quốc nhiều hơn (trước đây thường lo ngại về Mỹ nhiều hơn). Xu thế xích lại gần Mỹ “nay nhỉnh hơn” so với xu thế thích gần Trung Quốc.

Các yếu tố truyền thống như ý thức hệ và sự níu kéo của Trung Quốc, vốn nuôi dưỡng tham nhũng và cản trở đổi mới, nay sẽ bớt tác dụng hơn. Điều đó khiến người Việt lạc quan hơn về triển vọng cất cánh của Việt Nam trong tương lai. Về lâu dài, xu hướng ‘thoát Trung” (dịch chuyển khỏi quỹ đạo Trung Quốc) sẽ làm giảm môi trường nuôi dưỡng các phái “thu tô/trục lợi”. Tuy nhiên, chiến lược của Mỹ đối với Việt Nam là gì thì chưa rõ. Bản thân chiến lược của Mỹ đối với khu vực và Trung Quốc vẫn còn đang hình thành.

Nói cách khác, sau 2 năm rưỡi cầm quyền, chính quyền Trump vẫn “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” về chiến lược. Trong khi ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh “hiện thực, kiềm chế, và tôn trọng” (realism, restraint, and respect), John Bolton (cố vấn ANQG) vẫn muốn “thay đổi chế độ” (như Maduro ở Venezuela, Assad ở Syria và Khomeni ở Iran). Tuy trước mắt Trump có thể vận dụng sự lộn xộn đó làm thiên hạ khó lường, nhưng về lâu dài đó không phải là chiến lược. Điều duy nhất Trump có thể vận dụng để chống Trung Quốc là “đồng thuận lưỡng đảng”. (American Foreign Policy Adrift”,Foreign Affairs, June 5, 2019).

Muốn kiến tạo, Việt Nam phải chuyển sang tâm thế bứt phá để bung ra. Chỉ khi nào chuyển từ vai trò nhà nước quản lý sang nhà nước giải phóng sức sáng tạo của xã hội thì Việt Nam mới có thể cất cánh được. Người Việt phải nuôi dưỡng bản lĩnh dám đương đầu với khó khăn, đặc biệt là thách thức trong cuộc chạy đua công nghệ lần thứ 4 và trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, vì “thách thức tuy lớn nhưng cơ hội không nhỏ”. Nếu không bồi dưỡng bản lĩnh để chơi những cuộc chơi mới, thì Việt Nam không bao giờ cất cánh được.

Hiện nay, sức ép đối với các tập đoàn kinh tế nhà nước đến chủ yếu từ hai nguồn. Thứ nhất, sự yếu kém về quản trị, là hang ổ của nạn tham nhũng đã lộ diện ngày càng nhiều, khiến TBT/CTN Nguyễn Phú Trọng, vốn ủng hộ mạnh mẽ kinh tế nhà nước, nay cũng phải đặt lại vấn đề kinh tế tư nhân tại Hội nghị Trung ương 10 vừa qua. Thứ hai, cả 2 hiệp định thương mại tự do (CPTPP và EVFTA) tuy không có Mỹ tham gia, nhưng đã thay đổi phần nào luật chơi và sân chơi, khiến các doanh nghiệp nhà nước bị cắt giảm thêm khá nhiều quyền ưu đãi.

Theo Vuving, vai trò các nhóm vận động cho xã hội dân sự và dân chủ ở Việt Nam trong bối cảnh chính trị nội bộ trước mắt vẫn phụ thuộc chủ yếu vào tương tác giữa họ với chính quyền và người dân trong nước, “chứ không phải vào chiến lược của Mỹ”. Tuy nhiên, về lâu dài nếu Việt Nam dịch xa quỹ đạo Trung Quốc thì sẽ phải xích lại gần hơn các nước Mỹ, Nhật, Ấn, Úc để tạo đối trọng. Các nước này có xã hội dân sự phát triển mạnh, nên bản thân Việt Nam với xu hướng hội nhập, sẽ phải coi trọng hơn vai trò của xã hội dân sự tại Việt Nam.

Lời cuối

Người ta nói Việt Nam có “rừng vàng, biển bạc”, nhưng nay tài nguyên thiên nhiên đang bị khai thác đến cạn kiệt, và bị lấn chiếm và ngăn cấm bởi người hàng xóm mạnh hơn và tham lam đang muốn kiểm soát Biển Đông. Chỉ có cái mỏ người là vô tận và tự tái sinh, nếu biết nâng cao dân trí và thay đổi thể chế để giải phóng năng lực sáng tạo. Israel là một bài học về “quốc gia khởi nghiệp” và Hong Kong là một bài học về dân trí cao, tuy có 7 triệu dân nhưng là một mỏ vàng. Việt Nam có 97 triệu dân (2019) là một cái mỏ vàng tiềm ẩn khổng lồ, nhưng đáng tiếc vì đất nước vẫn nghèo nàn, tụt hậu và năng suất lao động thấp nhất khu vực.

Tài liệu tham khảo

1. The Hundred Year Marathon: China's Secret Strategy to Replace America As the Global Superpower, Michael Pillsbury, St Martin Press, 2015

2. The Third Revolution: Xi Jinping and the New Chinese State, Elizabeth Economy, Oxford University Press, 2018

3. American Foreign Policy Adrift”, Foreign Affairs, June 5, 2019.

4. The trade war shows China’s economic dream is dying. Beijing now has a choice: open up or stagnate, Graeme Maxton,SCMP, June 11, 2019

5. China Is Courting Disaster in Hong Kong, Minxin Pei, Project Syndicate, June 13, 2019

6. Việt Nam với bộ máy trục lợi và nhân sự Đảng trước ĐH 13, Joaquin Nguyễn Hòa, BBC, (phỏng vấn Alexander Vuving), June 8, 2019.

NQD. 20/6/2019

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 21-6-19

http://www.viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_CachMangBaTrungQuoc.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét