Người dân lũ lượt “chạy trốn” khỏi khu tái định cư: “Các ông làm dự án có biết không?”
Dân trí - “Đến nay, xã bảo thế này, huyện bảo thế kia. Tôi nói luôn, xã, huyện lập dự án các ông có biết không? Có đồng tình với dự án này không?. Trước hết chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm chính…”, Giám đốc Sở NN&PTNT Phạm Văn Sỹ trao đổi với phóng viên về việc những bất cập tại các khu TĐC khiến người dân lũ lượt “bỏ trốn”. Thêm những sự thật đau lòng vụ dân nghèo lũ lượt “chạy trốn” nhà tái định cư! / Chuyện lạ ở Thái Nguyên: Dân nghèo lũ lượt "chạy trốn" khỏi nhà tái định cư!
"Ngốn" 14 tỉ đồng khu TĐC dành cho các hộ dân
vùng bán ngập lòng hồ Núi Cốc vẫn là nơi đất trống.
Làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư và chính quyền địa phương
Liên quan đến việc hàng trăm hộ dân nghèo tại các vùng thiên tai, lũ quét, sạt lở đất…sau khi được chính quyền, chủ đầu tư bố trí di dời đến các khu tái định cư (TĐC) ở được một thời gian rồi lại lũ lượt “tháo chạy” quay về chốn cũ bỏ lại các khu tái định cư hoang tàn, lãng phí, thất thoát hàng trăm tỉ đồng tiền của Nhà nước.
Liên quan đến việc hàng trăm hộ dân nghèo tại các vùng thiên tai, lũ quét, sạt lở đất…sau khi được chính quyền, chủ đầu tư bố trí di dời đến các khu tái định cư (TĐC) ở được một thời gian rồi lại lũ lượt “tháo chạy” quay về chốn cũ bỏ lại các khu tái định cư hoang tàn, lãng phí, thất thoát hàng trăm tỉ đồng tiền của Nhà nước.
Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước UBND tỉnh Thái Nguyên về bảo toàn, sử dụng nguồn vốn ngân sách có hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí trong đầu tư các dự án TĐC ở Thái Nguyên là Chi cục Phát triển nông thôn – đơn vị chủ đầu tư thực hiện các dự án (thuộc Sở NN&PTNT Thái Nguyên).
Để làm rõ vấn đề trách nhiệm của chủ đầu tư, sáng 19/6 phóng viên Dân trí đã có buổi làm việc với ông Phạm Văn Sỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên.
Ông Sỹ cho rằng: Những vấn đề tồn tại tại các dự án TĐC dành cho các hộ dân nghèo, vùng nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đã có từ lâu. Để giải quyết vấn đề này chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, cái gì làm được, cái gì chưa làm được, thì chúng ta cần phải rõ ràng tích cực giải quyết.
Khu TĐC dành cho các hộ dân vùng nguy cơ sạt lở đất tại Tam Va (Văn Lăng, Đồng Hỷ, Thái Nguyên) luôn trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt.
Theo vị lãnh đạo Sở này, việc phối hợp giữa chính quyền địa phương với chủ đầu tư và các bên liên quan trong quá trình thực hiện dự án là chưa tốt và cần phải làm rõ trách nhiệm lãnh đạo các sở, ban ngành. Thậm chí mời tất cả các Chủ tịch các xã, huyện lên làm việc để làm rõ trách nhiệm và hướng giải quyết cho bà con nhân dân.
“Đến nay, xã bảo thế này, huyện bảo thế kia. Tôi nói luôn, xã, huyện lập dự án các ông có biết không? Ông có đồng tình với dự án này không? Cái nội dung dự án thực hiện có sai không? Nếu nội dung dự án sai, “nó” bảo làm như này nhưng lại làm thế khác thì trước hết chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm chính.
Còn cái việc đề xuất di chuyển chỗ này, thống nhất di chuyển chỗ kia, thế rồi lựa chọn vị trí này, quy mô dự án như này, xã biết không, huyện biết không…?”, ông Sỹ nói, phải làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng người dân nghèo lũ lượt “chạy trốn” khỏi các dự án TĐC như hiện nay.
Theo tôi, phải xác định đây là trách nhiệm chung, phải cùng tập trung cùng giải quyết, xã phải rà lại, huyện phải rà lại xem trách nhiệm của ai, trách nhiệm của huyện thế nào? Quan điểm của tôi là phải làm rõ trách nhiệm từng cơ quan như vậy. Chứ không thể xã, huyện đổ hết cho chủ đầu tư.
Những ngôi nhà TĐC dành cho dân nghèo bị bỏ hoang tại khu TĐC Văn Yên (Đại Từ, Thái Nguyên).
“Vậy thì ai là người chọn địa điểm. Việc đề xuất di chuyển người dân ai là người để xuất?. Cái việc xác định đây là vùng lũ quét nguy cơ xảy ra cao thì trước hết là ông xã biết, ông huyện biết. Vì các ông là người địa phương, người địa bàn ông phải hiểu, phải nắm được. Với tôi làm việc cứ phải rõ ràng, sòng phẳng với nhau như vậy”, ông Sỹ thẳng thắn nói.
“Và Chủ đầu tư cũng phải có trách nhiệm trong việc đề xuất tham mưu của xã như nào về nghiên cứu, lựa chọn, kiểm tra như thế nào? Việc kiểm tra thiết kế như nào, cái đó anh không thể trốn tránh được”. Ông Sỹ khẳng định.
Theo ông Sỹ, ngoài nguyên nhân chủ quan thì còn có nguyên nhân khách quan là có những cơ chế chính sách không hợp lí. Ví dụ bố trí người dân ngay cạnh chỗ thiên tai nhưng không phải chỗ nào cũng tìm được địa điểm như vậy. Trong Quyết định 1776 của Thủ tướng Chính phủ không có cơ chế chính sách hỗ trợ cho người dân mua ruộng để sản xuất.
Ông Sỹ lấy ví dụ, “ngày xưa khi thực hiện Đề án 134, 135 trên toàn quốc cũng đã có đánh giá, chỉ có chỗ nào có đất trống, đất nông lâm trường thì còn có đất để mà giải quyết chứ nhiều lúc có tiền chưa chắc đã mua được đất để mà sản xuất chứ chưa nói việc hỗ trợ 15 triệu thì mua thế nào được đất. Đấy là bất cập của Quyết định 1776”.
“Nói thật, theo tôi phải tính toán lại dự án TĐC dành cho người dân để cùng tìm hướng giải quyết, có thể phải tính toán lại quy mô đầu tư thế nào để phù hợp nhất và có thể phải tính toán lại thứ tự ưu tiên đầu tư, cần thiết để hạ tầng tối thiểu nhưng tăng diện tích đất lên cho người dân.
Quan điểm của tôi và lãnh đạo tỉnh là nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết mấy vấn đề. Một là đối với các hộ dân không nhận đất hoặc là nhận đất nhưng không đến ở thường xuyên tiếp tục phải làm cam kết lại.
Những bất cập trong cả cơ chế chính sách khiến người dân nghèo khó có thể sinh sống ổn định tại các khu TĐC vì không có đất sản xuất nông nghiệp.
Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Nguyên cho biết, sẽ tham mưu với UBND tỉnh thành lập tổ công tác gồm đại diện các sở ngành liên quan và lãnh đạo chính quyền địa phương, kiểm tra rà soát từng dự án và có phương án khắc phục.
Quá trình kiểm tra, rà soát cũng sẽ làm rõ nếu có sai phạm, có thất thoát, lãng phí tiền đầu tư ngân sách tại các dự án TĐC thì sẽ xử lý trách nhiệm, dứt khoát không bao che.
“Bắt mạch” những “điểm chết” các dự án tái định cư dành cho dân nghèo
Câu chuyện về các dự án tái định cư (TĐC), dành cho các hộ dân nghèo, hộ dân ở các vùng nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét…tại Thái Nguyên gây lãng phí hàng trăm tỉ đồng của Nhà nước mặc dù những ngày qua rất “nóng” nhưng không còn là vấn đề thời sự. Bởi Hội đồng Nhân dân (HĐND) tỉnh từng đưa ra nghị trường chất vấn, đề nghị các Uỷ viên UBND tỉnh này phải làm rõ vấn đề, trách nhiệm của những người đứng đầu, nếu có sai phạm thì phải xử lí nghiêm.
Tỉnh Thái Nguyên từng chỉ rõ sai phạm trong dự án TĐC dành cho hàng trăm hộ dân nghèo.
Thực hiện chức năng giám sát, cuối tháng 4/2019, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức đoàn khảo sát về tính hiệu quả trong hoạt động của các dự án bố trí dân cư theo hình thức tái định cư tập trung thuộc Chương trình bố trí dân cư các vùng thường xảy ra thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn tại Thái Nguyên.
Tại báo cáo số 49/BC-ĐKS (ngày 23/4/2019) do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên, Nguyễn Khắc Lâm ký đã chỉ ra một loạt “điểm chết” tại các dự án.
Theo đó, tổng vốn đầu tư cho riêng 7 dự án tái định cư dành cho các hộ dân là trên 174 tỉ đồng. Trong đó vốn Trung ương là gần 86 tỉ đồng, ngân sách địa phương là 77,66 tỉ đồng còn lại là các nguồn vốn khác (trong đó có vốn sự nghiệp kinh tế, bố trí dân cư).
Đoàn khảo sát của HĐND tỉnh Thái Nguyên chỉ rõ sai phạm của các dự án TĐC này là từ việc lựa chọn vị trí xây dựng các dự án bố trí dân cư tập trung chưa phù hợp với tập quán, điều kiện sản xuất của người dân. Các dự án mới chỉ tập trung vào việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí đất xây dựng nhà ở, chưa quan tâm đúng mức tới việc lập phương án sản xuất cho người dân.
Những dự án TĐC dành cho dân nghèo đang gây lãng phí hàng trăm tỉ đồng tại Thái Nguyên.
Tại một số khu TĐC tập trung có tình trạng sạt lở, không đảm bảo an toàn để di chuyển các hộ dân đến ở (Khu TĐC Tam Va, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ; Khu TĐC xã Vạn Thọ, huyện Đại Từ). Việc người dân thiếu nguồn nước sinh hoạt, phối hợp lỏng lẻo giữa các địa phương thụ hưởng với chủ đầu tư cũng được đoàn khảo sát HĐND tỉnh Thái Nguyên chỉ rõ tại báo cáo này.
Trong các ngày 24-25/4/2019, Thường trực HĐND tổ chức phiên giải trình về các vấn đề có liên quan. Khi đó, các Đại biểu HĐND tỉnh Thái Nguyên đã đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, cụ thể 06 Ủy viên UBND tỉnh là Giám đốc các sở, ban, ngành và thủ trưởng các cơ quan liên quan giải trình.
Chủ đầu tư dự án bị thần kinh
Theo nguồn tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Thái Nguyên cho biết, ông Nguyễn Văn Hợp, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn, đơn vị chủ đầu tư các dự án TĐC dành cho hộ dân nghèo vùng lũ quét, sạt lở đất...hiện đang bị thần kinh và đã có giấy xác nhận của cơ quan y tế.
Hiện Chi cục Phát triển nông thôn đang được giao cho một vị lãnh đạo khác điều hành.
"Chúng tôi đang yêu cầu gia đình ông Hợp phải có biện pháp cưỡng chế ông ấy đi điều trị tại bệnh viện tâm thần", nguồn tin cho biết.
Tuấn Hợp - Ngọc Liên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét