Thứ Năm, 4 tháng 4, 2019

Còn bao nhiêu “Khá Bảnh”?

Còn bao nhiêu “Khá Bảnh”?
04.04.2019 - Ngô Bá Khá hay còn được biết đến cái tên “Khá Bảnh”, sinh năm 1993, sinh sống tại Bắc Ninh, là một nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội với những hành vi côn đồ, quậy phá, tiêu cực,… Từ quá trình nổi tiếng đến kết cục bị bắt, khởi tố về hành vi tổ chức đánh bạc, truyền thông về Khá Bảnh luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía cộng đồng. Không tài giỏi, cũng chẳng có tài năng, chỉ với những hành vi quậy phá theo phong cách ngổ ngáo, côn đồ, Khá Bảnh cũng thu được cho mình hàng triệu “fan” hâm mộ mà đa phần là giới trẻ. Kênh Youtube của anh này với hơn hai triệu lượt tài khoản theo dõi hàng tháng có thể tạo ra thu nhập đến 400 triệu đồng.

Những hình ảnh tiêu cực lại cứ được đón mừng
Tất nhiên, khi những người có học thức đánh giá sự việc, chẳng mấy ai là không quan ngại. Sẽ ra sao đây khi côn đồ, dung tục như vậy lại được tung hô? Khá Bảnh hôm nay đã bị bắt, khởi tố và sẽ bị xử lý thích đáng theo quy định của pháp luật. Nhưng, những tồn dư phía sau câu chuyện hay cả những “Khá Bảnh” nào đó khác nữa sẽ tiếp tục xuất hiện, tồn tại tinh vi hơn thì sao…?

Còn bao nhiêu “Khá Bảnh”?

Trước đây, dư luận cũng từng dậy sóng với những Dũng “trọc”, Dương Minh Tuyền – những kẻ đi tuyên truyền về “văn hóa côn đồ” nhưng được tung hô. Tất nhiên, mạng xã hội ngày ấy chưa bùng nổ mạnh mẽ như bây giờ nên cũng như nổi tiếng như “Khá Bảnh”. Dũng “trọc”, Dương Minh Tuyền sau đó cũng bị vướng vòng lao lý và rồi chìm ngỉm.

Như thế, những kẻ như Khá Bảnh đã xuất hiện từ lâu, và ngày càng được đón nhận nhiều hơn dưới sự trợ giúp của mạng xã hội. Chẳng có gì để phủ nhận rằng sau này sẽ không xuất hiện những “Khá Bảnh” thứ hai, thứ ba… khét tiếng hơn Khá Bảnh hiện tại!

Nguyên nhân là xã hội, mà phần lớn trong đó là giới trẻ rất có hứng thú để tiếp thu với những kẻ như “Khá Bảnh”. Vâng, hơn hai triệu lượt tài khoản theo dõi trên mạng xã hội Youtube không đồng nghĩa với hai triệu người ngoài thực tế, nhưng đó là con số rất lớn. Nó chứng tỏ về xu hướng quan tâm, xu hướng yêu thích của một bộ phận không nhỏ cộng đồng người sử dụng mạng xã hội Youtube tại Việt Nam.

So sánh một cách đơn giản, chẳng có một kênh giáo dục trực tuyến nào tại Việt Nam đạt được số lượng theo dõi lớn như kênh của Khá Bảnh. Cũng chẳng có nội dung giáo dục nào trên mạng xã hội được quan tâm nhiều như những video nhảm mang tính côn đồ, bạo lực như Khá Bảnh chia sẻ.

Còn đáng ngại hơn, khi Khá Bảnh bị bắt, khởi tố, phủ ngập các trang mạng xã hội là những thông tin về đối tượng này. Từ việc đồng tình với cơ quan chức năng là cần xử lý nghiêm, cho đến cả những thông tin kiểu “thương xót” hài hước rằng “Khá Bảnh nổi tiếng nên bị kẻ ghen ghét hãm hại”, hay có cả những sự điên rồ kêu gọi thả “thần tượng Khá Bảnh”… Không còn tin nổi vào mắt của mình khi thấy mạng xã hội nó loạn đến thế.

Thật lòng phải thừa nhận, những “Khá Bảnh” không tự nhiên sinh ra, nó xuất hiện là do thị hiếu của xã hội. Nếu cái thị hiếu ấy tiếp tục còn, thì rồi Khá Bảnh này bị bắt nhưng vẫn còn đầy Khá Bảnh khác sẽ mọc lên. Và lần sau, để bắt hay loại bỏ thì lại là những thứ khó nói trước… Khá Bảnh đã không còn chỉ là hình ảnh một cá nhân, nó là hình cho cho cả một vấn nạn về đạo đức, xu hướng tư duy trong xã hội.

“Khá Bảnh” tồn tại đến bao giờ

Như đã phân tích, khi nào thị hiếu xã hội còn thì “Khá Bảnh” vẫn sẽ xuất hiện. Việc xử lý Ngô Văn Khá lần này là vì hắn có những hành vi phạm tội như tổ chức đánh bạc trái phép, sử dụng trái phép chất ma túy,… Đương nhiên, nếu những “Khá Bảnh” khác chỉ vi phạm đạo đức khi đi tuyên truyền về văn hóa, hình ảnh côn đồ mà không vi phạm pháp luật, thì pháp luật cũng gần như bó tay. Để đào thải “Khá Bảnh” hoàn toàn, rất cần một sự quyết tâm tổng lực.

Thứ nhất, tư duy xã hội nhất thiết phải thay đổi. Người Việt luôn tự ti về đất nước mình nghèo, lạc hậu, kém văn minh, trong khi phần không nhỏ xã hội thì chỉ quan tâm đến những thứ dung tục, giải trí tầm thường mà không chịu tiếp thu tri thức, văn minh xã hội. Người ta hay đổi cái lỗi này cho giáo dục, nhưng không, lỗi là do cái bản tính con người chỉ muốn hưởng thụ, chỉ quan tâm những thứ tò mò mà không chịu cố gắng phấn đấu. Đó không phải tư duy của tất cả, nhưng lại đang nằm ở phần lớn và có xu hướng càng lan rộng. Cần phải tuyên truyền, giáo dục, cần phải vận động nhiều hơn nữa thì mới mong có sự biến chuyển về nhận thức xã hội trong việc này.

Thứ hai, quản lý xã hội cần thắt chặt vấn đề đạo đức. Xưa nay, vấn đề vi phạm đạo đức đều chỉ được giải quyết trên nền tảng dư luận xã hội. Tức, một sự xuống cấp đạo đức chỉ bị lên án, đấu tranh bằng số đông xã hội lên tiếng, đấu tranh. Nhưng, nó sẽ là phản tác dụng trong tình hình dư luận xã hội ngày một “loạn” như hiện nay, nhất là khi nhận thức xã hội xuất hiện nhiều sự lệch lạc.

Đơn cử một việc thế này, hút thuốc lá, bài bạc,… dù chỉ là những hành vi thiếu chuẩn đạo đức hoặc những hành vi không được khuyến khích thực hiện lại được xuất hiện tràn lan trên truyền hình tại Việt Nam một cách rõ nét. Trong khi đó, các quốc gia khác sẽ che mờ những hình ảnh như thế nếu chúng được phát sóng trên TV, truyền hình,… Ngay cái cách quản lý của Nhà nước trong vấn đề phát sóng nội dung gì, cách thể hiện như thế nào cũng sẽ tác động vào nhận thức xã hội.

Vậy, quản lý xã hội cần hướng đến việc hạn chế, hay thậm chí là loại bỏ khả năng lan rộng của những hành vi thiếu chuẩn đạo đức trên các phương tiện truyền thông. Nếu không còn “phương tiện” để lan truyền, tự khắc những hành vi thiếu đạo đức sẽ bị triệt tiêu.

Tất nhiên, quản lý ra sao, quản lý ở đâu, TV, báo đài, hay mạng xã hội là do các cơ quan chức năng có trách nhiệm xem xét, điều chỉnh cho hợp lý.

Nếu tất cả chúng ta không hành động, sẽ không có kết quả, và rồi vẫn sẽ có những “Khá Bảnh” xuất hiện! Đừng vội mừng, cũng đừng ỷ lại vào lực lượng Công an để bắt, xử lý những người như Khá Bảnh. Loại bỏ hẳn điều đó, là trách nhiệm của toàn xã hội.

https://butdanh.net/con-bao-nhiieu-kha-banh.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét