Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Chủ tịch Cienco: Buồn vì bị BT Thăng đánh giá vô cảm

Còn buồn cái gì nữa, không bị cắt chức cho về hưu là may lắm rồi. Làm sếp to như thế, hàng ngày đi kiểm tra các công trình thi công ẩu như thế mà vẫn thản nhiên như không, coi người lao động cũng như dân qua lại ngang công trình như rác rưởi, vi phạm an toàn lao động trầm trọng... Tội này quá nặng... Lại nữa, khi xảy ra chuyện chết người, không đi xử lý lại còn bao biện là họp tiếp bàn cách giải quyết. Tại hiện trường, công an có nhiệm vụ của công an, Chủ tịch Cienco có nhiệm vụ của Ch tịch, đâu có chồng chéo nhau. Sống ở các thành phố lớn ở Việt Nam, tôi rất sợ mỗi khi đi ngang qua các công trình thì công kiểu này: Vô số nơi thi công ẩu như vậy, nhìn những chiếc cần cẩu cẩu vật liệu xây dựng đưa ngang trên đầu mình quá khiếp đảm. Xem thêm: Tai nạn chết người ở đường sắt trên cao đã được báo trước nửa tháng

Chủ tịch Cienco 1: Tôi buồn khi bị Bộ trưởng Thăng đánh giá là vô cảm
“Qua đánh giá của Bộ trưởng rằng là người vô cảm, tôi rất buồn khi có nhận xét về cá nhân như vậy, phóng viên cũng có thể làm việc với bất kỳ người nào trong công ty để phỏng vấn và để biết cá nhân tôi là người như thế nào”, ông Phạm Dũng, Chủ tịch HĐQT Cienco 1 trả lời phỏng vấn.
Ông Phạm Dũng, Chủ tịch HĐQT Cienco1: "Đánh giá của Bộ trưởng rằng tôi là người vô cảm tôi rất buồn khi có nhận xét về cá nhân tôi như vậy".


- Tôi rất buồn và đau xót khi tai nạn xảy ra ở dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, khi mà cán bộ nhân viên thuộc xí nghiệp 17 đã để mất an toàn trong quá trình thi công. Từ phía xí nghiệp và lãnh đạo Tổng công ty Công trình giao thông 1 (Cienco1) đã làm những việc như thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân bị nạn, đồng thời cũng đã thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét, kiểm tra các nguyên nhân gây nên tai nạn như vậy. 


Hiện nay chúng tôi vẫn bố trí cán bộ thường trực tại bệnh viện và gia đình người bị nạn để có những phối hợp kịp thời. Bản thân tôi, buổi trưa hôm đó cũng đã cùng anh em lãnh đạo tổng công ty vào thăm hỏi đến các gia đình. Kể từ hôm đó đến hôm nay tôi cũng thường xuyên vào thăm nạn nhân nằm ở Bệnh viện Việt – Đức, trong ngày xảy ra tai nạn chúng tôi đã đến gia đình người gặp tai nạn và hôm nay chúng tôi cũng đến để hỏi gia đình về chương trình cho lễ tang ngày mai.
Tai nạn nghiêm trọng như vậy, nhưng vì sao ông vẫn không rời cuộc họp xuống hiện trường?
- Đúng ra Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng có gọi cho tôi khoảng thời gian tầm 9 rưỡi, 10 giờ, bảo tôi ra ngay nơi xảy ra tai nạn. Nhưng lúc đó tôi đang họp giao ban và cho dừng nội dung họp lại để thông báo cho tất cả lãnh đạo, từ Tổng Giám đốc cũng như các cán bộ chủ chốt biết thông tin. Chúng tôi đã thống nhất luôn là cử người, chứ không phải riêng cá nhân tôi, cử ngay đồng chí Chủ tịch Công đoàn, Phòng Tổ chức cán bộ và cả Giám đốc Xí nghiệp Cầu 17 đang họp ở đó và văn phòng ra ngay ngoài hiện trường, những cán bộ này khi xuống hiện trường thì thường xuyên phải liên lạc báo cáo tình hình về.
Còn chúng tôi ngồi ở trụ sở để cùng tất cả anh em lên phương án, phân chia người để tiếp cận vụ việc, rồi liên hệ với những người quen, với các bệnh viện, liên hệ với các gia đình nạn nhân để làm sao thông báo cho họ biết được. Sau đó, những đồng chí ra ngoài hiện trường cũng thông báo người ta phong tỏa rồi, các cơ quan công an đang tiến hành làm việc này, vì hiện nay đang bị phong tỏa và rất đông người nên nếu các anh có ra thì chỉ đứng ở vòng ngoài thôi. Là người chứng kiến và có kinh nghiệm khi xảy ra các vụ việc, nên nếu xác định mình ra chỉ đứng được ở vòng ngoài thì không giải quyết được vấn đề thế nên cần tập trung đưa ra phương án ứng xử. Đến 11 giờ chúng tôi ra thì mới tiếp cận được để thăm hỏi và kiểm tra lại hiện trường vụ việc và cắt cử đồng chí Tổng Giám đốc phải thường trực ở đấy. Còn tôi lúc đó đi họp cùng Thứ trưởng Đông. Đến chiều tôi lại đến thăm hỏi tiếp các gia đình nạn nhân, đến chiều tối chúng tôi cùng nhau đến chia buồn và xin lỗi các gia đình có người mất và bị thương.
Bộ trưởng Thăng cho biết sẽ đề nghị HĐQT Cienco1 xem xét hình thức kỷ luật Chủ tịch HĐQT, ông nghĩ sao về việc này?
- Thứ nhất, tôi cũng thấy rằng việc làm của cá nhân tôi và cả tập thể là có trách nhiệm. Chúng tôi xác định nếu ra mà chưa giải quyết được công việc, hoặc vội vàng chẳng hạn chỉ có mình tôi hoặc đồng chí Tổng Giám đốc ra chỉ để đứng loanh quanh ở đấy thì không giải quyết được gì, mà ở đây phải triệu tập ngay họp để phân công. Nếu nói về việc Bộ trưởng bảo tôi ra mà tôi không ra thì tôi thấy là tôi cũng có khuyết điểm, mà khuyết điểm ở đây tôi thấy là do cái phương pháp thôi, phương pháp là ngay khi chúng tôi biết được sự việc đó là chúng tôi phải cùng nhau tập trung vào bàn để giải quyết chứ không phải là chúng tôi không có một hành động gì cả.
Bản thân tôi, qua đánh giá của Bộ trưởng rằng tôi là người vô cảm, tôi rất buồn khi có nhận xét về cá nhân tôi như vậy, phóng viên cũng có thể làm việc với bất kỳ người nào trong công ty để phỏng vấn và để biết cá nhân Chủ tịch HĐQT là người như thế nào.
Xin cảm ơn ông!
http://danviet.vn/kinh-te/chu-tich-cienco-1-toi-buon-khi-bi-bo-truong-thang-danh-gia-la-vo-cam-501459.html


Tai nạn chết người ở đường sắt trên cao đã được báo trước nửa tháng

(GDVN) - Chuyên gia về xây dựng nói gì khi bất chấp cảnh báo từ Bộ GTVT trong việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, nhà thầu vẫn thi công ẩu tai nạn chết người?


Liên quan đến vụ rơi thép đè chết người đi đường vào sáng ngày 6/11 tại dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Bộ Giao thông vận tải vừa tiết lộ một thông tin chấn động: Chuyện này đã được cảnh báo từ trước.
Cụ thể, cách đây hơn nửa tháng, đoàn công tác thuộc Bộ GTVT đã cảnh báo và yêu cầu Ban QLDA Đường sắt chỉ đạo các nhà thầu thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn ở công trình kể trên như rà soát quy trình, tăng cường biển báo, ghi số điện thoại của người phụ trách công trường lên các biển cảnh báo.
Văn bản chỉ đạo ký ngày 16/10 của Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) nêu rõ, tại các vị trí thi công trên cao, yêu cầu Ban QLDA Đường sắt chỉ đạo các nhà thầu phải có biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và các phương tiện giao thông bên dưới. Đồng thời phải bố trí lực lượng phân luồng giao thông theo quy định.
Rơi thép đè chết người đi đường vào sáng ngày 6/11 tại dự án Đường sắt Cát Linh – Hà Đông
Thế nhưng, nửa tháng sau, vụ tai nạn thương tâm trên xảy ra.
“Không đỡ được!”
Bình luận về việc này, Nhà giáo nhân dân, GS. TS Nguyễn Viết Trung, giảng viên của trường Đại học Giao thông vận tải, người từng giảng dạy các môn học trong chương trình đào tạo Tư vấn giám sát, Quản lý dự án, Kỹ sư định giá, Nghiệp vụ đấu thầu, Chỉ huy trưởng công trường cho rằng, cơ quan điều tra phải xem xét xem đơn vị thi công có vi phạm tiêu chuẩn thi công cầu, tiêu chuẩn an toàn thi công cầu, hay các tiêu chuẩn về an toàn trong xây dựng khác do Bộ Xây dựng ban hành hay không để xử lý nghiêm.
Trong khi đó, Thạc sỹ Vũ Đình Hiền – Giảng viên môn đường bộ (Đại học Giao thông vận tải Hà Nội) nêu quan điểm, để nghìn tấn sắt treo lơ lửng trên đầu người đi đường như thế không bao giờ đảm bảo về mặt an toàn được.
Hơn nữa, dùng mấy tấm lưới mỏng như vậy đỡ làm sao được cả nghìn tấn sắt? Những tấm lưới đó chỉ có tác dụng che chắn sao cho vữa, xi măng hay mấy thứ vụn vặt trong quá trình thi công không bị rơi vãi ra đường, dội lên đầu người tham gia giao thông thôi.
“Thông thường, khi có vật nặng treo trên cao bao giờ người ta cũng cấm người di chuyển phía dưới. Còn khi cần trục quay, để đảm bảo an toàn, khu vực thuộc phạm vi cần cẩu di chuyển phải trống không. Không ai lại để nghìn tấn sắt treo lơ lửng trên đầu người đi đường như thế cả bởi không gì có thể chống đỡ một khi sắt, thép bị rơi xuống”, ông Hiền nhấn mạnh.
Trước cảnh hàng nghìn tấn sắt treo lơ lửng trên đầu người đi đường chỉ được che chắn bởi những tấm lưới mỏng manh, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam khẳng định: “Tới đây chúng tôi sẽ đề nghị Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) tổ chức cho chúng tôi tham quan xem công trường được tổ chức như thế nào. Sau đó, chúng tôi sẽ có ý kiến chính thức về việc này”.
Tới đây, nhà thầu nên làm gì?
Để những sự cố thương tâm như trên không tái diễn, Thạc sỹ Vũ Đình Hiền đề xuất, tới đây các nhà thầu, đơn vị thi công trực tiếp nên chú ý 2 điều sau.
Thứ nhất, đơn vị thi công khi lắp cẩu tháp phải chọn vị trí đặt cẩu tháp sao cho trên đường nó quay để đưa vật liệu vào đúng vị trí phù hợp không gây nguy hiểm cho người khác. 
Khi thi công, dứt khoát họ phải dùng các phương tiện như cẩu tháp để đưa vật liệu xây dựng lên. Trong khi đó, các vật liệu thường rất nặng. Nếu diện tích rộng, người ta có thể quây kín khu vực đang thi công, nhưng nếu trong điều kiện vừa làm vừa đảm bảo giao thông, không thể ngăn đường ở tuyến đó được thì đơn vị thi công phải chọn phương án 2: tính toán thời điểm thi công.
Họ nên chọn thời điểm thi công ít hoặc không có người qua lại để tránh gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Tốt nhất họ nên thi công vào ban đêm từ khoảng 9 giờ tối tới 4 – 5 giờ sáng ngày hôm sau vì lúc đó lượng người đi lại ít.
Về hướng xử lý với những đơn vị, cá nhân liên quan tới vụ tai nạn thương tâm ngày 6/11 vừa qua, ông Hiền cho rằng, quy định về an toàn lao động đã nêu rõ trách nhiệm của đơn vị thi công, đơn vị giám sát…khi để xảy ra sự cố. Chúng ta cứ dựa vào đó mà xử lý.
http://giaoduc.net.vn/xa-hoi/tai-nan-chet-nguoi-o-duong-sat-tren-cao-da-duoc-bao-truoc-nua-thang-post152068.gd

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét