Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

“Các đường cao tốc của Việt Nam không có gì hấp dẫn”

“Các dự án đường cao tốc của Việt Nam không có gì hấp dẫn”
Chuyên gia kinh tế, TS. Alan Phan nêu quan điểm liên quan đến thông tin VEC sẽ chuyển nhượng, bán cổ phần 5 tuyến đường cao tốc với mục đích giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước và thực hiện lấy nguồn vốn tái đầu tư những dự án đường cao tốc khác. Theo ông, việc bán quyền thu phí hoặc bán cổ phần các dự án đường cao tốc cho nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ đẩy mức phí lên cao. Đây là cốt lõi của bài toán. Phí thấp thì dự án không có lời. Phí cao thì ít người sử dụng. Vòng lẩn quẩn này không thể giải quyết trên căn bản thuần tuý thị trường.

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai,1 trong 5 tuyến đường 
VEC dự kiến sẽ chuyển nhương, bán cổ phần. Ảnh: TL


Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) công bố kế hoạch chuyển nhượng 5 tuyến cao tốc. Theo dự tính của VEC, có thể làm theo phương pháp BOT rồi bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài cùng thu phí trong một thời gian nào đó. Xin ông cho biết, việc bán cao tốc cho nhà đầu tư ngoại, Việt Nam sẽ được gì, mất gì?

Việc bán cổ phần hay dự án của những công trình hạ tầng theo hình thức BOT là việc khá phổ thông tại nhiều quốc gia. 

Tuy nhiên, ngoại trừ các dự án có sự tham dự của các cơ quan Chính phủ ngoại quốc vì mục tiêu chính trị, các nhà đầu tư tư nhân ngoại hay nội đều phải cứu xét sự tham gia dựa trên căn bản và quy chế thị trường. 

Nhìn theo góc cạnh này thì các dự án đường cao tốc Việt Nam không có gì hấp dẫn. Lượng xe cộ giao thông không nhiều khiến doanh thu rất thấp. Một số tuyến đường huyết mạch đã thực hiện đều lỗ nặng vì phí xe không thể có giá cao như ở các nước đã phát triển. 

Thêm vào đó, chi phí xây cầu đường và khung giá bồi thường đất quá cao khiến giá trị ROI (return on investment) không khả thi theo kinh tế thị trường.

Ngoài nguồn vốn vay từ ODA của Chính phủ, tôi nghĩ kế hoạch của VEC khó mà thực hiện theo hình thức BOT.

Có ý kiến cho rằng việc bán quyền thu phí hoặc bán cổ phần các dự án đường cao tốc cho nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ đẩy mức phí lên cao. Ông có đồng tình với quan điểm này không và vì sao?

Đây là cốt lõi của bài toán. Phí thấp thì dự án không có lời. Phí cao thì ít người sử dụng. Vòng lẩn quẩn này không thể giải quyết trên căn bản thuần tuý thị trường.

Trong khi đó đại diện của VEC cho biết, nếu thực hiện thành công sẽ góp phần giảm áp lực đầu tư công và vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, giúp VEC có nguồn lực đầu tư triển khai các tuyến đường cao tốc khác. Lý giải này theo ông có hợp lý hay không?

Nếu VEC có thể tìm được những nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng bỏ tiền vào các dự án này mà không đòi hỏi thêm những đổi chác ngoài luồng khác thì tôi rất bái phục. Đó là một giải pháp tuyệt vời cho VEC.

Theo ông, những điểm quan tâm ở hợp đồng mua bán chuyển nhượng sẽ là gì?

BOT là một mô hình kinh doanh khá phổ thông với những dự án hạ tầng trên rất nhiều quốc gia, giàu cũng như nghèo. Điều quan trọng với các nhà đầu tư tư nhân là chỉ số ROI và mức độ rủi ro. Các yếu tố khác xếp sau theo thứ tự ưu tiên.

Liệu có trở ngại về pháp lý trong quá trình triển khai việc bán, chuyển nhượng này không, thưa ông?

Đây là những dự án do Chính phủ chủ trương và phê duyệt. Vấn đề pháp lý chắc chắn là chuyện nhỏ và có thể vượt qua dễ dàng.

Xin trân trọng cảm ơn!

Nguyên Thảo
(BizLIVE)
http://xembaomoi.com/tin-tuc/relation/ts-alan-phan-cac-du-an-duong-cao-toc-cua-viet-nam-khong-co-gi-hap-dan-1439156.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét