Chủ Nhật, 9 tháng 11, 2014

Ukraine: EU lấy gì để trừng phạt Nga?

Ukraine: EU lấy gì để trừng phạt Nga?
Chính quyền Ukraine đang trên thực tế vô tình thừa nhận sự lập quốc của miền Đông. EU đang theo Mỹ đe dọa gia tăng trừng phạt kinh tế với nước Nga, nhưng liệu họ có thể thực hiện điều đó? Nga ủng hộ Donetsk-Lugansk: Mỹ, Eu 'kiểm soát khủng hoảng Ukraine'? / Ukraine đưa vũ khí hạng nặng đến miền Đông đề phòng Nga?

Lính Ukraine kiểm tra hộ chiếu của một người đàn ông
Ukraine đang thừa nhận Novorossia?
Hiện tại, chỉ có Nga công khai thừa nhận Lugansk và Donetsk là hai quốc gia độc lập như Ukraine hay bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Nhưng sự mâu thuẫn của chính quyền Ukraine đang vô tình thừa nhận sự lập quốc của miền Đông.

Đầu tiên phải kể đến việc khi những người ly khai tổ chức bầu cử, không suy nghĩ nhiều, Tổng thống Poroshenko ra quyết định chấm dứt quy chế đặc biệt cho miền Đông và Quốc hội mới bầu của nước này nhanh chóng thông qua. Một khi người miền Đông không còn quy chế đặc biệt, nói cách khác, hai miền sẽ không còn đàm phán, không còn đối thoại bởi những mong muốn của ly khai sẽ không bao giờ được đáp ứng.

Bước thêm một bước đi, Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk tuyên bố sẽ cắt ngân sách của những khu vực do người ly khai quản lý. Điện, nước vẫn được đáp ứng, nhưng tiền thì không. Yatsenyuk cho rằng Ukraine sẽ không phải trả tiền cho những kẻ "phản bội Tổ quốc."

Tất nhiên, ly khai sẽ phải tìm nguồn tiền cho mình để chi trả những vấn đề an sinh xã hội như y tế, giáo dục, lương hưu. Đó là lý do vì sao họ sẽ ngày càng gần Nga hơn nữa. Moscow sẵn lòng đáp ứng điều kiện này của ly khai, lòng dân miền Đông sẽ tiếp tục hướng về Nga, bởi tương lai đây chính là "nước mẹ" đảm bảo cho họ một cuộc sống an toàn và đầy đủ.

Mọi thứ lên tới đỉnh điểm khi Kiev bước thêm một bước đi dài rời xa miền Đông: ngày 6/11/2014, Ukraine tuyên bố áp dụng việc kiểm tra hộ chiếu với những người ra vào khu vực ly khai. Kiev gọi đó là biện pháp an ninh, còn người miền Đông khẳng định họ đang tự xác lập một "biên giới nội địa."

Những bước đi đó của Ukraine chỉ khiến miền Đông ngày càng rời xa họ. Nga có thể chỉ công nhận Lugansk, Donetsk qua các kênh ngoại giao, nhưng Ukraine là người trực tiếp khẳng định họ không cho những khu vực này cơ hội được đàm phán.

Mâu thuẫn ở ngay trong nội bộ những người cầm quyền Ukraine. Một mặt họ nói người miền Đông đang phá hỏng hiệp định ngừng bắn và những thỏa thuận ở Minsk, nhưng mặt khác, chính tay họ đang tước đoạt đi cơ hội để hòa giải dân tộc.

Không rõ mục đích và toan tính của Kiev qua những hành động này, nhưng nếu đơn thuần chỉ muốn thể hiện với phương Tây rằng họ một lòng một dạ trung thành, quyết tâm thanh lọc sắc tộc thì có lẽ họ đã đi quá xa!

EU có nhắm mắt trừng phạt Nga?


Chiến sự ở Donetsk vẫn diễn ra đều đặn dù cả hai bên chưa tuyên bố phá bỏ hiệp định ngừng bắn. Nhưng những bước đi của Kiev không khác gì những vết đạn pháo nã đổ hi vọng hòa giải dân tộc của quốc gia này.

Và tất nhiên, người ly khai có đáp trả. Chính quyền Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng đã quyết định hủy thỏa thuận buôn bán than đá với Kiev. Điều này đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ phải mua than từ tận Nam Phi hoặc những đất nước xa xôi khác với giá thành đắt hơn rất nhiều. Mùa đông này sẽ càng thêm khốn đốn với những người thân phương Tây.


Lính ly khai đứng gác bên một mỏ than ở Donetsk

Những hành động của người ly khai để gây sức ép ngược với Ukraine đã khiến phương Tây không thể ngồi yên. Chỉ có một lý do duy nhất khiến miền Đông còn bám trụ đến thời điểm này, đó là sự hậu thuẫn từ Nga. Và biện pháp duy nhất để xóa bỏ sự hỗ trợ đó, phương Tây buộc phải gia tăng trừng phạt kinh tế. Vấn đề nằm ở chỗ, EU có đủ quyết tâm hay không.

Ngày 6/11/2014, Mỹ đưa ra tuyên bố đang xem xét việc tăng các khả năng trừng phạt kinh tế Nga. Và cũng trong ngày này, EU cũng có tuyên bố tương tự như Mỹ. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini tuyên bố: "EU có thể sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga và tìm cách bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Ukraine."

Nhưng dù đe dọa trừng phạt nước Nga, EU có đủ sức và đủ quyết tâm? Bản thân bà Mogherini cho biết ngày 17/11 tới, các ngoại trưởng của thành viên EU mới bàn về chiến lược với Ukraine. Đó chỉ là họp bàn chiến lược, lên kế hoạch, còn có quyết định trừng phạt Nga hay không sẽ là câu chuyện của nhiều lần họp sau đó.

Nhưng với 10 ngày từ nay đến đó, chưa biết điều gì sẽ xảy ra với Ukraine. Chỉ biết rằng nội chiến đã đến rất gần và rất nhanh, khi cả hai miền đang bắt đầu tập kết vũ khí, quân lính.

Một điều khác cần lưu ý, phương Tây trong cục diện Ukraine gồm hai bộ phận: Mỹ và EU. Trong đó, mọi đường đi nước bước đều theo sự chỉ đạo của nước Mỹ. Nhưng hiện tại, bản thân chính quyền Mỹ đang vướng phải nhiều vấn đề.

Về đối nội, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ với chiến thắng hoàn toàn của phe Cộng hòa đang khiến những người Dân chủ, bao gồm cả Tổng thống Obama phải hoạch định lại chính sách của mình. Những ngày này, những nhà cầm quyền ở Washington đang bận đi thương thuyết về các vấn đề hợp tác, phối hợp giữa hai Đảng hơn là đưa ra những quyết sách táo bạo, mạo hiểm.

Thứ hai, với đối ngoại, Mỹ đang đứng trước nguy cơ sa lầy ở Trung Đông. Cuộc chiến chống IS đang nằm ngoài tầm kiểm soát: chi phí ngoài dự kiến, thời gian ngoài dự kiến, mục đích không như dự kiến.

Người dân Bỉ đụng độ với cảnh sát trong cuộc biểu tình

Những yếu tố đó cho thấy Mỹ đã đặt một chân vào Trung Đông, khó có thể đưa nốt chân trên kia của mình xuống Đông Âu. Những nỗ lực dồn ép giá dầu xuống thấp để bức tử nền kinh tế Nga của Mỹ là biện pháp thông minh, hữu hiệu nhất trong cục diện Ukraine lúc này.

Một khi Mỹ không mặn mà, EU sẽ chẳng dại gì tiếp tục gây hấn. Đặc biệt trong bối cảnh nợ công một lần nữa đe dọa chính phủ các nước thành viên. Italia, Tây Ban Nha, Hi Lạp... đều đang đối mặt nguy cơ phá sản. Bản thân xứ Catalonia của Tây Ban Nha đang đòi ly khai. Pháp đối mặt với nguy cơ thâm hụt ngân sách nặng nề. Còn tại Bỉ, biểu tình phản đối chính phủ về nợ công, tỉ lệ thất nghiệp, thuế... đã biến thành bạo động. Còn các nước Đông Âu đã bắt đầu mang nông sản đổ bỏ dù mỗi công dân đã phải ăn gấp 3 lần số táo đáng ăn.

Trong một nền kinh tế như vậy, tiếp tục trừng phạt bạn hàng quan trọng như Nga sẽ khiến EU thêm phần khốn đốn.

Nga có trả đũa EU nếu bị trừng phạt?

Xin nói ngay sẽ chẳng dại gì Nga làm thế. Thời thế lúc này đã khác. Việc trả đũa EU về cấm nhập nông sản đã khiến xã hội Nga gặp nhiều bất ổn. Tuyết đã sắp rơi trên khắp châu Âu. Người Nga lúc này bắt đầu chơi quân bài tủ của mình.

Ngày 7/11/2014, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga gửi thông báo đến Kiev về việc Ukraine sẽ phải trả trước 2 tỷ m3 khí đốt cung cấp trong tháng 11 với đơn giá 378 USD/1000 m3 mới có thể được nhận hàng. Điều này cho thấy Nga vẫn duy trì hình thức trả tiền trước, sử dụng sau với Ukraine.

Cộng với số nợ hơn 3 tỷ USD, để đủ khí đốt cho mùa đông này, Ukraine sẽ phải thanh toán một số tiền được cho là khổng lồ với ngân khố của quốc gia này.

Kiev cáo buộc Nga đang đưa xe tăng vào hỗ trợ lực lượng ly khai ở miền Đông

Tất nhiên, Ukraine buộc phải tìm đến EU để gây sức ép. Một mình Ukraine đã đủ gia tăng sức ép với EU. Để chính quyền Kiev thiếu khí đốt, họ hoàn toàn có thể xâm phạm vào nguồn khí đốt của EU mà Nga cung cấp thông qua những đường dẫn dầu trên lãnh thổ của họ.

Bài toán tại Ukraine đang khiến EU lao đao khi nước Mỹ không còn hiện diện để cùng họ tìm lời giải. Vai trò Mỹ lúc này chỉ là sức ép không hơn không kém khiến EU thêm căng mình.

Một sự thay đổi đáng kể, với lần xung đột trước, Nga đã xoay sở để Crimea hoàn toàn thuộc sở hữu riêng, biến Lugansk và Donetsk ngoài tầm kiểm soát của chính quyền Ukraine. Và hiện tại, cục diện đang xấu đi khi hai tỉnh này đủ lực lượng đôi co với Ukraine thời gian dài, chưa nói đến việc họ đang tỏ ra thắng thế trên chiến trường.

Xin nhắc lại, nội chiến có thể đến rất nhanh cùng với mùa đông khắc nghiệt. Đây sẽ là một mùa đông đáng nhớ với EU, khi mọi gánh nặng đều đang trút lên vai họ.

Đỗ Minh Tú
http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/tinh-hinh-ukraine-eu-lay-gi-de-trung-phat-nga-3120215/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét