Ông Đông cũng tin rằng con thuồng luồng khổng lồ này ẩn mình trong hang dưới đình Bát Tràng và mới đây nó lộ diện khiến mọi người khiếp sợ!
Trong số những người sống ở ven sông Hồng mà tôi gặp, thì có lẽ ông Phạm Văn Đông (Bát Tràng) là người tin nhất vào khả năng xuất hiện quái vật. Theo lời ông, vào những năm 60-70 thế kỷ trước, khi ông còn thanh niên, các cụ trong làng kể rất nhiều chuyện liên quan đến thuồng luồng khổng lồ ở dưới sông.Chuyện về thuồng luồng ngày đó rất ầm ĩ. Nói rồi, ông Đông chỉ những cây cột lim khổng lồ, 2 người ôm mới xuể trong đình Bát Tràng và bảo rằng, các cụ kể rõ con thuồng luồng to như cột đình, thân dài 30 mét (!?).
Con thuồng luồng có thân hình ống, đầu màu đen, giống đầu rắn. Thời kỳ đó, những người yếu bóng vía ở Bát Tràng rất ít khi dám lội xuống sông Hồng.
Hình ảnh gây xôn xao dư luận. |
Ông Đông cũng tin rằng con thuồng luồng khổng lồ này ẩn mình trong hang dưới đình Bát Tràng và mới đây nó lộ diện khiến mọi người khiếp sợ!
Những người không tin vào quái vật thì đặt giả thiết có thể là cá sấu sổng chuồng, sống dưới sông lâu ngày, nên có kích cỡ khổng lồ như thế.
Ông Đông cũng đặt giả thiết rằng, nếu không phải thuồng luồng, thì chỉ có thể là cá măng, loài cá khổng lồ từng có khá nhiều ở sông Hồng.
Theo ông Đông, vào năm 1965, ông Ba Nghiêm, dân thuyền chài đã đánh được một con cá măng nặng đến 2 tạ.
Ông Ba Nghiêm phải hô hào mọi người xúm vào giúp mới khiêng được nó từ thuyền lên chợ. Ông xả thịt con cá, bày kín mấy nia.
Chính vì sông Hồng từng có cá lớn nên ông Đông cũng đặt giả thiết chính con cá măng khổng lồ lao mạnh sát mặt nước đớp cá tạo vết như quái vật khổng lồ. Loài cá măng có sức mạnh vô địch. Khi nó tăng tốc, có thể húc chết người. Đó là lý do ông Đông tin rằng hình ảnh vệt nước mà một người chụp được là của cá măng.
Ở địa bàn xã Đông Dư, một xã nằm ngay cạnh Bát Tràng, nhiều người tin rằng, quái vật ở sông Hồng chính là một con trăn khổng lồ.
Sông Hồng đoạn chảy qua Bát Tràng, nơi người già kể rằng xưa kia có thuồng luồng. |
Người dân ở đây kể rằng, mấy năm trước, thi thoảng những người làm đồng lại gặp những vết bò khổng lồ, to bằng cây chuối hột, chạy dọc ngang ruộng lúa, ruộng rau. Nhìn vết bò đó, ai cũng tin có trăn khổng lồ.
Thi thoảng nông dân ở vùng Thạch Bàn, Cự Khối (bên sông Hồng), cạnh Đông Dư và cách Bát Tràng, cũng gặp những vết bò khủng khiếp như thế. Đã có người nhặt được lớp da lột của con trăn khổng lồ.
Căn cứ vào cái xác da đó, người ta đoán rằng, con trăn phải dài đến 10 mét. Đã có nhiều thợ săn truy tìm con trăn nhưng không thấy.
Vùng đất bãi ngoài đê sông Hồng kéo dài từ cầu Chương Dương xuống đến cầu Thanh Trì rất rộng lớn, bờ bãi um tùm, ít người sinh sống, là môi trường lý tưởng để con trăn khổng lồ lẩn trốn.
Chính vì thế, nhiều người ở Đông Dư tin rằng, quái vật làm náo loạn sông Hồng chính là con trăn thành tinh đó.
Cụ Nguyễn Văn Công, 80 tuổi, người xã Bát Tràng thì khẳng định sông Hồng vốn có rất nhiều… thuồng luồng.
Tuy nhiên, theo lời cụ, thuồng luồng không phải hình ống, đầu rắn, mà thân nó hình tròn, có mai, trông giống rùa mai mềm. Trông nó chẳng khác gì rùa Hồ Gươm, nhưng thân nó to như cái nia, nặng đến nửa tấn.
Những năm đầu thế kỷ 20, ở bãi sông Hồng có khá nhiều thuồng luồng. Chúng bò lên bãi cát phơi nắng và đẻ cả thúng trứng to như trứng ngỗng.
Ông Phạm Văn Đông kể nhiều chuyện về thuồng luồng. |
Nghe cụ Công tả về thuồng luồng giống con rùa Hồ Gươm, tôi chợt nhớ đến những truyền thuyết về thuồng luồng của cư dân Phú Thọ và Yên Bái sống bên bờ sông Hồng.
Người dân nơi đó gọi loài rùa khổng lồ là con giải, hay còn gọi là thuồng luồng. Loài thuồng luồng khổng lồ đó có thể kéo trâu mộng chìm nghỉm dưới đáy sông.
Riêng anh Nguyễn Văn Dũng, chủ bãi cát Giang Cao (Bát Tràng), thì khẳng định chắc chắn rằng, không thể có chuyện xuất hiện quái vật ở sông Hồng.
Theo anh, nhiều năm nay, đám săn cá dùng điện càn quét ngang dọc lòng sông, đến con cá trắm đen, chiên, măng độ 10kg đã khó kiếm, chứ đừng nói chuyện có cá khổng lồ, đặc biệt là quái vật.
Hàng ngày, anh ngồi trên máy cẩu cao vống, cứ chỉnh gầu múc ra sông múc cát, đá, sỏi dưới tàu, lại nhả lên bờ vài trăm lần.
Có nghĩa là, mỗi ngày anh nhìn ra sông Hồng một khoảng cách rất xa vài trăm lần, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy cá lớn quẫy, chứ đừng nói chuyện có quái vật. Nếu có quái vật ở sông Hồng, thì người đầu tiên nhìn thấy phải là anh, chứ không phải mấy ông câu cá.
Anh Dũng khẳng định rằng, đó là sản phẩm photoshop của mấy ông câu cá rỗi rãi, muốn tạo dư luận cho vui.
Hầu hết những người am hiểu về chỉnh sửa ảnh, sau khi phân tích những tấm hình gây xôn xao trên mạng, đều khẳng định chắc nịch rằng, quái vật là sản phẩm bịa đặt.
Cách đây không lâu, trên một số trang web chuyên về cá cảnh xuất hiện một video clip thủy quái Hồ Tây (Hà Nội). Đoạn clip trên mạng ghi hình một con vật kỳ dị nổi lên ở chỗ chùa Trấn Quốc. Theo người quay clip, con vật có hình thù đầu người, mình trăn… với cặp mắt trắng dã và mái đầu bạc phơ. Có hai con, một đực, một cái, nhưng con cái đã… chạy mất, không quay được. Thông tin trên đã khiến hàng ngàn người đổ xô về hồ Tây, với ống nhòm, máy quay, quyết tìm cho được thủy quái. Tuy nhiên, cả tháng trôi qua, mà chẳng ai thấy thủy quái nữa. Cuối cùng, một số chuyên gia phân tích clip và khẳng định, đó chỉ là hình ghép. Cùng thời điểm đó, Hà Nội lại được dịp xôn xao dư luận về tôm lai cua, cá chép ma không vẩy, ốc không nắp ở Hồ Tây. Tuy nhiên, các nhà khoa học lên tiếng khẳng định đó là những loài vật bình thường. |
(Theo VTC News)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét