Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Giới thiệu chung về giáo dục tiểu học công lập ở Nhật Bản


Giới thiệu chung về giáo dục tiểu học công lập ở Nhật Bản


Blog Ha Linh:

Trường công là dành cho tất cả mọi công dân đến tuổi đi học, chính quyền quy định người sống ở địa bàn nào thì phải đi học ở trường dành cho địa bàn đó, chẳng có chuyện chạy trường. Nếu không thích học trường công thì có thể chọn trường tư mà thi vào rất khó khăn, chi phí cao. Chuyện học trường tư hay công hoàn toàn do điều kiện kinh tế và mục tiêu giáo dục của mỗi gia đình quyết định.Trường tư thường xa nhà, trẻ con bé tí đã tự mình đi xe buýt, tàu điện đi học..cũng là một cách rèn tính độc lập.
 HL sẽ chọn nói về trường công tiểu học cho mọi người dễ hình dung:
* Chuyện đi học: các trường quy định rõ tuyến đường đến trường cho học sinh từng khối phố. Mối sáng các cháu ở mỗi khối phố tập trung tại một địa điểm, các học sinh lớn sẽ làm tổ trưởng và tổ phó đi khóa đầu và khóa đuôi ở giữa là các em nhỏ xếp từ lớp 1 trở đi. Tổ trưởng và tổ phó do nhà trường quyết định và phải làm cả năm.Khi đi học thì đi theo tổ như thế, khi về thì thường là theo lớp.Học sinh mới vào lớp 1 thì tháng đầu tiên sẽ được phụ huynh thay phiên nhau đi đón, sau đó quen dần thì đi về cùng bạn. Đi học và từ trường về nhà đều phải đi theo tuyến đường quy định, không được đi tắt.
Điều này vừa luyện tính tự lập, vừa rèn luyện sức khỏe cho học sinh. Phụ huynh đỡ bị phiền hà chuyện đưa đón con.

* Ăn trưa ở trường: chi phí ăn trưa là 3980 Yên/tháng, mỗi bữa hình như gần 300 Yên thì phải. Em dốt toán cả nhà thông cảm nếu tính sai. Cơm trưa do các trung tâm chuyên nấu cơm trưa cho học sinh các trường học đảm trách được tính sao cho đảm bảo dinh dưỡng, đảm bảo sức khỏe và an toàn cho học sinh ăn thoải mái, được lấy thêm nếu muốn. Mỗi tháng người ta gửi về cho gia đình thực đơn của tháng bao gồm cả thông tin về nguyên liệu dùng cho mỗi món, hàm lượng muối, calori
* Sách giáo khoa: sách giáo khoa cho trường tư và công khác nhau. Và một số môn thì sách giáo khoa môn đó của mỗi địa phương có nội dung khác nhau vì học sinh địa phương nào trước hết phải hiểu rõ nơi mình sống. Nội dung sách giáo khoa thường dạy những điều thiết thực cho cuộc sống,những điều tưởng như không cần dạy:ví dụ tiền ở đâu ra, chi tiêu cần phải có kế hoạch thế nào..

* Cách giảng dạy: các thầy cô giáo được chủ động phương pháp giảng dạy của mình miễn sao học sinh hiểu nội dung cần chuyển tải. Ví dụ có khi giảng bài về mùa xuân từ một bài đọc môn Ngữ văn, cô giáo của con trai em còn mang đến cả một nụ cây non của mùa xuân để học sinh không nhìn và cảm nhận thật gần gũi. Phải nói là phương pháp dạy của mỗi giáo viên đều độc đáo, mang dấu ấn cá nhân và tạo sự khác biệt thú vị cho học sinh. Trong suốt buổi học hầu như giáo viên gắn bó với lớp, hết môt tiết thì ở lại chuyện trò vui chơi hay lắng nghe một cách bí mật những gì đang diễn ra với học sinh của mình. Trong thời gian học sinh ở trường, hầu như trong văn phòng nhà trường không có bóng giáo viên. Mọi người luôn tay luôn chân làm gì đó cho học sinh của mình. Giáo viên khi dạy thường ăn mặc quần áo dễ vận động , trừ khi cần thiết lắm mới mặc bộ vest, nhưng sau giờ cần phải mặc bộ đó thì lập tức thay ngay để năng động và linh hoạt. Giáo viên tiểu học hầu như bao sân luôn cả thể dục, có khả năng dạy đơn sơ về nhạc, dạy luôn cả vẽ..Nhìn giáo viên tiểu học NB, em cứ nghĩ ai mà có chồng hay vợ là giáo viên tiểu học NB thì quá là tuyệt vời: sẽ rất tâm lý, nhẹ nhàng và nuôi dạy con thì chắc là nhất.

*Chuyện học thêm học nếm: Ở Nhật có hệ thống các trường dạy thêm nằm độc lập với các trường chính thống, nếu muốn đi học thêm thì có thể lựa chọn trường dạy thêm nào phù hợp. Giáo viên trường chính thống thì chỉ dạy ở trường đó mà thôi, và dạy hết nội dung theo yêu cầu. Giáo viên ở các trung tâm dạy thêm là nhân viên của các trung tâm đó. Hai hệ thống giáo viên này hoàn toàn độc lập với nhau. Nội dung dạy cũng khác, trung tâm dạy riêng có giáo trình riêng của họ. Chuyện học thêm hay không, học ở đâu, học môn gì là hoàn toàn tự nguyện của học sinh và phụ huynh, nên một khi đã chọn học thêm thì phụ huynh và học sinh đều vui vẻ.

* Chuyện đánh giá kết quả học tập: thường ngày các bài kiểm tra sẽ tính điểm mức điểm tối đa là 100, nhưng khi đánh giá kết quả mỗi học kỳ thì có những tiêu chí và mỗi tiêu chí được chia ra làm 3 mức: Cần cố gắng, Tốt, Rất tốt. Bản báo cáo kết quả học tập được đưa cho mỗi học sinh vào ngày cuối của mỗi học kỳ, của ai biết người đó. Trong bản báo cáo đó giáo viên sẽ viết nhận xét chung của mỗi học kỳ, phụ huynh có ý kiến và trả lại cho giáo viên khi quay lại kỳ mới.

* Cơ cấu giáo viên:  bộ máy nhà trường gọn nhẹ, mỗi giáo viên đều kiêm luôn nhiều thứ không chỉ là dạy cho nên không cần các nhân viên theo kiểu ngồi chơi xơi nước. Mỗi người đều bận rộn, đầy ắp với những bổn phận và trách nhiệm của mình. Giáo viên nam và nữ khá đồng đều trong nhà trường.

* Môn thể dục, nhạc, và họa: nếu ở VN mấy môn này có vẻ là thứ yếu thì  ở trường Nhật ngay từ mẫu giáo đã chú ý mấy môn này. Ở tiểu học các môn này được dạy và học đều đặn, quan trọng. Trẻ con bốn mùa đều chỉ mặc áo cộc tay, quần cộc khi học môn thể dục, kể cả khi trời lạnh cắt da thì giờ thể dục cũng chỉ áo cộc, quần cộc như vậy, khi hoạt động thì cơ thể sẽ ấm lên. Các trường đều có bể bơi để dạy cơ bản về bơi cho học sinh, dù hiện tại chỉ mới học bơi ở trường vào mấy tháng mùa hè, hầu nhưu chỉ tháng 6 và 7. Học nhạc và họa ở lớp cao hơn thì có giáo viên riêng dạy. Thể dục thì vẫn là giáo viên chủ nhiệm kiêm nhiệm. Mỗi năm ở trường có Lễ hội Thê dục,cuộc chạy marathon, Biểu diễn văn nghệ, triển lãm tranh ..là những hoạt động thiết thực để việc học thể thao, âm nhạc và hội họa có thêm những cột mốc, những động lực cho việc học các môn đó. Biểu diễn văn nghệ là học sinh cả trường biểu diễn, mỗi khối lớp đều có tiết mục hát và tiết mục nhạc, các học sinh có thể sử dụng các nhạc cụ cơ bản. Phương pháp dạy về thể dục, nhạc họa nhưu thế này góp phần tạo ra những thế hệ thể lực tốt, khả năng cảm nhận âm nhạc, hội họa tốt cho thế hệ tương lai bởi vì được dạy bền bỉ, kiên trì từ bé.

* Môn tiếng Anh: mọi người chú trọng môn tiếng Anh vì đó là ngôn ngữ giao tiếp cho một thế hệ mà quan hệ quốc tế rất quan trọng, ở các lớp thấp thì tiếng Anh được dạy như là một hoạt động vui chơi để trẻ con quen với tiếng Anh, lớp 5 và 6 được dạy nhiều hơn nhưng nói chung ở cấp 1 thì chưa đặt nặng kiến thức mà chỉ làm quen, thích nghi với môn đó mà thôi. Trong các trường tiểu học hầu như đều có giáo viên nước ngoài tới dạy tiếng Anh. Ngoài ra các bậc phụ huynh cũng chú trọng cho con học thêm ở các trung tâm tiếng Anh.

* Xưng hô trong trường học: Tiếng Nhật thường dùng chữ san ở sau họ của mỗi người để dùng trong giao tiếp hàng ngày, ví dụ Suzuki san, Yamamoto San..trong giao tiếp của người lớn với nhau cũng vậy, trừ đặc biệt là sama với những trường hợp đặc biệt tôn kính. Trong trường học giáo viên thường gọi học sinh bằng họ với chữ san đằng sau như vậy, nhưng cũng có lúc thân mật thì gọi tên và đệm là kun( cho con trai), chan( cho con gái). Học sinh gọi sensei khi thưa gửi với giáo viên.
* Quan hệ giáo viên học sinh: quan hệ giáo viên và học sinh rất thoải mái, học sinh chuyện trò đủ thứ với giáo viên và nói thẳng ý kiến của mình.Nếu như ở VN, trong giờ học, thầy cô đã vào lớp thì học sinh im phăng phắc, thấy cô nói gì thì chỉ biết nghe..nhưng ở đây hơi khác, đôi khi vào lớp dẹp trật tự cho học sinh hết cả hơi, thầy cô đưa ra ý kiến gì có khi học sinh phản biện lại cho đến khi giáo viên phải giải thích thấu tình đạt lý mới thôi.

* Quan tâm tới nữ sinh: do đặc điểm khác biệt của nữ sinh, nên có những vấn đề quan trọng với tâm sinh lý của nữ sinh thì các em được người có trách nhiệm của trường dạy và phổ biến những kiến thức cơ bản về những thay đổi trong cơ thể nữ sinh cho các em được biết. Trước những chuyến đi xa, các em nữ lớp lớn còn được dặn rât cẩn thận mang theo gì đí, xử lý ra sao.

* Dạy trẻ với lao động: các em học sinh phải tất cả cùng nhau vệ sinh phòng học, trường lớp sau mỗi giờ ăn trưa hàng ngày và vào ngày cuối của mỗi học kỳ.Các em thay phiên nhau trực nhật đi nhận đồ ăn trưa về cho cả lớp, chia cho cả lớp và dọn dẹp. Mỗi khi trực nhật bữa ăn trưa, các bé mang đồng phục phục vụ bữa ăn trưa trông rất là ngộ nghĩnh!
Một số hoạt động như School festival cũng do học sinh tự làm các đồ chơi, đồ vật sử dụng trong ngày đó.

* Quan hệ phụ huynh và nhà trường: mỗi lớp đều có PTA ( Parent- Teacher Association)-hội phụ huynh để các phụ huynh tham gia hỗ trợ cùng nhà trường nhằm phục vụ cho học tập và sinh hoạt của học sinh. Ở trường lại có Tổng hội PTA như vậy, hàng năm mỗi gia đình đóng góp 3000 Yên cho hoạt động của PTA. Ở cấp 1 về nguyên tắc nếu có 01 học sinh theo học thì phụ huynh phải tham gia hội PTA đó 2 lần. PTA hoạt động rất chặt chẽ và hiệu quả với nhà trường. Mỗi học kỳ phụ huynh đến dự giờ dạy của học sinh 2 lần( một lần đầu kỳ và một lần cuối kỳ), và hợp mặt với giáo viên phụ huynh khác lắng nghe, chia sẻ với nhau về chuyện học hành con cái, ngoài ra còn có họp riêng từng phụ huynh với giáo viên để được nghe riêng về con mình và đưa ra nhưng băn khoăn thắc mắc riêng với giáo viên. Mỗi năm giáo viên chủ nhiệm đến thăm nhà của mỗi học sinh để biết hoàn cảnh cụ thể mỗi em. Ở đây giáo viên chẳng bao giờ nhận quà tặng gì của phụ huynh, phụ huynh chẳng lo quà cáp thăm viếng giáo viên, chỉ có mỗi cuối kỳ thì cả lớp sẽ đóng 1 người 100 Yên để mua bó hoa tặng cho giáo viên khi tạm biệt một năm.

* Các khoản đóng góp: hàng tháng phụ huynh đóng tiền ăn, với những gia đình khó khăn thì có phụ cấp của chính phủ, và khoản trợ cấp cho trẻ em hàng tháng cũng đủ đảm bảo cho các em đêu được đi học. Ngoài tiền ăn thì có tiền in ấn các bài tập cho học sinh làm chừng 1000 hay 2000 Yên là cùng, mỗi cuối năm giáo viên đều báo cáo chi tiết về chi tiêu cho phụ huynh, nếu thừa thì 50 yên cũng được trả lại. Sách giáo khoa do nhà trường cấp mỗi năm.

* Dạy trẻ biết cảm thông và sẻ chia với những số phận thiếu may mắn: trẻ con được giới thiệu về ngôn ngữ bằng tay và biểu cảm trên khuôn mặt, em chẳng biết nói tiếng Việt ra là thế nào, nhưng hiểu nôm na theo tiếng Nhật thì đó là ngôn ngữ bằng tay, dành cho người bị câm điếc. Được ngồi thử và đẩy thử xe lăn để hiểu cảm giác của người tàn tật. Trong trường có lớp học cho trẻ em có nhu cầu chăm sóc đặc biệt về sức khỏe, các em đó có lớp riêng nhưng có những giờ học sẽ học chung với các bạn bình thường. Các hoạt động khác như hội diễn văn nghệ, lễ hội thể thao thì các em lớp đó và các bạn bình thường tham gia cùng nhau. Nhà trường có các vận động góp nắp chai để đổi thành vắc xin cho các bạn châu Phi..vv.. Những điều này tạo cho trẻ em hiểu biết về thế giới khác của những người kém may mắn để chia sẻ và giúp đỡ họ, không kỳ thị…

* Lớp học cho các bé có vấn đề về sức khỏe: điều cảm động và nhân văn  là trẻ em bị bệnh tật về thể chất, trí tuệ cũng được đến trường, có các giáo viên riêng chăm sóc, thậm chí 01 giáo viên cho 01 em nếu em đó bệnh quá nặng. Các em được học, gia đình được chia sẻ và cảm thông…

* Bài tập về nhà: ” Bài tập thường được thầy cô giáo in ra giấy A4, thường thì mỗi ngày một vài trang, hay là làm luôn vào sách bài tập chữ Hán hay toán cũng chỉ 1 trang. Ngày thứ 7 và Chủ Nhật và kỳ nghỉ Đông và Xuân thì chẳng có bài tập. Kỳ nghỉ hè, có một ít bài tập trong hè, và bài tập tự nghiên cứu về một đề tài gì đó mà trẻ con thích, hoặc làm một tác phẩm thủ công tự tay làm vì mùa hè hay được đi chơi đây đó thì sẽ tự gom nhặt làm luôn từ nguyên liệu tự nhiên hay sử dụng lon sữa, chai nước, giấy báo…

Năm học ở Nhật bắt đầu từ tháng 4 khi hoa đào nở rộ các sân trường, kết thúc vào trung tuần tháng 3. Mỗi năm có 3 học kỳ.Học kỷ 1 từ tháng 4 đến giữa tháng 7, học kỳ 2 từ tháng 9 đến giữa tháng 12, học kỳ 3 từ trung tuần tháng 1 đến giữa tháng 3.

* Giáo dục phòng tránh thiên tai: Nhật là đất nước có nhiều thiên tai: động đất, mưa bão..vì vậy chuyện luyện tập phòng tránh thiên tai rất được chú trọng. Nhà trường tổ chức luyện tập cho học sinh thường xuyên, từ khi còn ở mẫu giáo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét