Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

Tiếp tục kìm giữ tỷ giá là con dao hai lưỡi

Tôi rất đồng ý với tác giả là dùng tỷ giá làm neo chống lạm phát là một sai lầm,
lý thuyết và kinh nghiệm phổ biến khắp nơi trên thế giới là phải sử dụng neo tiền tệ.
Chỉ nên sử dụng tỷ giá làm neo trong một số bối cảnh khủng hoảng đặc biệt.

  Tiếp tục kìm giữ tỷ giá là con dao hai lưỡi


Hoàng Xuân Huy, Thứ Sáu,  3/2/2012
(TBKTSG) - LTS: Tiếp nối bài viết Lựa chọn chính sách tỷ giá (TBKTSG số ra ngày 12-1-2012), trong đó tác giả đề xuất nâng giá tương đối tiền đồng so với đô la Mỹ, TBKTSG giới thiệu bài viết sau với một góc nhìn khác về tỷ giá để bạn đọc tham khảo.
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố dự báo tỷ giá tiền đồng/đô la Mỹ chỉ tăng 2-3% trong năm 2012. Mặc dù được giải thích đây là dự báo mang tính chủ quan nhưng với tư cách là nhà lãnh đạo cao nhất của NHNN thì có thể xem đây là thông điệp quan trọng trong việc điều hành tỷ giá của NHNN năm nay. Cơ sở cho dự báo mang tính thông điệp này là: (1) cán cân thanh toán được thống đốc dự báo sẽ thặng dư khoảng 3 tỉ đô la Mỹ; (2) chính sách tín dụng được kiểm soát theo hướng khuyến khích tín dụng xuất khẩu và hạn chế tín dụng nhập khẩu.
Có thể thấy hai yếu tố nêu trên là yếu tố quan trọng giúp NHNN lần đầu tiên kiểm soát thành công tỷ giá trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc tiếp tục kìm giữ tỷ giá theo định hướng điều hành của NHNN trong điều kiện lạm phát cao và kéo dài như hiện nay có vẻ chưa hợp lý bởi lẽ cách thức kìm giữ tỷ giá của NHNN trong năm 2011 chỉ có thể thành công trong ngắn hạn nhưng sẽ gây ra những hệ quả không mong muốn đối với nền kinh tế trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn.
NHNN đã kìm giữ tỷ giá như thế nào?
Năm 2011, bên cạnh chính sách thắt chặt tiền tệ, NHNN đã tương đối thành công khi sử dụng hiệu quả các biện pháp hành chính. Trên thị trường ngoại tệ, sự mạnh tay trong việc xử phạt các giao dịch ngoại tệ trên thị trường tự do đã làm co hẹp đáng kể thị trường này, qua đó làm giảm áp lực phá giá tiền đồng từ thị trường tự do lên thị trường chính thức. Sự co hẹp của thị trường tự do đã đưa ngoại tệ từ thị trường này trở lại thị trường chính thức hay ít ra là ngăn chặn dòng ngoại tệ chính thức chảy ra thị trường tự do, từ đó giúp tăng nguồn cung trên thị trường ngoại tệ chính thức một cách đáng kể.
Trên thị trường vàng, NHNN cũng đã hy sinh thị trường này để bình ổn thị trường ngoại tệ bằng cách không cấp phép nhập vàng (để tiết kiệm ngoại tệ) cho dù thị trường vàng luôn dậy sóng với mức chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước có thời điểm lên đến trên 4 triệu đồng/lượng (khoảng 10%). Lượng ngoại tệ “kiếm được” từ việc dẹp loạn thị trường ngoại tệ tự do và hy sinh thị trường vàng đã giúp làm cho cán cân thanh toán tổng thể thặng dư sau nhiều năm thâm hụt. Cán cân thanh toán thặng dư, nguồn cung ngoại tệ dồi dào đã giúp đồng Việt Nam không chịu nhiều áp lực phá giá vào dịp cuối năm như thường lệ. 
Nếu NHNN tiếp tục kìm giữ tỷ giá bằng sự thặng dư tạm thời của cán cân thanh toán trong khi lạm phát liên tục ở mức cao thì tiền đồng sẽ tiếp tục lên giá thực so với ngoại tệ và do đó khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Nói cách khác, sự ổn định của tỷ giá cuối năm 2011 là do NHNN đã rất khôn khéo trong việc giải quyết bài toán thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể trong các năm qua.
Trong giai đoạn 2008-2010, phần “lỗi và sai sót” đã tăng đột biến và giải thích cho phần lớn thâm hụt cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu khiến phần “lỗi và sai sót” tăng đột biến chủ yếu là do dòng ngoại tệ đã chảy mạnh từ thị trường chính thức sang thị trường tự do để đầu cơ vào các tài sản được xem là an toàn như vàng, đô la Mỹ,… khi lạm phát trong nước luôn duy trì ở mức cao. Do vậy, khi NHNN chặn đứng dòng chảy này bằng biện pháp hành chính, ngay lập tức cán cân thanh toán tổng thể đã thặng dư và tỷ giá chính thức theo đó cũng ít chịu áp lực phá giá hơn.
Với những diễn biến như vậy, NHNN có thể có lý khi tiếp tục duy trì biện pháp này trong năm 2012 để đảm bảo cán cân thanh toán thặng dư nhằm kìm giữ tỷ giá trong phạm vi 2-3% như dự đoán của thống đốc. Tuy nhiên, người ta không thể cứ duy trì mãi một thành công cũ bởi lẽ tỷ giá trong dài hạn nên và cần phải phụ thuộc vào chênh lệch lạm phát trong và ngoài nước. Nếu NHNN tiếp tục kìm giữ tỷ giá bằng sự thặng dư tạm thời của cán cân thanh toán trong khi lạm phát liên tục ở mức cao thì tiền đồng sẽ tiếp tục lên giá thực so với ngoại tệ và do đó khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Điều này sớm hay muộn sẽ làm thâm hụt thương mại tăng cao trở lại, các dòng vốn nước ngoài cũng sẽ tháo chạy và cán cân thanh toán sẽ thâm hụt, lúc đó tiền đồng sẽ nhanh chóng bị phá giá một cách mạnh mẽ.
Ở khía cạnh khác, các biện pháp hành chính mà NHNN đang thành công ở chừng mực nào đó sẽ không thể chống lại sự vận động của tỷ giá dưới áp lực thị trường một khi lạm phát vẫn duy trì ở mức cao. Do vậy, việc tiếp tục đặt trọng tâm vào hai mục tiêu nêu trên trong việc điều hành tỷ giá có thể là sai lầm vì không giải quyết gốc rễ của vấn đề tỷ giá ở Việt Nam.

Niềm tin vào tiền đồng nằm ở lạm phát trong nước
Có lẽ mục tiêu cao nhất trong việc kìm giữ tỷ giá của NHNN chủ yếu là nhằm xây dựng niềm tin vào đồng Việt Nam, từ đó bình ổn kinh tế vĩ mô và tạo điều kiện phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên sự ổn định của tỷ giá chỉ là biểu hiện ra bên ngoài khi niềm tin vào tiền đồng được nâng cao. Giá trị (hay niềm tin) của tiền đồng nằm ở mức lạm phát trong nước so với thế giới bên ngoài. Do vậy, chính sách xây dựng niềm tin vào tiền đồng bằng cách bảo vệ tỷ giá trong điều kiện lạm phát cao hiện nay nếu tiếp tục kéo dài sẽ là con dao hai lưỡi. Bởi lẽ, từ giai đoạn 2007 đến nay, tiền đồng đã liên tục lên giá thực mạnh mẽ so với đô la Mỹ. Nếu tiếp tục để tiền đồng lên giá thực như hiện nay thì hàng hóa sản xuất trong nước sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh ngay cả trong ngắn hạn, và khi đó nền kinh tế vốn dựa nhiều vào xuất khẩu sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ở khía cạnh khác, một quy luật tất yếu của thị trường là tỷ giá trong dài hạn phụ thuộc vào mức chênh lệch lạm phát trong nước và nước ngoài. Cho nên, các biện pháp tác động đến cung cầu ngoại tệ để kìm giữ tỷ giá, xây dựng niềm tin vào tiền đồng chỉ là giải pháp ngắn hạn. Với việc NHNN tiếp tục duy trì chính sách hướng trọng tâm vào điều chỉnh nguồn cung cầu ngoại tệ trên thị trường chính thức mà thiếu đi các biện pháp căn cơ trong việc kiểm soát và hạ thấp lạm phát thì sớm hay muộn lạm phát tích tụ sẽ gây áp lực và tất yếu dẫn đến phá giá tiền đồng.
___________________________
(*) Công ty Chứng khoán Tân Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét