Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Sao lại thay đổi giờ học chúng cháu?

Sao lại thay đổi giờ học chúng cháu?

Sao lại thay đổi giờ học của chúng cháu? Các bác làm thế khác nào bảo chính bọn cháu gây ra việc ách tắc giao thông cho xã hội này?

Cháu là một học sinh của trường THPT Chu Văn An ạ!

Mấy hôm nay cháu nằm vắt trán suy nghĩ mệt cả người vì không biết Hà Nội sẽ thay đổi múi giờ như thế nào, cháu chưa được đi nước ngoài bao giờ nên không biết thay đổi có sao không?

Tự dưng ngẫm lại chuyện Táo Quân ở đoạn đầu, Bắc Đẩu có bảo với anh Nam Tào là bây giờ đã lùi sớm lại một tiếng lên Thiên Đình các táo phải tới sớm hơn và anh Nam Tào đã nói: "ÔI DỜI, CÒN LÂU MỚI THỰC HIỆN" đã chạm phải lòng tự ái của các vị BIỂN XANH mà ra một quyết định bất ngờ và nhanh đến như vậy...

Chưa nói đến chuyện thay đổi giờ làm, cháu có nhớ trước Nhà nước ta làm việc rất cẩn thận như việc dự định không thi đại học nữa. Đã cho các tỉnh lân cận cạnh Hà Nội thử nghiệm và đã thấy được có khá nhiều bất cập và thiếu sót để Nhà nước ta có thể điều chỉnh và hoàn thiện nó một cách đúng đắn hơn. Hay như đội mũ bảo hiểm trong nội thành cũng không vội như quyết định này, cháu nhớ không nhầm thì thông báo đó trước lúc đưa vào thành luật pháp cũng phải mấy tháng đến gần một năm ...

Cháu năm nay đã lớp 12 rồi, có vẻ nói hơi tiêu cực một tí nhưng sự thật là cháu có khá nhiều ca học thêm và nó toàn xảy ra vào các buổi tối. Nói rõ hơn là thế này, các thầy cô dạy thêm chúng cháu là giáo viên của các trường THPT và ĐH nên không thể dạy thêm vào ban ngày được. Việc học tập ở Việt Nam đã khá áp lực rồi, bây giờ lại càng áp lực hơn...

Nhớ lại những lúc tắc đường ngột ngạt miệng bịt khẩu trang, hơi thở làm mờ hết cả kính sau lưng mẹ... cháu nhìn xung quanh cháu mà nói thật học sinh như cháu ít lắm, toàn các bác công chức nhà nước, có học sinh thì là ngồi sau lưng cha mẹ. Vậy nếu giờ công chức nhà nước vẫn giữ nguyên giờ làm, thiếu đi một người trên xe thì chiếc xe đó có bé được đi không ạ, đường có rộng được ra không ạ?

Xe buýt dường như là phương tiện đi lại 100% của cháu. Bây giờ các bác bảo tăng chuyến xe buýt lên vì thay đổi giờ làm việc mới thì cháu lại hết sạch ý định đi xe buýt nữa, nhà cháu thì ở khá xa, nhà cháu ở khu chung cư Trung Hòa Nhân Chính so với trường Chu Văn An (phải đi 3 xe nếu muốn đến nơi ạ). Mẹ cháu đang tính mua cho cháu một chiếc xe máy cho tiện di chuyển, vì cháu còn học thêm nữa ạ.

Tình trạng đi xe trái phép lại tăng lên, con cái đi xe là lại quản lí khó hơn… Những trường hợp cha mẹ không có thời gian đón con như các báo mạng, báo giấy viết khác thì mình không nói nữa, nói nhiều rồi. Bây giờ như thế, lại đi xe ôm thời gian dài tiền đâu cho đủ, giá xăng lại rục rịch đấy, lại mua cho cái xe có khi còn tiết kiệm hơn.


Phương tiện giao thông đã được đề cập đến nhiều nhất vì mọi người nghĩ khá nhiều đến cái sự tắc đường, nhưng đề cập đến cả vấn đề kinh tế như trên chắc hẳn ai cũng phải suy nghĩ, cháu chưa kiếm được tiền nên có thể chưa suy nghĩ nhưng bố mẹ lại thêm cái nặng đầu: Bây giờ ở trường muộn thế lại phải ăn luôn ở trường, cho con thêm ít tiền để có sức mà học vậy…

Vậy cái sức trẻ trâu của chúng cháu bây giờ sẽ phụ thuộc vào các bữa ăn ven đường hay căng tin trường mà thấy có cơ hội là tăng giá ngay. Một hay hai ngày thì bình thường, còn thời gian dài thì sẽ thế nào, cũng đỡ nước rửa bát được đấy.. Chắc bố mẹ chỉ đợi đến cuối tuần để thấy con ăn cơm tối với gia đình mất.

Từ một vấn đề giao thông bây giờ lo cả thêm vấn đề sinh hoạt, sức khỏe, kinh tế, quản lí, giáo dục... Vậy liệu các bác BIỂN XANH đã nghĩ kỹ chưa khi nhanh chóng thực hiện quyết định này?

Năm sau cháu trượt đại học cháu phải học tại chức buổi tối thì biết thế nào đây? Lại phải lùi 2 tiếng so với hiện tại... Vấn đề giao thông chưa biết thế nào nhưng những hậu quả để lại thì cháu đã nhìn thấy rõ.
Cho cháu hỏi: Sao lại thay đổi giờ học bọn cháu? Các bác làm thế khác nào bảo chính bọn cháu gây ra việc ách tắc giao thông cho xã hội này?
Hà Ngọc Thảo

Tin tức khác
Đáng suy nghĩ
Bài viết của Cháu thì các bác cần suy nghĩ xem chính sách đã hợp lý chưa, xin viết ở đây : 1. Các bác đổi giờ SV vì cho rằng 600.000 SV , nhưng bao nhiêu % có xe máy - các bác đã tính chưa, nay đổi thôi thì SV là tầng lớp tương lai của XH phải chịu thiệt rồi nhưng it nhất SV đã lớn hơn 18 tuổi - có thể tự lo cho mình đi phương tiện cá nhân hay công cộng thì tự lo 2. các cháu PTTH 19h mới tan : các cháu dưới 18 tuổi, chưa co bằng LX để DK xe máy do vậy : - Bố mẹ phải đón ---> lượng xe có giảm không ? vì đi xe đạp và phương tiện CC sau 19h có còn an toàn - bác nào khẳng định đây ?
kêu ca
Cháu bé mà thích kêu ca nhỉ? Nói thật là tan học giờ này mà ở nước ngoài thì các cháu và gia đình tấm tắc khen ngợi, còn ở VN thì các cháu, gia đình và giáo viên thi nhau kêu gào. Học sinh THPT chứ có phải mẫu giáo đâu cơ chứ, nhân tiện đây dẹp luôn vụ học thêm, học tủ, giáo viên không có cớ mà trù dập nếu học sinh không đi học thêm nữa. Thật là một công đôi việc, thế lại lành mạnh. Nếu không đủ sức thi đại học thì học cao đẳng học nghề, thêm 1 cách hay để xếp loại học sinh. Hãy để cuộc sống khắc nghiệt sàng lọc tự nhiên, các cháu hãy biết sống tự lập và đương đầu với thử thách nhé. Mỗi người hy sinh 1 chút, nhận một chút vất vả để xã hội tốt đẹp thì nên làm đừng kêu ca.
suy nghĩ thấu đáo
Tôi thấy sở giáo dục Hà Nội bị áp lực phải thay đổi giờ học của các em học sinh, nhưng giờ học cho các em học sinh trung học và sinh viên không hợp lý một chút nào cả. Sao các em tan học lúc 15h 30 mà lại không được về (bớt tắc đường giờ cao điểm) mà lại bị nhốt lại trường tới 19 giờ mới được về. Ùn tắc giao thông là do số người đi lại quá nhiều trên hạ tầng cũ kỹ (đi làm, đi học, đi chơi... ). Thiết nghĩ học sinh không phải đi học thêm thì cũng đỡ ùn tắc một phần rồi. Mong các bác quan chức suy tính thấu đáo trước khi đưa ra quyết định.
cảm ơn!
Cũng chỉ là một học sinh, nhưng khi đọc tôi thấy nó bao hàm ý nghĩa của cả một thế hệ làm chủ đất nước.......cảm ơn cháu! Tôi thiết nghĩ những người có trách nhiệm nên đọc và suy nghĩ về những việc làm chưa suy nghĩ kỹ của mình!
khổ thân các cháu
Thay đổi giờ học các cháu thật bất cập vì các cháu vẫn còn phụ thuộc vào gia đình. Tại sao một phương án rất hay là di dời các trường đại học ra ngoại thành vẫn chưa được triển khai. Sinh viên đã đủ lớn và làm chủ bản thân, có thể đi xe buýt đi học hoặc ở nội trú như các bạn tỉnh xa. Hơn nữa, đây cũng là một trong những nhân tố gây ách tắc giao thông. mong các bộ ngành để tâm đến phương án này.
Hãy kiên nhẫn và tìm biện pháp tối ưu
Các cháu vẫn thuộc lớp người trẻ ngưòi non dạ. Chuyện thắc mắc mỗi khi có chủ trương mới là chuyện bình thường. Không có mới là lạ. Hãy kiên nhẫn chờ đợi xem kết quả thực hiện việc thay đổi giờ làm có ảnh hưởng đến giải tỏa ách tắc giao thông đến mức nào và những việc phải làm tiếp theo. Ở nước ngoài, theo tôi được biết, giờ học của trẻ em rất sớm. 7 giờ đã vào học. Việc thay đổi giờ học thế này thực tế đã cho thấy hiện tượng "cháy nhà ra mặt chuột" bởi bấy lâu nay cánh văn phòng vẫn thường ăn cắp giờ nhà nước vàng ngọc để đưa đón con em đi học và đi chợ.... trong khi hàng triệu công nhân lao đọng ca kíp không có điều kiện đưa đón con cái đi học họ đã phải khắc phục bằng cách nào ????
Chính những người công nhân làm ra của cải cho xã hội hiện nay lại là những người chịu khổ cực nhất với đồng lương thấp còi cũng như các điều kiện sông khác chưa được bảo đảm tối thiểu.... Ôi ! Các cháu hãy kiên nhẫn thực hiện những điều mà các bác đã quyết. Không có gì là hay ngay được.
thay đổi giờ học thật vô lý
Em này nói thật đúng, tự dưng các bác lại thay đổi giờ học của học sinh, làm các em vất vả bao nhiêu. Chỉ riêng việc về muộn chưa biết ảnh hưởng đến cái gì, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến việc học tập của các em.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét