Thứ Năm, 20 tháng 7, 2023

Ủng hộ Nga cứng rắn đáp trả Mỹ và NATO

Ủng hộ Nga thực hiện các biện pháp cứng rắn đáp trả Mỹ và NATO
Nga cảnh báo rằng kể từ ngày 20/7, bất kỳ con tàu nào đi đến các cảng Biển Đen của Ukraine sẽ bị coi là mục tiêu quân sự tiềm tàng, trong bối cảnh Kyiv cáo buộc Moscow thực hiện các cuộc tấn công ‘khủng khiếp’ trong đêm, gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine.

Các tàu chở ngũ cốc từ Ukraine đang neo đậu ngoài khơi bờ biển Istanbul vào ngày 02/11/2022 tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: Chris McGrath/Getty Images)

1. 
Nga ‘cảnh báo rắn’: Các tàu hàng đến Ukraine sẽ bị coi là mục tiêu quân sự

"Liên quan đến việc chấm dứt Sáng kiến Biển Đen và kết thúc hành lang nhân đạo trên biển, từ 0h ngày 20/7/2023 (giờ Moscow), tất cả các tàu trên đường tới các cảng của Ukraine ở Biển Đen có thể bị coi là tàu chở hàng quân sự", Bộ Quốc phòng Nga thông báo hôm 19/7, theo hãng tin TASS.

Bộ Quốc phòng Nga cũng tuyên bố một số khu vực phía đông nam và tây bắc của vùng biển quốc tế thuộc Biển Đen "tạm thời bị coi là không an toàn" cho hoạt động hàng hải, nhưng không đưa ra thông tin chi tiết về các khu vực biển sẽ bị ảnh hưởng, Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm.

Cơ quan này cho biết các quốc gia treo cờ trên tàu cập cảng Biển Đen của Ukraine cũng có nguy cơ bị coi là bên tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine và Moscow sẽ coi họ đứng về phía Kyiv.

Hôm 19/7, Ukraine thông báo rằng họ đang thiết lập một tuyến đường vận chuyển tạm thời qua Romania, một trong những quốc gia láng giềng ở Biển Đen.

“Mục tiêu của tuyến đường này là tạo điều kiện thuận lợi cho việc bỏ chặn vận chuyển quốc tế ở phía tây bắc của Biển Đen", ông Vasyl Shkurakov, quyền Bộ trưởng phụ trách cộng đồng, lãnh thổ và phát triển cơ sở hạ tầng của Ukraine, cho biết trong một lá thư gửi cho cơ quan vận chuyển của Liên Hợp Quốc, Tổ chức Hàng hải Quốc tế.

Tuyên bố ngày 19/7 của Moscow được đưa ra sau khi một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết Nga đang cân nhắc tấn công các tàu dân sự ở Biển Đen rồi đổ lỗi cho lực lượng Ukraine.

2. Phản ứng yếu ớt của Mỹ

“Thông tin của chúng tôi cho thấy Nga đã đặt thêm thủy lôi ở các lối tiếp cận các cảng của Ukraine", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Adam Hodge cho biết trong một tuyên bố, hãng tin AP đưa tin.

Ông Hodge nói: "Chúng tôi tin rằng đây là một nỗ lực phối hợp [của Nga] để biện minh cho bất kỳ cuộc tấn công nào vào các tàu dân sự ở Biển Đen và đổ lỗi cho Ukraine về các cuộc tấn công này”.

Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết Nga đang sử dụng lương thực như một "vũ khí chiến tranh", đồng thời nhấn mạnh rằng Moscow đã đe dọa các tàu trong vùng biển quốc tế trong hai ngày liên tiếp và tấn công thành phố cảng Odessa của Ukraine trong hai đêm liên tiếp.

Phát biểu trước báo giới, ông Miller nói: “Tôi nghĩ mọi người trên thế giới hiện nay đã thấy rõ ràng rằng Nga đang sử dụng thực phẩm làm vũ khí chiến tranh. Họ không chỉ chống lại người dân Ukraine, mà còn chống lại tất cả người dân trên thế giới, đặc biệt là những nước kém phát triển nhất phụ thuộc vào ngũ cốc trong khu vực”.

Trong khi đó, phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric cho biết: “Cảnh báo đó nhấn mạnh rằng chúng ta đang cố gắng làm việc và tiếp tục làm việc trong khu vực thực sự là một vùng chiến sự”.

Trước cảnh báo hàng hải trên biển Đen của Nga, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre xác nhận Mỹ không có kế hoạch hỗ trợ các tàu cập cảng Ukraine. Tuy nhiên, bà Jean-Pierre cho biết Washington sẽ "tiếp tục hỗ trợ nỗ lực của Ukraine để đưa ngũ cốc của Ukraine ra thị trường".

Đồng thời, bà cũng đề cập đến gói viện trợ trị giá 250 triệu USD cùng với hạt giống, phân bón và hỗ trợ bảo quản và chế biến cây trồng.

Tuy nhiên, khi được hỏi Mỹ sẽ dự định tăng cường khả năng hải quân của Ukraine như thế nào, Thư ký báo chí Nhà Trắng chỉ đưa ra một cam kết chung chung rằng Washington sẽ “đảm bảo rằng Kyiv có những gì họ cần để tự vệ”.

3. Thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen

Kể từ khi phát động cuộc xâm lược Ukraine vào năm ngoái, các cảng ở Biển Đen của Ukraine đã bị tàu chiến Nga phong tỏa cho đến khi thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen, do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, mở lại các cảng của Ukraine và xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine ra thị trường toàn cầu.

Điện Kremlin cho biết họ sẽ rút khỏi thỏa thuận sau nhiều tháng phàn nàn rằng một thỏa thuận liên quan cho phép xuất khẩu thực phẩm và phân bón của Nga đã không được tôn trọng.

Moscow cũng cáo buộc Kyiv sử dụng hành lang ngũ cốc ở Biển Đen cho “mục đích chiến đấu”.

Việc Nga rút khỏi thỏa thuận đã bị phương Tây lên án, vì nó làm dấy lên lo ngại về giá lương thực và ngũ cốc tăng cao. Các nước nghèo hơn ở châu Phi nói riêng đã và đang phụ thuộc vào ngũ cốc của Ukraine.

Hôm 19/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc rằng các nước phương Tây phá hoại thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen vì lợi ích riêng của họ, nhưng cho biết Nga sẽ ngay lập tức quay trở lại thỏa thuận nếu tất cả các yêu cầu liên quan đến xuất khẩu của chính họ được đáp ứng.

Những yêu cầu này bao gồm đảm bảo rằng phân bón và thực phẩm xuất khẩu của Nga có thể tiếp cận thị trường toàn cầu. Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu phủ nhận rằng các biện pháp trừng phạt của họ đang cấm xuất khẩu các mặt hàng này.

4. Các cảng của Ukraine bị tấn công "khủng khiếp"

Ukraine hôm 10/7 cáo buộc Nga phá hoại cơ sở hạ tầng xuất khẩu ngũ cốc trong các cuộc tấn công "khủng khiếp" đêm trước, tập trung vào hai cảng tại Biển Đen của nước này.

"Tại các cảng bị tấn công ngày hôm nay, có khoảng một triệu tấn thực phẩm được lưu trữ. Chính xác số lượng đó lẽ ra đã được chuyển đến các nước tiêu dùng ở Châu Phi và Châu Á", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết trong bài phát biểu qua video hàng đêm vào ngày 19/7.

“Chúng tôi chưa từng chứng kiến một cuộc tấn công lớn như vậy kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược quy mô lớn của [Nga]", Thị trưởng Odessa Hennadiy Trukhanov viết trên Facebook hôm 19/7.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết các cuộc tấn công vào Odessa đã làm hư hại nhiều nhất 60.000 tấn nông sản dự định vận chuyển đến Trung Quốc và Moscow đang cố tình tấn công cảng sau khi rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc.

“Những kẻ khủng bố Nga hoàn toàn cố tình nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng của thỏa thuận ngũ cốc”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết trên ứng dụng nhắn tin Telegram.

“Mỗi phi đạn của Nga - là một cuộc tấn công không chỉ vào Ukraine mà còn vào tất cả mọi người trên thế giới muốn có cuộc sống bình thường và an toàn”.

Ông Zelenskyy sau đó đã sử dụng bài phát biểu hàng đêm trước quốc gia hôm 19/7 để kêu gọi các đối tác phương Tây giúp Ukraine củng cố hệ thống phòng không nhằm chống lại các cuộc tấn công như cuộc tấn công mà Odessa đã trải qua.

5. Nga ra tối hậu thư 3 tháng cho Liên hợp quốc

Nga đã cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc ba tháng để đáp ứng các điều kiện nhằm tái kích hoạt thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine. Thỏa thuận kéo dài một năm này cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 19/7 cho biết: “Liên Hợp Quốc có ba tháng để đạt được kết quả cụ thể”.

Nếu không, thỏa thuận sẽ được coi là hết hiệu lực, bà nói.

Thỏa thuận do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian vào năm 2022 đã kết thúc vào ngày 17/7. Tuy nhiên, Moscow từ chối gia hạn thỏa thuận vì cho rằng các yêu cầu quan trọng chưa bao giờ được đáp ứng.

Phần đầu tiên của thỏa thuận cho phép Ukraine tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen, bất chấp xung đột đang diễn ra với Nga.

Kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực, Ukraine đã xuất khẩu hơn 30 triệu tấn ngũ cốc từ 3 cảng Biển Đen, trong đó có cảng Odessa, Ukraine.

Tuy nhiên, Moscow tuyên bố rằng phần thứ hai của thỏa thuận, dưới hình thức một bản ghi nhớ được ký kết bởi Liên Hợp Quốc và Nga, chưa bao giờ được thực thi đầy đủ.

Bản ghi nhớ yêu cầu loại bỏ các trở ngại đối với xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga, cũng như việc mua lại các thiết bị nông nghiệp cần thiết.

Bên cạnh đó, bản ghi nhớ cũng kêu gọi kết nối lại ngân hàng nông nghiệp do nhà nước điều hành của Nga với hệ thống thanh toán SWIFT và nối lại xuất khẩu amoniac của Nga thông qua một đường ống chạy qua lãnh thổ Ukraine.

Vào đầu tháng 6, đường ống nối thành phố Togliatti của Nga với cảng Odessa đã bị phá hoại có chủ đích.

Moscow đã đổ lỗi vụ việc cho "những kẻ phá hoại" Ukraine ở khu vực Kharkov của nước này.

Tuy nhiên, giới chức Ukraine nói rằng vụ việc là do hỏa lực pháo binh của Nga.

6. Nga tố Liên Hợp Quốc ‘bóp méo sự thật’

Kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc vào đầu tuần này, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho biết bản ghi nhớ giữa Liên Hợp Quốc và Nga cũng không còn hiệu lực nữa.

Tuy nhiên, Moscow nói rằng người đứng đầu Liên Hợp Quốc đang “bóp méo sự thật” về các thỏa thuận.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, bản ghi nhớ nêu rõ rằng cả hai bên - Liên Hợp Quốc và Nga - phải thông báo trước ba tháng nếu họ muốn rút khỏi các điều khoản được nêu trong đó.

"Do đó, Ban thư ký Liên Hợp Quốc có 90 ngày để tiếp tục nỗ lực bình thường hóa hoạt động xuất khẩu nông sản của Nga", Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong một tuyên bố.

Trong thời gian đó, Nga hy vọng Rosselkhozbank, ngân hàng nông nghiệp thuộc sở hữu nhà nước chính của nước này, sẽ được liên kết với hệ thống thanh toán SWIFT.

Hôm 18/7, một phát ngôn viên của Liên Hợp Quốc cho biết ông Guterres đang tìm kiếm “tất cả các giải pháp khả thi để đảm bảo rằng ngũ cốc của Ukraine, ngũ cốc của Nga và [và] phân bón của Nga có mặt trên thị trường toàn cầu”.

“Một số ý tưởng đang được đưa ra”, vị phát ngôn viên nói mà không giải thích thêm.

Cả Nga và Ukraine đều nằm trong số những nhà xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy được cho là đã liên lạc với Tổng thư ký Liên Hợp Quốc với hy vọng duy trì hoạt động xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine - bất chấp sự vắng mặt của Nga.

Trong cuộc họp báo ngày 18/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller xác nhận rằng ông Zelenskyy đã nêu ra một đề xuất với Liên Hợp Quốc.

Ông Miller nói: “Chúng tôi đang thảo luận về vấn đề này với những người đồng cấp Ukraine. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ trong khả năng của mình để hỗ trợ Ukraine tìm ra giải pháp”.

Trong khi đó, một số quan chức của Liên minh châu Âu gợi ý rằng ngũ cốc của Ukraine nên vận chuyển trên bộ - bằng đường bộ hoặc đường sắt - hơn là đi qua Biển Đen.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng kịch bản đó sẽ không thể bù đắp cho "việc không giao hàng từ các cảng Biển Đen của Ukraine".

7. ‘Lương thực trở thành vũ khí chiến tranh’

Trong khi đó, giới chức Nga cũng phàn nàn rằng thỏa thuận ngũ cốc không đạt được mục đích ban đầu - cụ thể là đảm bảo an ninh lương thực cho các quốc gia nghèo.

Theo Moscow, chưa đến 5% xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đến được các nước có thu nhập thấp theo thỏa thuận mà hầu hết được chuyển đến các quốc gia giàu có ở châu Âu. Thực tế chưa đến 3% 
xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đến được các nước nghèo nhất và cần nhất.

Tuy nhiên, ông Miller đã bác bỏ cáo buộc này.

Ông nói: “65% các chuyến hàng này [được thực hiện theo thỏa thuận] đã đến một số quốc gia và người dân dễ bị tổn thương nhất trên thế giới”, đồng thời cáo buộc Nga “sử dụng lương thực làm vũ khí chiến tranh”.

Đồng thời, ông cảnh báo rằng: "Thế giới không nên bị lừa bịp bởi những lời dối trá mới nhất của Moscow".

Hôm 18/7, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ để thảo luận về các biện pháp đảm bảo tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về "các lựa chọn khác nhằm cung cấp ngũ cốc cho các quốc gia cần thiết nhất mà không phải chịu các hành động lật đổ của chính quyền Kyiv và những kẻ chủ mưu phương Tây".

Nguồn: Tổng hợp trên mạng

https://tass.com/economy/1649199

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét