Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2023

Ukraine lần đầu tiên sở hữu nhiều xe tăng hơn Nga ?

Ukraine lần đầu tiên sở hữu nhiều xe tăng hơn Nga ?
1. Lãnh đạo Ukraine đang qua mặt tổ chức CIA của Mỹ (?)
CIA cho biết. Ukraine đang qua mặt tổ chức này và bí mật tiến hành các hoạt động mà không có sự phối hợp với Washington. Các cuộc tấn công và hoạt động phá hoại của Kiev bên ngoài Ukraine đã tạo ra một sự phức tạp hoàn toàn mới, và việc tiếp tục những hành động này có thể gây ra hậu quả thảm khốc.


Theo ấn phẩm, CIA không có nhiều thông tin quan trọng về kế hoạch của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

CIA cho biết, tổ chức này không tham gia vào việc phá hoại đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc, không liên quan đến vụ tấn công khủng bố cầu Crimea, và hoàn toàn không liên quan đến bất kỳ cuộc tấn công khủng bố nào trên lãnh thổ Nga.

Washington đã nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng với giới lãnh đạo Ukraine, vì các cuộc tấn công vào đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc, và nối tiếp đó là các hành động phá hoại khác của chính quyền Kiev. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu CIA có biết gì về kế hoạch của nhà lãnh đạo Zelensky hay không, và liệu Mỹ có thể buộc Ukraine tuân thủ các thỏa thuận đã ký kết hay không.

Trước những thông tin này, tờ Ria Novosti đưa ra bình luận: “Thật đáng ngạc nhiên. Các cơ quan tình báo là nơi đã cung cấp nguồn tin cho Kiev, không chỉ trong nhiều năm mà còn trong nhiều thập kỷ. Và giờ đây, họ khẳng định không liên quan”. Trên thực tế, chỉ có thể có một lời giải thích cho sự bất lực của cơ quan tình báo lớn nhất thế giới. Đó là CIA đang khéo léo thoát ra khỏi vòng liên quan tới Ukraine, và chĩa mũi tên sang chính quyền Kiev.

Đồng thời, câu hỏi được đặt ra: các cơ quan mật vụ của Anh đã làm gì ở Ukraine trong suốt thời gian qua? Ấn phẩm Newsweek đã chỉ ra một “điểm mù” lớn nhất về vấn đề này. Thời gian gần đây, mâu thuẫn giữa Washington và London đã trở nên cực kỳ gay gắt.

Washington không ngừng nhấn mạnh rằng họ không muốn đối đầu giữa Mỹ và Nga, hay NATO-Nga xảy ra, và đang làm mọi cách để tránh điều này. Tuy nhiên, London lại chỉ trích giận dữ và yêu cầu đánh bại Nga bằng mọi giá.

2. Độ nguy hiểm của bom chùm mà Mỹ gửi cho Ukraine

Chính quyền Tổng thống Biden sẽ công bố việc cung cấp Đạn dược cải tiến kép trong gói hỗ trợ quân sự mới cho Ukraine.

Quyết định của ông Biden được cho sẽ gây tranh cãi bởi hơn 100 quốc gia, bao gồm: Pháp, Đức, Anh và nhiều đồng minh NATO khác - là các bên tham gia Công ước về Bom, đạn chùm, một thỏa thuận năm 2010 cấm sử dụng và chuyển giao các loại vũ khí này.

Mỹ, Nga và Ukraine đã không ký công ước này, mặc dù trước đây Washington đã lên án các chính quyền khác, bao gồm cả Moscow, vì đã sử dụng chúng.

Bên cạnh những lo ngại đó, bom, đạn chùm được cho thường có tỷ lệ thất bại cao hơn 1%. Theo thống kê chính thức của Mỹ, DPICM có tỷ lệ hỏng khoảng 5%. Trả lời báo giới hôm 6/7, tướng Pat Ryder - phát ngôn viên Lầu Năm Góc - nói rằng Mỹ sẽ gửi cho Ukraine các loại vũ khí mới hơn với "tỷ lệ hỏng thấp hơn" - cụ thể là 2,35% dựa trên các thử nghiệm gần đây. Ông không xác nhận loại vũ khí sẽ được cung cấp cho Ukraine.

Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ đến nay vẫn chưa đưa ra bình luận, mặc dù các quan chức nước này đã thảo luận kế hoạch trong nhiều tuần qua. Bà Laura Cooper, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ về vấn đề Nga, Ukraine và lục địa Á-Âu, đã trả lời trước Quốc hội hồi tháng trước rằng loại đạn dược như vậy sẽ hữu ích để tấn công các "vị trí phòng ngự được bố trí sẵn của Nga".

Bà Cooper nói trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ rằng: "Được bắn từ máy bay hoặc từ các bệ phóng pháo, tên lửa hoặc rocket trên mặt đất, bom, đạn chùm tỏa ra khi đang bay, phân tán các quả bom nhỏ có thể tấn công nhiều mục tiêu trong phạm vi".

Cơ sở lý luận của Mỹ về loại vũ khí nguy hiểm đã bị các nhóm nhân quyền lên án rộng rãi, bao gồm Liên minh Bom chùm Hoa Kỳ. Trong một bức thư ngày 14/6, tổ chức này nhấn mạnh vũ khí như vậy gây ra "tổn hại nặng nề cho dân thường, đặc biệt là trẻ em, kéo dài nhiều năm sau khi xung đột kết thúc". "Bất kỳ tuyên bố nào về lợi ích chiến thuật tiềm năng của việc chuyển giao và sử dụng bom, đạn chùm cho Ukraine đều đang phớt lờ các mối nguy hiểm đáng kể mà chúng gây ra cho dân thường, cũng như sự đồng thuận quốc tế về việc cấm sử dụng loại vũ khí này" - Liên minh Bom chùm Hoa Kỳ viết.

Nhìn chung, những lời chỉ trích tập trung vào phạm vi phát tán rộng của bom chùm, và thực tế là vật liệu chưa nổ có thể vẫn nguy hiểm trong nhiều thập kỷ sau khi đáp đất. Một số loại bom nhỏ có khả năng tự hủy, nhưng một số loại thì không - được gọi là "bom câm" - gây rủi ro lớn nhất cho dân thường vì chúng có thể phát nổ mà không có cảnh báo trong thời gian dài.

Chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa bom chùm vào danh sách vũ khí mong muốn để gửi cho các đối tác phương Tây, nhưng trước đó, các yêu cầu trên đã vấp phải sự phản đối cả trong và ngoài Chính phủ Mỹ.

Tháng 3/2022, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết các loại vũ khí như bom chùm và bom chân không "không được phép xuất hiện trên chiến trường". Chính quyền Biden sau đó đã rút lại những nhận xét đó.

Quyết định về bom, đạn chùm chỉ là ví dụ mới nhất về việc chính quyền Biden đồng ý cung cấp cho Ukraine những vũ khí mà họ từng coi là vượt quá giới hạn vì sợ leo thang xung đột hoặc kích động phản ứng khó lường từ Moscow.

Washington đã cung cấp cho Kiev các hệ thống ngày càng mạnh mẽ, từ tên lửa Stinger vác vai, máy bay không người lái cho đến xe tăng chiến đấu Abrams và hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. Tổng thống Biden cũng đã dọn đường cho các đồng minh cung cấp máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất cho Ukraine, đồng thời xem xét khả năng cung cấp hệ thống tên lửa ATACMs. Hệ thống này là một "lằn ranh đỏ" với Moscow, bởi nó cho phép Ukraine bắn sâu vào lãnh thổ Nga nếu muốn.

3. Ukraine lần đầu tiên sở hữu nhiều xe tăng hơn Nga. 

Theo các số liệu thống kê mới nhất, số lượng xe tăng của Ukraine đã có lần đầu tiên vượt qua Nga.

Theo Bloomberg, trong ngày 6/7, Viện Kinh tế Thế giới Kiel cho biết, kể từ khi cuộc xung đột nổ ra, Ukraine đã nhận được tổng cộng 471 xe tăng từ phương Tây, cùng với 286 xe tăng đang trên đường vận chuyển. Như vậy, quân đội Ukraine hiện đang sở hữu khoảng 1.500 xe tăng các loại.

Trong khi đó, Nga được cho là đã tổn thất hơn 2.000 trong tổng số 3.417 xe tăng được sử dụng cho chiến dịch quân sự đặc biệt. Số liệu này đồng nghĩa với việc Ukraine lần đầu tiên có nhiều xe tăng hơn so với Nga, dù khác biệt không lớn.

Chuyên trang theo dõi quân sự Oryx cũng đưa ra báo cáo tương tự, khi cho rằng Nga đã mất tổng cộng 2.082 xe tăng kể từ tháng 2/2022. Về phía Ukraine, nước này đã mất 558 xe tăng, nhưng chiếm lại được 545 chiếc khác. Theo Oryx, trước khi xung đột nổ ra, Nga có số lượng xe tăng dự trữ gấp đôi Ukraine, nhưng hiện cán cân đã trở về thế cân bằng, thậm chí hơi nghiêng một chút về phía Kiev.

Tuy vậy, theo ông Yohann Michel - chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), dù Ukraine có số lượng xe tăng nhỉnh hơn đôi chút, nhưng nó không đem lại lợi thế nào trong cuộc phản công.

"Vấn đề của Ukraine là họ là bên phải tiến lên, và tấn công luôn khó hơn phòng thủ. Để vượt qua các phòng tuyến đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, Ukraine cần một số lượng khí tài vượt trội hơn hẳn đối thủ", ông Michel nói.

Theo Bloomberg, con số chính xác về số xe tăng bị tổn thất rất khó kiểm chứng từ cả hai phía. Tuy nhiên, Nga được biết là đã mất nhiều xe tăng chiến đấu chủ lực và sử dụng nhiều phương tiện quân sự cũ từ kho.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét