Thứ Năm, 6 tháng 7, 2023

Nga đang bẻ gãy năng lực chiến đấu của Ukraine

Nga đang bẻ gãy năng lực chiến đấu của Ukraine, biến phản công thành “tự sát”
Nga tiến hành đánh phủ đầu và giăng thế trận phòng ngự kỹ càng từ rất lâu. Trong khi đó, Ukraine cố gắng phản công khi gặp nhiều yếu tố bất lợi. Chính cựu sĩ quan tình báo quân sự Mỹ cũng thừa nhận, cuộc phản công đó không có cơ thành công.

1. Thất bại đã được dự báo trước

Chiến dịch phản công của Ukraine, khởi đầu vào ngày 4/6, đang bế tắc. Phía Nga ước lượng tổn thất của phía Ukraine trong đợt phản công này là hàng chục nghìn binh sĩ và hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp.Cựu sĩ quan tình báo thủy quân lục chiến Mỹ, Scott Ritter, đã nói với Sputnik rằng khối quân sự NATO biết trước cuộc phản công sẽ thất bại ngay từ đầu và giải thích lý nguyên nhân cho sự thất bại đó.

Giới hoạch định quân sự Kiev đã tung vào trận các làn sóng bộ binh, xe thiết giáp và xe tăng để đánh vào hệ thống phòng ngự vững chắc nhiều lớp của Nga, bao gồm hào bộ binh, mìn chống tăng và chống người, hệ thống bẫy răng rồng để cản bước xe tăng.

Bên cạnh đó, Nga còn giành ưu thế về pháo binh và không quân, vô hiệu hóa được năng lực tình báo của Ukraine (được NATO hỗ trợ).

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzya hôm 23/6 đã mô tả cuộc phản công đó là “tự sát”.

Cựu sĩ quan Mỹ Scott Ritter nói với Sputnik rằng cuộc phản công đó “không bao giờ có cơ hội thành công”.

Động cơ của phản công thiên về chính trị hơn quân sự

Ritter nhận định: “Cuộc phản công đó không có mục đích quân sự chính đáng, mà chỉ được thực hiện vì lý do chính trị”. Ông nhấn mạnh rằng NATO chỉ muốn làm tổn thương Nga bằng cách rót hàng chục tỷ USD vào Ukraine.

Theo Ritter, NATO thực ra không quan tâm đến bản thân Ukraine, mà chỉ muốn đạt mục tiêu chính trị là gây ra cảm giác về sự tiếp tục viện trợ. Nội dung này sẽ được NATO thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh của họ tại Vilnius (Litva) vào ngày 11/7 tới.

Liên quan đến yếu tố chính trị đằng sau chiến dịch phản công, ông Ritter đã liên hệ chiến sự Ukraine với việc NATO và Mỹ vào tháng 8/2021 đã chấp nhận rút quân khỏi Afghanistan - đây được coi là “thất bại lớn nhất của họ” trong giai đoạn hiện nay.

Ritter phân tích: Thất bại ở Afghanistan “đã khiến nhiều người ở châu Âu” xem xét lại mục đích của NATO và đặt nghi vấn đối với lý do cho sự tồn tại của tổ chức này.

Viên cựu sĩ quan tình báo của Mỹ nhận xét tiếp rằng, giới tinh hoa chính trị phụ thuộc vào các cơ cấu như NATO, Liên minh châu Âu và G7 sẽ tìm cách nắm giữ quyền lực và “tái định hướng” các sự kiện toàn cầu để ngăn ngừa sự tan rã hơn nữa của liên minh quân sự này, cố gắng bảo đảm nó tiếp tục mở rộng.

Phản công theo học thuyết NATO không tính đến sức mạnh đáng gờm của Nga

Ritter cho rằng cuộc phản công của Ukraine chưa hiệu quả không chỉ vì hệ thống phòng ngự kiên cố của Nga, mà còn vì Ukraine không có “các năng lực quân sự nhất định” để ngăn ngừa phòng không, pháo binh và lực lượng tác chiến điện tử của Nga.

Trên thực tế, để bẻ gãy cuộc phản công của Ukraine, Nga không chỉ dựa vào công sự vững chắc mà còn chủ động phản kích, phá rối và gây tổn thất cho chính lực lượng tiến công của Ukraine.Ritter giải thích thêm: Hiện Ukraine không có lực lượng không quân làm chủ bầu trời. Trước khi chiến dịch phản công của Ukraine diễn ra, Nga đã chủ động đảm bảo rằng họ đã gây tổn thất cho năng lực hệ thống phòng không của Ukraine tới mức độ Ukraine không thể sử dụng hệ thống này để bảo vệ hiệu quả các khu vực cần thiết trước máy bay Nga.Ukraine cũng không có đủ pháo binh để trấn áp pháo Nga và không đủ năng lực tác chiến điện tử để gây nhiễu cho hệ thống liên lạc của Nga, Ritter nói thêm.

Trong khi đó, thông tin cung cấp cho phía Ukraine được cho là không chính xác và chưa theo kịp tình hình mới. Ritter cho biết, phía Ukraine được thông báo rằng hệ thống chỉ huy của Nga không hiệu quả, các tướng lĩnh Nga thì uể oải, phản ứng chậm.

Vẫn lời của Ritter về thông tin mà Ukraine nhận được từ NATO: “Ưu thế pháo binh của Nga cũng không phải là vấn đề lớn. Ukraine có thể gây nhiễu liên lạc của Nga khiến họ không điều phối được lực lượng”.Ritter nhận xét, quân Ukraine bước vào trận với các thông tin thiếu chính xác như vậy sẽ chẳng khác nào đi tự sát.

Ritter dự báo, “tình hình sẽ ngày càng xấu đi cho phía Ukraine”. Ông nói: “Cuộc chiến này nếu càng kéo dài, áp lực lên Ukraine sẽ càng lớn, bao gồm việc họ phải tạo thêm các lực lượng chiến đấu mới”.

2. Nga sơn lại tàu chiến để đánh lừa phương tiện không người lái của Ukraine


Một nhà phân tích hải quân cho biết, các tàu chiến Nga đang được sơn sọc tối màu ở hai đầu để làm nó nhỏ hơn và khiến phương tiện không người lái Ukraine nhầm lẫn.Theo tờ Insider, nhà nghiên cứu hải quân HI Sutton đã phát hiện được lớp sơn mới của tàu khu trục Đô đốc Essen của Nga qua ảnh vệ tinh chụp ở cảng Sevastopol, Crưm ngày 22/6. Ảnh chụp những ngày sau đó cũng cho thấy 3 tàu chiến khác của Nga được sơn sọc tương tự. Ông Sutton nói, bốn tàu trên đều mang tên lửa hành trình Kalibr.

Ngày 29/6, trang web KCHF.ru chuyên chia sẻ tin tức về hạm đội Biển Đen của Nga đã đăng một bức ảnh về tàu quét mìn Ivan Golubets của Nga, trong ảnh, con tàu cũng được sơn các dải màu thẫm ở hai đầu. Trang này cho biết thêm, ảnh 4 con tàu Nga có kiểu sơn tương tự được chụp khoảng một tháng trước đó.

Sidharth Kaushal, nhà nghiên cứu về sức mạnh trên biển tại Viện Nghiên cứu Hoàng gia Anh về quốc phòng-an ninh (RUSI), có trụ sở ở London, Anh cho biết, nỗ lực ngụy trang của tàu Nga hoàn toàn phù hợp với những việc mà nước này sẽ làm để giảm thiểu mối đe dọa từ các tàu không người lái.

Ông Kaushal nói, việc tàu chiến Nga sơn các sọc sẫm màu sẽ khiến người điều khiển tàu không người lái (USV) bị đánh lừa. Các USV của Ukraine được điều kiển qua video, nó thường di chuyển với tốc độ cao, khiến cho người điều khiển ở xa chỉ có một khoảng thời gian ngắn để xác định mục tiêu.

"Trong trường hợp này, việc ngụy trang chủ yếu nhằm đảm bảo rằng ở khoảng cách xa, một cảm biến quang điện chất lượng thấp có thể không phân biệt được con tàu với hậu cảnh. Ngoài ra, con tàu trông cũng có vẻ nhỏ hơn nhờ lớp sơn sẫm mẫu", ông Kaushal nói. Theo cách này, sơn sẽ là một biện pháp giá rẻ để chống lại các phương tiện không người lái.

Đã từ lâu Ukraine sử dụng USV như một cách tiết kiệm chi phí và hiệu quả để quấy rối hạm đội Nga, đặc biệt là xung quanh khu vực Sevastopol, ông Kaushal nói.

3. Thiếu hụt pháo binh, Ukraine phải giảm nhịp cuộc phản công

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận cuộc phản công của Ukraine đang bị chậm lại do những khó khăn trên chiến trường và tình trạng thiếu hụt các đơn vị pháo binh. Đài Sputnik dẫn lời ông Zelensky trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Mỹ ngày 5/7 cho biết, việc thiếu hụt các đơn vị pháo binh khiến cho lực lượng vũ trang Ukraine khó có khả năng tấn công tất cả các mục tiêu dự định và điều này cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho cuộc phản công bị chậm lại

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng bày tỏ mong muốn Mỹ cung cấp cho nước này hệ thống tên lửa tầm xa ATACMS, đồng thời kêu gọi NATO đưa ra thông báo liên quan tới nguyện vọng của Ukraine gia nhập liên minh quân sự này.

Trước đó cùng ngày, truyền thông Mỹ đưa tin Washington có thể sẽ thông báo trong tuần này về việc liệu có cung cấp cho Ukraine bom chùm để hỗ trợ cuộc phản công hay không.

Ukraine đã phát động cuộc phản công từ đầu tháng 6 sau nhiều lần trì hoãn. Bộ Quốc phòng Nga nhiều lần nói rằng quân đội Ukraine đang cố gắng tiến công ở các hướng Nam Donetsk, Artemovsk và Zaporozhye, nhưng không thành công.

Hồi cuối tháng 6, Tổng thống Zelensky cũng từng thừa nhận cuộc phản công đang diễn ra “chậm hơn mong muốn” nhưng Kiev sẽ không bị áp lực phải tăng tốc trong bối cảnh quân đội của họ phải tiến qua các bãi mìn nguy hiểm.

Ukraine cho biết cuộc phản công của họ đến nay đã giành lại 8 ngôi làng, nhưng các lực lượng của Kiev vẫn chưa tiến đến các tuyến phòng thủ chính mà Nga đã có nhiều tháng để chuẩn bị.

Kiev được cho là đã bố trí 12 lữ đoàn với hàng nghìn quân mỗi lữ đoàn cho cuộc tấn công, hầu hết trong số đó vẫn chưa tham gia chiến đấu.

Trong khi đó, Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine, Tướng Valery Zaluzhny, đã nói với truyền thông phương Tây rằng Kiev sẽ không thể tiếp tục tiến hành một cuộc tấn công nếu không được viện trợ thêm đạn dược và máy bay từ NATO.

4. Báo Mỹ tiết lộ vai trò của CIA ở Ukraine

Trích dẫn các nguồn giấu tên trong chính phủ Mỹ, ngày 5/7, tờ Newsweek đưa tin Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã có người ở Ukraine và điều hành một mạng lưới cung cấp bí mật để giúp chính phủ Ukraine chống Nga.Phóng viên William Arkin viết trong một bài báo điều tra trên tờ Newsweek: “CIA là trung tâm của cuộc chiến ngay cả trước khi cuộc chiến này bắt đầu”.

Theo phóng viên Arkin và các nguồn tin, Giám đốc CIA William Burns đã có chuyến thăm Moskva vào tháng 1/2022 và mặc dù không thuyết phục được Nga không thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nhưng ông đã thuyết phục Điện Kremlin chấp nhận một số điều do Mỹ đưa ra.

Các điều này do Tổng thống Mỹ Joe Biden nêu ra, cụ thể là Mỹ và Ukraine sẽ không thực hiện hành động nào có thể đe dọa chính Nga hoặc sự tồn vong của nhà nước Nga. Đổi lại, Nga sẽ không leo thang cuộc chiến bên ngoài Ukraine hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Một quan chức tình báo quốc phòng cấp cao Mỹ giấu tên nói với tờ Newsweek rằng Mỹ phải thực thi những cam kết đó.

Phóng viên Arkin cho biết ông đã phỏng vấn hơn chục quan chức và chuyên gia tình báo Mỹ trong quá trình viết bài điều tra kéo dài ba tháng. Không có nguồn tin nào có tên cụ thể trong bài báo.

Các nguồn tin của phóng viên Arkin thừa nhận rằng CIA đang thực hiện một chiến dịch hỗ trợ Ukraine chủ yếu diễn ra tại Ba Lan, trong đó có một đội máy bay thương mại vận chuyển vũ khí và các thứ khác qua Trung và Đông Âu. Các đặc vụ CIA cũng ra vào Ukraine trong các nhiệm vụ bí mật, hỗ trợ vận hành các hệ thống và vũ khí mới, nhưng luôn cố gắng tránh đối đầu trực tiếp với binh sĩ Nga.

Một sĩ quan tình báo cấp cao khác nói rằng CIA có hoạt động bên trong Ukraine và đây là một phần trong nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm giữ cho người Mỹ tránh xa nguy hiểm và trấn an Nga rằng họ không cần phải leo thang.

Tuy nhiên, vấn đề dường như là Ukraine không tuân theo các điều mà Mỹ đặt ra. Tờ Newsweek cho rằng Ukraine đã phá đường ống khí đốt Nord Stream, thực hiện vụ đánh bom cầu Crimea và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các căn cứ không quân của Nga và Điện Kremlin.

Những cuộc tấn công này đã đặt ra câu hỏi về việc liệu CIA có nắm đủ thông tin về các kế hoạch của Ukraine để vừa có ảnh hưởng đến Ukraine vừa tuân thủ thỏa thuận bí mật với Nga hay không. Theo bài báo, CIA không nắm rõ ý định của cả Tổng thống Ukraine và Tổng thống Nga.

Tuy nhiên, ngay trước khi bài báo được đăng, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có tuyên bố trái ngược khi nói rằng nước này không có bí mật giấu CIA.

Theo đài RT, ông Zelensky đã đưa ra thông tin trên trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với kênh CNN được phát sóng vào ngày 3/7. Trong đó, ông bày tỏ ngạc nhiên khi cuộc gặp gần đây của ông với Giám đốc CIA William Burns đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông. Ông Zelensky nói: “Cần luôn luôn bí mật về quá trình trao đổi liên lạc của tôi với Giám đốc CIA. Chúng tôi thảo luận về những điều quan trọng như Ukraine cần gì và Ukraine sẵn sàng hành động như thế nào”.

Trong cuộc phỏng vấn, ông Zelensky cho biết Ukraine vẫn hợp tác chặt chẽ với CIA và nước này hầu như không có bí mật nào với CIA. Ông nói thêm rằng các cơ quan tình báo Ukraine vẫn duy trì liên lạc với CIA nhưng không nêu cụ thể tên các cơ quan đó.

Ông Zelensky giải thích: “Tình hình khá đơn giản. Chúng tôi có quan hệ tốt với Giám đốc CIA và chúng tôi đang trao đổi. Tôi đã nói với ông ấy về tất cả những điều quan trọng liên quan đến chiến trường mà chúng tôi cần”.

Truyền thông ở Mỹ đưa tin về chuyến thăm Ukraine gần đây nhất của ông Burns vào cuối tuần qua. Ngoài cuộc gặp Tổng thống Zelensky, ông Burns đã có các cuộc hội đàm với các quan chức tình báo Ukraine.

Một quan chức Mỹ giấu tên nói với CNN: “Giám đốc Burns gần đây đã tới Ukraine, như ông ấy đã thường xuyên tới kể từ khi Ukraine bắt đầu xung đột với Nga hơn một năm trước. Cũng như các chuyến đi khác, ông đã gặp các đối tác tình báo Ukraine và Tổng thống Zelensky, tái khẳng định cam kết của Mỹ về chia sẻ thông tin tình báo để giúp Ukraine chống Nga”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét