Thứ Tư, 19 tháng 7, 2023

Ukraine đứng trước bờ vực của thảm họa... hết dân

Ukraine đứng trước bờ vực của thảm họa... hết dân
Ukraine đối mặt với thảm họa nhân khẩu học. Cuộc xung đột với Nga đang làm trầm trọng thêm tình hình nhân khẩu học vốn đã nguy cấp của Ukraine, đang đẩy nước này đến bờ vực của một thảm họa. Đó là nhận định của chuyên gia khoa học chính trị về Ukraine, bà Jadwiga Rogoża, từng là cán bộ Đại sứ quán Ba Lan tại Nga, trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu phương Đông Ba Lan (OSW) mới đây.

Một binh sĩ Ukraine bị thương sau cuộc giao tranh ở khu vực Kharkiv ngày 12/9/2022. Ảnh: AP

Theo bà Rogoża, trong ba thập kỷ qua, dân số Ukraine đã chứng kiến sự suy giảm mạnh, do tỷ lệ sinh âm và động lực di cư cao. Năm 1989, Ukraine có khoảng 51,5 triệu dân, nhưng vào năm 2019, ước tính dân số của họ chỉ ở mức 37 triệu. Cuộc xung đột đang diễn ra dẫn đến một số lượng lớn (mặc dù chưa được tiết lộ) thương vong, chủ yếu là nam giới và thường dân, cũng như hàng triệu người tị nạn với triển vọng trở về quê hương không rõ ràng.

Cuộc xung đột cũng là xấu đi sức khỏe thể chất và tinh thần của người dân Ukraine và góp phần làm suy giảm thêm kế hoạch sinh đẻ của thế hệ trẻ do điều kiện sống không ổn định trong những năm tiếp theo.

Các dự báo về dân số Ukraine sau khi chiến sự kết thúc là khác nhau, nhưng tất cả chúng đều vô cùng bi quan, dao động từ 24 đến 35 triệu người và vào năm 2030, dân số của quốc gia này có thể là một trong những dân số già nhất ở châu Âu, đồng thời phải gánh thêm một tỷ lệ cao người bệnh, thương tật, mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) hoặc trầm cảm.

Như vậy, từ một quốc gia cách đây 30 năm vẫn được xếp vào hàng đầu châu Âu về dân số, Ukraine đang trở thành một quốc gia có nguy cơ bị chênh lệch nhân khẩu học, điều sẽ cản trở sự phát triển năng động và quá trình tái thiết sau xung đột.

Ba thập kỷ suy giảm dân số

Việc phân tích tình hình nhân khẩu học của Ukraine, đặc biệt là trong thập kỷ qua, bị cản trở do thiếu dữ liệu chính thức và đầy đủ về chủ đề này và sự khác biệt trong thông tin được công bố bởi các tổ chức khác nhau - cả Ukraine và quốc tế.

Trong hơn 30 năm qua, chỉ có một cuộc điều tra dân số được thực hiện - vào năm 2001. Theo đó, đất nước này có 48,5 triệu người (theo điều tra trước đó, được thực hiện vào năm 1989 là 51,5 triệu người). Cuộc điều tra dân số tiếp theo ban đầu được lên kế hoạch cho năm 2013, nhưng các chính phủ kế tiếp đã thay đổi kế hoạch (trong đó có lý do thâm hụt ngân sách), đầu tiên sang năm 2016, sau đó đến năm 2020 và tiếp đó là năm 2023 (hiện tại, việc tổ chức điều tra dân số bị ngăn cản bởi cuộc xung đột đang diễn ra).

Vào năm 2019, trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Volodymyr Zelensky, nhóm chính phủ đã thực hiện các ước tính điện tử (cái gọi là điều tra dân số Dubilet), với kết quả dân số Ukraine là 37,3 triệu người (không bao gồm Crimea và các khu vực không được kiểm soát ở Donetsk và Luhansk). Đổi lại, theo dữ liệu được công bố cùng lúc bởi Cơ quan Thống kê Nhà nước Ukraine (Derzhstat), số lượng người Ukraine (không bao gồm Crimea, nhưng bao gồm cả các tỉnh Donetsk và Luhansk) lên tới 41,9 triệu người.

Vào năm 2021, ngay cả trước giai đoạn xung đột nổ ra, tình hình nhân khẩu học của Ukraine nghiêm trọng đến mức Liên hợp quốc đã công nhận quốc gia này là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về tốc độ giảm dân số.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Nhà nước Ukraine, dân số Ukraine đã giảm kể từ năm 1990, do tỷ lệ sinh âm trong thời gian dài (tỷ lệ tử vong vượt xa tỷ lệ sinh sản) và quy mô di cư kinh tế khổng lồ. Năm 1995, tỷ lệ sinh tự nhiên là -5,8%, năm 2000: -7,6%, năm 2005: -7,6%, năm 2010: - 4,4%, năm 2015: -4,2% và năm 2019: -6,6%. Năm 2021, dân số giảm 442.000 người và đến tháng 1/2022, chỉ có 39 ca sinh trên 100 ca tử vong.

Trong nhiều năm, sự suy giảm dân số ngày càng trầm trọng do di cư kinh tế. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, người Ukraine chủ yếu đi làm ở Nga và sau năm 2010, chủ yếu đến Nga và Ba Lan, nơi có chính sách di cư tự do. 

Theo số liệu của Cơ quan Di trú Liên bang Nga, năm 2015, có khoảng 2,6 triệu công dân Ukraine làm việc trên lãnh thổ Nga. Trong những năm tiếp theo, tỷ lệ này đã thay đổi theo hướng sang Ba Lan và vào năm 2022, việc di cư lao động sang Nga đã chấm dứt.

Đổi lại, số lượng người di cư Ukraine đến các quốc gia thuộc EU, chủ yếu đến Ba Lan, đã tăng rõ rệt. Xu hướng này một mặt được thúc đẩy bởi cuộc xung đột với Nga và tình hình kinh tế đang xấu đi của Ukraine, mặt khác do điều kiện thuận lợi liên quan đến việc nhập cảnh vào các quốc gia thuộc khu vực Schengen (kể từ năm 2017 chế độ miễn thị thực được áp dụng).

Cuộc xung đột Nga - Ukraine năm 2022 đã đẩy nhanh quá trình giảm dân số ở quốc gia Đông Âu này. Do hậu quả của giao tranh, một số lượng đáng kể người Ukraine (đặc biệt là binh sĩ) đã thiệt mạng. Theo thông báo của chính quyền Ukraine, tính đến tháng 4 năm nay, hơn 10.000 người đã thiệt mạng và khoảng 13.000 người bị thương kể từ khi xung đột nổ ra. Thương vong quân sự không được tiết lộ, nhưng các nguồn tin tình báo quân đội Mỹ rò rỉ ước tính số binh sĩ Ukraine thiệt mạng là 15.500 - 17.500 và bị thương là 109.000 - 115.500. (tính đến tháng 2 năm nay).

Xung đột cũng gây ra làn sóng hàng triệu người di cư, tị nạn rời Ukraine và định cư chủ yếu ở các nước châu Âu. Theo UNHCR (Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn), trong những tháng đầu tiên của cuộc xung đột, 8,2 triệu người đã rời Ukraine và khoảng 8 triệu người phải di tản trong nước. Trong khi đó, dữ liệu của Eurostat (Cơ quan thống kê EU) chỉ ra rằng vào tháng 3 năm nay có 4 triệu người Ukraine được bảo vệ tạm thời tại các nước EU – số lượng lớn nhất ở Đức (1,03 triệu), Ba Lan (994.000) và CH Séc (448.000).

Ngoài suy giảm dân số do xung đột trực tiếp gây ra, nhiều yếu tố khác cũng có tác động tiêu cực đến tình hình nhân khẩu học một cách gián tiếp. Các nhà nhân khẩu học cho biết thấy tỷ lệ tử vong ngày càng gia tăng và sức khỏe của người dân Ukraine ngày càng suy giảm.

Đây là hệ quả của điều kiện sống ngày càng khó khăn - cảm giác bị đe dọa thường xuyên và căng thẳng do nguy cơ mất nhà cửa, mất việc làm hoặc thu nhập, khó khăn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trong khi cơ sở hạ tầng năng lượng bị hư hại do giao tranh, khó tiếp cận với chăm sóc sức khỏe và thuốc men, khó tiếp cận với thực phẩm chất lượng tốt. Ngoài tổn hại về sức khỏe, những yếu tố trên còn hạn chế kế hoạch sinh sản của thế hệ trẻ.

Xung đột cũng có tác động với tình trạng tinh thần của công dân - dẫn đến nguy cơ rối loạn, chẳng hạn như trầm cảm hoặc PTSD (rối loạn sang chấn), đồng thời làm tăng xu hướng tiếp cận với các chất kích thích thần kinh và dễ mắc các chứng nghiện khác. Năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng số người có nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở Ukraine sẽ lên tới 10 triệu người.

Người đứng đầu Viện Nghiên cứu Xã hội và Nhân khẩu học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Ukraine, Ella Libanova, dự báo quy mô dân số nước này trong thập kỷ tới có thể dao động từ 24 triệu đến 32 triệu người. Vào năm 2030, cư dân Ukraine sẽ nằm trong số những người già nhất ở châu Âu. 

Trong khi đó, nghiên cứu do Hội đồng EU tài trợ dự báo dân số Ukraine sẽ giảm 24-33% (tùy thuộc vào thời gian xung đột kéo dài). Vào năm 2021, ngay cả trước khi xung đột nổ ra, Liên hợp quốc đã dự báo rằng vào năm 2050, dân số Ukraine sẽ giảm xuống còn 35 triệu người.

Tóm lại, chuyên gia Rogoża kết luận, cuộc xung đột đang làm trầm trọng thêm các vấn đề nhân khẩu học mà Ukraine đã phải đối mặt trong suốt ba thập kỷ qua. Ukraine, vào năm 1991, được xếp hạng thứ 22 trên thế giới về dân số, đã tụt xuống vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng này và có thể sớm chuyển sang nhóm các quốc gia đang phải vật lộn với tình trạng thiếu dân số ở quy mô lớn, cản trở quá trình tái thiết và phát triển kinh tế, xã hội.

Tuy nhiên trong những thời khắc khó khăn, khủng hoảng của lịch sử, người Ukraine thường thể hiện khả năng phục hồi, tự chủ và khả năng thay đổi một cách đáng ngạc nhiên. Chúng ta hãy chờ xem.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét