Thứ Năm, 12 tháng 9, 2019

Đừng thờ ơ với sự sống của chúng ta!

Đừng thờ ơ với sự sống của chúng ta!
MỸ DỊU, 09 Tháng 9 2019 - Đáng buồn hơn, trong khi chúng ta chưa xử lý tốt lượng rác mình thải ra môi trường thì lại phải đối mặt với một lượng lớn rác từ các quốc gia khác đổ về qua con đường nhập khẩu. Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á nhập khẩu rác số lượng lớn. Con số này từng lên đến hơn 100.000 tấn rác mỗi tháng (năm 2017). Rác nhập vào Việt Nam chủ yếu đến từ các nước phát triển, đứng đầu là Nhật Bản, tiếp đó là Mỹ, Đức, Anh,… Điều đáng nói là, với thực trạng quản lý rác thải nhập khẩu lỏng lẻo, không đúng quy trình; công nghệ xử lý chất thải còn lạc hậu như hiện nay, nếu chúng ta không có biện pháp mạnh thì sẽ sớm biến mình trở thành “bãi rác” cho các nước phát triển. Điều này sẽ tác động rất xấu đến môi trường, sức khỏe của người dân và trở thành một gánh nặng trong quá trình phát triển. 

Rác tại xã Chí Công, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, ảnh của Nhiếp ảnh gia Hùng Lekimangười đã đi gần 7.000km trong đó có 3.260km bờ biển từ Bắc vào Nam để chụp ảnh rác. Nguồn ảnh News.Zing.vn

Thời gian qua, chúng ta liên tục chứng kiến những hiện tượng thời tiết bất thường, thiên tai xảy ra trên phạm vi cả nước cũng như toàn cầu. Nắng nóng kéo dài tại các tỉnh miền Trung; mưa, lũ ở Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng) và các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Sơn La,… khiến nhiều người chết, hàng nghìn nhà dân bị cô lập; Đảo ngọc Phú Quốc chìm trong nước, trâu bò, nhà cửa bị cuốn trôi… 

Không chỉ ở Việt Nam, khắp nơi trên thế giới đều đang phải đối mặt với vô vàn diễn biến khó lường của thời tiết. Tại Nhật Bản, chỉ trong một tuần đã có 57 người chết và khoảng 18.000 người phải nhập viện vì các vấn đề sức khỏe do nhiệt độ tăng cao xảy ra cuối tháng 7/2019. Ấn Độ cũng trải qua đợt nắng nóng kéo dài nhất trong mấy thập kỷ khiến ít nhất 36 người thiệt mạng trong tháng 5/2019. Các nước châu Âu như Hà Lan, Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha,… đối mặt với cái nóng khủng khiếp lên tới trên 40 độ C. Bão Barry đổ bộ (7/2019) biến nhiều tuyến đường “thành sông” ở Mỹ,… Tất cả những diễn biến đó có lẽ đã đủ để gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho chúng ta về mức độ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu; về những hệ lụy mà con người đã gây ra cho môi trường.

Theo Báo cáo về chỉ số rủi ro khí hậu dài hạn 2019 của tổ chức Germanwatch, Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Những kịch bản được đưa ra về hậu quả đối với Việt Nam khi nhiệt độ trái đất tăng và mực nước biển dâng cao là hết sức nặng nề. Dù gần đây, chính quyền đã có nhiều chủ trương, hành động hướng đến phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu song nhìn chung chưa thực sự tạo được chuyển biến trong nhận thức của đại bộ phận dân chúng, thậm chí cả một bộ phận không nhỏ cán bộ, người có chức trách. Trên lãnh thổ Việt Nam, chúng ta vẫn phải chứng kiến những cánh rừng bị chặt phá, khai thác không thương tiếc; những dòng sông đen ngòm bởi rác thải, chất thải từ các nhà máy và các dự án bất chấp cảnh quan, môi trường vẫn được phê duyệt…

Đặc biệt, vấn đề rác thải đang là một câu chuyện nhức nhối tại Việt Nam. Thói quen xả rác bừa bãi, không quan tâm tác động tới môi trường vẫn diễn ra rất phổ biến. Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, mức tiêu thụ nhựa trung bình của mỗi người Việt hiện nay là 41kg/người/năm. Con số này dự tính sẽ tăng lên 45kg/người/năm vào năm 2020. Trong khi xu thế chung trên thế giới là giảm một cách tối đa việc sử dụng đồ nhựa thì chúng ta vẫn khá thản nhiên sử dụng, thậm chí nhiều nơi rất lạm dụng túi nilon, cốc/hộp nhựa. Việc chuyển sang dùng những vật liệu thân thiện với môi trường, thay đổi chế độ ăn để bảo vệ hệ sinh thái, v.v… dường như vẫn còn là câu chuyện xa lạ đối với nhiều người. 

Đáng buồn hơn, trong khi chúng ta chưa xử lý tốt lượng rác mình thải ra môi trường thì lại phải đối mặt với một lượng lớn rác từ các quốc gia khác đổ về qua con đường nhập khẩu. Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á nhập khẩu rác số lượng lớn. Con số này từng lên đến hơn 100.000 tấn rác mỗi tháng (năm 2017). Sau khi chính quyền có những động thái thắt chặt việc nhập khẩu thì số lượng đã giảm xuống chỉ còn khoảng hàng chục nghìn tấn mỗi tháng. Rác nhập vào Việt Nam chủ yếu đến từ các nước phát triển, đứng đầu là Nhật Bản, tiếp đó là Mỹ, Đức, Anh,… Điều đáng nói là, với thực trạng quản lý rác thải nhập khẩu lỏng lẻo, không đúng quy trình; công nghệ xử lý chất thải còn lạc hậu như hiện nay, nếu chúng ta không có biện pháp mạnh thì sẽ sớm biến mình trở thành “bãi rác” cho các nước phát triển. Điều này sẽ tác động rất xấu đến môi trường, sức khỏe của người dân và trở thành một gánh nặng trong quá trình phát triển. 

Gần đây, nhiều quốc gia đã nhìn nhận ra vấn đề và có hành động mạnh mẽ để thay đổi. Cụ thể, Trung Quốc vốn là một quốc gia nhập khẩu rác thải nhựa hàng đầu thế giới nhưng năm 2018 nước này đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu để bảo vệ môi trường. Câu chuyện rác thải thậm chí đã trở thành vấn đề căng thẳng trong Ngoại giao giữa Philippines và Canada khi hàng tấn rác gắn nhãn nhựa tái chế song lại chứa đầy rác thải sinh hoạt (tã trẻ em, đồ điện tử, túi nhựa,…) của Canada được đưa vào Philippines từ năm 2013. Tháng 4/2019, Tổng thống Rodrigo Duterte kiên quyết gửi trả 69 container rác này lại cho Canada và đến tháng 6/2019 thì những container này đã cập cảng Canada. Tháng 5/2019, Malaysia cũng tuyên bố trả 5 container rác nhựa nhập lậu cho Tây Ban Nha và điều tra những kẻ nhập lậu. Ông Yeo Bee Yin - Bộ trưởng Môi trường nước này khẳng định "Các nước phát triển phải chịu trách nhiệm với những thứ họ đã xả ra". Đó là bài học cho Việt Nam. Chúng ta vừa phải vận động người dân giảm thiểu sử dụng các sản phẩm, đồ dùng nhựa; gia tăng ý thức bảo vệ môi trường vừa phải kiên quyết ngăn chặn những hành động nhập lậu rác thải, siết chặt việc nhập khẩu để đảm bảo mình không trở thành bãi phế liệu cho các nước phát triển. Mỗi công dân cần nhận thức và lên tiếng trước những hành vi sai phạm để bảo vệ, trước hết, cho sự sống của chính chúng ta. Im lặng đồng nghĩa với việc chúng ta đã tiếp tay cho họ đầu độc, phá hủy môi trường, cuộc sống của mình và của con em mình trong tương lai.

Biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là những vấn đề mang tính toàn cầu. Không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự mình giải quyết. Những tác động xảy ra với môi trường không chỉ ảnh hưởng tới một nước cụ thể hay một lĩnh vực cụ thể. Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ tác động đến đời sống toàn cầu; làm ảnh hưởng sâu sắc đến quá trình phát triển, vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực, đói nghèo,… và cả mối quan hệ chính trị - ngoại giao giữa các quốc gia trên thế giới. Vì thế, những hành động như tống khứ rác thải ra khỏi đất nước mình và đổ sang những nước nghèo chỉ là tư duy trước mắt và thiếu trách nhiệm với môi trường chung. Đó không phải cách giải quyết vấn đề mang tính toàn cầu. Các quốc gia cần ngồi lại với nhau để bàn bạc và đưa ra những phương án hợp tác, giải quyết khả thi nhất cho môi trường sống chung của chúng ta.

Là một nước phải gánh chịu những tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu, Việt Nam không chỉ cần tích cực tham gia vào các diễn đàn, tổ chức, chương trình hợp tác, công ước… về biến đổi khí hậu và ứng phó với biến đổi khí hậu trong khu vực và trên thế giới mà còn phải triển khai mạnh mẽ hơn nữa các chủ trương, chính sách bảo vệ môi trường gắn với quá trình phát triển trong nước. Chúng ta cần truyền thông và phổ biến rộng rãi hơn về vấn đề này để thay đổi nhận thức, tư duy của mỗi công dân. Thật mừng khi vừa qua, đã xuất hiện nhiều hành động bảo vệ môi trường, như: một học sinh đề xuất không thả bóng bay trong lễ khai giảng vì lí do môi trường; nhiều trường học phổ biến không bọc sách, vở bằng bao nilon; triển lãm ảnh về rác của một nhiếp ảnh gia; những chiến dịch không sử dụng ống hút nhựa, túi nilon của thanh niên,... Đó là những tín hiệu tốt và cần được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong xã hội, đặc biệt tới những người có chức trách.

Đã đến lúc chúng ta cần giáo dục nhiều hơn về ý thức bảo vệ môi trường, cần nhiều biện pháp mạnh tay hơn trong xử lý hành vi gây ô nhiễm môi trường và kiên quyết nói không với tất cả những dự án, công trình, hoạt động gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống và sức khỏe người dân. Đã đến lúc chúng ta không thể thờ ơ với những biến đổi bất thường của khí hậu bởi thờ ơ đồng nghĩa với coi thường sự sống của chính mình và của thế hệ tương lai!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét